Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh khi đại dịch COVID-19 căng thẳng
Trong tháng 11/2020, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất tính từ đầu năm 2018, thặng dư thương mại lên mức cao kỷ lục. Điều đó cho thấy nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm liên quan đến đại dịch Covid-19 đang hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi.
Các công ty Trung Quốc bán được 268 tỷ USD hàng hóa trong tháng 11/2020, mức cao nhất tính theo tháng và cao hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nhập khẩu giảm nhiệt còn 4,5%, thặng dư thương mại ước tính 75,4 tỷ USD, ngưỡng cao nhất tính từ năm 1990.
Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Commerzbank AG tại Singapore, ông Zhou Hao, nhận xét: “Xuất khẩu tăng trưởng nhảy vọt là một trong những yếu tố gây ngạc nhiên nhất năm nay của Trung Quốc”. Kinh tế Trung Quốc hưởng lợi khi các biện pháp kiềm chế đại dịch phát huy tác dụng và số lượng các đơn đặt hàng dịp Giáng sinh tăng lên.
Hưởng lợi nhờ các yếu tố mùa vụ, các con số công bố mới nhất cho thấy đại dịch đã giúp cho thế mạnh trong sản xuất của Trung Quốc được phát huy, người tiêu dùng trên khắp thế giới giảm chi tiêu vào các ngành dịch vụ do tình trạng phong tỏa bởi đại dịch Covid-19. Kết hợp với việc tiêu dùng và đầu tư nội địa Trung Quốc phục hồi, xuất khẩu phục hồi cũng cho thấy kinh tế tăng trưởng ổn định trong tháng 11/2020.
Dòng vốn vào thị trường chứng khoán toàn cầu cao kỷ lục trong tháng 11
Chỉ số MSCI All World Country trên đà có tháng tốt nhất kể từ năm 1975 với mức tăng 13,4%. Tại Mỹ, Nasdaq có lần lập đỉnh lịch sử thứ 45 trong năm 2020 còn Dow Jones giao dịch trên 30.000 điểm, có tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 1/1987. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng có tháng tốt kỷ lục.
“135 mã thuộc S&P 500 tăng 20% hoặc hơn trong riêng tháng 11”, Scott Rubner, đến từ khối thị trường toàn cầu tại Goldman Sachs, chia sẻ với người dẫn chương trình Jake Siewert của “Exchange at Goldman Sachs”. Theo Rubner, vốn hóa thị trường chứng khoán thế giới 99.000 tỷ USD, tương đương 112% tổng GDP toàn cầu.
Các dòng vốn gần đây bắt đầu quay trở lại thị trường cổ phiếu, đặc biệt là sau bầu cử Mỹ và những diễn biến tích cực trong quá trình phát triển vaccine Covid-19. Thị trường cổ phiếu toàn cầu đón nhận thêm 106 tỷ USD trong ba tuần cuối tháng 11 – mức tăng ba tuần lớn nhất từ trước đến nay.
Hiện nay, tỷ lệ phân bổ vốn cho các thị trường cổ phiếu trên thế giới là 51% vào Mỹ, 26% vào EU, 8% vào Nhật Bản và 7% vào các thị trường mới nổi. Tỷ trọng của Mỹ đang cao nhất lịch sử còn phần còn lại thấp nhất lịch sử.85% dòng vốn trong 3 tuần cuối tháng 11 chảy vào các quỹ thụ động, phần còn lại vào các quỹ chủ động. Các quỹ thụ động thường nghiêng về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và chiến lược đầu tư dài hạn. Rubner nhận định quỹ chủ động “sẽ có sự trở lại mạnh mẽ trong năm 2021”.
Nhật Bản công bố gói kích thích 708 tỷ USD
Ngày thứ Ba (08/12), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiết lộ một số chi tiết của gói kích thích kinh tế đầu tiên kể từ khi ông lên vị trí lãnh đạo đất nước, giữa lúc xứ sở mặt trời mọc đang đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới và sự suy giảm về tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của ông Suga đang tạo ra thách thức cho chính quyền của ông.
Ông Suga nói rằng gói kích thích này có tổng trị giá 73.6 ngàn tỷ Yên (tương đương 708 tỷ USD) và các biện pháp tài khóa – bao gồm cho vay, đầu tư và chi tiêu – với trị giá 40 ngàn tỷ Yên. Các thông tin chi tiết thêm dự kiến được công bố sau đó trong ngày 08/12. Thông tin sơ bộ cho thấy gói kích thích này sẽ được tài trợ một phần bởi 19.2 ngàn tỷ Yên từ lần bổ sung ngân sách thứ ba. Trước gói kích cầu vừa được ông Suga công bố, Nhật Bản đã có hai gói kích cầu với tổng trị giá 2.2 ngàn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi Covid-19. Đó là hai gói kích cầu được thông qua khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe còn cầm quyền.
Theo số liệu điều chỉnh được công bố vào sáng ngày 08/12, GDP Nhật Bản tăng trưởng 22.9% trong quý 3/2020 so với quý trước, qua đó cho thấy nền kinh tế đã hồi phục nhanh hơn dự báo trong quý 3. Tuy nhiên, số ca nhiễm trong những tuần gần đây có thể kìm hãm chi tiêu tiêu dùng – vốn là lực kéo đà hồi phục trong mùa hè. Nếu các thành phố ở Nhật Bản đẩy mạnh các biện pháp hạn chế tự nguyện để chống dịch, ảnh hưởng đến chi tiêu sẽ càng gia tăng.
2. Vĩ mô Việt Nam
Giải ngân vốn ODA 2020: Nhiệm vụ bất khả thi
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2020 đã tăng hơn đáng kể so với 6 tháng đầu năm nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương. Tuy nhiên, về tổng thể, những thống kê đều cho thấy, kể cả đã điều chỉnh, cắt giảm một lượng lớn vốn ODA so với kế hoạch đầu năm, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% chỉ tiêu là bất khả thi.
Tính đến hết tháng 11, các bộ, ngành đã giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài đạt 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và bằng 45,51% kế hoạch đã được điều chỉnh (cắt giảm 4.346 tỷ đồng). Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, bên cạnh những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao thì vẫn còn một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Cùng với đó, có một số đơn vị cam kết giải ngân lên tới 100% số vốn vay nước ngoài như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… nhưng đến nay vẫn chậm. Cụ thể, tính đến hết tháng 11, tất cả 18 dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới giải ngân được 763 tỷ đồng, đạt 41,7% dự toán.
Bộ Tài chính và các địa phương đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của việc giải ngân còn chậm. Cụ thể, từ phía các chủ dự án, địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng. Việc chậm ký hợp đồng vay lại cũng là một nguyên nhân chủ quan cần được tính đến. Sau khi hiệp định vay được ký kết và có hiệu lực, các chủ dự án tập trung vào công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… tổ chức đấu thầu thi công để có khối lượng giải ngân nên chưa chú trọng việc hoàn thiện và ký kết các hợp đồng vay lại. Một số dự án Bộ Tài chính phải có công văn đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng cho vay lại.
Nền kinh tế số Việt Nam thuộc nhóm “bứt phá” trên toàn cầu
Mới đây, trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) đã hợp tác cùng Mastercard công bố Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số (Digital Intelligence Index – DII). Đây là chỉ số ghi nhận những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Theo đó, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông là những khu vực được đánh giá có nền kinh tế số năng động nhất. Báo cáo nhấn mạnh, những quốc gia và vùng lãnh thổ này có nguồn nhân lực lớn, hợp tác R&D tích cực giữa ngành công nghiệp và giới học viện, cũng như thành tích mạnh mẽ trong việc tạo ra và đưa các sản phẩm kỹ thuật số trở thành xu hướng.
Nhóm nền kinh tế bứt phá tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Báo cáo nhận định, đây là nhóm quốc gia đang phát triển nhanh chóng, có động lực tăng trưởng lớn, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc được ghi nhận có thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với triển vọng nền kinh tế số, mở rộng áp dụng kỹ thuật số.
Theo báo cáo, mặc dù Việt Nam có chỉ số tiến triển kỹ thuật số thấp nhưng chỉ số thích nghi lại cao, là dấu hiệu tích cực về nhu cầu công nghệ của người dân ngày càng tăng cao. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả. Trưởng bộ phận Kinh doanh Toàn cầu tại Fletcher, ông Bhaskar Chakravorti kết luận: “Đại dịch chính là phép thử thuần túy nhất về sự tiến bộ của toàn cầu trong công cuộc số hóa. Từ đó có thể thấy rõ hơn về vai trò của nền kinh tế số trong quá trình phục hồi kinh tế với bối cảnh đầy biến động trên toàn cầu”.
TP. HCM sẽ có gói tín dụng 4,000 tỷ lãi suất 0%
Gói tín dụng hơn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% dự kiến được TP HCM dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói tại kỳ họp 23 HĐND TP HCM khoá IX sáng 8/12, khi trả lời đại biểu về những giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó, gói tín dụng dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng này sẽ được Thành phố hỗ trợ với lãi suất 0% dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong các nhóm ngành: dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn.
Theo ông Phong, thời gian qua TP HCM đã thực hiện gói hỗ trợ lần một cho các doanh nghiệp khó khăn. Trong đó, đã xử lý gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; 218 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh. Thành phố sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp gặp khó khăn để tháo gỡ tất cả vướng mắc từ khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là những doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh.