Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: SCIC thoái toàn bộ vốn tại FPT, giá khởi điểm hơn 2.200 tỷ đồng
1. Tin vĩ mô quốc tế và các tin ngắn đáng chú ý
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong quý 2/2020
Theo kết quả khảo sát vừa công bố của hãng tin AFP, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong quý 2/2020, sau khi đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm lần đầu tiên trong hàng thập kỷ qua trong quý 1 năm nay.
Cuộc khảo sát do AFP thực hiện với các nhà phân tích đến từ 11 viện nghiên cứu cho thấy, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 1,3% trong quý 2/2020.
Tuy kém xa mức tăng trưởng 6,1% ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019, nhưng kết quả này tốt hơn nhiều so với nước khác hiện vẫn đang vật lộn với suy thoái.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát trên nhận định rằng Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm nay.
Hệ thống tài chính Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang có màn biểu diễn vượt trội hơn hẳn so với các thị trường mới nổi khác trên toàn cầu kể từ đầu năm 2020 tới nay, dần lấp đầy khoảng cách đã tồn tại nhiều thập kỷ.
Đáng chú ý, tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn thường tụt lùi so với các thị trường khác trên toàn cầu cho tới nay.
Chứng khoán Đại lục đã có bước tăng mạnh mẽ trong tuần vừa qua và chưa có dấu hiệu đảo chiều với tốc độ tăng mạnh bậc nhất trong lịch sử. Chỉ số CSI 300 theo dõi nhóm cổ phiếu niêm yết tại cả sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến đã tăng hơn 14% kể từ đầu năm tới nay, trở thành một trong những chỉ số có màn biểu diễn tích cực nhất trên thế giới.
Một thị trường khác được xem là thước đo cho sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc – thị trường kim loại/nguyên vật liệu công nghiệp cũng có những diễn biến khả quan. Chỉ số nguyên vật liệu công nghiệp được Bloomberg theo dõi đã tăng khoảng 20% kể từ tháng 4 tới nay, mà đóng góp chính là đà tăng hơn 30% của quặng sắt tại sàn Dalian (Trung Quốc).
Gỗ bất ngờ trở thành mặt hàng nóng nhất tại Mỹ
Giá gỗ xẻ tương lai tại Mỹ đã tăng hơn 80% trong vòng hơn ba tháng qua, khi nhu cầu của các công ty xây dựng nhà tăng mạnh, bù đắp cho thời gian ngừng hoạt động do lệnh phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19.
Giá các sản phẩm gỗ như gỗ xẻ và gỗ dán (ván ép) đã tăng vọt trong những tháng qua nhờ nhu cầu bùng nổ của các công ty xây dựng nhà, sau khi họ phải tạm dừng hoạt động do lệnh phong tỏa và cuộc chạy đua lắp đặt chỗ ngồi ở không gian bên ngoài của các nhà hàng, quán bar để bảo đảm quy định giãn cách xã hội.
Giá gỗ xẻ tương lai ở Mỹ đã tăng hơn 80% kể từ ngày 1-4. Các hợp đồng gỗ xẻ giao tháng 7 kết thúc phiên giao dịch hôm 8-7 với mức giá 485 đô la Mỹ/1.000 broad foot (tương đương 2,36 m³), trong khi đó, các hợp đồng gỗ xẻ giao tháng 9 là 469,4 đô la/1.000 broad foot.
Cả hai mức giá này thậm chí còn cao hơn mức giá trước khi đại dịch ập đến. Thị trường xây dựng nhà ở Mỹ đang giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2006. Giá gỗ xẻ tương lai ở Mỹ hiếm khi giao dịch trên mức 450 đô la/1.000 broad foot.
Giá thịt heo tại Trung Quốc lại tăng mạnh
Người tiêu dùng Trung Quốc đang đối mặt với đợt tăng giá thịt mới sau khi Bắc Kinh tạm dừng nhập khẩu từ một loạt nhà máy chế biến thịt ở nước ngoài, vì lo ngại các ổ bùng phát dịch Covid-19 ở các nhà máy này có thể gây rủi ro lây lan dịch bệnh đến Trung Quốc, qua các container thịt đông lạnh nhập khẩu.
Các quan chức hải quan của nước này đang tăng cường kiểm dịch thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, dẫn đến tình trạng ứ đọng các container ở các cảng đến 2 tuần, khiến nguồn cung thịt đến các thành phố bị chậm lại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chính phủ khẳng định không có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan qua thực phẩm hay bao bì đóng gói thực phẩm. Song các quan chức hải quan ở nhiều thành phố Trung Quốc nói rằng virus này có thể sống trên bề mặt thực phẩm đông lạnh.
Kể từ giữa tháng 6, Bắc Kinh đã tạm dừng nhập khẩu từ 14 nhà máy chế biến thịt heo, bò và gia cầm ở nhiều nước gồm Mỹ, Brazil, Hà Lan, Đức và Canada. Trong khi đó, 7 nhà máy chế biến thịt khác ở Argentina, Anh và Ý tự nguyện dừng xuất khẩu sang Trung Quốc vì các ổ dịch Covid-19 bùng phát ở những nơi này.
Đó là nguyên nhân chính khiến giá thịt heo ở Trung Quốc bật tăng gần 50% kể từ điểm rơi thấp nhất hồi giữa tháng 5.
2. Tin vĩ mô trong nước và triển vọng kinh doanh
Các ngân hàng kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý III/2020
Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2020 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho biết, cuộc điều tra tháng 6/2020 đã ghi nhận 2 quý liên tiếp các TCTD cho biết tình hình kinh doanh toàn hệ thống có sụt giảm, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, trong quý III/2020, nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại TCTD được kỳ vọng tăng trở lại (58,1% TCTD kỳ vọng “tăng”), trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn (59,2% TCTD kỳ vọng “tăng” (6,8% TCTD kỳ vọng “tăng mạnh”) so với mức 53,5% của kỳ trước) các nhu cầu khác (45-46% TCTD kỳ vọng nhu cầu dịch vụ thanh toán và nhu cầu gửi tiền “tăng” so với quý trước).
Mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong quý II/2020 được nhận định tiếp tục chiều hướng “tăng”, với 25,5% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “khá cao”. Mức độ rủi ro có dấu hiệu tăng nhẹ ở tất cả các nhóm khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng là công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân và nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự kiến trong năm 2020 so với năm 2019, 52,4% TCTD lo ngại mức độ rủi ro chung của các nhóm khách hàng “tăng” lên so với năm trước.
Theo đánh giá của các TCTD, “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là hai nhân tố quan trọng nhất tác động “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tác động trong cả năm 2020.
Hàng loạt đơn hàng bị huỷ, doanh nghiệp dệt may gặp khó trong dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.
“Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6”- Bộ Công Thương nêu rõ trong báo cáo sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm
Theo nhận đình của Bộ Công Thương, đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.
3. Tin về thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư khác
SCIC thoái toàn bộ vốn tại FPT, giá khởi điểm hơn 2.200 tỷ đồng
Theo đó, SCIC chào bán hơn 46 triệu cổ phần phổ thông của FPT, với giá khởi điểm là 49.400 đồng/cổ phần theo hình thức đấu giá cả lô, trong đó mỗi nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia đấu giá do tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại FPT đã đạt mức tối đa, cụ thể là 49%.
Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ ngày 31/7/2020 đến 16h00 6/8/2020, thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá là từ 9h00 đến 14h00 ngày 7/8/2020.
Buổi đấu giá dự kiến tổ chức ở Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào 14h30 ngày 7/8/2020.