Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/10/2020
1. Vĩ mô thế giới
Châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai
Kinh tế của khu vực Eurozone đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh. Các nhà kinh tế học từng dự báo, Eurozone sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã làm lung lay mức triển vọng này.
Rất nhiều Chính phủ đã thông báo lệnh phong tỏa mới, hoặc giảm tốc mở cửa lại nền kinh tế do số ca lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Âu ngày 22/9, 2,9 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận tại châu Âu. Hiện, mỗi ngày, có trên 10.000 ca mắc mới tại Tây Ban Nha và Pháp. Chính vì vậy, Chris Williamson – kinh tế trưởng tại IHS Markit cảnh báo trên CNBC rằng: “Rủi ro suy thoái kép rất lớn” trong quý IV/2020. Số liệu công bố cho thấy, đà phục hồi tại Eurozone đã chững lại trong tháng 9. Chỉ số PMI tổng hợp (theo dõi cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất) chỉ đứng tại 50,1 – thấp nhất 3 tháng. Trong quý II/2020, GDP Eurozone giảm 11,8% – thấp nhất kể từ năm 1995.
Nhật Bản trả gần 10.000 USD để người dân về quê làm việc
Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch hỗ trợ 1 triệu Yên (9.500 USD) cho những người quyết định chuyển từ thành phố lớn về các vùng nông thôn sinh sống và làm việc từ xa.
Kế hoạch này dự kiến sẽ bắt đầu vào tài khóa tới, tức tháng 4/2021. Làm việc từ xa đã được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Xu hướng này mang tới cơ hội cho Nhật Bản để giảm bớt sự tập trung quá mức của hoạt động kinh tế ở Tokyo bằng cách hỗ trợ tài chính cho những người muốn chuyển đến các khu vực nông thôn nhưng vẫn giữ công việc hiện tại của họ. Từ năm tài chính 2021, Chính phủ cũng sẽ thiết lập một hệ thống trợ cấp 3/4 ngân sách để giúp chính quyền địa phương ở nông thôn tạo ra môi trường phù hợp cho người dân làm việc từ xa.
Đông Nam Á sẽ vượt Trung Quốc, trở thành nhà sản xuất laptop hàng đầu thế giới
Thị trường máy tính xách tay toàn cầu hiện đứng ở mức 160 triệu chiếc vào năm ngoái. Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng, với phần lớn sản xuất của họ được giám sát bởi các công ty Đài Loan, trong khi Đông Nam Á chỉ đảm nhận một phần nhỏ sản lượng.
Thông qua phỏng vấn các nhà sản xuất, MIC nhận thấy thị phần sản xuất máy tính xách tay của Trung Quốc sẽ giảm từ 90% xuống 40% vào năm 2030, Việt Nam và Thái Lan khi đó sẽ được coi là các trung tâm sản xuất chính. Cụ thể, Foxconn là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có thể bắt đầu sản xuất máy tính xách tay tại Việt Nam. Mới nhất là Tập đoàn Pegatron của Đài Loan sẽ đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2, sau dự án đầu tiên được cấp giấy phép từ tháng 3/2020 vừa qua, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các “ông lớn” trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo…, trong khi Quanta Computer, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới, cũng dự kiến sẽ sản xuất máy tính xách tay tại Thái Lan. Chi phí lao động gia tăng của Trung Quốc và mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc, được cho là nhân tố thúc đẩy sự chuyển dịch sang Đông Nam Á.
2. Vĩ mô Việt Nam
Thực thi EVFTA: Chất lượng nông sản Việt ‘ghi điểm’ tại EU
Sau hơn 1 tháng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Riêng trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2020; trong đó, nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: gạo, thủy sản, cà phê, rau quả…. Dự kiến xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm. Riêng năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào EU đạt giá trị 4,6 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt vì thao túng tiền tệ
Chính phủ Mỹ có kế hoạch điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ với cáo buộc có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại lớn, Bloomberg đưa tin ngày 30/9.
Hồi tháng 1 năm nay, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi gồm 10 nước có khả năng thao túng tiền tệ, bao gồm có Malaysia và Singapore.
Sau đó, vào tháng Tám, Bộ Thương mại và Tài chính Hoa Kỳ kết luận rằng, Việt Nam đã thao túng tiền tệ của mình trong ít nhất một vụ thương mại liên quan đến xuất khẩu lốp xe.
Tối 2/10, Đại diện thương mại Mỹ đưa tin Mỹ chính thức điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’ theo điều 301 của đạo luật thương mại ban hành năm 1974, cũng chính là quy trình mà Mỹ sử dụng để áp đặt thuế lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Cùng ngày, Hoa Kỳ loan báo một điều tra riêng biệt khác về việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer giải thích nếu xảy ra việc “dùng gỗ phi pháp trong hàng xuất sang Mỹ thì sẽ gây hại cho môi trường và bất công cho công nhân, doanh nghiệp Mỹ”.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh trong những năm gần đây do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, điều này đã thúc đẩy các nhà máy và chuỗi cung ứng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì các đặc quyền thương mại tốt hơn với Hoa Kỳ
Hàng không Việt có thể phục hồi nhanh hàng đầu Đông Nam Á
Mới đây, Fitch Ratings đã dự báo khách luân chuyển (RPK) trung bình của hãng hàng không Việt Nam bằng 55% mức cơ sở năm 2020 và 90% vào năm 2021. Những con số này tích cực, cao hơn các thị trường khác tại Đông Nam Á.
Theo Fitch Ratings, Singapore Airlines có thể chứng kiến mức giảm RPK mạnh nhất khu vực – khoảng 70% do phụ thuộc hoàn toàn vào bay quốc tế. Năm 2021, chỉ số RPK của hãng này được dự báo dưới 50% so với năm 2019.
Indonesia, Philippines – hai thị trường vẫn còn nguy cơ lây lan Covid-19 cao được dự báo RPK trung bình vào khoảng 35% năm 2020 và 65% năm 2021. Các hãng hàng không tại Thái Lan và Malaysia cũng có thể tương tự Indonesia và Philippines khi đã kiểm soát được dịch bệnh trong nước nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi lưu lượng bay quốc tế thấp.
Những dự báo này được đưa ra dựa trên giả định vaccine hoặc phương pháp điều trị Covid-19 không được cung cấp trên quy mô lớn vào năm 2021. Lượng khách của các hãng hàng không có thể cải thiện nhanh hơn khi vaccine hiệu quả được phân phối sớm hoặc có nhiều thành công hơn trong việc ngăn chặn đại dịch.