Podcast ngày 06.04.2022 – Doanh nghiệp gỗ đã kín đơn hàng đến hết quý III/2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/04/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Ả Rập Xê Út tăng giá bán dầu cao kỷ lục
– Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco đã tăng giá bán dầu thô Arab Light cho các chuyến hàng sang châu Á của tháng tới đây lên mức 9,35 USD/thùng so với mức tiêu chuẩn. Đó là mức tăng 4,40 USD/thùng so với tháng 4 và là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận.
– Giá dầu đã tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang làm chao đảo các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Trong khi đó, nhiều người mua đang tránh hàng hóa từ Nga. Theo nhà kinh doanh dầu thô độc lập lớn nhất thế giới Vitol Group, dòng chảy dầu từ Nga có thể giảm từ 1 đến 3 triệu thùng/ngày trong quý III.
– Sau cuộc họp ngày 31/3, OPEC+ đã từ chối lời kêu gọi từ các nhà nhập khẩu lớn, bao gồm cả Mỹ để đẩy nhanh việc tăng sản lượng và hạ giá nhiên liệu toàn cầu. Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco cũng tăng giá bán của các loại dầu xuất sang châu Á khác ít nhất 2,70 USD/thùng, trong khi tất cả giá các loại dầu xuất sang Mỹ đều tăng 2,20 USD/thùng.
– Hơn 60% các chuyến hàng dầu của Ả Rập Xê Út có điểm đến là châu Á, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là những người mua lớn nhất. Ả Rập Xê Út cũng là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và đã sản xuất 10,3 triệu thùng/ngày vào tháng trước.

• Cước vận chuyển container hợp đồng dài hạn tăng gần gấp đôi cùng kỳ
– Theo báo cáo của công ty phân tích vận tải biển Xeneta – đơn vị chuyên đo lường giá cước vận chuyển container theo các hợp đồng dài hạn trên toàn cầu, cước vận chuyển đường biển theo hợp đồng dài hạn đã tăng 7% trong tháng 3, tương đương mức tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Đồng thời, 18 tháng trở lại đây, chỉ có 2 tháng (12/2021 và 1/2022) ghi nhận giá cước vận tải biển trên toàn cầu giảm. Xu hướng tăng giá neo cao là sự kết hợp của nhu cầu tăng cao kéo dài, việc tắc nghẽn tại cảng ở Mỹ, thiếu container rỗng và sự gián đoạn do Covid-19. Điều này đã giúp các hãng vận tải có lợi nhuận khổng lồ trong năm vừa qua.
– Tại châu Âu, giá cước vận chuyển hàng hóa nhập khẩu tăng gần 8% trong tháng 3, đạt mức cao nhất trong lịch sử và hiện tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, giá cước vận chuyển hàng xuất khẩu tăng hơn 3%, tương đương mức tăng gần 73% so với tháng 3 năm trước.
– Giá cước nhập khẩu ở khu vực Viễn Đông theo chỉ số XSI đã tăng 4,7%, đưa chỉ số này tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá cước xuất khẩu lại tăng gần 8%. Nếu so với tháng 3/2021 thì mức cước này đã tăng đến 92%. Theo đó, mức tăng giá cước được ghi nhận 18 trên 24 tháng trở lại đây. Giá cước vận tải ở Mỹ cũng có diễn biến tương tự, với cước hàng hóa nhập khẩu tăng gần 7%, bù lại mức giảm nhẹ được ghi nhận vào tháng 2 và chỉ số này cao hơn 99% so với cùng kỳ 2021.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Doanh nghiệp gỗ đã kín đơn hàng đến hết quý III/2022
– Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, ngành chế biến gỗ đã trở lại sản xuất thuận lợi, điều này giúp cho trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.
– Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà ngành chế biến gỗ Việt Nam đã thuận lợi đưa đơn hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.
– Cụ thể, mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào các thị trường CPTPP đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khối thị trường này còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi nhiều doanh nghiệp đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý II/2022.
– Về CPTPP, ngoài Mỹ ra thì Canada và Australia cũng là những thị trường tốt cho Việt Nam. Nó đã được chứng minh qua sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022; trong đó còn có cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy rằng ngành gỗ trước đó đã được hưởng thuế thấp, nhưng nhờ có thêm Hiệp định CPTPP thì những ưu đãi sẽ duy trì tiếp tục.
– Trong tháng 3, mức tăng trưởng của ngành gỗ có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn là con số cao so với thời điểm 2021. Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ khoảng 16,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
– Năm 2022 có lẽ là một năm đánh dấu sự trở lại của ngành gỗ khi mà các đơn hàng đã kín đến hết Quý III và hiện tại các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu vẫn đang tiếp tục tăng tới Quý IV. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn gặp phải rào cản lớn về những chi phí phát sinh như xăng dầu, thiếu hụt nhiên liệu hay cước vận chuyển tăng chóng mặt.

• Hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025
– Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), hiện ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, bằng khoảng 5,8% so với nhu cầu.
– Cụ thể, các dự án nâng cấp đường sắt hiện có được bố trí 13.441 tỷ đồng bao gồm dự án cải tạo, nâng cấp khu gian Hòa Duyệt-Thanh Luyện tuyến đường sắt Bắc-Nam là 2.644 tỷ đồng; dự án cải tạo tuyến đường sắt khu vực Khe Nét là 1.736 tỷ đồng; dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) là 583 tỷ đồng.
– Ngoài ra, giai đoạn này cũng còn có các dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM là 1.401 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh là 1.963 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang là 2.425 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn là 2.256 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt trên các tuyến đường sắt phía Bắc là 333 tỷ đồng…
– Trong giai đoạn 2016-2021 nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 6,8% toàn ngành; vốn bố trí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 43%.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Doanh thu dệt may TNG quý I tăng 38%
– Theo BCTC quý I, Kết quả kinh doanh của Dệt may TNG khởi sắc, thể hiện qua những con số: 864 tỷ đồng doanh thu 2 tháng đầu năm, tăng 45%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 24,7 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó Theo Bộ Công Thương, quý I, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu cán mốc 43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,2%.
– Nhìn lại 2021, dệt may TNG ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động bất chấp diễn biến dịch bệnh phức tạp. Cụ thể, doanh thu đạt gần 5.444 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 233 tỷ đồng; tăng lần lượt 22% và 52% so với thực hiện năm 2020. Doanh nghiệp đã đạt 113% kế hoạch doanh thu và 133% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
– Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, doanh nghiệp xác định rõ dòng hàng mục tiêu là các sản phẩm kỹ thuật, cao cấp. Đồng thời, đơn vị áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động bằng việc sử dụng máy móc tự động, ứng dụng công nghệ 4.0 kiểm soát tình hình sản xuất của các nhà máy…
– Tăng trưởng quý I của TNG đạt được nhiều tín hiệu tích cực thể hiện đà phục hồi tốt của ngành dệt may nói chung. Với những mục tiêu và sản phẩm cải tiến chất lượng cao sẽ tiếp tục phát triển và đạt được như kì vọng. Cùng các gói hỗ trợ FTA (EVFTA, RCEP,..) giúp TNG đạt giá trị xuất khẩu sang các thị trường Mỹ , EU vượt kế hoạch và tích cực hơn ở Hàn Quốc, Nhật Bản trong quý II, III.

• VGC: Mảng bất động sản hoạt động hiệu quả, Viglacera (VGC) lãi đậm, hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 1 quý
– Cập nhật từ Tổng công ty Viglacera trong tháng 3, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 109% kế hoạch tháng, doanh thu quý 1/2022 đạt 130% kế hoạch quý, đạt 22% mục tiêu cả năm và tăng trưởng 31% so với cùng kỳ.
– Năm 2022, kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 15.000 tỷ đồng, như vậy doanh thu Tổng Công ty ghi nhận riêng trong quý 1/2022 đạt 3.300 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực bất động sản đạt và vượt cao so với kế hoạch quý 1 (đạt 306% kế hoạch quý và đạt 48% kế hoạch năm).
– Kết quả, lợi nhuận trước thuế tháng 3 toàn Tổng công ty đạt 129% kế hoạch tháng. Tổng cộng quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt 235% kế hoạch quý và hoàn thành 51% kế hoạch cả năm 222; lãi tăng 538 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
– Công ty mẹ vẫn thể hiện tốt vai trò dẫn đầu với kết quả lợi nhuận trước thuế tháng 3 đạt 113% kế hoạch tháng, lũy kế quý 1/2022 ghi nhận lãi đạt 294% kế hoạch quý, tăng 376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, hiệu quả mang lại từ nhóm Bất động sản và Kính xây dựng. Các chỉ số khác toàn Tổng công ty cơ bản bám sát và vượt kế hoạch. Trong năm 2022, VGC đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến tăng 10% lên 1.700 tỷ đồng. Như vậy việc hoàn thành 51% kế hoạch năm đồng nghĩa lợi nhuận trước thuế quý 1 của VGC đạt 867 tỷ đồng.
– Có thể nói, VGC đang kiểm soát sản phẩm, hàng tồn kho và nguồn nguyên liệu đầu vào rất tốt. Chỉ với 3 tháng đầu năm mà VGC đã đạt 50% kế hoạch lợi nhuận, dự báo Quý 2 sẽ còn vượt trội hơn và không quá sớm để nói rằng năm 2022 chắc chắn VGC sẽ đạt vượt mục tiêu đề ra

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 05/04/2022, chỉ số VNINDEX đã ghi nhận sự giảm điêm ngay từ đầu phiên khi mở cửa ở mốc 1.521,40 điểm, giảm khoảng 3 điểm so với tham chiếu. Tuy trong phiên giao dịch có nhịp hồi nhưng cuối giờ chiều áp lực bán tăng cao đẩy chỉ số đóng cửa ở 1.520,03 điểm, giảm 4,67 điểm (-0,31%) so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
– Thanh khoản thị trường ghi nhận ở mức 21.810,111 tỷ đồng, sụt giảm hơn 5 nghìn tỷ đồng so với phiên giao dịch ngày 04/04. Độ rộng thị trường nghiêng về phe bán với 273 mã giảm, tương đương khoảng trên 53% số mã trên sàn HOSE.
– Về mức độ ảnh hưởng, GAS, NVL và VCB là các mã đóng góp tăng điểm nhiều nhất cho chỉ số VNINDEX với tổng 1,9 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu kìm hãm đã tăng của chỉ số với lần lượt là: BID (-1,225 điểm), VNM (-0,959 điểm), VPB (-0,804 điểm).
– Về nhóm ngành, chỉ có 4/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Mức tăng nổi bật đến từ nhóm ngành Năng lượng (+0,56%) và Dịch vụ tiện ích (+0,69%) với sự đóng góp của GAS (+1,7%), BSR(2,3%), GEG (+1,7%). Các nhóm ngành còn lại có mức giảm nhẹ dưới 1%.
– Các cổ phiếu trong nhóm ngành Tài chính gồm Ngân hàng và Chứng khoán đều chìm trong sắc đỏ, dòng tiền vẫn chưa thực sự quay trở lại với nhóm ngành vốn hóa lớn này.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 05/04/2022 bán ròng 275,19 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên ngày hôm qua. Lượng bán ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu VHM (-68,19 tỷ đồng), VIC (-59,65 tỷ đồng), HPG (-47,04 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã mua ròng nhiều nhất là NVL (51,74 tỷ đồng), FUEVFVND (27,3 tỷ đồng), QNS (17,74 tỷ đồng).
– Hiện tại, VN-Index đang chịu áp lực bán lớn trên vùng cản tâm lý 1.520 điểm do nhóm cổ phiếu dẫn dắt VN30 đa phần cũng chìm trong sắc đỏ. Sau phiên mở gap của thị trường ngày 04/04 cùng việc thị trường gặp áp lực điều chỉnh, có khả năng VNINDEX sẽ lấp lại gap ở vùng 1,516 điểm nếu dòng tiền vẫn chưa tìm được ngành dẫn dắt.
– Thời điểm ngày các doanh nghiệp đang dần công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I, kèm theo đó là nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến các chủ tịch tập đoàn lớn. Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ và cập nhật những thông tin mới để có thể đưa ra quyết định giao dịch hợp lý, tránh tình trạng mua – bán trong hoảng loạn do bị nhiễu thông tin.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest