Podcast ngày 11.03.2022 – Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng 600.000 đồng/tấn

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/03/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng 600.000 đồng/tấn

1. Thông tin vĩ mô

• Goldman Sachs: Thế giới đang phải hứng chịu một cú sốc năng lượng khủng khiếp
– Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến nguồn cung dầu thô Nga xuất khẩu ra thị trường toàn cầu giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày. Nếu sự gián đoạn này kéo dài, đó sẽ là cú sốc dầu lửa lớn thứ 5 kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ sau cuộc cấm vận dầu lửa của thế giới Arab vào năm 1973, Cách mạng Hồi giáo Iran 1978, chiến tranh Iran-Iraq 1980, và chiến tranh Iraq-Kuwait vào năm 1990.
– Rystad Energy, một công ty kinh doanh và nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng, cảnh báo nếu các nước phương Tây thực hiện các bước khác nhằm cấm vận dầu của Nga, giá có thể vọt lên 240 USD/thùng vào mùa hè này. Động thái như vậy (cấm vận dầu mỏ Nga mạnh hơn), có thể gây ra thiếu hụt 4,3 triệu thùng dầu/ngày và khó có thể nhanh chóng bù đắp.
– Ngay cả trong trường hợp các nước xả dự trữ dầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng, và Iran và Venezuela được dỡ trừng phạt, Goldman Sachs cho rằng thị trường dầu thế giới vẫn không có một đệm đỡ nào đủ để kìm hãm đà tăng của giá dầu.
– Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt bình quân 12 triệu thùng/ngày trong năm nay. Con số này này không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 2, thời điểm trước khi giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
– Tuy nhiên, EIA đồng thời nâng dự báo sản lượng dầu của Mỹ năm 2023 với công suất 13 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn dự báo trước đó là 12,6 triệu thùng/ngày. Kỷ lục cũ của sản lượng dầu bình quân hàng ngày của Mỹ được thiết lập vào năm 2009, khi Mỹ sản xuất 12,3 triệu thùng/ngày.
– Ngoài ra, tuyên bố kêu gọi nhóm OPEC+ tăng sản lượng của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho thấy tín hiệu tích cực từ tổ chức sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhằm kìm hãm đà tăng quá nóng của giá dầu không vượt quá 150 USD/thùng trong bối cảnh hiện tại.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2
– Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn, giảm 7,3% về lượng và giảm 9,2% về kim ngạch so với tháng 1/2022 và giảm 2,1% về giá. So với tháng 2/2021 thì tăng mạnh 52% về lượng, tăng 33,2% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá.
– Trong tháng 2/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh 30,4% về lượng và tăng 27,2% kim ngạch so với tháng 1/2022, đạt 305.180 tấn, tương đương 140,14 triệu USD. So với tháng 2/2021 thì tăng rất mạnh 254,9% về lượng, tăng 203% kim ngạch nhưng giảm 14,6% về giá.
– Thị trường Trung Quốc cũng tăng 21,3% về lượng và tăng 15% kim ngạch, đạt 44.878 tấn, tương đương 21,83 triệu USD; nhưng so với tháng 2/2021 thì giảm mạnh 55,7% về lượng, giảm 59% kim ngạch và giảm 7,9% về giá.
– Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn (tăng mạnh 48,6% so với 2 tháng đầu năm 2021), thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%), giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn (giảm 12%).
– Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Trung Quốc đứng thứ 2 và thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3. Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

• Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng 600.000 đồng/tấn
– Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021, thông báo thay đổi giá sản phẩm từ ngày 10/3. Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 ở mức 18,33 triệu đồng/tấn. Loại D10 CB300 là 18,43 triệu đồng/tấn. Cả hai loại trên đều tăng 600.000 đồng/tấn so với ngày hôm qua. Ở khu vực miền Nam, giá các loại trên cũng được điều chỉnh tăng 600.000 đồng/tấn. Sau điều chỉnh, CB240 là 18,33 triệu đồng/tấn, D10 CB300 là 18,48 triệu đồng/tấn.
– Trong tháng 1, Việt Nam mua 331.324 tấn thép, tương đương 354,56 triệu USD, chiếm 32,5% trong tổng lượng và chiếm 33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Giá thép trong nước cũng ảnh hưởng lớn bởi thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.
– Giá thép không gỉ giao ngay tại Trung Quốc ngày 9/3 là 19.373 nhân dân tệ/tấn (3.066 USD/tấn), cao hơn 2,5% so với ngày trước đó. Tính từ đầu tháng đến nay, giá mặt hàng này tăng hơn 12%. So với thời điểm đầu năm, giá thép không gỉ tăng hơn 21%. Thép cuộn cán nóng ở mức 5.166 nhân dân tệ/tấn (816 USD/tấn), cao hơn 4,2% so với đầu tháng. Thép cuộn cán nguội là 5.673 nhân dân tệ/tấn (898 USD/tấn), tăng 3,5% kể từ đầu tháng.
– Nhu cầu thép tại Trung Quốc lên cao trong tháng 3, một phần do chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để ổn định nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản đi xuống. Bên cạnh đó, giá thép tăng vì lo ngại nguồn cung bị đứt gãy do chiến sự tại Ukraine. Các quốc gia nhập khẩu từ Nga, Ukraine đang tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc. Nga chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất nhập khẩu thép của thế giới, còn Ukraine chiếm khoảng 4%.
– Giá thép tăng trong bối cảnh giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, hay thép phế) trên thị trường thế giới tăng vọt. Đồng thời, nguồn cung thép khan hiếm hơn kể từ thời điểm căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra khi Nga là nước sản xuất thép lớn trên thế giới. Hơn nữa, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cũng đóng góp vào giá thành sản xuất thép tại các doanh nghiệp tăng lên. Việc giá năng lượng liên tục được đẩy cao có thể khiến giá sản xuất thép tiếp tục tăng mạnh hơn trong thời gian tới.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• REE lên kế hoạch tăng vốn điều lệ sau 4 năm
– CTCP Cơ điện Lạnh (HoSE: REE) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Theo đó, HĐQT sẽ trình phương án chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 25%, gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Thời điểm thực hiện chia cổ tức là vào quý II, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 46,3 triệu đơn vị và số tiền chi ra là 309 tỷ đồng.
– Trong giai đoạn từ 2017-2020, REE chủ yếu trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ dao động từ 16-18%. Ban lãnh đạo lý giải trong năm 2020 đã thực hiện tái cấu trúc các mảng hoạt động theo hướng tập đoàn và thành lập các công ty holding theo lĩnh vực bao gồm năng lược (REE Energy), nước sạch (REE Water), bất động sản (REE land).
– Năm 2022, REE Group đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 12% đến 15% so với 2021. HĐQT cho rằng với mức tăng trưởng lợi nhuận duy trì hàng năm 15%, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự kiến được duy trì sau khi tăng vốn điều lệ qua trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 15%.
– Năm trước, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 15% lên 5.640 tỷ đồng, song doanh thu tài chính giảm và các chi phí tăng lên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm nhẹ về 1.628 tỷ đồng.

• PV Power (POW) muốn thoái toàn bộ vốn tại công ty đầu tư bên Lào
– POW dự kiến thoái toàn bộ 30.805.200 cổ phiếu CTCP Điện Việt Lào (VLP) để giảm sở hữu từ 8,64% về còn 0% vốn điều lệ.
– Tại ngày 31/12/2021, POW ghi nhận đầu tư 320 tỷ đồng vào CTCP Điện Việt Lào theo hình thức đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Ngoài ra, CTCP Điện Việt Lào được thành lập chính thức tháng 7/2003 với tên gọi CTCP Đầu tư và Phát triển điện Việt –Lào, thực hiện dự án thủy điện Xekaman 3 tại Lào.
– Theo dữ liệu tới tháng 11/2019, cổ đông lớn của CTCP Điện Việt Lào bao gồm Tổng Công ty Sông Đà – CTCP sở hữu 35,11% vốn điều lệ; CTCP Quản lý Đầu tư Xây dựng Việt Hà sở hữu 20,79% vốn điều lệ; POW sở hữu 9,85% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt sở hữu 9,6% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn sở hữu 8,32% vốn điều lệ; Công ty TNHH Khải Hưng sở hữu 7,98% vốn điều lệ; và các cổ đông khác.
– Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 2.013,2 tỷ đồng về âm 326,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 103,31 tỷ đồng lên 106,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 803,69 tỷ đồng về âm 396,99 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể. Như vậy, trong kỳ công ty đã kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm. Tuy nhiên, nhờ việc hoàn nhập dự phòng chi phí quản lý so với cùng kỳ trích lập đã giúp công ty giảm tác động tiêu cực. Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 24.565,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.032,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 17,4% và 23,7% so với cùng kỳ.

• Sợi Thế Kỷ trình chia cổ tức 2021 tỷ lệ 15%, chào bán riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu
– CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Theo đó, HĐQT sẽ trình kế hoạch kinh doanh 2022 gồm doanh thu 2.606 tỷ đồng, tăng 27,6%; lợi nhuận sau thuế 300,3 tỷ đồng, tăng 8%.
– Năm 2021, doanh nghiệp sợi đạt 2.042 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 278 tỷ đồng, tăng 93% so với 2020. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, vượt xa mức trước dịch. Công ty thực hiện được 87% mục tiêu doanh thu và vượt 12% mục tiêu lợi nhuận năm. Tỷ lệ doanh thu sợi tái chế đạt tỷ trọng 50% trên tổng doanh thu.
– Với kết quả đó, HĐQT đề xuất chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%. Việc chi trả cổ tức 2021 căn cứ vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày chốt danh sách cổ đông được hưởng quyền, số tiền chi trả tối đa không vượt quá 102,3 tỷ đồng.
– Bên cạnh đó, doanh nghiệp lên phương án chào bán riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu, tương đương 19,08% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021. Giá chào bán ủy quyền cho HĐQT xác định giá bán cụ thể tại thời điểm chào bán. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
– Hiện, Sợi Thế Kỷ đang triển khai chào bán 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 20%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 843 tỷ đồng.
– Với giá 10.000 đồng/cp, doanh nghiệp sợi dự thu về 136 tỷ đồng cho mục tiêu tăng vốn công ty con – Công ty TNHH Sợi, Dệt, Nhuộm Unitex để đầu tư nhà máy sản xuất sơ sọi, chỉ, vải, dệt nhuộm Unitex. Dự án Unitex có tổng công suất 60.000 tấn, tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao và sợi đặc biệt, với tổng mức đầu tư khoảng 120 triệu USD và khi đi vào vận hành sẽ nâng công suất công ty lên gấp đôi. Dự án bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 công suất 36.000 tấn, khởi công trong năm 2021, đến 2023 đưa vào vận hành; Giai đoạn 2, công suất 24.000 tấn, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
– Ngoài ra, HĐQT trình kế hoạch bán 1,5 triệu cổ phiếu quỹ theo hình thức chào bán riêng lẻ hoặc hình thức khác.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 10/03/2022, VNINDEX mở cửa tăng tới hơn 12 điểm lên 1.486 điểm rồi giằng co trong biên độ hẹp +/- 2 điểm cho đến hết phiên sáng. Đến phiên chiều, chỉ số bất ngờ suy yếu và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, mặc dù vậy, VNINDEX vẫn giữ sắc xanh với mức tăng nhẹ 5,34 điểm (+0,36%) lên 1.479,08 điểm. Giá trị giao dịch của VNINDEX trong phiên 10/03/2022 đạt gần 21.176 tỷ đồng, giảm mạnh 30,6% so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về bên mua với 295 mã tăng, chiếm 58,76% số mã trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, VIC, VNM là những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VNINDEX, đóng góp tổng 3,49 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, GAS, MSN, HPG là những cổ phiếu hàng đầu khiến chỉ số suy giảm với tổng -4,29 điểm.
