Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Đàm phán về gói cứu trợ mới cho kinh tế Mỹ vẫn “giậm chân tại chỗ“
1. Vĩ mô quốc tế
Số lao động Mỹ xin trợ cấp lần đầu đã giảm dưới 1 triệu mỗi tuần
Ngày 13/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần kết thúc ngày 8/8, nền kinh tế đầu tàu thế giới ghi nhận thêm 963.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 228.000 so với tuần trước đó. Kết quả này chấm dứt chuỗi 20 tuần liên tiếp người nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu vượt 1 triệu người mỗi tuần.
Mặc dù đây được xem là tín hiệu tích cực, song vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa thị trường lao động Mỹ trở lại bình thường. Tổng số lao động tiếp tục hưởng trợ cấp trong tuần kết thúc vào ngày 1/8 đã giảm xuống còn 15,5 triệu người, giảm 604.000 người so với một tuần trước song vẫn cao hơn mức tiền đại dịch.
Mỹ tuyên bố ngừng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của EU
Ngày 12/8, Mỹ cho biết sẽ không áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD, liên quan đến những tranh cãi lâu nay về việc Washington cho rằng EU đã trợ cấp cho Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus.
Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong những ngày tới.
Ngày 12/8, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong những ngày tới, trong đó Bắc Kinh có khả năng nêu các vấn đề liên quan tới ứng dụng chia sẻ video TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat.
Thông tin trên xuất hiện một ngày sau khi Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho hay thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn đi đúng hướng, bất chấp những căng thẳng gần đây giữa hai nước liên quan đến Hong Kong (Trung Quốc), cách xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, an ninh dữ liệu và thuế quan thương mại. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc sở hữu các ứng dụng TikTok và WeChat.
Đàm phán về gói cứu trợ mới cho kinh tế Mỹ vẫn “giậm chân tại chỗ“
Các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và các quan chức Nhà Trắng ngày 12/8 chưa thể thu hẹp được những bất đồng liên quan đến gói chi tiêu khẩn cấp mới cho nền kinh tế, khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đổ lỗi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về sự thất bại của các cuộc đàm phán.
Ông Mnuchin cho biết ông đã nói chuyện với bà Pelosi qua điện thoại, song vị Chủ tịch Hạ viện không sẵn sàng thay đổi quan điểm trừ khi Nhà Trắng đồng ý chi ít nhất 2.000 tỷ USD như một phần của gói cứu trợ mới – một con số bị phía đảng Cộng hòa bác bỏ.
Foxconn là một trong các đối tác của Apple đang tích cực mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc nhất, đặc biệt là tại Việt Nam và Ấn Độ
Trung Quốc sẽ không còn là trung tâm sản xuất của thế giới trong tương lai nữa – đó là lời nhận xét của Foxconn, đối tác có quy mô lớn nhất chuỗi cung ứng của Apple, khi nói về việc họ đang mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra.
Báo cáo từ Bloomberg cho biết, công suất sản xuất ngoài Trung Quốc của Foxconn hiện đạt 30% tổng công suất của họ, gia tăng so với con số 25% của tháng Sáu năm ngoái. Foxconn là một trong các nhà cung cấp của Apple hiện đang mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Ấn Độ và Việt Nam.
Việt Nam có thể là quốc gia đang phát triển phục hồi sớm nhất, nhưng Đức mới là cường quốc “vững như bàn thạch” giữa Covid-19
Những quốc gia nào có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh này? Bất chấp sự thống trị về công nghệ, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang phải gánh quá nhiều nợ và chính phủ của họ đã bị chỉ trích rộng rãi vì đã xử lý đại dịch không đúng cách.
“Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn, một điểm mạnh về xuất khẩu mới nổi, với chính phủ đã ngăn chặn được Covid-19 trong từng đường đi nước bước” – New York Times nhận định. “Nga cũng đang có tiềm năng, vì Tổng thống Vladimir Putin đã nỗ lực trong nhiều năm để nước Nga không chịu áp lực tài chính nước ngoài, cơ chế phòng thủ sẽ ngày càng hiệu quả trong một thế giới phi toàn cầu hóa”.
Nhưng người chiến thắng lớn nhiều khả năng sẽ là Đức. Phản ứng của họ đối với đại dịch đã làm nổi bật những điểm mạnh sẵn có: chnh phủ hiệu quả, nợ thấp, xuất sắc bảo vệ hàng xuất khẩu của mình ngay cả khi thương mại toàn cầu giảm và năng lực tạo ra các công ty công nghệ trong nước ngày càng tăng, bất chấp căng thẳng Mỹ – Trung.
2. Vĩ mô trong nước
Sản lượng cá tra giảm mạnh do chịu tác động kép
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 6/2020, diện tích thả nuôi cá tra của cả nước ước đạt 4.530 ha (bằng 95,7% so với cùng kỳ 2019). Diện tích thu hoạch là 1.536 ha (bằng 78% so với cùng kỳ 2019).
Sản lượng cá tra đến hết tháng 6/2020 ước đạt 587,3 nghìn tấn, bằng 86,5% so với cùng kỳ, đạt 36% kế hoạch năm 2020. Trong đó, diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tập trung ở 5 tỉnh trọng điểm là: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long.
Sản lượng cá tra đến hết tháng 6/2020 ước đạt 587,3 nghìn tấn, bằng 86,5% so với cùng kỳ, đạt 36% kế hoạch năm 2020. Trong đó, diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tập trung ở 5 tỉnh trọng điểm là: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long.
Dự báo trong thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay do tác động từ biến động của thị trường thế giới. Cho tới thời điểm này, COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước.