Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Trung Quốc gấp rút tìm cách hạ nhiệt đà tăng của thị trường chứng khoán
1. Tin vĩ mô thế giới và các sự kiện đáng chú ý
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông hiện không nghĩ đến việc đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 2
Khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại hồi tháng 1, hai bên mô tả đây là thỏa thuận giai đoạn 1, sẽ tiếp tục đàm phán hướng tới thỏa thuận bao quát hơn trong giai đoạn 2, thậm chí là giai đoạn 3. Hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới chưa bao giờ lập lịch trình cho giai đoạn 2 và căng thẳng thương mại song phương nhanh chóng bị lu mờ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới.
Chính quyền Trump hôm qua (10/7) công bố áp thuế bổ sung 25% với mỹ phẩm, túi xách và nhiều hàng nhập khẩu của Pháp trị giá 1,3 tỷ USD
Việc này nhằm đáp trả việc Pháp áp thuế dịch vụ kỹ thuật số lên các đại gia công nghệ Mỹ. Tuy vậy, thời điểm có hiệu lực được lùi lại 180 ngày.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết việc trì hoãn cho phép hai bên có thêm thời gian giải quyết vấn đề, trong đó có tham gia thảo luận tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Pháp trước đó cũng đã đồng ý hoãn thu thuế dịch vụ kỹ thuật số hiện ở mức 3%.
Pháp và một số nước khác coi thuế dịch vụ kỹ thuật số là cách tăng nguồn thu cho chính phủ từ hoạt động của các hãng công nghệ lớn. Họ cho rằng các hãng này thu lợi nhuận khổng lồ từ nước sở tại mà chỉ đóng góp rất ít cho ngân sách.
Trung Quốc ngày 11/7 cảnh báo các ngân hàng nước này nên chuẩn bị đối mặt một đợt nợ xấu tăng mạnh vì tác động từ Covid-19
Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (BIRC) cho biết tăng trưởng lợi nhuận sẽ chững lại đáng kể tại một số ngân hàng, số khác nguy cơ sụt giảm lợi nhuận.
Tổng nợ xấu hiện có là 3.600 tỷ nhân dân tệ, tính đến hết tháng 6, tỷ lệ nợ xấu là 2,1%, tăng 0,08 điểm phần trăm so với đầu năm.
Các công ty nhỏ được phép hoãn vay và trả lãi. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các tổ chức tài chính nước này hy sinh 1.500 tỷ nhân dân tệ lợi nhuận năm nay để hỗ trợ ứng phó tác động kinh tế từ Covid-19.
Kinh tế Nhật Bản sẽ giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ
Kết quả cuộc thăm dò do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy nền kinh tế Nhật Bản trong tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021) sẽ sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, qua đó buộc chính phủ phải đưa ra một gói kích thích khác để giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19. Đến nay, Nhật Bản đã tung ra 2 gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên tới 2.200 tỷ USD.
Trung Quốc gấp rút tìm cách hạ nhiệt đà tăng của thị trường chứng khoán
Ngày 10/7, tờ China Economic Times cảnh báo nguy cơ về một “thị trường giá lên điên rồ” trong khi Caixin đưa tin nhà chức trách đã đề nghị các công ty quỹ tương hỗ hạn chế quy mô các sản phẩm mới.
Giới đầu tư nhận định những động thái trên tương đương một lời cảnh báo từ nhà chức trách Trung Quốc rằng đợt tăng gần đây của thị trường chứng khoán nước này đang quá nhanh, quá xa.
Dấu hiệu hưng phấn đang xuất hiện khắp nơi, lợi nhuận tăng, nợ ký quỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015 và các nền tảng giao dịch trực tuyến phải chật vật để bắt kịp xu hướng.
Cơ quan quản lý tại Trung Quốc đã có một số biện pháp để hạn chế hành vi đầu cơ, công bố danh sách 258 nền tảng tài chính ký quỹ trái phép vào ngày 8/7. Nhà đầu tư còn được cảnh báo tránh xa các nền tảng không được cấp phép.
Foxconn có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD mở rộng nhà máy tại Ấn Độ
Động thái trên là một phần trong kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc mà Apple đang âm thầm thực hiện, trong bối cảnh người khổng lồ công nghệ Mỹ tìm cách né tránh những gián đoạn do cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington và cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho hay: “Apple đang yêu cầu các khách hàng của họ chuyển một phần sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc”.
Samsung sẽ mở rộng sự hiện diện tại thị trường smartphone Ấn Độ
Theo các chuyên gia, làn sóng tẩy chay hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã diễn ra ở Ấn Độ sau vụ đụng độ nghiêm trọng ở biên giới hai nước hồi tháng trước. Các nhà phân tích cho biết Samsung, công ty điện tử hàng đầu của Hàn Quốc, có thể chớp cơ hội này để gia tăng thị phần tại thị trường điện thoại thông minh mà các đối thủ Trung Quốc đang thống trị.
Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Samsung cũng đặt nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất của hãng tại thị trấn Noida, miền Bắc Ấn Độ.
2. Tin vĩ mô trong nước
Tập đoàn Thái Lan muốn đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời ở Việt Nam
Tập đoàn BG Container Glass (BGC), nhà sản xuất bao bì lớn nhất Thái Lan đang đàm phán, giao dịch với các nhà đầu tư tại Việt Nam để mua các trang trại điện mặt trời với giá trị giao dịch dao động trong khoảng 1-2 tỷ Bạt Thái (gần 800 – 1.600 tỷ đồng).
“Chúng tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại các nước Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan vì đây là những quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo và nhu cầu sử dụng điện lớn trong tương lai”, ông Silparat Watthanakasetr nói.
Dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô Việt Nam
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng trong tháng 6/2020 của các đơn vị thành viên đạt 24.002 xe, tăng 26% so với tháng trước, nhưng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng doanh số bán trên có 17.584 xe du lịch, tăng 35%; 6.109 xe thương mại, tăng 5%; và 309 xe chuyên dụng, tăng 18% so với tháng trước.
Theo VAMA, với cả 3 dòng xe du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều có mức tăng trưởng trong tháng 6 vừa qua cho thấy đây là dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô đang trên đà hồi phục sau những tháng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
“Cơ chế thời chiến” đối phó đại dịch của Trung Quốc có thể cản trở đà tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam cuối năm 2020
Trước tình hình làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 có thể quay trở lại, phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, hạn chế đi lại, cấm người dân đi du lịch để ngăn chặn dịch bệnh.
Đây được coi là những biện pháp cứng rắn, mang tính “cơ chế thời chiến” để đối phó một cách chủ động và có hiệu quả với làn sóng lây nhiễm mới. Chính quyền Bắc Kinh và một số địa phương đã tiến hành rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, Báo cáo “Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới” của Bộ Công Thương cho biết.
Chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa tại các chợ, siêu thị. Trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm.
3. Các kênh đầu tư
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng mức dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới
EA đã nâng mức dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm 2020 ở mức 92,1 triệu thùng dầu/ngày, tương ứng tăng khoảng 400.000 thùng dầu/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2020.
Theo đại diện IEA, lý do điều chỉnh dự báo là sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ trong quý II/2020 thực tế đã thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó đến từ việc nhiều nước trên thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, qua đó ảnh hưởng tích cực tới các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu.