Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/01/2021
1. Vĩ mô quốc tế
Sát thềm chuyển giao quyền lực, ông Trump ra sắc lệnh ‘cấm cửa’ loạt ứng dụng Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 5/1 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công dân hoặc doanh nghiệp Mỹ sử dụng hoặc giao dịch tài chính với 8 ứng dụng Trung Quốc. Đây tiếp tục là một động thái cứng rắn của chính quyền ông Trump với Bắc Kinh trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Sắc lệnh của Tổng thống Trump đã giao cho Bộ Thương mại Mỹ xác định hình thức giao dịch nào sẽ bị cấm và phải có kế hoạch hành động trước ngày 20/1, thời điểm chính quyền mới nhận chuyển giao quyền lực.
Những ứng dụng bị liệt vào “danh sách đen” lần này bao gồm Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office. Trong đó, Alipay, thuộc sở hữu của Ant Group – một công ty con của tập đoàn Alibaba, được xem là một trong những nền tảng thanh toán trực tuyến được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới với hơn 1 tỷ người dùng. Bên cạnh đó, hai ứng dụng của Tencent là WeChat và QQ Wallet cũng bị liệt vào danh sách trừng phạt. Trong đó, Wechat từng bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc gây đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Hàng loạt căng thẳng nảy sinh liên tiếp đang khiến quan hệ Mỹ – Trung rơi xuống mức thấp chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua, xoay quanh một loạt vấn đề, bao gồm cuộc chiến thương mại, cách Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, luật an ninh Hong Kong hay những yêu sách phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông. Cả hai bên đều đang thúc ép những quốc gia khác phải chọn phe dù nhiều nước từ chối làm điều này.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Trump đang tận dụng những ngày cuối nhiệm kỳ để gây áp lực với Trung Quốc, ngay cả khi ông đang tập trung vào việc đảo ngược kết quả bầu cử. Dường như ông Trump đang nỗ lực củng cố di sản trong nhiệm kỳ là người có quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc. Điều này sẽ khiến chính quyền dưới thời ông Joe Biden không dễ dàng thay đổi tiến trình trong quan hệ với Bắc Kinh.
Arab Saudi và các đồng minh Arab khôi phục quan hệ với Qatar
Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan al-Saud cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 được tổ chức cùng ngày tại Vương quốc này, Riyadh và 3 quốc gia đồng minh Arab gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Qatar.
Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Farhan al-Saud cho hay các bên đã thể hiện ý chí chính trị và thiện chí đảm bảo thực thi thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao và các quan hệ khác, trong đó có quyết định nối lại các chuyến bay. Ngoại trưởng Arab Saudi nêu rõ: “Những gì đã diễn ra trong ngày hôm nay… là sự khép lại toàn bộ những điểm khác biệt và hoàn toàn khôi phục các mối quan hệ ngoại giao”.
Trước đó, Thái tử Arab Saudi, Mohammed bin Salman thông báo các nước vùng Vịnh đã ký kết một thỏa thuận hướng tới “sự đoàn kết và ổn định” tại Hội nghị thượng đỉnh GCC, nhằm thảo luận về các biện pháp dỡ bỏ lệnh cấm vận suốt 3 năm qua đối với Qatar. Các nhà lãnh đạo của 6 nước thành viên GCC đã cùng ký hai văn kiện, bao gồm Tuyên bố Al-Ula và thông cáo báo chí cuối cùng của hội nghị. Cùng ngày, Thủ tướng Fayez Serraj của chính phủ Libya được Liên hợp quốc hậu thuẫn đã hoan nghênh thành công của Hội nghị thượng đỉnh GCC tổ chức tại Arab Saudi trong việc chấm dứt mâu thuẫn với Qatar.
2. Vĩ mô Việt Nam
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị quý IV/2020 ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý IV/2020 mặc dù giảm so với quý trước đó nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011 – 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, cả năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,3 triệu người, giảm 849,5 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 34,1%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,9 triệu người, chiếm 45,4% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
Trong khi đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2020 là gần 1,2 triệu người, giảm 60,1 nghìn người so với quý trước và tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý IV/2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
Dù tăng cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 đã không vượt quá 4,0%, đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Chỉ tiêu này cùng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác có thể được xem là bằng chứng quan trọng về thành công của Chính phủ trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Lãi suất vay mua nhà thấp nhất 15 năm qua
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, tại tọa đàm toàn cảnh thị trường bất động sản 2021, nhận diện xung lực mới, do báo điện tử VnExpress tổ chức khẳng định: Lãi suất vay mua nhà thấp nhất trong vòng 15 năm qua, đây là thời điểm cực kỳ tốt cho các hộ gia đình xuống tiền mua nhà, kể cả vay tiền để thuê hay mua. Cũng theo ông, ngành bất động sản 2021 dự báo tăng trưởng, 6-7,5% và bình quân 10 năm tới là 7%. Vị chuyên gia chỉ ra những xung lực mới cho thị trường bất động sản năm 2021 khi cho rằng, những thay đổi trong pháp lý sẽ là một trong những yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, yếu tố dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài cũng sẽ có những tác động tích cực lên lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra một cơ hội mới. “Trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản”, vị chuyên gia cho hay.
Tiếp đà giải ngân vốn đầu tư công tốt của năm 2020, theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2021 sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan từ giải ngân vốn đầu tư công, từ đó nhanh đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%, lĩnh vực bất động sản cũng sẽ hưởng lợi.
Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 lên 8,6%
Fitch Solutions đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,6%, từ mức 8,2% trong báo cáo trước đó.Trong báo cáo mới nhất của mình, Fitch Solutions cho biết, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020 và vượt dự báo 2,6% của Fitch Solutions. “Điều này là nhờ có việc ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của Covid-19 trong nước và xuất khẩu tăng mạnh mẽ sau Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA)”
Với vaccine đang được chuẩn bị triển khai trên toàn cầu, Fitch Solutions kỳ vọng năm 2021 sẽ là một năm phục hồi kinh tế trên toàn thế giới. Điều đó sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, toàn thế giới sẽ chứng kiến xu hướng gia tăng của du lịch nội địa sự hình thành của các bong bóng du lịch trong khu vực. Sản xuất công nghiệp và xây dựng, chiếm tỷ trọng 33,7% GDP vào năm 2020, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021.
Fitch Solutions kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất sẽ kéo dài trong năm 2021, nhờ có tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP. Đặc biệt, với UKVFTA mới đây, Việt Nam cũng nằm trong số ít các quốc gia châu Á – cùng với Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản – đã đạt được FTA song phương với Anh.
Fitch Solutions cho biết thêm: “Trong bối cảnh Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy khả năng tăng xuất khẩu Việt Nam rất lớn trong những năm tới”.
3. Tin tức tài sản đầu tư
Giá dầu Brent vọt lên cao nhất 11 tháng sau khi Saudi Arabia tự nguyện giảm mạnh sản lượng
Giá dầu Brent tiếp tục leo dốc lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 sau khi Saudi Arabia đồng ý cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức dự kiến, trong khi dữ liệu mới cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần qua sụt giảm. Đầu giờ sáng ngày 6/01 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 0,6% lên 53,94 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 26/2/2020. Phiên vừa qua (4/1), giá dầu Brent đã tăng 4,9% lên 53,79 USD/thùng. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) sáng ngày 06/01 cũng tăng 13 US cent (0,26%) lên 50,06 USD/thùng, sau khi đã tăng 4,6% trong phiên vừa qua lên 49,93 USD/thùng, cao nhất kể từ 24/2/2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng khiến nhu cầu xăng dầu bị ảnh hưởng, các nước sản xuất dầu mỏ đang nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ giá dầu. OPEC+ đã buộc phải cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nhiên liệu. Mức cắt giảm sau đó đã được điều chỉnh xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày, rồi giảm tiếp xuống 7,2 triệu thùng/ngày sau khi OPEC+ hồi tháng 12/2020 quyết định tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.