– Về nhóm ngành, chỉ có 4/10 nhóm ngành tăng điểm. Nhóm ngành tăng mạnh nhất là Tài chính và Bất động sản với mức tăng lần lượt chỉ là 0,56% và 1,33%, nhờ hầu hết cổ phiếu của hai nhóm ngành này đều tăng nhẹ: VCB (+0,6%), MBB (+1%), VIC (+1,4%), VHM (+1,6%)…nổi bật nhất là VND tăng trần. Đáng chú ý, đa số cổ phiếu Tài chính và Bất động sản đã suy yếu trong phiên chiều và đây nguyên nhân chính khiến VNINDEX thu hẹp đà tăng về cuối phiên.
– Nhóm ngành Năng lượng và Nguyên vật liệu tăng tốt trong phiên trước đó thì phiên 10/03/2022 quay đầu giảm lần lượt 2.61% và 1.01% với sắc đỏ gần như bao trùm: PLX (-2,7%), PVD (-2,9%), HPG (-1,4%), HSG (-1,2%)… Nhóm ngành Tiêu dùng thiết yếu giảm nhẹ 0,07% chủ yếu do cổ phiếu vốn hóa lớn MSN giảm 3,5%, còn một số cổ phiếu Thủy sản ghi nhận mức tăng ấn tượng: VHC, ANV, IDI đều tăng kịch trần.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch 10/03/2022 đã bán ròng 745 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, họ bán ròng nhiều nhất 3 cổ phiếu: HPG (-210,15 tỷ đồng), MSN (-120,11 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhiều nhất: VCB (44 tỷ đồng), NLG (38,45 tỷ đồng). Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 4 phiên liên tiếp, điều tích cực là mức bán ròng đang có dấu hiệu giảm dần qua từng phiên.
– VNINDEX đã có lúc tăng hơn 14 điểm giữa phiên sáng nhưng cuối phiên chỉ đóng cửa với mức tăng 5,34 điểm, cho thấy bên bán đã suy yếu nhưng bên mua chưa chiếm được ưu thế hoàn toàn. Giá trị giao dịch trên HSX giảm mạnh 30.4% so với phiên trước thể hiện nhà đầu tư đang tỏ ra cẩn trọng và ưu tiên quan sát.
– Hiện tại, mốc hỗ trợ 1.470 điểm vẫn được giữ vững. Theo đó, VNINDEX vẫn đang trong trạng thái đi ngang trong biên độ 1.470 – 1.500 điểm. Việc thanh khoản suy giảm mạnh đang phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi các nhịp điều chỉnh của chỉ số đang diễn ra với cường độ nhanh hơn với tần suất nhiều hơn khi chỉ số VN-Index chưa có nhóm ngành dẫn dắt và VN30 đang suy yếu.
– Trong bối cảnh hiện tại, nhà giao dịch ngắn hạn tiếp tục theo dõi diễn biến của giá, chỉ nắm giữ những cổ phiếu vẫn duy trì được các tín hiệu kỹ thuật tích cực, cân nhắc giảm tỷ trọng hoặc dừng lỗ với những cổ phiếu có tín hiệu suy yếu, đồng thời tập trung quản trị rủi ro và tránh lạm dụng giao dịch ký quỹ. Với nhà đầu tư trung và dài hạn, những nhịp giảm điểm tạo ra những cơ hội gia tăng tỷ trọng hoặc mở vị thế ở các nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt và được chiết khấu về mức giá hợp lý.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest