Podcast ngày 09.09.2020 – Theo Morgan Stanley: Đồng NDT có thể trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba thế giới

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Theo Morgan Stanley: Đồng NDT có thể trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba thế giới

1. Vĩ mô Quốc tế

GDP Nhật Bản giảm kỷ lục

Nhật Bản hôm 08/09 công bố số liệu GDP điều chỉnh cho quý II, cho thấy kinh tế nước này giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn so với ước tính giảm 27,8% đưa ra hồi giữa tháng 8. Đây là mức giảm GDP lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 1955.

Dù GDP tổng quan vẫn khớp với ước tính, đầu tư của doanh nghiệp lại yếu hơn tới 3 lần so với số liệu sơ bộ. Số hàng tồn kho cũng đang nhiều lên, cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phục hồi chậm chạp.

Giới phân tích dự báo GDP Nhật Bản tăng 13% trong quý này. Đây là mức tăng mạnh, nhưng không đủ lớn để bù đắp cho 3 quý giảm liên tiếp. Bloomberg Economics dự báo quy mô nền kinh tế này có thể không bao giờ quay lại mức tiền đại dịch, do cuộc khủng hoảng này càng gây trì trệ cho hoạt động cải tổ cần thiết.

Trung Quốc có thể đang tích trữ hàng hóa chiến lược

Bắc Kinh được cho là đang gom hàng hóa trên thị trường giao ngay để bổ sung nguồn cung từ các hợp đồng dài hạn. Nước này đã tận dụng giai đoạn giá dầu lao dốc đầu năm nay để bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược. Công ty tư vấn nhà nước Beijing Antaike Information hồi tháng 8 cũng đã khuyến cáo chính phủ Trung Quốc tăng kho dự trữ cobalt lên 2.000 tấn. Kim loại này được sử dụng rộng rãi trong pin Li-ion, trong khi nỗ lực thúc đẩy ứng dụng đại trà xe điện ở Trung Quốc đã tăng mức tiêu thụ cobalt trong những năm qua.

Ngoài dầu thô và kim loại, Bắc Kinh cũng đang áp dụng những biện pháp bảo đảm an ninh lương thực. Nước này tuần trước ban hành luật về dự trữ phân bón hóa học, trong đó có trợ cấp cho những nguồn tích trữ kali trong khối tư nhân. Điều này nhằm tăng cường kho dự trữ k222ali, tài nguyên vốn không có nhiều như ni tơ và phốt pho, cũng như giữ vững nguồn cung phân bón khi xảy ra thiên tai ở Trung Quốc.

Nước này cũng duy trì kho ngũ cốc rất lớn. Mưa lũ kỷ lục tại đồng bằng châu thổ sông Trường Giang và Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát có thể thúc đẩy Bắc Kinh tiếp tục tăng cường kho dự trữ ngũ cốc để đảm bảo nhu cầu trong nước, cũng như duy trì quân bài mặc cả với Washington.

Nga đưa vào lưu hành dân sự lô vắc-xin Sputnik-V đầu tiên

Bộ Y tế Liên bang Nga thông báo, lô vắc-xin Covid-19 mang tên Sputnik-V đầu tiên đã được đưa vào lưu hành dân sự, lưu hành dân sự ở giai đoạn hiện tại có nghĩa là thực hiện tiêm chủng cho người dân thuộc các nhóm nguy cơ, đặc biệt là giáo viên và bác sĩ. Quá trình này sẽ được thực hiện song song với các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn sau khi đăng ký vắc-xin.

Theo đại diện của Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga, có hơn 40 quốc gia quan tâm đến việc nhập khẩu vắcxin Sputnik-V, tuy nhiên năng suất hiện tại của RDIF và Viện Gamaleya chưa đáp ứng được đủ nhu cầu và Nga sẽ ưu tiên cung cấp đủ cho thị trường nội địa trước.

Nga hiện đang thảo luận hợp tác với Ấn Độ và Brazil để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin này, đồng thời bỏ ngỏ khả năng xuất khẩu đến tháng 11.

2. Vĩ mô trong nước

Bộ Công thương dự kiến thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP đến năm 2025

Tại báo cáo tổng kết “Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020”. Bộ Công thương nêu rõ, trong 5 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng khoảng 9,2%.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 3.546 nghìn tỷ đồng trong năm 2016 lên đến 4.940 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Đặc biệt, đóng góp của thị trường trong nước vào GDP cũng tăng liên tục, từ 10,5% năm 2016 lên 11,16% năm 2019.

Bộ Công thương ước tính tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa loại trừ yếu tố giá sẽ đạt khoảng từ 9 – 9,5%/năm, phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU hy vọng tăng trưởng nhờ Hiệp định EVFTA

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13.3% tổng giá trị xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, XK sang thị trường này tháng 7 và 8 có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 cũng mang đến hi vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà NK của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

3. Các kênh đầu tư

Morgan Stanley: Đồng nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba thế giới trong 10 năm tới

Sức ảnh hưởng của NDT sẽ ngày một gia tăng trong 10 năm tới giữa bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính rộng hơn và xúc tiến các động thái giảm thiểu lệ thuộc vào USD. Theo báo cáo, đồng nhân dân tệ hiện chiếm khoảng 2% dự trữ ngoại hối toàn cầu, nhưng nó có thể tăng lên từ 5% đến 10% vào năm 2030, vượt qua mức của đồng yên Nhật và bảng Anh, theo các nhà phân tích Morgan Stanley.

Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung sẽ khiến Bắc Kinh phải nhanh chóng xem xét nỗ lực nhằm thúc đẩy vai trò của NDT trên thị trường quốc tế.

Giới cố vấn chính sách Trung Quốc đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào USD, trong đó khuyến nghị Bắc Kinh có thể biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính toàn cầu cho các sản phẩm tài chính định giá bằng NDT.

Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng cũng được đưa ra về việc xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới của riêng Trung Quốc để phục vụ cho các khoản đầu tư ra nước ngoài cũng như tạo đồng tiền kỹ thuật số riêng của nước này.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest