Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/10/2020
1. Vĩ mô thế giới
• Vốn hóa TTCK Trung Quốc chính thức cán mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2015
– Theo Bloomberg, vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã cán mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2015, khi đà lao dốc kỷ lục xóa sổ 1 nửa vốn hóa trong nhiều tháng và khiến hàng triệu nhà đầu tư điêu đứng.
– Thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận thêm 3,3 nghìn tỷ USD vốn hóa kể từ mức thấp vào tháng 3, nhờ các chính sách của Bắc Kinh nhằm khuyến khích đầu tư cổ phiếu, hàng loạt thương vụ niêm yết mới và đồng CNY mạnh lên. Thị trường nước này đã tiến đến mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 7, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đưa ra những biện pháp nhằm kìm hãm tình trạng đầu cơ đã đẩy 1 chỉ số lớn gần chạm mức đỉnh 12 năm.
• Trung Quốc: Kế hoạch IPO của Ant Group huy động gần 9 tỷ USD
– Năm quỹ đầu tư mới của Trung Quốc, được thành lập để phục vụ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới của tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group, đã huy động được tổng cộng 60 tỷ nhân dân tệ (8,93 tỷ USD) từ hơn 10 triệu nhà đầu tư bán lẻ sau khi toàn bộ số cổ phiếu được bán hết chỉ trong vài ngày. Trong thời gian đăng ký mua cổ phiếu, trung bình mỗi giây có tám nhà đầu tư đặt mua cổ phiếu của Ant Group.
– Điều này cho thấy các nhà đầu tư bán lẻ vẫn rất hào hứng đối với đợt IPO sắp tới của Ant Group, bất chấp nguy cơ Mỹ sẽ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với “gã khổng lồ” công nghệ tài chính này của Trung Quốc. Kết quả trên cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng từ hoạt động tiếp thị của nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của Ant Group. Tập đoàn công nghệ tài chính này có mối liên kết chặt chẽ về sở hữu với tỷ phú Jack Ma và tập đoàn Alibaba của Trung Quốc.
– Ant Group đặt mục tiêu huy động khoảng 35 tỷ USD trong một đợt IPO kép tại thị trường Hong Kong và Thượng Hải, dự kiến diễn ra trong tháng 10 này. Đây có thể trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới.
• EU sắp được WTO chấp thuận áp thuế trừng phạt Mỹ
– Một năm sau khi trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) vì viện trợ cho nhà sản xuất máy bay Airbus, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến sẽ cho phép khối này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mỹ với lý do tương tự dành cho Boeing. Theo hãng tin Bloomberg, EU dự kiến sẽ được WTO chấp thuận để áp đặt các biện pháp thuế quan lên khoảng 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Đây là diễn biến mới nhất trong câu chuyện gây tranh cãi đã kéo dài 16 năm giữa Washington và Brussels về vấn đề hỗ trợ các nhà sản xuất máy bay của mỗi bên.
– EU lập sẵn một danh sách các sản phẩm của Mỹ mà họ có thể áp thuế, từ tương cà cho đến phụ tùng ôtô. Một khi được WTO thông qua, EU có thể áp đặt thuế quan từ ngày 27/10, một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
2. Vĩ mô Việt Nam
• Hết tháng 9, hơn 4,717 tỷ đồng vốn ODA được các bộ đề nghị cắt giảm
– Tại hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức, Cục trường – Ông Trương Hùng Long cho biết thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đạt hơn 4.315 tỷ đồng, tăng 558,659 tỷ đồng so với tháng trước. Ngoài ra, ngành cũng đã tập trung giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn… trị giá 2.671 tỷ đồng trong 9 tháng vừa qua.
– Đặc biệt, Bộ Tài chính ghi nhận 10 trong số 12 bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân năm nay, sau khi điều chỉnh giảm kế hoạch vốn (trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội). Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành đạt hơn 4.717 tỷ đồng.
• Sẽ xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư cho một dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam
– Theo đại diện Ban quản lý dự án 6, sau 10 ngày gia hạn thêm nhưng đến thời hạn đóng thầu, dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu và dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn có 01 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
– Theo đó, liên danh nhà đầu tư tham gia dự án thành phần này gồm Công ty cổ phần FECON, Công ty cổ phần Licogi16, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng – thương mại – dịch vụ Điền Phước và Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng FCC.
– Như vậy, trong tổng số 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (gồm các đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo); 1 dự án thành phần (đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
– Đối với đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, theo đại diện Bộ GTVT, căn cứ quy định của luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28.2.2020 của Chính phủ, Bộ GTVT quyết định hủy thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đối hình thức đầu tư.
• Ngân sách Nhà nước chi gần 18,000 tỷ đồng phòng chống COVID-19
– Trong báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 9/2020 và quý III/2020, kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 10/2020 và quý IV/2020 mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến ngày 24/9/2020, Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 17,49 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, 4,92 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch; 12,57 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch.
– Trong chiều ngược lại, luỹ kế thực hiện 9 tháng thu Ngân sách Nhà nước đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019 (ngân sách trung ương ước đạt 60,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 69,8% dự toán). Trong đó đáng chú ý thu ngân sách từ dầu mỏ trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 27,5 nghìn tỷ đồng – giảm 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái.