Podcast ngày 08.10.2020 – Chủ tịch Fed hối thúc Quốc hội thông qua gói cứu trợ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/10/2020

1. Vĩ mô thế giới

Thâm hụt thương mại Mỹ của tháng 8 lên mức cao nhất trong 14 năm

Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/10 cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Tám đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua. Đây là dấu hiệu cho thấy thương mại có thể là tác nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế trong quý 3.

Theo Bộ Thương mại, thâm hụt thương mại trong tháng Tám là 5,9%, đạt 67,1 tỷ USD, mức cao nhất từ tháng 8/2006. Cụ thể, nhập khẩu tăng 3,2%, đạt 239 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 2,2% lên 171,9 tỷ USD.Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm 1,9 tỷ USD, xuống còn 26,4 tỷ USD trong tháng Tám.

Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm đứt quãng nghiêm trọng các dòng chảy thương mại, qua đó cũng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Chủ tịch Fed hối thúc Quốc hội thông qua gói cứu trợ

Trong những nhận định được đưa ra trong hội nghị kinh tế diễn ra vào ngày 06/10, ông Powell – Chủ tịch Fed cho rằng rủi ro tại thời điểm này đến từ việc can thiệp chính sách vẫn còn bất cân xứng. Quá ít sự hỗ trợ từ Chính phủ sẽ khiến đà hồi phục trở nên mong manh, đồng thời tạo những khó khăn không cần thiết cho nền kinh tế. Ngược lại, rủi ro xảy ra tình trạng hỗ trợ quá mức vẫn còn rất thấp.

Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0% trong tháng 3/2020, mua trái phiếu Chính phủ ở quy mô chưa từng có và cung cấp khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp, thành phố và các bang với mục đích giúp thị trường vận hành suôn sẻ.

Trong những tháng qua, cuộc đàm phán giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa rơi vào thế bế tắc vì mâu thuẫn ở các vấn đề như gia hạn trợ cấp thất nghiệp – vốn đã hết hạn trong tháng 7/2020 – và cung cấp thêm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phố và bang bị tác động mạnh vì đại dịch. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đẩy mạnh trao đổi trong những ngày gần đây trong một nỗ lực tiến tới gói hỗ trợ trước cuộc bầu cử ngày 03/11. Tuy nhiên hôm qua TT Trump viết trên Twitter rằng ông đã yêu cầu các bên liên quan ngừng đàm phán cho đến sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Trung Quốc bị chỉ trích gây ra gánh nặng nợ nần ở nhiều nước

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trường Tài chính và quản lý Frankfurt thực hiện ngày 6-10, chủ tịch WB David Malpass đổ lỗi Trung Quốc đã góp phần gây khủng hoảng nợ tại một số nước.

Ông Malpass cũng cáo buộc Trung Quốc không theo sát sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20 – diễn đàn quốc tế dành cho 19 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới cùng với Liên minh châu Âu (EU).

Sáng kiến DSSI được các nước G20 khởi động hồi tháng 4, các nước giàu được đề nghị tạm hoãn thanh toán nợ từ ngày 1/5 tới cuối 2020 cho 73 quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu tại châu Phi và một số nước châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong đó 70% khoản thanh toán nợ từ các nước nghèo (tương đương 7,17 tỉ USD) là chi trả cho Trung Quốc. Ngoài ra, 43 nước cũng được nhận khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để thực hiện các biện pháp về kinh tế, y tế và xã hội nhằm ứng phó với đại dịch.

Các nước G7 đã chỉ trích việc Trung Quốc liệt kê các tổ chức tài chính quốc doanh, thuộc quản lý của chính phủ, là các bên cho vay thương mại không phải chủ nợ song phương chính thức.

Các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cần tham gia với tư cách chủ nợ song phương chính thức để DSSI có thể hoạt động hiệu quả.

2. Vĩ mô Việt Nam

Bộ Tài chính đề xuất thu 1,000 đồng/km trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư, trong đó đề xuất hai phương án.

Phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo quy định về giá. Theo đó: Ban hành nghị quyết bổ sung “dịch vụ sử dụng đường cao tốc” vào loại dịch vụ mà nhà nước định giá. Đối với đường cao tốc do T.Ư quản lý, Bộ GTVT sẽ quy định giá tối đa. UBND tỉnh, TP sẽ quy định giá cho các tuyến cao tốc địa phương quản lý. Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, giá được điều chỉnh và được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi cho nhà đầu tư. Ưu điểm của phương án này là khuyến khích được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ.

Phương án 2, đề xuất quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo quy định về phí và lệ phí. Theo đó, Ủy ban TVQH sẽ ban hành nghị quyết sửa đổi Danh mục phí và lệ phí. Chính phủ sẽ quy định phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Như vậy mức thu phí sẽ là một mức tiền cố định, nếu có điều chỉnh cũng do cơ quan Nhà nước thông qua Ưu điểm là đảm bảo nguyên tắc dịch vụ công do nhà nước cung cấp thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, phương án này lại không khuyến khích được sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng đường bộ.

Sau phân tích, đánh giá hai phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án đầu tiên. Theo đó, mức thu phí dự kiến là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.

Sửa khung giá nước sạch, đảm bảo quyền lợi người dân

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị cấp nước, cơ quan quản lý thực hiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước.

Khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho bán buôn và bán lẻ nước sạch (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy định như sau:

STT Loại Giá tối thiểu
(đồng/m3)
Giá tối đa
(đồng/m3)
1 Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp 3.000 18.000
2 Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn 2.000 11.000
3 Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chạy 500 7.000

Trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn, chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest