Podcast ngày 04.08.2020 – Giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào đà tăng của giá vàng

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào đà tăng của giá vàng

1. Vĩ mô quốc tế

Samsung vừa chính thức ngừng sản xuất máy tính tại Trung Quốc

Theo thông tin từ tờ SCMP, nhà máy sản xuất máy tính ở nước ngoài cuối cùng của Samsung ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn để tập trung vào nghiên cứu và phát triển.

Cụ thể, ngày hôm qua, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã quyết định rằng nhà máy ở Tô Châu sẽ hoàn toàn không lắp ráp và sản xuất nữa “do sự cạnh tranh trên thị trường quá khốc liệt”.

Điều đáng nói là việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của Samsung cung cấp thêm nhiều bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc đang mất đi lợi thế nhanh chóng trong hoạt động lắp ráp và sản xuất khi chi phí lao động tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị sụp đổ vì dịch Covid-19. Hơn nữa, xung đột kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ khiến thị trường xuất khẩu chủ chốt của Trung Quốc sụt giảm mạnh.

2. Kinh tế vĩ mô trong nước

Tháng 7, sản lượng, đơn hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian và đầu tư cơ bản đều giảm trở lại

Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam vừa được IHS Markit công bố. Trong đó, PMI tháng 7 Việt Nam đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng trước do lượng đơn đặt hàng và sản lượng đơn hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch.

Nguyên nhân được cho là việc hạn chế đi lại và nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu giảm vì đại dịch COVID-19. Khối lượng công việc giảm dẫn tới số lượng việc làm cũng giảm mạnh. Nhiều lao động quyết định nghỉ việc để tìm kiếm những cơ hội việc làm khác. Trước tình trạng này, nhà sản xuất đã giảm hoạt động mua hàng, nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng tồn kho.

Giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế vẫn chưa tới

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá, có xu hướng sụt giảm mạnh của tăng trưởng GDP và đây là yếu tố đáng lo.

 “Nguyên nhân trực tiếp của suy giảm tăng trưởng là đứt chuỗi, đứt mạch cung ứng, sản xuất toàn cầu, trong khi COVID-19 là tác nhân. Bởi vậy, nếu COVID-19 ở Việt Nam chống xong rồi mà thế giới vẫn đứt chuỗi thì có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đứng trước nguy cơ lớn, thậm chí tai họa”, PGS TS Trần Đình Thiên nhận định. Đồng thời nhấn mạnh, tuyệt đối chưa thể lạc quan.

Vị chuyên gia đề xuất, nguồn cứu trợ chính cho nền kinh tế lúc này phải là tăng cường đầu tư công. Bởi theo lý giải của ông Thiên, những giải pháp như miễn giảm hoãn thuế, phí, tiền thuê đất… sẽ giảm bớt áp lực đè lên doanh nghiệp nhưng đó là giải pháp cấp cứu, không phải là giải pháp phục hồi. Mà giải pháp cấp cứu thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro.

Giải ngân đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2020, trong đó tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam tăng gấp 5 lần

Công ty Visa – công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, cho biết từ đầu năm đến nay lượt giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam của Visa đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa tăng hơn 600% trong cùng kỳ.

Thanh toán không tiếp xúc, phương thức thanh toán mà người tiêu dùng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại lên máy đọc thẻ POS để thực hiện thanh toán, đã trở nên phổ biến khi người tiêu dùng và các đơn vị chấp nhận thẻ đang tìm đến một phương thức nhanh chóng, tiện lợi và an toàn để thanh toán.

3. Các kênh đầu tư

Giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào đà tăng của giá vàng

Giá vàng châu Á đã chạm mức kỷ lục mới trong phiên giao dịch 3/8, giữa bối cảnh những lo ngại về khả năng kinh tế suy giảm khi số ca nhiễm COVID-19 ngày một tăng mạnh đã thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn, dù đà tăng của giá kim loại quý này đã bị hạn chế bởi đồng USD phục hồi.

George Gero, Giám đốc điều hành tại RBC Wealth Management, cho biết, với đà phát triển mạnh mẽ của thị trường, rất khó để thấy giá vàng sẽ giảm trong thời gian tới.

“Vàng ngay bây giờ là nơi trú ẩn an toàn duy nhất cho những người có tiền tệ”, ông nói.

Tuy nhiên, Gero nói thêm rằng, trong bối cảnh hiện tại, giá vàng sẽ khó tăng đột biến khi đã ở mức cao kỷ lục. Ông nói rằng, các nhà đầu tư cần phải có chiến lược hơn để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán từ các phiên tạo sóng.

Đồng quan điểm, Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures cũng khuyến nghị các nhà đầu tư mua khi giá vàng điều chỉnh. Sự điều chỉnh nhẹ vừa qua cho thấy, tiềm năng tăng giá của vàng vẫn rất vững.

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh nhẹ trong vài tuần tới

Một đợt điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán có thể sẽ không xảy ra khi nhu cầu mua cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn đang cao cùng với giả định rằng Quốc hội sẽ thông qua gói hỗ trợ tiếp theo cho những người thất nghiệp và giữ nền kinh tế tiếp tục trên đà hồi phục.

Tuy nhiên, thị trường tồn tại những rủi ro từ dữ liệu việc làm, doanh số bán lẻ sắp được công bố, theo các chiến lược gia JPMorgan Chase.

“Một số nghi ngại về bối cảnh kinh tế vĩ mô đang trở nên khó lường nhưng điều này cũng không đủ để củng cố cho xu hướng điều chỉnh của thị trường chứng khoán hoặc một chiến lược đầu tư phòng thủ. Sự giao thoa giữa sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ cùng với gói trợ cấp mới có thể giúp thị trường tránh được áp lực điều chỉnh sâu”, theo các chiến lược gia.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest