Podcast ngày 05.08.2020 – Định giá cổ phiếu châu Á cao nhất hơn thập kỷ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Định giá cổ phiếu châu Á cao nhất hơn thập kỷ

1. Vĩ mô thế giới

Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi theo hình chữ V

Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế Chile cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi theo hình chữ V (suy giảm mạnh và bật tăng mạnh trở lại ngay sau khi chạm đáy) trong nửa đầu năm nay.

Cuộc khảo sát do AFP thực hiện với các nhà phân tích thuộc 11 viện nghiên cứu cho thấy, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 1,3% trong quý II/2020. Mặc dù kém xa mức tăng trưởng 6,1% của cùng kỳ năm 2019, nhưng kết quả này vẫn tốt hơn nhiều so với các nước khác hiện vẫn đang vật lộn với suy thoái.

Trung Quốc chỉ hoàn thành 5% thỏa thuận thương mại Mỹ Trung về năng lượng trong nửa đầu 2020

Trung Quốc nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than luyện kim và các sản phẩm năng lượng khác đạt khoảng 1,29 tỷ USD trong năm nay tính đến tháng 6, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Con số này chỉ đạt 5% trong số 25,3 tỷ USD mục tiêu cho các sản phẩm năng lượng mà Trung Quốc từ Mỹ theo thỏa thuận. Nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu đã trở nên tồi tệ.

2. Vĩ mô trong nước

Samsung tính toán dịch chuyển dây chuyền sản xuất PC từ Trung Quốc sang Việt Nam

Theo tờ Nikkei, Samsung Electronics Tô Châu Computer – nhà máy cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sẽ đóng cửa ngay trong tháng 8 này. Một phần nhà máy sẽ được chuyển đổi thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cho Samsung. Tập đoàn Hàn Quốc này cũng đã thông báo cho toàn bộ nhân viên về kế hoạch dừng hoạt động và cắt giảm nhân sự từ cuối tháng 7 vừa qua.

Samsung Electronics hiện đang xoay xở cách di dời dây chuyền sản xuất sang một nhà máy hiện có tại Việt Nam. Phát ngôn viên của tập đoàn này cũng cho biết quyết định đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc là dựa trên nhu cầu tìm kiếm lợi thế về chi phí.

Quyết không để câu chuyện giãn cách xã hội trên diện rộng quay trở lại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cho rằng, đất nước vẫn phải sản xuất, kinh doanh, vẫn phải giải trí, làm những việc cần thiết trong cuộc sống, nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch.

“Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam sẽ là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương năm nay

Mới đây, trong báo cáo về thị trường cận biên (Frontier Market) tại châu Á, HSBC đã đánh giá cao thị trường Việt Nam. Các lý do có thể kể đến tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài triển vọng, tỷ trọng trong thương mại toàn cầu tăng, khả năng kiểm soát ấn tượng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và nỗ lực đầu tư, cải cách chính sách, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài… và cổ phiếu rẻ.

HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 – là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương và bứt lên mức 8,5% trong năm 2021.

HSBC tin rằng bất chấp Covid-19, tình hình ở Việt Nam vẫn có thể cho là tương đối tốt so với nhiều thị trường và khu vực khác. Ngoài ra, tổ chức này nhìn nhận Việt Nam sẽ tiếp tục giành được thị phần trong thương mại toàn cầu, ngay cả khi quy mô của tổng xuất khẩu toàn cầu giảm.

Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh

Tại bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2020 do Bộ Xây dựng phát hành ngày 4/8 ghi nhận, số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh.

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II, cả nước có 325 dự án với 70.317 căn hộ được cấp phép; 1.425 dự án với 246.781 căn hộ đang triển khai xây dựng; 73 dự án với 8.901 căn hộ hoàn thành.

Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh so với quý I. Cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như Hà Nội cấp phép 8 dự án, TP Hồ Chí Minh 4 dự án; trong khi quý I cả 2 thành phố này không có dự án nào được cấp phép.

3. Các kênh đầu tư

Định giá cổ phiếu châu Á cao nhất hơn thập kỷ

Số liệu từ Refinitiv cho thấy định giá cổ phiếu tại châu Á tăng lên đỉnh hơn 10,5 năm trong tháng 7. MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng 4,29% trong tháng 7, tháng tăng thứ 4 liên tiếp. P/E dự tính 12 tháng của chỉ số này hiện là 16,15, cao nhất kể từ tháng 12/2009. MSCI Thế giới tăng 5,14%, nâng P/E lên 19,65, cao nhất kể từ tháng 6/2003.

Lãi suất thấp, những gói kích thích kinh tế từ các chính quyền khu vực cùng với số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng giúp thúc đẩy định giá các chỉ số của khu vực trong năm nay.

Simona Gambarini, chuyên gia kinh tế thị trường tại Capital Economics, nhận định P/E cao hơn của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, thúc đẩy bởi làn sóng nhà đầu tư cá nhân ồ ạt tham gia thị trường, không bộc lộ tín hiệu rắc rối. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã có những biện pháp nhất định để tránh đi vào “vết xe đổ” vỡ bong bóng chứng khoán năm 2015.

“Một lý do chúng tôi không quá nhấn mạnh vào tỷ lệ P/E nói chung là bởi lợi nhuận đang bị bóp méo vì tác động từ đại dịch Covid-19, ảnh hưởng rất lớn nhưng sẽ không quá dài”, theo Gambarini.

Thiên tai hoành hành, giá cả leo thang, Trung Quốc nguy cơ khủng hoảng lương thực

Chỉ riêng trong tháng 6, tổng kim ngạch nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng 80,6% so với cùng kỳ năm trước. Bắc Kinh đang phải vật lộn với tình trạng giá cả lương thực leo thang do những gián đoạn trong nguồn cung gây ra bởi đại dịch Covid-19, lũ lụt nghiêm trọng tại miền Nam, hạn hán ở miền Bắc.

Trung Quốc, nước nắm giữ hơn 50% tồn kho lúa mì toàn cầu và cũng là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, đã phải nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng này trong nửa đầu năm 2020 – đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc cũng nhập lượng lớn đậu tương từ Mỹ với tốc độ tăng lớn nhất kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, nhập khẩu đậu tương từ Brazil cũng tăng 91% so với năm trước. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc ráo riết mua đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương để nuôi đàn lợn với quy mô lớn nhất thế giới của mình.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest