Podcast ngày 10.08.2020 – Những nhà đầu tư cổ phiếu nhỏ lẻ đang thống trị mọi nơi

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Những nhà đầu tư cổ phiếu nhỏ lẻ đang thống trị mọi nơi

1. Vĩ mô quốc tế

Mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc thất bại tại châu Phi

Chiến lược tăng trưởng dựa trên việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng chứ không phụ thuộc vào phát triển kinh tế và xã hội dường như đang bộc lộ những giới hạn tại châu Phi – nơi Trung Quốc đang đẩy mạnh áp dụng chiến lược này.

Qua việc đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng tại Châu Phi, Bắc Kinh đang muốn tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ mà Trung Quốc sản xuất và do đó gia tăng GDP cho chính nước này.

Điều kiện để cung cấp các khoản vay hạ tầng này là dự án phải sử dụng gần như hoàn toàn hàng hóa và dịch vụ do nhà thầu Trung Quốc cung cấp.

Các quốc gia châu Phi đang hứng chịu gánh nặng từ các khoản nợ công lớn chắc chắn phải chịu trách nhiệm về khoản nợ của nước mình, nhưng Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới – những nhân tố đã thúc đẩy các nước này và hứa hẹn về sự thành công của mô hình phát triển kinh tế kiểu Trung Quốc mà không xem xét yếu tố phù hợp của dự án trong bối cảnh thực tại của từng đất nước – cũng phải gánh trách nhiệm phần lớn, nếu không muốn nói là trách nhiệm chính.

Chiến lược tăng trưởng nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và nhận vốn tài trợ của Trung Quốc đã cho thấy rõ ràng những điểm hạn chế khi chiến lược này thường không đánh giá chính xác mức độ phù hợp và khả năng sinh lời của các dự án.

Kinh tế Mỹ vẫn tạo ra 1,8 triệu việc làm trong tháng 7 bất chấp dịch Covid bùng phát

Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ mới công bố, số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng 1,763 triệu trong tháng 7. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 10,2% từ mức 11,1% trong tháng trước và vượt dự đoán của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.

Andrew Hunter– kinh tế gia cấp cao về Mỹ tại Capital Economics, nhận định rằng, số liệu của tháng 7 đã thể hiện rõ tác động của việc dịch bệnh tái bùng phát, khiến đà hồi phục kinh tế bị chậm lại, nhưng cũng nhấn mạnh rằng sự đảo ngược vẫn chưa diễn ra. Ông nói: “Với số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm dần và các chỉ báo hoạt động với tần suất cao cho thấy những dấu hiệu của sự tăng trưởng, số lượng việc làm sẽ tiếp tục hồi phục trong những tháng tới.”

2. Vĩ mô trong nước

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ hai thế giới thời Covid-19

The Conference Board và Nielsen vừa công bố báo cáo khảo sát Niềm tin người tiêu dùng. Theo đó, niềm tin người tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh từ 106 điểm xuống còn 92 điểm trong quý II.

Việt Nam vượt qua Philippines và Indonesia, trở thành quốc gia có số người tiêu dùng lạc quan lớn thứ hai thế giới, với chỉ số niềm tin người tiêu dùng 117 điểm, chỉ đứng sau Ấn Độ với số điểm 123.

Đồng thời, khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong xu hướng tiết kiệm. Trong quí II, Việt Nam là nền kinh tế đứng đầu với tỷ lệ nhiều người tiết kiệm nhất thế giới, theo sau bởi Hồng Kông 68% và Singapore 65%.

Chính phủ đang ứng phó với tâm thế dịch bệnh kéo dài

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ,

Chính phủ cũng rút được nhiều kinh nghiệm từ lần dịch hồi đầu năm. Ở đợt một, khi phát hiện người lây nhiễm ở một địa phương hay khu vực là thực hiện cách ly cả cụm. Sau đó, khi có kinh nghiệm hơn, chúng ta điều chỉnh xuống cách ly theo thôn hoặc khu phố.

Bây giờ, Chính phủ đã có nhiều hơn thông tin về dịch tễ, cơ chế lây nhiễm nên việc khoanh vùng cách ly được xử lý vừa đủ để chống dịch mà vẫn có độ mở để kinh tế vận hành. Như vậy, Chính phủ đã hài hoà trong công tác chống Covid-19, đảm bảo nền kinh tế không bị tác động quá lớn. Dịch sẽ còn tiếp diễn. Phương án Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng ứng phó với tâm thế Covid-19 sẽ kéo dài.

Kinh tế, xã hội rồi sẽ phải thích nghi trong trạng thái “bình thường mới”. Dù vậy không có nghĩa là kinh tế sẽ “miễn dịch” với dịch bệnh vì một khi có sự ngăn cấm, hạn chế, cách ly, việc làm ăn chắc chắn bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ là “đã ốm thì phải yếu”, không có lý do gì để bảo là đang ốm mà ra sân vận động cho khoẻ ngay được. Phải nằm đấy, mất một thời gian tối thiểu mới khôi phục lại được.

Nhật Bản cắt giảm phụ thuộc từ Trung Quốc có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam

Theo Bloomberg, Nhật Bản đã sử dụng các gói kích thích nhằm khuyến khích các doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Đây sẽ là một lợi thế đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 12 tỷ yên (114 triệu USD) cho gói hỗ trợ kinh tế nhằm tài trợ 30 doanh nghiệp trong nước chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khu vực Đông Nam Á, điển hình là các quốc gia như Việt Nam hoặc Thái Lan, khu vực có chi phí rẻ hơn.

Việt Nam được coi là thị trường đầu tư yêu thích của nhiều doanh nghiệp sản xuất nhờ vào vị trí gần Trung Quốc, chi phí nhân công và điện tương đối thấp, đồng thời Việt Nam cũng có những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch tập đoàn Fujikin, ông Shinya Nojima chỉ ra rằng mức lương của Việt Nam chỉ bằng 1/10 tại Nhật Bản, thấp hơn so với Trung Quốc.

Đồng thời, Phó Giám đốc Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản Kitajima cho rằng nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam với mục tiêu tập trung vào thị trường nội địa trẻ cùng với sự phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

3. Các kênh đầu tư

Vàng có thể chạm mốc 2.300 USD và đây là lý do thúc đẩy đà tăng phi mã

Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Citi cho biết, họ tin rằng giá của kim loại quý này có thể đạt 2.100 USD/ounce trong quý này và lên mức 2.300 USD trong 6 đến 12 tháng tới.

Về cốt lõi, các nhà kinh tế cho biết sự hồi phục của vàng được thúc đẩy bởi các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đưa lãi suất thực xuống mức âm. Đây là thời điểm lợi nhuận nhà đầu tư nhận được từ trái phiếu bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Điều này đã làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ một tài sản không mang lãi suất như vàng.”

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thêm rằng tất cả các yếu tố trên và nhiều hơn thế đều đóng vai trò trong việc duy trì đà tăng của vàng. Guy Foster – trưởng bộ phận nghiên cứu tại Brewin Dolphin, đồng tình rằng điều thúc đẩy đà tăng phi mã của vàng là lợi suất thực âm.

Ông nhận định: “Những gì đang diễn ra cho thấy rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác không thể tăng lãi suất vì tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao, thậm chí ngay cả khi lạm phát bắt đầu gia tăng.” Foster cho biết kỳ vọng lạm phát tăng lên khoảng 3% là hợp lý và trong tình huống đó, vàng sẽ có diễn biến cực kỳ khả quan.

Những nhà đầu tư cổ phiếu nhỏ lẻ đang thống trị mọi nơi

Trong tháng 4 và tháng 5, ở Anh, số lượng tài khoản tiết kiệm (sẽ được miễn thuế) được mở mới cho các nhà đầu tư thuộc nhóm 25-34 tuổi tại Interactive Investor đã tăng 238%. Ở Ấn Độ, các day trader (nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu ngay trong ngày) lần đầu tiên chơi chứng khoán đang reo lên sung sướng trước những cổ phiếu chỉ có giá chưa đến 0,7 USD nhưng lại tăng giá phi mã.

Khối lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư tay mơ ở Nga mua vào trong tháng 6 cao gần gấp đôi so với hồi tháng 4. Trong khi đó ở Malaysia, những nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào cổ phiếu của các công ty sản xuất găng tay y tế mà một trong số đó đã tăng hơn 1.500% kể từ đầu năm đến nay. Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư nhỏ lẻ khiến cổ phiếu của 1 công ty công nghệ sinh học có 7 năm thua lỗ liên tiếp tăng giá gần 11 lần chỉ vì có thông tin công ty này sở hữu thuốc chữa Covid-19 chưa được kiểm chứng.

Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm gần như bằng 0 và mọi người có quá nhiều thời gian rảnh vì làm việc từ xa, những nhà đầu tư nghiệp dư đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với thị trường chứng khoán. Và những lực đẩy chính cho xu hướng này là các phần mềm giao dịch không thu phí như Robinhood – thứ khiến việc mua bán cổ phiếu không chỉ dễ dàng hơn mà còn mang nhiều may rủi hơn. Những gói kích thích khổng lồ của các NHTW cũng khiến thị trường chứng khoán thăng hoa bất chấp kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ.

Vắc-xin COVID-19 sẽ tác động mạnh tới thị trường chứng khoán Mỹ

Theo các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs, khả năng Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt một loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020 ngày càng tăng và loại vắc-xin này sẽ được cung cấp rộng rãi cho người dân Mỹ vào giữa năm 2021.

Trong khi vắc-xin COVID-19 được điều chế thành công là một thông tin có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì điều này cũng có thể khiến các nhà đầu tư bán ra ồ ạt những cổ phiếu đang dẫn đầu xu thế tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ lớn.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest