Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/03/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga, Anh ngừng nhập từ cuối năm 2022
– Sáng ngày 08/03 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chính phủ Mỹ sẽ lập tức cấm thực hiện các hợp đồng nhập khẩu mới đối với dầu từ Nga, một số sản phẩm dầu lửa, khí thiên nhiên hóa lỏng và than đá. Washington sẽ cho các công ty thời hạn 45 ngày để rút khỏi các hợp đồng nhập năng lượng từ Nga, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết.
– Sắc lệnh này cũng cấm Mỹ đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga và ngăn chặn người Mỹ tài trợ cho các công ty nước ngoài có đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Hiện nay, Mỹ nhập khẩu 8% dầu và sản phẩm tinh chế từ Nga trong năm 2021, tương đương 672,000 thùng/ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
– Mặc dù thừa nhận lệnh cấm có khả năng thúc giá xăng tăng mạnh hơn, nhưng tổng thống Biden nêu mục tiêu quan trọng hơn của chiến dịch này là gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine.
– Cùng ngày, chính phủ Anh thông báo sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh – ông Kwasi Kwarteng – nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga, vốn chiếm 8% nhu cầu của Anh.”
– Đáng chú ý, biện pháp trừng phạt của Anh không được áp dụng đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung. Tuy nhiên, bộ trưởng Kwarteng cho biết chính phủ Anh đang nghiên cứu các lựa chọn để chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu mặt hàng khí đốt từ Nga.
– Trong khi đó, các chính phủ châu Âu – vốn phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều hơn – đưa ra động thái khác với Mỹ, khi Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và lên mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga trước năm 2030.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và Ukraine giảm mạnh
– Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, do ảnh hưởng từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, xuất khẩu sang Liên bang Nga và Ukraine giảm mạnh trong tháng 02/2022.
– Các mặt hàng xuất khẩu sang Nga chủ yếu là điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may, cà phê. Cụ thể, tháng 2, xuất khẩu sang Nga chỉ đạt hơn 180 triệu USD, giảm tới 44,46% so với tháng 1 trước đó và giảm đến 12,45% so với cùng kỳ 2021.
– Tương tự, chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine là sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, cà phê, chè, rau quả, hạt điều, hạt tiêu, hay gạo cũng giảm tương đối. Kim ngạch xuất khẩu sang Ukraine tháng 2 chỉ đạt gần 13 triệu USD, giảm mạnh tới 60,3% so với tháng đầu năm, cũng giảm mạnh đến 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Nga và Ukraine lại tăng cao trong tháng 2. Trong đó nhập khẩu từ Nga đạt 257,2 triệu USD, tăng mạnh 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Ukraine đạt gần 49 triệu USD, tăng 571% so với cùng kỳ 2021.
– Con số xuất khẩu có sự biến động lớn, tuy nhiên tác động của 2 thị trường này đến kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước là không đáng kể, vì tỷ trọng đóng góp của Nga và Ukraine khá khiêm tốn, lần lượt là 1% và 0.1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ ít hứng chịu trực tiếp các tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa Nga và Ukraine so với một số nền kinh tế châu Á khác.
• Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 chạm mốc 1,5 tỷ USD
– Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi tăng 44% đạt 872 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tháng 2/2022 tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức 62% so với cùng kỳ 2021, ước đạt 635 triệu USD.
– Trong tháng 2, xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất, với con số 127% đạt 171 triệu USD; lũy kế 2 tháng đầu năm, cá tra đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93%. Xuất khẩu tôm trong tháng qua cũng tăng 50% so với cùng kỳ đạt 237 triệu USD, đưa kết quả 2 tháng đầu năm lên 550 triệu USD, tăng 46%.
– Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều tăng mạnh từ 30-90% so với tháng 2/2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ mang về 156 triệu USD, tăng 83%. Xuất khẩu mực đạt con số 97 triệu USD, tăng 45%.
