Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/01/2021
1. Vĩ mô quốc tế
Fed: Tín dụng tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua
Báo cáo ngày 8/1 (giờ địa phương) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho hay, tín dụng tiêu dùng của Mỹ đã tăng 4,4% trong tháng 11/2020, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua, dẫn dắt bởi sự gia tăng mạnh mẽ các khoản vay mua ôtô và các khoản vay dành cho sinh viên, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động vay mượn bằng thẻ tín dụng. Theo báo cáo của Fed, mức tăng của hoạt động tín dụng tiêu dùng Mỹ nói trên tương đương 15,3 tỷ USD, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2020, sau khi chứng kiến mức tăng tương ứng 4,5 tỷ USD trong tháng 10/2020.
Giá trị các khoản vay mua ôtô và cho vay sinh viên tăng 16,1 tỷ USD, trong khi các khoản vay trong thẻ tín dụng giảm 786,7 triệu USD vào tháng 11/2020, sau khi giảm 5,5 tỷ USD vào tháng 10/2020. Việc hạn chế sử dụng thẻ tín dụng là một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng vẫn thận trọng trong việc chi tiêu, giữa bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tăng đột biến trong những tuần gần đây.
Hoạt động vay tiêu dùng được Fed theo dõi chặt chẽ để tìm ra những dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình sẵn sàng vay nợ thêm để bổ sung cho hoạt động chi tiêu của họ, vốn chiếm 70% hoạt động kinh tế của Mỹ. Trước đó, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho hay nền kinh lớn nhất thế giới đã mất 140.000 việc làm trong tháng 12/2020, lần sụt giảm số việc làm đầu tiên kể từ tháng 4/2020 và là bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại khi số ca mắc COVID-19 không ngừng gia tăng.
Tổng thống đắc cử Joe Biden kêu gọi thêm gói cứu trợ kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD
Trong phát biểu tại Delaware, ông Joe Biden nói về các gói dự kiến mà ông sẽ theo đuổi sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Gợi ra hình ảnh những người thất nghiệp xếp hàng dài chờ được phát đồ ăn, ông Joe Biden cảnh báo những điều thảm khốc “nếu không hành động ngay lúc này”. Trong gói cứu trợ kinh tế mới, ông Biden muốn nâng số tiền phát trực tiếp cho người dân Mỹ lên 2.000 USD sau khi báo cáo việc làm tháng 12 phản ánh sự sụt giảm lao động trong lĩnh vực nhà hàng.
Với 140.000 việc làm mất đi trong lĩnh vực này, ông Joe Biden tin rằng sự gia tăng của dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho các bộ phận khác nhau của nền kinh tế. “Chúng ta cần nhiều khoản cứu trợ trực tiếp hơn đến các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm 2 nghìn đô la cứu trợ thanh toán trực tiếp cho người dân Mỹ. Khoản cứu trợ 600 USD mới được thông qua đơn giản là không đủ khi người dân phải lựa chọn giữa việc trả tiền thuê nhà, hay mua thức ăn, hay trả tiền điện”
Khi đảng Dân chủ sẽ kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, cơ hội cho các gói kích thích kinh tế tham vọng trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, do Thượng viện chia rẽ với tỷ lệ 50-50 nên đây sẽ là thuốc thử cho ảnh hưởng của ông Joe Biden với chính các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cũng như tác động của ông với đảng Cộng hòa.
IMF: Trung Quốc cần tức tốc kiểm soát nguy cơ bất ổn tài chính
Các biện pháp hỗ trợ kinh tế “có nguy cơ gây mất cân bằng” nên được giảm dần dần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết. Các khoản bù trừ ngày nghỉ lễ cho bên đi vay và nới lỏng quy định xử lý nợ xấu “có nguy cơ gia tăng rủi ro đạo đức và xóa bỏ những tiến triển gần đây trong cải thiện minh bạch và quản trị ngân hàng”. Tỷ lệ nợ tăng trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở lĩnh vực tư nhân, theo IMF. Chất lượng tín dụng có xu hướng giảm do quy định xử lý nợ xấu được nới lỏng. Áp lực tài chính lên các ngân hàng nhỏ và chính quyền một số địa phương gia tăng với nợ công tăng còn thu ngân sách chững lại.
IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 7,9% năm nay sau đó giảm dần còn 5,2% vào năm 2025. Trung Quốc đặt ra mục tiêu tham vọng gấp đôi GDP vào năm 2035, đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế trong 15 năm tới phải trong khoảng 4,7 – 5%. Đà phục hồi kinh tế tại Trung Quốc không cân bằng với lĩnh vực tư nhân bị tụt lại so với tăng trưởng xuất khẩu và công nghiệp, IMF nhận định.“Điều quan trọng là cần xem xét kỹ số liệu danh nghĩa. Điều chúng tôi thấy là tăng trưởng chưa cân bằng như trước đây”, Helge Berger, đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại IMF, nói. “Tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chi tiêu công, chủ yếu là dưới hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng”.
IMF khuyến nghị Trung Quốc xoay chuyển chính sách tài khóa khỏi cơ sở hạ tầng, hướng đến hỗ trợ các hộ gia đình, củng cố mạng lưới an sinh xã hội.Trong khi đó, chính sách tiền tệ nên thúc đẩy lạm phát trở lại một mức bền vững, tránh thắt chặt quá mức các điều kiện tài chính. Khuôn khổ giám sát và quản lý cũng cần được tăng cường để đề phòng rủi ro tiềm ẩn. Nợ công Trung Quốc đã đạt 92% GDP, IMF cho biết và theo kịch bản cơ sở của quỹ, có thể chạm 113% vào năm 2025.
2. Vĩ mô Việt Nam
Bội chi dưới 4% GDP, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết cơ cấu thu NSNN ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020. “Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%). Đây là mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do Covid-19, Bộ Tài chính đã yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020… Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49.300 tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).
Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248.500 tỷ đồng, dưới 4% GDP ước thực hiện. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép. Hãng S&P đã tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định. Moody’s cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Tháng 4/2020, Fitch đã quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Giờ là lúc làm trung tâm tài chính quốc tế
Tại hội nghị trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, TP HCM và Đà Nẵng đã nhiều lần đề cập việc lập trung tâm tài chính quốc tế nhưng vẫn “chỉ nằm ở ý định”. Năm nay, ông khẳng định việc này sẽ không chỉ là mục tiêu mà sẽ được bắt tay ngay vào thực hiện, tập trung xây dựng đề án chi tiết. “Lần này nếu chúng ta tiếp tục bỏ qua cơ hội thì không bao giờ làm được. Hiện là thời cơ vàng nghìn năm có một để Việt Nam thành lập được một trung tâm tài chính quốc tế”, Bộ trưởng nói và đề nghị các địa phương đi đầu, như TP HCM hay Đà Nẵng, tập trung cụ thể hóa, thuê tư vấn, lập đề án chi tiết, trong đó xây dựng các mô hình, các cơ chế phù hợp để báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị.
Lợi thế được thể hiện qua vị trí trung tâm trong khu vực. Nếu tính từ TP HCM, chỉ cần 3h bay có thể phủ hết khu vực ASEAN và Đông Bắc Á. Ngoài ra, một ưu điểm lớn của Việt Nam hiện tại không trùng với múi giờ nào của 21 trung tâm tài chính quốc tế. “Đây là khe cửa rất hẹp”, ông Dũng nhấn mạnh. Trong bối cảnh nhiều trung tâm tài chính bị quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, dòng tiền đang tìm đến những địa chỉ mới. “Nếu tận dụng và phát huy được những lợi thế này sẽ mang về nguồn lực vô cùng lớn. Nhưng nếu không làm nhanh, làm ngay, nếu để một trung tâm tài chính khác được thành lập trên cùng múi giờ với Việt Nam, chúng ta sẽ không còn cơ hội”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.
Là nơi ra đời thị trường chứng khoán, có hơn 2.100 tổ chức của ngân hàng, tín dụng, 50 ngân hàng nước ngoài, TP HCM từng nhiều năm liền nuôi tham vọng thành trung tâm tài chính quốc tế, nhưng đến nay vẫn lỗi hẹn. Trong báo cáo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, TP HCM đã đề nghị đưa mục tiêu này trở thành nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới. Tại một hội nghị cuối tháng 7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án này. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính cho TP HCM
3. Tin tức tài sản đầu tư
Cổ phiếu tăng trưởng vượt trội trong tuần đầu tiên của năm 2021, chiến lược đầu tư giá trị đã mang lại ‘trái ngọt’ cho những nhà đầu tư kiên trì
Được thúc đẩy bởi niềm tin rằng đảng Dân chủ sẽ sớm thông qua gói kích thích kinh tế mới, những cổ phiếu hầu như bị “bỏ lại” trong đà tăng của năm ngoái và giao dịch ở mức thấp hơn so với lợi nhuận đã tăng mạnh. Các nhà sản xuất năng lượng và ngân hàng – nhóm nằm trong chiến lược đầu tư giá trị, đều tăng ít nhất 8% để khởi động 1 trong những năm khởi sắc trong ít nhất 1 thập kỷ. Mặt khác, các công ty được yêu thích trong năm 2020 nhờ khả năng hồi phục của lợi nhuận khi đại dịch hoành hành, bao gồm công nghệ, lại có diễn biến kém hơn. Theo đó, cổ phiếu giá trị trong Russell 1000 đã vượt xa nhóm cổ phiếu tăng trưởng với 1,7 điểm phần trăm, thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm đã tăng lên mức cao chưa từng có vào năm ngoái.
Kevin Caron – quản lý danh mục đầu tư của Washington Crossing, bắt đầu chú ý nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu giá trị vào giữa năm 2018. Ông nhận thấy triển vọng của nhóm này đang được cải thiện. Caron nói: “Thật tuyệt khi chứng kiến khoảng cách về định giá đó đang được phần còn lại của thị trường công nhận. Có rất nhiều cơ hội để cổ phiếu tăng trưởng thăng hoa.” Dù “toả sáng” trong những ngày đầu tiên của năm, nhưng nhóm cổ phiếu giá trị không được thúc đẩy nhờ xu hướng đầu cơ hay nằm trong lĩnh vực tăng “nóng”. Tesla đã chứng kiến một tuần đầy ấn tượng, khi tiếp tục tăng 25%, đưa vốn hóa chạm mốc 800 tỷ USD, trong khi Bitcoin tăng không ngừng nghỉ và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đổ tiền vào thị trường quyền chọn.
Trong 1 cuộc khảo sát vào tháng 12 của Bank of America, 31% các nhà quản lý quỹ dự đoán cổ phiếu giá trị sẽ vượt trội hơn cổ phiếu tăng trưởng trong 12 tháng tới – tỷ lệ cao thứ 2 từng được ghi nhận. Theo dữ liệu từ bộ phận môi giới của Goldman Sachs, các quỹ phòng hộ thực hiện đặt cược vào diễn biến tăng và giảm của cổ phiếu đều săn lùng lợi nhuận trong những tháng gần đây, với xu hướng nghiêng về các cổ phiếu giá trị. Đối với Peter Giacchi – chủ tịch sàn giao dịch tại Citadel Securites, cổ phiếu giá trị có thể cho thấy mối quan tâm bền vững, nhưng không có nghĩa là cổ phiếu tăng trưởng sẽ hoàn toàn tụt hậu. Ông nói: “Chính quyền mới đã được xác định và mọi người đang có cái nhìn hơi khác nhau. Một số chốt lời, rót tiền vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ, năng lượng và tài chính. Đó là xu hướng chúng tôi đang thấy. Tôi không nghĩ đây là dấu hiệu cho thấy họ hoàn toàn từ bỏ cổ phiếu tăng trưởng, bởi danh mục đầu tư luôn có ‘chỗ’ cho nhóm này.”
Sau nhiều quý ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, ngày càng nhiều dự đoán cho rằng sự thay đổi mạnh mẽ sẽ diễn ra với cổ phiếu giá trị – chủ yếu bao gồm các cổ phiếu chu kỳ như ngân hàng và công nghiệp. Theo ước tính từ các nhà phân tích được Bloomberg Intelligence tổng hợp, lợi nhuận của họ dự kiến sẽ tăng 26%, vượt xa các công ty công nghệ và công ty khác thường được cho là có mức tăng trưởng nhanh hơn. Mike Bailey – giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners, nhận định: “Dù đó là ngân hàng hay những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian vừa qua, bạn sẽ nhận thấy có nhiều động lực đằng sau đó. Một phần trong đó là nền kinh tế hồi phục tốt hơn. Đây có thể là một bước ngoặt đối với cổ phiếu giá trị.”