Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước thị trường vàng đang cơn “sốt nóng”
1. Vĩ mô quốc tế
Trung Quốc miễn phí giao dịch ngoại hối với 12 đồng tiền, ngoại trừ USD
Trong 3 năm tới, Trung Quốc sẽ chính thức miễn phí giao dịch giữa đồng nhân dân tệ và 12 loại tiền tệ khác (trong đó có đồng đô la Singapore, đồng rúp của Nga và đồng won Hàn Quốc) trên thị trường ngoại hối nội địa.
9 ngoại tệ khác được miễn phí giao dịch bao gồm đồng ringgit của Malaysia, đô la New Zealand, đồng rand của Nam Phi, riyal của Saudi, dirham của UAE, zloty của Ba Lan, forint của Hungary, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và baht Thái Lan.
Ngoài đồng đô la Mỹ, đồng Euro, bảng Anh, đồng Yên Nhật, đô la Hồng Kông và đô la Úc cũng không được miễn phí.
Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối khu vực châu Á của Mizuho Bank, cho biết việc miễn phí giao dịch có nghĩa là khuyến khích trao đổi trực tiếp nhiều hơn với các loại tiền tệ khác bằng cách bỏ qua các giao dịch bằng đô la Mỹ, từ đó sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán. “Bằng cách này, những người tham gia thị trường sẽ giảm bớt xu hướng giữ nhiều đô la Mỹ cho các giao dịch tiền tệ khác”, Cheung nói.
Hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải vật lộn để tăng trưởng ngay cả khi khống chế được Covid-19
Euben Paracuelles, chuyên gia kinh tế trưởng ASEAN tại Nomura, nói rằng những bất ổn toàn cầu sẽ tác động tới khả năng phục hồi kinh tế khu vực ngay cả ở một số nước ngăn thành công hơn trong việc ngăn chặn virus corona lây lan trong cộng đồng.
“Nhìn chung, hầu hết khu vực này sẽ trải qua hồi phục hình chữ U bởi còn nhiều điều không chắc chắn. Tôi nghĩ những rủi ro vẫn hướng về khả năng sụt giảm”, Euben Paracuelles cho biết. Phục hồi hình chữ U có nghĩa là các quốc gia mất nhiều thời gian ở đáy của suy thoái trước khi nó dần phục hồi.
Việt Nam, quốc gia được cả thế giới ca ngợi về khả năng kiểm soát Covid-19, không có tên trong danh sách những nền kinh tế phải vật lộn cho tăng trưởng của Nomura.
2. Vĩ mô trong nước
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng tăng hơn 6% so với cùng kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7/2020 đạt 1,05 tỷ USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2020 đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu tháng 7/2020 đạt 198 triệu USD; lũy kế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu trong 7 tháng đạt gần 1,31 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,78 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm khoảng 84% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 5 năm trở lại đây, gỗ dán của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh với mức tăng trưởng bình quân 31%/năm
Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Ngày 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ đề xuất xâỵ dựng Nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện các nghị định, khẩn trương trình Chính phủ ban hành; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện.
3. Các kênh đầu tư
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước thị trường vàng đang cơn ‘sốt nóng’
Các chuyên gia cho rằng trong lúc giá vàng lên xuống thất thường như hiện nay, người dân và nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, người dân cần thận trọng. Trước khi tham gia thị trường, người mua vàng cần chú ý đến chênh lệch giữa giá mua và bán vàng. Thông thường, mức chênh lệch dưới 300.000 đồng/lượng là bình thường, nhưng nếu mức chênh lệch từ 1 triệu đồng/lượng, thậm chí đến gần 2 triệu đồng thì cho thấy đây là thời điểm rất rủi ro. Nhà đầu tư không nên “lướt sóng” mua đi bán lại ngay trong lúc này, bởi giá biến động nhanh và mạnh mà cần đầu tư trong ít nhất 6 tháng.