– Theo VASEP, nhu cầu của các thị trường đều rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tại Mỹ, thủy sản đông lạnh đang được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống, đồng thời người tiêu dùng ngày càng tập trung vào thực phẩm tiện dụng, đồ chế biến sẵn, ăn liền và đồ bảo quản lâu. Trong tháng 2, Mỹ tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tăng 85% với 146 triệu USD.
– Xuất khẩu sang Trung Quốc đã có những tín hiệu hồi phục tích cực từ tháng 1 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2. Hai tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các quy định của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặt biệt vào thời điểm các cơ quan hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát thực phẩm nhập khẩu, nhưng không phải là trở ngại chính.
– Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường truyền thống khác như Hàn Quốc tăng 48%, Canada tăng 55%, Australia tăng 64%. Đáng lưu ý là xuất khẩu sang Đức tăng 140%.
– VASEP dự báo xuất khẩu những tháng tới tiếp tục đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang mạnh. Tuy nhiên, chiến sự Nga – Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%. Xung đột sẽ làm tăng giá xăng dầu và kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của các công ty thủy sản. Theo đó, các hoạt động khai thác thủy sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn so với thủy sản nuôi trồng.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• HAH đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng 23% lên 550 tỷ, nâng cổ tức lên 50%
– Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) lên kế hoạch tổng doanh thu mục tiêu năm 2022 đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 19% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 550 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 23%.
– Do diễn biến chiến tranh tại Ukraine đang ngày càng leo thang dẫn đến giá dầu bị đẩy lên cao, ban lãnh đạo công ty sẽ thường xuyên xác lập lại việc sử dụng tàu cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp so với tình hình chung.
– HAH cho biết sẽ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cảng depot tại khu vực Cái Mép (300 tỷ đồng); đầu tư nâng cấp mặt bãi cảng Hải An và hệ thống thoát nước (80 tỷ đồng); tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng cho dịch vụ Logistics ở các khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
– Đáng chú ý, HAH đề xuất nâng mức cổ tức năm 2021 từ 15% lên 50%, trong đó cổ tức sẽ được trả 10% bằng tiền mặt (hơn 48 tỷ đồng) và 40% bằng cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2021.
– Về kế hoạch cổ tức năm 2022, HAH trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
– Ngoài ra, công ty cũng dự kiến tiếp tục thực hiện phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 3%, tương đương số lượng hơn 2 triệu đơn vị, giá phát hành bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).
– HAH cũng lên kế hoạch hợp tác cùng hãng tàu ZIM Integrated Shipping Services Ltd, thành lập Công ty liên doanh vận tải container Zim-Haian với vốn điều lệ 2 triệu USD. Công ty liên doanh này dự kiến trước mắt sẽ khai thác 2 tuyến vận tải container, dự kiến đem lại doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm và lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng/năm.
• SZC đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 43%, rót hơn 625 tỷ đồng đầu tư dự án
– Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2022 với doanh thu mục tiêu năm 2022 đạt hơn 774 tỷ đồng, tăng 6% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt hơn 184 tỷ đồng, giảm 43% so với mức thực hiện năm 2021. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ dành hơn 2.516 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng.
– Để hoàn thành kế hoạch năm 2022, SZC sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tiếp thị thu hút đầu tư cho thuê đất công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Sonadezi Hữu Phước giai đoạn 2, đồng thời hoàn tất thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng hạ tầng phân kỳ khu đô thị phía bắc để tạo thêm sản phẩm đưa vào tiếp thị kinh doanh.
– Ngoài ra, trong năm 2022, công ty cũng dự kiến đưa sân golf resort Châu Đức có mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng, đã hoàn thành 66,58% kế hoạch và đang chờ giấy chứng nhận đủ điều kiện để đưa vào khai thác vận hành nhằm cung cấp thêm dịch vụ cho các nhà đầu tư trong khu công nghiệp, tạo giá trị gia tăng cho khu đô thị Châu Đức.
