Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
WTO thông báo các sản phẩm hỗ trợ thương mại hàng hoá quý III/2020
Theo phóng viên tại Geneva, thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 9/12 cho thấy thương mại hàng hóa thế giới được khôi phục một phần trong quý III/2020. Các mặt hàng máy tính và điện tử có mức tăng trưởng thương mại hai chữ số, tương tự là sản phẩm dệt may nhờ nhu cầu khẩu trang tăng cao.
Tuy nhiên, thương mại dịch vụ vẫn ảm đạm. Làn sóng COVID-19 thứ hai vào mùa Thu làm đóng băng triển vọng hồi phục, song với việc vaccine COVID-19 ra đời với kế hoạch sản xuất, vận chuyển và phân phối vaccine trên toàn thế giới được dự đoán sẽ giúp khôi phục thương mại dịch vụ vào năm 2021, qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy du lịch.
Thống kê mới công bố của WTO cho thấy quý 3 năm nay chứng kiến sự hồi phục một phần của thương mại thế giới trong lĩnh vực hàng công nghiệp, dẫn đầu là các mặt hàng điện tử và dệt may, do sản xuất được khôi phục và các biện pháp phong tỏa ứng phó dịch COVID-19 được nới rộng ở một số nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, mặc dù có tiến triển đáng kể trong những tháng gần đây, thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ vẫn ở mức thấp so với năm 2019.
Theo đó, tổng thương mại hàng hóa tiêu dùng – bao gồm nhiên liệu và nông sản cũng như hàng hóa sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thương mại trong lĩnh vực hàng hóa sản xuất, với giá cả ít biến động hơn hàng tiêu dùng, giảm 10% trong 9 tháng đầu năm. Giá trị thương mại của các sản phẩm nhiên liệu và khai khoáng giảm sâu trong quý 3 do giá giảm trong khi giao dịch nông sản vẫn ổn định do nhu cầu lương thực vẫn được duy trì trong bối cảnh đại dịch.
Facebook bị kiện, đối mặt nguy cơ bán Instagram và WhatsApp
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và liên minh các Tổng chưởng lý từ 48 bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ đã đâm hai đơn kiện riêng biệt chống lại Facebook vào hôm 9/12. Vụ kiện nhằm vào hai vụ thâu tóm lớn của Facebook là Instagram và WhatsApp. Cả hai vụ kiện đều tìm kiếm biện pháp xử lý cho hành vi bị cho là phản cạnh tranh, có thể dẫn đến việc Facebook phải thoái vốn tại hai ứng dụng. Faceboook phản bác lại vụ kiện, cho rằng Ủy ban đã không nhắc tới việc chính họ là người thông qua các vụ mua bán này vài năm trước.
Vụ kiện tập trung chủ yếu vào lịch sử mua lại hoặc nỗ lực mua lại công ty nhỏ hơn của Facebook. Facebook bị tố cáo lợi dụng sức mạnh thị trường để chèn ép đối thủ tiềm năng trước khi họ có thể trở thành đối thủ thực sự. Ngoài mua lại Facebook và Instagram, vụ kiện của FTC còn chỉ ra nỗ lực trước đây của Facebook để mua một số mạng xã hội khác như Twitter, WhatsApp. Như vậy, chiến lược thâu tóm của Facebook làm hại đến đối thủ và các nhà quảng cáo phụ thuộc vào nền tảng để tiếp cận lượng khán giả lớn do chỉ còn ít lựa chọn.
Dù các bang và FTC hợp lực trong cuộc điều tra, liên minh các bang dẫn đầu bởi Tổng chưởng lý New York Letitia James quyết định nộp đơn kiện riêng. Số bang cùng tham gia kiện Facebook lớn hơn so với vụ kiện chống lại Google. Đơn kiện của các bang tố cáo Facebook nắm sức mạnh độc quyền trên thị trường mạng xã hội cá nhân Mỹ, tương tự đơn kiện của FTC, và duy trì bất hợp pháp bằng cách triển khai chiến lược “mua hoặc vùi dập” đối thủ, làm ảnh hưởng đến cả người dùng và nhà quảng cáo.
Công ty chip Trung Quốc nguy cơ vỡ nợ 2.5 tỷ USD trái phiếu
Tsinghua Unigroup thông báo sẽ không thể thanh toán cho 450 triệu USD trái phiếu đáo hạn hôm nay, động thái sẽ châm ngòi vỡ nợ chéo 2 tỷ USD nữa. Đây là lần đầu tiên công ty không thể thanh toán trái phiếu USD, không lâu sau khi vỡ nợ 1,3 tỷ nhân dân tệ (199 triệu USD) trái phiếu nội tệ tháng trước.
Tsinghua Unigroup còn ba loại trái phiếu khác bị ảnh hưởng bởi vỡ nợ chéo gồm 1,05 tỷ USD đáo hạn năm 2021, 750 triệu USD đáo hạn năm 2023 và 200 triệu USD trái phiếu đáo hạn năm 2028. Tsinghua Unigroup là trường hợp mới nhất trong làn sóng vỡ nợ trái phiếu trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các công ty khai mỏ và sản xuất ôtô, khiến thị trường tín dụng Trung Quốc rung chuyển trong vài tuần qua.
Bắc Kinh từ lâu tuyên bố để những doanh nghiệp nhà nước yếu kém – còn gọi là công ty “xác sống” – thất bại, vỡ nợ và xử lý để củng cố quy định thị trường và thúc đẩy hiệu quả kinh tế. “Chúng tôi nhận thấy rủi ro tái cấp vốn và tái định giá đang gia tăng, dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ tăng”, Andrew Chan, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhận định. “Khả năng được giải cứu khó xảy ra do Trung Quốc hướng đến tái cấu trúc, củng cố và loại bỏ những công ty kiểu xác sống có cổ phần nhà nước trừ trường hợp dẫn đến rủi ro hệ thống”.
2. Vĩ mô Việt Nam
Điện mặt trời mái nhà phía Bắc phát triển vượt hơn 68% kế hoạch
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tính đến hết tháng 11/2020, khu vực có 6.350 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt 135,4 MWp. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2020, tổng công ty đã lắp đặt 118,2 MWp, vượt 68,5% kế hoạch EVN đề ra trong năm 2020 (70 MWp). Đồng thời, sản lượng lũy kế 11 tháng năm 2020 ước đạt 33,8 triệu kWh.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung thúc đẩy điện mặt trời mái nhà, chỉ đạo các Công ty Điện lực trực thuộc công khai mọi quy trình, thủ tục và hiện trạng lưới điện. Bên cạnh đó, tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà trong quá trình đăng ký điểm đấu nối, thực hiện thỏa thuận đấu nối cũng như ký hợp đồng mua bán điện.
Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều công ty điện lực thuộc EVNNPC đã thực hiện thỏa thuận đấu nối với các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà và đưa vào vận hành thương mại nhiều dự án điện mặt trời mái nhà.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo EVNNPC, trên 27 tỉnh, thành do EVNNPC quản lý và vận hành lưới điện phân phối, chưa có trạm biến áp, đường dây 110 kV, trung áp, hạ áp nào bị quá tải khi các công trình điện mặt trời mái nhà đăng ký đấu nối.
Xuất khẩu gặp khó do thiếu hụt container rỗng
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có. Trong khi đó, 43% doanh nghiệp cho biết bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.
Bà Đỗ Thị Thanh Xuân, Phụ trách chứng từ hàng xuất, Chi nhánh hãng tàu CMA CGM (Pháp) tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ tại Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với đó, sau thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh các doanh nghiệp Việt Nam cũng tập trung trả hàng cho các hợp đồng đã bị hoãn nhiều tháng trước, trong khi số container đưa hàng nhập khẩu vào Việt Nam không nhiều, dẫn đến tình trạng thiếu hụt container rỗng.
Mặt khác, từ trước đến nay các cảng lớn của Trung Quốc đóng vai trò là cảng trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực đến các châu lục khác, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên do những bất đồng về thương mại thời gian qua hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ không thuận lợi. Điều này dẫn đến xu hướng các nhà mua bán trong khu vực dịch chuyển địa điểm trung chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ và một số thị trường khác khiến nhu cầu container rỗng tại Việt Nam tăng cao.
Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam
Chiều nay (9/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Theo tờ trình của Chính phủ, Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan. Huyện Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Huyện Phú Quốc được Thủ tướng công nhận là đô thị loại II vào năm 2014.
Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới là 2 đô thị của huyện Phú Quốc. Thị trấn Dương Đông có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của huyện Phú Quốc; thị trấn An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của huyện Phú Quốc. Hai thị trấn trên được đánh giá đạt 12/12 tiêu chuẩn trình độ phát triển hạ tầng để thành lập phường thuộc TP Phú Quốc.