Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại sau khi lãi suất liên tục giảm sâu
1. Vĩ mô Quốc tế
Trung Quốc điều tra chống trợ giá glycol ether nhập từ Mỹ
Ngày 14/9, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra chống trợ giá đối với một số hóa chất glycol ether nhập khẩu từ Mỹ.
Glycol ether là một hóa chất được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất dầu phanh ôtô và các sản phẩm khử đóng băng cho nhiên liệu máy bay. Phía Mỹ chưa đưa ra bất cứ bình luận nào trước thông tin trên.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây gia tăng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề thương mại. Hai bên liên tục mở các cuộc điều tra đối với các sản phẩm nhập khẩu của hai nước.
Mới đây nhất ngày 21/8, Mỹ đã điều tra cáo buộc Trung Quốc trợ giá cho các nhà sản xuất khung gầm container và linh kiện lắp ráp đi kèm để bán phá giá vào thị trường Mỹ.
SoftBank bán công ty chip Arm cho Nvidia với giá 40 tỷ USD
Nvidia đã đạt được thỏa thuận mua lại mảng chip Arm của tập đoàn SoftBank với giá 40 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của ngành chip sẽ trao cho Nvidia quyền kiểm soát một số công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất trong các thiết bị điện tử. Chip sử dụng công nghệ của Arm được sử dụng trong gần như mọi thứ, từ các thiết bị trong nhà máy đến đồ điện tử gia dụng.
Để hoàn tất, thương vụ sẽ cần phải được cơ quan quản lý thông qua – quá trình có thể kéo dài đến 18 tháng và cũng cần phải được sự đồng ý của chính phủ Anh, Trung Quốc, EU và Mỹ.
Alibaba dự định đầu tư 3 tỷ USD vào Grab
Theo nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, Alibaba đang đàm phán để đầu tư 3 tỷ USD vào startup gọi xe Đông Nam Á Grab. Thỏa thuận này có thể sẽ trở thành thương vụ đặt cược lớn nhất của Alibaba vào thị trường Đông Nam Á kể từ khoản đầu tư đầu tiên vào Lazada vào năm 2016.
Trước đây, Alibaba đã có những bước đi còn hạn chế trong các khoản đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ gọi xe, nhưng thương vụ tiềm năng với Grab sẽ cho phép họ tiếp cận dữ liệu của hàng triệu người dùng ở 8 quốc gia, đội ngũ giao hàng đang phát triển cũng như cổ phần trong dịch vụ tài chính và ví kỹ thuật số.
2. Vĩ mô Việt Nam
Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục 13,5 tỷ USD, thặng dư gấp gần 2,5 lần cùng kỳ
Theo dữ liệu Tổng cục Hải quan công bố chiều 14/9, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).
Trong đó, về xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục đứng đầu. Về nhập khẩu, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất.
Mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may bị “đè bẹp” vì thiếu đơn hàng
Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu của toàn ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.
Như mọi năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau, nhưng năm nay, phần lớn doanh nghiệp dệt may chỉ nhận được đơn hàng từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn mới nhận khoảng 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái. Mục tiêu xuất khẩu có thể không đạt được.
Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may nên tập trung khai thác thị trường nội địa để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây nên trong nửa đầu năm 2020.
Điện không dùng cho mục đích sinh hoạt: Đề xuất 2 phương án giá bán lẻ
Liên quan đến việc điều chỉnh biểu giá điện bán lẻ, Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng không dùng điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các khách hàng sử dụng điện.
Cụ thể, theo phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm riêng: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh sẽ áp biểu giá điện như hiện hành. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ logistic sẽ áp dụng giá điện sản xuất. Với phương án 2: Sẽ gộp các nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.
Ưu điểm của phương án 2 là không còn chênh lệch giữa giá điện sản xuất, giá điện cho kinh doanh và hành chính sự nghiệp. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là trong ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành sản xuất.
Bình Ðịnh đề xuất hơn 7.500 tỷ đồng làm đường ven biển
Ngày 13/9, UBND tỉnh Bình Định vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc xin hỗ trợ kinh phí thực hiện hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dự án đường ven biển đi qua tỉnh, có chiều dài khoảng 117,96 km.
Theo đó, Bình Định đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách T.Ư hoặc vốn đầu tư nước ngoài 7.593 tỷ đồng để hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dự án đường ven biển đi qua tỉnh này trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ 4 đoạn tuyến đã triển khai thi công là 1.970 tỷ đồng và triển khai xây dựng 5 đoạn tuyến còn lại là 5.623 tỷ đồng.
3. Các kênh đầu tư
Tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại sau khi lãi suất liên tục giảm sâu
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu thống kê về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tiền gửi tại các TCTD có dấu hiệu chậm lại, chỉ tăng thêm hơn 9.300 tỷ đồng trong tháng 7, tương đương tăng 0,1%. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tiền gửi vào ngân hàng bình quân tăng gần 70.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Việc tiền gửi vào ngân hàng tăng chậm lại có thể là kết quả của việc lãi suất huy động liên tiếp giảm trong những tháng gần đây. Hiện ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động chỉ phổ biến từ 2,85-4%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trần quy định của NHNN (4,75%/năm).
Mặc dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng lũy kế 7 tháng vẫn tăng trưởng cao hơn tín dụng. Theo NHNN, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 7 đạt hơn 8,52 triệu tỷ đồng, tăng 4,05% so với đầu năm (trong khi tăng trưởng tiền gửi đạt 4,85%).
Các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm mạnh lãi suất huy động nhằm đảo bảo biên lợi nhuận, khi tiền gửi của khách hàng các tháng đầu năm tăng mạnh trong khi tín dụng đầu ra lại tăng rất chậm. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải cơ cấu lại nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.