– Dự án BOT đường 768 tạm ngưng thu phí từ ngày 1/1/2021 đến nay nên SZC không có nguồn thu để chi trả cho các chi phí thường xuyên của dự án. Dự kiến đến quý III/2022, dự án sẽ được đưa vào khác trở lại sau khi Sở Giao thông Vận tải thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
– Dự án khu công nghiệp Châu Đức với hơn 263 tỷ đồng đã hoàn thành 73,64% kế hoạch và đang trong giai đoạn thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đồng thời trùng tu, bảo dưỡng đối với hệ thông hạ tầng đã đầu tư.
– Về phương án phân phối lợi nhuận, SZC dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%, tương đương giá trị 100 tỷ đồng. Mức cổ tức năm 2022 dự kiến tương tự với tỷ lệ 10%.
– Năm 2021, SZC ghi nhận doanh thu đạt hơn 730 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 323 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 74%. Kết quả này của SZC đã vượt 25% kế hoạch về doanh thu và vượt 83,6% kế hoạch về lợi nhuận.
• FCN: FECON mở đầu năm 2022 với nhiều gói thầu lớn, tổng giá trị gần 500 tỷ đồng
– Theo đại diện FECON, doanh nghiệp này vừa trúng 02 gói thầu đầu tiên tại “siêu dự án” Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) giai đoạn 2, với giá trị hơn 232,7 tỷ đồng, bao gồm gói thầu xử lý nền tại Dự án Bến cảng tổng hợp Hòa Phát và gói thầu cọc khoan nhồi tại Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất.
– Siêu dự án Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng. Dự kiến cuối quý I/2022 sẽ được khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2024. Sau khi đưa vào hoạt động, kế hoạch tổng sản lượng của thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đạt 11 triệu tấn thép/năm.
– Sau Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1, FECON kỳ vọng có thể mang về doanh thu 2.000 tỷ đồng tại giai đoạn 2 của siêu dự án này.
– Bên cạnh đó, FECON cũng trúng thêm gói thầu tại dự án Mecure Hội An (Quảng Nam) với giá trị hợp đồng trên 121,5 tỷ đồng, quy mô 7 hecta, bao gồm 118 căn villa và 785 căn hộ khách sạn cùng hàng loạt tiện ích.
– Ngoài ra, các gói thầu khác tại dự án khu đô thị Nam Sông Mã và Quảng trưởng biển Sầm Sơn, Khu đô thị Paragon Đại Phước, Bến Phà Cát Hải, dự án Grand World Phú Quốc… mang về thêm có FECON gần 130 tỷ đồng doanh số.
– Việc trúng nhiều gói thầu lớn đầu năm giúp FECON có một khởi đầu thuận lợi trong năm 2022. Kết thúc năm 2021, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2020.
– Với kỳ vọng về cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như từ các dự án xây dựng công nghiệp, hạ tầng mà FECON đang và sẽ tham gia cùng những dự án năng lượng tái tạo doanh nghiệp này sở hữu, FECON đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng trong năm 2022.
– Theo đánh giá của chúng tôi, FECON là một trong số ít các nhà thầu nội địa có chuyên môn kỹ thuật sâu về nền móng các loại kết cấu đặc biệt, xử lý nền đất yếu và công trình ngầm. Đây là các năng lực vô cùng cần thiết cho chủ trương đầu tư công và gói kích thích tài khóa của chính phủ trong giai đoạn 2022-2025, giúp FECON phát huy lợi thế cạnh tranh để tham gia vào các dự án đầu tư công.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch ngày 09/03/2022, VNINDEX đã có sự hồi phục ở đầu phiên nhưng lực bán đã nhanh chóng quay trở lại khiến trong phiên ngày hôm nay chỉ số giảm thấp nhất ở 1.462 rồi hồi lại giao dịch quanh tham chiếu ở vùng 1.473 điểm . Các mã trong VN30 cũng vậy, khi giao dịch giằng co quanh tham chiếu và kết phiên VNINDEX đóng cửa phiên ở mức 1.473,74 điểm (+0,03 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1.489,25 điểm (-0,92 điểm)
– Về mức độ ảnh hưởng tích cực đến chỉ số VNINDEX có sự xuất hiện của đại diện ngành ngân hàng – VCB đóng góp nhiều nhất với 1,81 điểm, ngành năng lượng – GAS và PLX đóng góp tổng 1,67 điểm. Chiều ngược lại chúng ta có cổ phiếu BID, MSN và BCM với mức giảm lần lượt là -1,13, -0,996 và -0,873 điểm.
– Đa số các nhóm ngành hôm nay đều đã giữ được sắc xanh nhẹ, tích cực nhất vẫn là nhóm ngành năng lượng khi tăng 4,07%, tiếp đến là 2 nhóm ngành ngành nguyên vật liệu (+1,27%) và Chăm sóc sức khỏe (+1,14%). Dẫn đầu nhóm ngành năng lượng là ngành dầu khí vẫn là các mã quen thuộc PVO (+14,7%), PVC(+10%) và PVD(6%) thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS và PLX với mức tăng cũng khiêm tốn hơn lần lượt là 1,2% và 2,8%. Dường như dòng tiền vẫn còn khá ưu ái cho các cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
– Nhóm ngành bất động sản hôm nay giảm nhẹ ở mức -0,31% khi các mã trụ như BCM, VHM,KDH,VRE chìm trong sắc đỏ, trong đó có BCM giảm mạnh nhất với mức giảm -4,4%. SCR và KBC là 2 mã có mức tăng tích cực lần lượt là 3,6% và 1,9%.
– Nhóm ngành vật liệu trong đó có ngành thép nổi bật với NKG tăng 4,3%, HSG tăng 2,6% và SMC tăng 2,4%. HPG trong phiên hôm nay có mức tăng khiêm tốn chỉ 0,8% có lực cầu mạnh vào đỡ khi áp lực bán gia tăng. Ngành phân bón trong phiên hôm nay vẫn khá tích cực khi BFC tăng hết phiên độ 7%. Còn DCM, DPM cũng có mức tăng khá cao với 5,6% và 5,3%.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày hôm nay vẫn bán ròng lên đến 1.068,51 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng 5,8 tỷ đồng trên sàn HNX. HOSE bị bán ròng chủ yếu đến từ cổ phiếu HPG (-151,5 tỷ đồng), VNM (-102 tỷ đồng) và VHM (-87,4 tỷ đồng). Chiều ngược lại các mã đã được khối ngoại mua ròng có PNJ (15,3 tỷ đồng), NKG (53 tỷ đồng) và DPM (13,9 tỷ đồng).
– Phiên hôm nay chỉ số VNINDEX giằng co khá khốc liệt quanh tham chiếu vùng giá 1.473 điểm. Tuy số mã giảm vẫn chiếm ưu thế hầu hết thời gian trong phiên giao dịch cùng khối lượng giao dịch cũng tương đối lớn nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhẹ cho thấy dòng tiền hỗ trợ đã có sự tích cực hơn. Theo góc nhìn kỹ thuật, VNINDEX hiện đã giữ được vùng hỗ trợ quanh 1470 và kết phiên tạo được cây nến rút chân khá dài, đây là 1 tín hiệu tích cực khi đà giảm điểm đã được dừng lại và có cơ hội hồi phục lại trong các phiên tới . Nhà đầu tư ngắn hạn theo dõi tiếp diễn biến của giá, nắm giữ với những mã cổ phiếu tích cực và cân nhắc giảm tỷ trọng hoặc dừng lỗ khi giao dịch những mã cổ phiếu có tín hiệu suy yếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát và gia tăng tỷ trọng với những mã tốt để nắm giữ trong dài hạn.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0