Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
NHTW Anh nâng quy mô trái phiếu thêm 195 tỷ USD
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nâng quy mô chương trình mua trái phiếu thêm 150 tỷ Bảng Anh (195 tỷ USD) lên 895 tỷ Bảng Anh (1.16 ngàn tỷ USD), cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế khoảng 50 tỷ USD, khi họ chuẩn bị ứng phó với thiệt hại từ các biện pháp phong tỏa và rủi ro từ Brexit. NHTW Anh cho biết điều này sẽ cung cấp đủ “hỏa lực” để kéo dài chương trình mua trái phiếu Chính phủ đến cuối năm 2021.
BoE hạ dự báo về kinh tế Anh, cụ thể dự báo GDP Anh sẽ vượt mức trước dịch vào quý 1/2022. Trước đó, họ kỳ vọng kinh tế hồi phục hoàn toàn vào cuối năm 2021.
BoE giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0.1% như dự báo, đồng thời xem xét tới tính khả thi của phương án hạ lãi suất xuống dưới mức 0 lần đầu tiên. Trong biên bản cuộc họp và báo cáo triển vọng hàng quý công bố trong ngày 05/11, BoE không hề nhắc tới lãi suất âm.
Các quan chức BoE dự báo kinh tế Anh sẽ thu hẹp 2% trong quý 4/2020 khi Anh bước vào tình trạng phong tỏa và giảm 11% trong cả năm 2020, nghiêm trọng hơn dự báo giảm 9.5% hồi tháng 8/2020. GDP Anh có khả năng tăng 7.25% trong năm 2021, yếu hơn dự báo trước đó là 9%.
Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo đạt đỉnh tại mức 7.75% trong quý 2/2021, cao hơn nhiều so với ước tính gần nhất là 4.5%, BoE cho biết. Tuy nhiên, dự báo lạm phát vẫn giữ nguyên ở mức 2%, mục tiêu của BoE.
Nhà bán lẻ Marks & Spencer thua lỗ lần đầu tiên trong 94 năm
Nhà bán lẻ Marks & Spencer (M&S) của Anh vừa báo cáo khoản thua lỗ đầu tiên trong 94 năm hoạt động của mình, do doanh số bán các mặt hàng thời trang bị sụt giảm nặng nề bởi tác động của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, M&S cho biết khoản lỗ trước thuế của công ty này trong 26 tuần tính tới ngày 26/9 là 17,4 triệu bảng Anh (22,6 triệu USD), đánh dấu khoản thua lỗ đầu tiên kể từ khi công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 1926.
Kết quả trên vẫn khả quan hơn mức dự báo thua lỗ 59 triệu bảng Anh của các chuyên gia phân tích, sau khi chứng kiến M&S đạt lợi nhuận 176 triệu bảng Anh trong cùng kỳ năm 2019.
M&S đang chật vật để tự làm mới mình sau nhiều thập kỷ nỗ lực thất bại, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Vào tháng 5/2020, M&S cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ thay đổi hoạt động kinh doanh của công ty này và M&S sẽ đẩy nhanh kế hoạch “lột xác.” Vào tháng 8/2020, M&S cắt giảm 7.000 việc làm, khi doanh thu từ mảng kinh doanh quần áo và đồ gia dụng giảm 40,8% do ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 từ mùa Xuân.
2. Vĩ mô Việt Nam
Bộ Tài chính đánh giá sơ bộ tình hình tài chính Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)
Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu của 138 DNNN có tổng doanh thu năm 2019 là 924.961 tỷ đồng (tăng 24,37% so với năm 2018).
Trong đó, doanh thu của 13 DN thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là 669.478 tỷ đồng (chiểm 72,38% tổng doanh thu, tăng 16,52% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 83.166 tỷ đồng (giảm 5,32% so với năm 2018).
Số nộp ngân sách năm 2019 là 113.818 tỷ đồng (tăng 8,08% so với năm 2018), trong đó có 6 DN báo cáo có số nợ quá hạn là 112 tỷ đồng. Có 46/138 đơn vị được đánh giá an toàn về tài chính; 4 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính”; 2 đơn vị được đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính; các đơn vị còn lại chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá đầy đủ.
Đối với các DN có vốn nhà nước, qua tổng hợp số liệu của 47 DN được báo, tổng doanh thu năm 2019 là 337.810 tỷ đồng (giảm 4,75% so với năm 2018), tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 34.408 tỷ đồng (tăng 25,79% so với năm 2018)
Số nộp ngân sách năm 2019 là 29.410 tỷ đồng (giảm 1,37% so với năm 2018). Có 40/47 kinh doanh có lãi; có 7 đơn vị lỗ. Có 237/342 DN được đánh giá an toàn về tài chính, 6 DN được đánh giá là mất an toàn về tài chính và 10 DN được đánh giá có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các đơn vị còn lại chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.
Vốn đầu tư vào khu công nghiệp tăng gần 50%
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, thông tin, trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt gần 592 triệu USD, tăng 18,4% so với kế hoạch của năm là 500 triệu USD và tăng 7,2% so cùng kỳ. Trong khi số vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 270,67 triệu USD, giảm hơn 19% so cùng kỳ thì vốn đầu tư trong nước tăng mạnh.
Trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư trong nước vào các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX – KCN) đạt hơn 321 triệu USD (tương đương hơn 7.439 tỉ đồng), tăng 47,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 46 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.811 tỉ đồng (gần 251 triệu USD), tăng gần 30% so cùng kỳ; 32 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng hơn 1.628 tỉ đồng (khoảng 70,33 triệu USD), tăng gấp 2,91 lần so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, trong đại dịch, có nhiều dự án đầu tư mới tập trung vào ngành công nghiệp dịch vụ. Cụ thể là đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê, hoặc mua lại nhà xưởng cũ, đầu tư làm kho cho thuê, logistic của các công ty phát triển hạ tầng.
Nhà kho xây sẵn tăng nhiệt cuối năm
Theo báo cáo mới nhất về tiềm năng của thị phần nhà kho, nhà xưởng xây sẵn của JLL, Covid-19 đang thay đổi thị trường, kích thích thương mại điện tử bùng nổ, đồng thời tạo cú hích lớn cho loại hình bất động sản công nghiệp linh hoạt.
Đặc biệt ở quý cuối năm 2020, khi mùa mua sắm và lễ hội càng đến gần, các nhà sản xuất hàng thiết yếu phải chật vật tìm nhà kho để trữ hàng, đáp ứng việc giao hàng nhanh cũng như nâng cấp chuỗi cung ứng.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với bất động sản công nghiệp. Nhà kho xây sẵn cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt kho hàng gần hơn với người tiêu dùng. Sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp, đặc biệt là các mô hình kho bãi tăng trưởng cao nhất 10 năm.
Tại miền Bắc, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý III/2020 có khoảng 2,1 triệu m2, tăng 25,3 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực Miền Nam, diện tích nhà kho xây sẵn chiếm khoảng 2,7 triệu m2, tăng 28,2 % so với năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 2,9 triệu m2 sàn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung mới gia tăng mạnh ở các khu vực công nghiệp trọng điểm.
3. Bản tin tài sản đầu tư
Dầu tăng mạnh 4% khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Tư (04/11), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố sai lầm về chiến thắng trong cuộc bầu cử căng thẳng với hàng triệu phiếu bầu vẫn chưa được kiểm đếm và sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh, CNBC đưa tin.
Một chiến thắng của ông Trump được xem là một yếu tố thúc đẩy dầu tăng giá bởi vì các lệnh trừng phạt Iran và sự ủng hộ của ông đối với động thái cắt giảm sản lượng do Ả-rập Xê-út dẫn đầu để hỗ trợ giá.
Một kết quả bầu cử gây tranh cãi và không chắc chắn kéo dài được xem là kết quả tiêu cực nhất đối với dầu mỏ nói riêng và các thị trường nói chung, trong khi một chiến thắng của ông Biden được xem là một yếu tố khiến dầu suy giảm bởi vì ông Biden ủng hộ chính sách xanh và có lập trường mềm mỏng hơn với Iran.