Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/01/2021
1. Vĩ mô quốc tế
Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 4.500 người chết vì Covid-19 một ngày
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế diễn ra ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ, đây là lần đầu tiên số người chết ở quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vượt qua con số 4.000 trong 24 giờ. Theo thống kê của đại học John Hopkins, tính đến 20h30 tối 12/1, Mỹ ghi nhận hơn 235.00 ca nhiễm mới và 4.470 ca tử vong. Theo Dự án Theo dõi Covid-19, khoảng 131.000 người Mỹ đang nhập viện vì Covid-19.
Số người tử vong trung bình hàng tuần đang ở mức cao nhất từ khi bắt đầu đại dịch. Đối mặt với những con số nghiệt ngã này và sự hiện diện của biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn, các nhà chức trách hôm 12/1 thông báo những người muốn bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 11/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 9,3 triệu, chưa được nửa mục tiêu 20 triệu người năm 2020 và chưa đầy 10% dân số.
Quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này ghi nhận hơn 23,3 triệu ca nhiễm và hơn 388.000 ca tử vong. Tổng thống đắc cử Joe Biden bày tỏ mong muốn huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội để phân phối vaccine, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.
Loạt ngân hàng tuyên bố cắt đứt quan hệ làm ăn với ông Trump
Ngân hàng Đức Deutsche Bank cùng hai ngân hàng Mỹ là Signature Bank và Professional Bank ngày 11/1 tuyên bố ngừng mọi giao dịch làm ăn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và các công ty của ông sau vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1 vừa qua.
Deutsche Bank vốn được xem là ngân làm ăn lâu năm nhất với ông Trump, cũng là ngân hàng cho tập đoàn Trump Organization vay nhiều nhất. Được biết, ngân hàng này đã cấp cho ông Trump các khoản vay lớn cho các phi vụ kinh doanh bất động sản ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống, như sân golf ở thành phố Miami (bang Florida) và các khách sạn ở thủ đô Washington và thành phố Chicago.
Cũng trong ngày 11/1, ngân hàng Signature Bank, có trụ sở tại New York, ra thông báo sẽ đóng 2 tài khoản cá nhân có 5,3 triệu USD của ông Trump. Signature được xem là ngân hàng thân thiết của gia đình ông Trump khi nhiều thành viên trong gia đình ông có tài khoản ở ngân hàng này, như con gái Ivanka Trump, con rể Jared Kushner…Một ngân hàng Mỹ khác là Professional Bank cũng đã ra tuyên bố không thực hiện thêm giao dịch với tập đoàn Trump Organization và sẽ ngay lập tức hạn chế mối quan hệ này.
Loạt động thái này diễn ra trong bối cảnh phe Dân chủ tại Hạ viện đang gây sức ép buộc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump, nếu không họ sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc luận tội ông chủ Nhà Trắng. Đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump kích động biểu tình khi ngày 6/1 kêu gọi những người ủng hộ ông tiến về phía Đồi Capitol trong khi lưỡng viện Mỹ tổ chức phiên họp chung nhằm kiểm đếm phiếu bầu của đại cử tri. Những người biểu tình quá khích được cho là ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn việc xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Vụ biểu tình biến thành bạo loạn khiến cảnh sát phải nổ súng và 5 người đã thiệt mạng.
2. Vĩ mô Việt Nam
Báo cáo Thủ tướng việc giá cước vận tải hàng hải tăng phi mã
Tại cuộc họp về việc giá cước vận tải đường biển tăng đột biến vừa diễn ra tại TP HCM, nhiều chủ hàng trong ngành thủy sản, nhựa và gỗ cho biết hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet thì nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh. Chủ hàng cho rằng đây là mức tăng bất hợp lý, hãng tàu phải minh bạch thông tin về giá và mức tăng phải phù hợp.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết việc tăng cước vận tải đường biển lên gấp 3-4 lần trong thời gian vừa qua ảnh hưởng lớn, làm giảm doanh số xuất khẩu của ngành. Bà Mỹ cũng cho biết đã có 1 doanh nghiệp của Ấn Độ trong khu công nghiệp Việt Nam – Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu tuyên bố đóng cửa nhà máy, dừng tất cả đơn hàng trong tháng 12/2020, do giá cước vận tải biển quá cao khiến giá thành sản xuất tại Việt Nam không còn cạnh tranh.
Về phía mình, hãng tàu cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giải phóng hàng, quay vòng container rỗng bị kéo dài. Chưa kể, lượng hàng xuất đi EU, Mỹ tăng đột biến dẫn tới tình trạng thiếu container rỗng. Hãng tàu không cắt giảm chuyến thậm chí còn tăng chuyến tàu vận chuyển từ Việt Nam đi các nước nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng, giá cước vận tải mới tăng. Tình trạng này dự báo có thể kéo dài đến hết quý I hoặc có thể lân sang cả quý II nếu dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.
Cuối tháng 12, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của chủ hàng về việc giá cước vận tải hàng hải tăng đột biến, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu hãng tàu có biện pháp tăng lượng dự trữ, lưu chuyển container rỗng (loại 40 feet) ở thị trường nội địa, giảm giá dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container trong bối cảnh cầu tăng cao như hiện nay.
Bộ Công Thương & Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo vấn đề này lên Thủ tướng, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ hàng và hãng tàu.
Thừa điện mặt trời, năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh công suất Năng Lượng Tái Tạo
Trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Do vậy, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo thay vì con số 365 triệu kWh trong năm nay (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu kWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500KV. Số liệu từ tháng 6/2020 cho thấy, sản lượng điện mặt trời áp mái đạt 6.000 MWp, nhưng đến tháng 12/2020 con số này đã tăng lên tới 10.000 MWp.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, việc tiết giảm sản lượng điện mặt trời chủ yếu do quá tải lưới nội vùng ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Trong các giờ thấp điểm trưa không thể dừng giảm các nguồn khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo, nếu tính theo tỉ trọng mà không phải theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa thì tỉ trọng lên tới 50-60%, đặc biệt các ngày cuối tuần. Theo đó, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN phê duyệt phương thức phân bổ nghĩa vụ cắt giảm công suất điện mặt trời áp mái và điện mặt trời mặt đất.
Ngoài ra, Trung tâm cũng kiến nghị EVN có báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, phê duyệt nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn hoặc quá tải lưới điện, chủ trì cuộc họp để thông báo với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo các phát sinh cũng như giải pháp xử lý để phối hợp với EVN thực hiện việc giảm phát một cách công bằng, minh bạch cho đến khi xử lý dứt điểm vấn đề thừa nguồn cung và quá tải.
Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi không áp thuế quan lên hàng Việt Nam
Doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ nước này không áp thuế quan lên hàng hóa Việt Nam như đã áp lên hàng hóa Trung Quốc. Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” lên Việt Nam sau hai cuộc điều tra về tỷ giá và ngành gỗ của Việt Nam do Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thực hiện. Các cuộc điều tra này có cơ chế tương tự như cơ chế Mỹ đã sử dụng để áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại Chính phủ nước này sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam giống như đã làm đối với hàng hóa Trung Quốc.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) kêu gọi Chính phủ Mỹ không áp thuế quan lên hàng Việt Nam và thay vào đó, thắt chặt quan hệ với Việt Nam. “Điều quan trọng là mối quan hệ này không chỉ duy trì mà còn cần được tiếp tục mở rộng khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục”, ông David French, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của NRF, phát biểu. Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) ước tính nếu Chính phủ Mỹ áp thuế quan mới lên hàng hóa Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt hại 4-9 tỷ USD mỗi năm. “Nhiều công ty chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam do thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc”, ông French nói thêm. “Áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho những công ty này và có thể dẫn tới việc họ chuyển sản xuất trở lại Trung Quốc”.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc là một nhân tố đưa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây. Chẳng hạn, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong tháng 10/2020 đã tăng 180% so với cùng kỳ 2016. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 25%, đạt 69 tỷ USD.
Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội nói rằng Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Mỹ, với cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp Mỹ trong các ngành nông nghiệp, sản xuất máy bay, năng lượng, trang thiết bị và công nghệ. Ngoài ra, theo ông Sitkoff, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng chủ yếu là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc thay vì chính sách tỷ giá của Việt Nam. “Bằng cách mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai nước”.
3. Tin tức tài sản đầu tư
Tín dụng tăng 150.000 tỷ đồng trong 10 ngày
Tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,13% so với cuối năm 2019. Trong 10 ngày cuối năm, dư nợ tín dụng tăng thêm gần 2% (khoảng gần 150.000 tỷ đồng). Tín dụng tăng mạnh trong tháng cuối năm nhưng thanh khoản các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn rất dồi dào, thị trường tiền tệ không có nhiều biến động.
Thị trường mở tiếp tục không có giao dịch và lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,26%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức cũng ổn định ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Tâm lý lạc quan của thị trường vẫn được duy trì nhờ các thông tin chỉ số PMI tháng 12 các nước hồi phục mạnh và chiến thắng tuyệt đối của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, diễn biến ngày càng trầm trọng của dịch bệnh ở khu vực Châu Âu và Mỹ cùng khiến thị trường khá dao động, chỉ số DXY biến động trong vùng 89-90. Nhìn chung, USD vẫn chịu áp lực giảm giá trong năm 2021 vì Fed duy trì nới lỏng tiền tệ mạnh và tâm lý ưa thích rủi ro vẫn đóng vai trò chủ đạo trong bối cảnh phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, cung cầu ngoại tệ vẫn thuận lợi và tâm lý thị trường ổn định. Tỷ giá USDVND niêm yết của các NHTM giảm 40 đồng/USD, về mức 22.940/23.150 và giảm 50 đồng/USD chiều mua vào và 30 đồng/USD chiều bán ra trên thị trường tự do, về mức 23.320/23.370. Tỷ giá trung tâm cũng giảm 10 đồng/USD về 23.121 đồng/USD. USD vẫn nằm trong xu hướng giảm giá, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước cho phép VND biến động một cách tự do hơn theo diễn biến thị trường và giảm bớt sự can thiệp hàng ngày, và tất cả điều này có thể giúp VND tăng giá nhẹ so với USD trong năm 2021.