Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/01/2021
1. Vĩ mô quốc tế
EU hoàn tất đàm phán hiệp định đầu tư với Trung Quốc
Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc ngày 30/12 thông báo đã hoàn tất về nguyên tắc Hiệp định đầu tư toàn diện giữa 2 bên. Thông tin được công bố trong phiên hội đàm trực tuyến ngày 30/12 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng hai lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Việc hoàn tất hiệp định đầu tư sau 7 năm đàm phán được châu Âu đánh giá là một cột mốc quan trọng giúp châu Âu xây dựng được quan hệ thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc, có nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại Trung Quốc. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen, phía Trung Quốc đã cam kết minh bạch hơn về trợ cấp nhà nước, phương thức kinh doanh cũng như không ép buộc chuyển giao công nghệ hay bắt buộc liên doanh. Đồng thời, hiệp định cũng sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu.
Các công ty châu Âu sẽ được phép đầu tư vào các lĩnh vực như ô tô điện, bệnh viện tư, bất động sản, quảng cáo, công nghiệp hàng hải, dịch vụ điện toán đám mây… tại Trung Quốc. EU và Trung Quốc cho biết sẽ thúc đẩy để việc ký chính thức hiệp định sớm được thực hiện. Tuy nhiên, việc phê chuẩn hiệp định dự kiến sẽ gặp một số trở ngại từ phía Nghị viện châu Âu, đồng thời có thể sẽ mất cả năm hiệp định này mới chính thức có hiệu lực do các trình tự về pháp lý và kỹ thuật phức tạp.
Giá lương thực tăng cao, gây sức ép lên các nước nghèo
Giới phân tích lo ngại giá lương thực tăng cao ở thời điểm căng thẳng kinh tế báo hiệu bất ổn ở phía trước, đặc biệt là đối với các nước nghèo. Hơn nữa, đà phục hồi kinh tế ở châu Á đang thúc đẩy nhu cầu ngũ cốc và đậu nành. “Lạm phát thực phẩm là điều chắc chắn mà các chính phủ không muốn xảy ra vào thời điểm này”, Carlos Mera, nhà phân tích ở Ngân hàng Rabobank, nói. Fitch Solutions dự báo giá cả hàng hóa nông nghiệp sẽ còn tăng nếu hoạt động đi lại và chi tiêu của người dân đang phục hồi về sát mức bình thường và ngành nhà hàng, khách sạn tái mở cửa với tốc độ nhanh hơn cũng như niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.
Việc nhiều chính phủ củng cố kho dự trữ lương thực cũng khiến thị trường hàng hóa nông nghiệp tăng cao. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước ráo riết mua mọi thứ từ bắp cho đến gạo trong những tháng qua. Giới chức trách Trung Quốc đã mở các kho dự trữ lương thực để ghìm giá trên thị trường trong thời kỳ dịch bệnh. Giờ đây, họ đang bổ sung các kho dự trữ lương thực chiến lược.Các nước Bắc Phi vẫn gia tăng nhập khẩu lúa mì để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Carlos Mera, nhà phân tích ở Ngân hàng Rabobank, cho biết nguồn cung lúa mì còn dồi dào nhưng các kho dự trữ ở các nước nhập khẩu đang tăng vì họ chuyển sang mua dự phòng, thay vì mua vừa đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại. Các lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy cơn tăng giá trên thị trường ngũ cốc. Trong khi đó, thời tiết khô hạn đang ảnh hưởng đến các vụ mùa lương thực trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Nam Mỹ, nơi hiện tượng La Niña đang gây ra các điều kiện khô nóng ở Brazil và Argentina. Nhiều nông dân ở hai nước này phải phá bỏ các vụ mùa đang khô cháy.
Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác cũng đẩy mạnh mua hàng hóa nông nghiệp trong nửa cuối năm 2020, đốt nóng thêm đà tăng giá. Vào cuối tháng 10, họ nắm giữ vị thế mua ròng kỷ lục ở các hợp đồng tương lai và quyền chọn trên ở các mặt hàng nông nghiệp sau 22 tuần mua ròng liên tiếp. Dù giá cả hàng hóa nông nghiệp trên các thị trường quốc tế đang ở mức thấp hơn so với năm 2009 hay giai đoạn 2010-2012, lương thực được dự báo vẫn là yếu tố gây áp lực cho các nước kém phát triển. Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của FAO, cảnh báo: “Nếu mọi người nhận thấy rằng vaccine Covid-19 không giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn và họ rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực, thì mọi chuyện có thể vượt tầm kiểm soát. Dù tôi không tin giá cả lương thực sẽ chạm các mức đỉnh trước đây, chúng ta sẽ chứng kiến sự biến động lớn trên thị trường hàng hóa nông nghiệp trong năm mới này”.
2. Vĩ mô Việt Nam
Nới lỏng tiền tệ trong thận trọng
Theo nhiều chuyên gia, trong năm 2021 NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khi mà nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp chưa phải đã hết.Tuy nhiên, mức độ nới lỏng tiền tệ trong năm 2021 sẽ có phần thận trọng hơn năm 2020 vì áp lực lạm phát và dư địa chính sách đã cạn.
TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng năm 2021 chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất – kinh doanh và củng cố, gia tăng khả năng chống chịu của thị trường tiền tệ – ngân hàng với các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực dự báo tín dụng chỉ tăng khoảng 11-12% trong năm 2021.
TS. Phạm Thế Anh – Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều, bởi các mức lãi suất điều hành của Việt Nam hiện dao động từ 2,5% (lãi suất tái chiết khấu) đến 4% (lãi suất tái cấp vốn); trong khi lạm phát bình quân cả năm 2020 dự báo sẽ ở mức 3,5%, có nghĩa chênh lệch là không nhiều.
Dư địa chính sách càng thêm hạn hẹp khi mà áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đang ngập trong tiền, cộng thêm giá xăng dầu thế giới cũng được dự báo sẽ tăng khi nguồn cung tiếp tục được giới hạn và nhu cầu phục hồi. Bên cạnh các sức ép từ bên ngoài, việc tổng cầu trong nước phục hồi cũng sẽ tạo thêm áp lực đến lạm phát. Đó là chưa kể đến lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ y tế, giáo dục… Trong Báo cáo mới đây, IMF dự báo lạm phát năm 2021 của Việt Nam sẽ ở mức 4%.Trong bối cảnh đó, nếu cố ép lãi suất huy động xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy qua các kênh tài sản, có nguy cơ hình thành bong bóng tài sản, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, khiến quá trình hồi phục nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam: ‘Năm 2021, ngành dịch vụ logistics sẽ phát triển mạnh mẽ’
Ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) nói:
“Thách thức thì rất lớn rồi. Chính vì vậy câu hỏi này tôi chỉ đề cập về những cơ hội mà ngành logictics Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này. Cụ thể, cơ hội lớn nhất đó là giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam được hợp tác, làm việc cùng các doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy thương mại phát triển giúp tạo ra nguồn hàng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người trong nước”.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong những khó khăn làm cho chi phí dịch vụ Logictics tăng cao đó là kiểm tra chuyên ngành. Kiểm tra chuyên ngành hiện nay vô cùng rắc rối và gây khó dễ cho các doanh nghiệp, chính vì vậy cần phải cắt giảm các thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành. Nói tóm lại, muốn giảm chi phí Logictics thì cần phải nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ, cắt giảm các chi phí có liên quan và các bộ, ngành cần phải ngồi lại với nhau để đưa ra một lộ trình cụ thể.
Trước đây, muốn áp dụng công nghệ số thì mất khoảng 5 năm, tuy nhiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu thì bây giờ chỉ mất 8 tháng để áp dụng công nghệ số vào các doanh nghiệ\p. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp phải đổi mới trong hoạt động nếu không muốn bị đào thải. Đồng thời cũng cắt giảm được rất nhiều chi phí, tiết kiệm thời gian và đạt được hiệu qủa cao hơn.
Ngành dịch vụ logistics nằm trong sự phát triển kinh tế của nền kinh tế, nếu nề kinh tế phát triển thì sẽ kéo theo ngành dịch vụ logistics sẽ phát triển. Một bước đệm lớn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam đó là chúng ta đã tham gia vào hiệp định thương mại toàn cầu như EVFTA hay RCEP, điều này sẽ giúp tạo ra nhiều nguồn hàng và nhiều nguồn đầu tư. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 5-6% và điều này chắc chắn sẽ kéo theo ngành dịch vụ logistics trong nước phát triển mạnh mẽ.
Hiệp định UKVFTA: Mở ra cơ hội lớn cho ngành thép và cơ khí chế tạo
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa chính thức ký kết và về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định này cũng tương tự như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo các doanh nghiệp ngành cơ khí, luyện kim, cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu là sẽ có nhưng cũng chưa được nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành này vẫn kỳ vọng sẽ tiếp cận và xuất khẩu hơn nữa sang thị trường này.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, hiện nay, các sản phẩm sắt thép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này ít, mới chỉ có các sản phẩm tôn… Thị trường xuất khẩu thép Việt Nam chủ yếu vẫn là các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Do vậy, cánh cửa mở ra với thị trường Vương quốc Anh rất lớn. Tuy vậy, theo Hiệp hội Thép, sẽ không dễ để tăng xuất khẩu mặt hàng tôn thép trong năm nay 2021. Bởi lẽ, thị trường Anh, tương đồng như EU là thị trường rất khắt khe về các tiêu chuẩn, ưu đãi ký kết. Trong cán cân thương mại hai bên, sắt thép không phải mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh.
Theo chia sẻ từ ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, hiện nay, sản phẩm cơ khí Việt Nam vẫn còn yếu về công nghệ sản xuất, đặc biệt với những máy móc, thiết bị mang tính công nghệ cao, sản phẩm cốt lõi và yếu về tính liên kết doanh nghiệp… Do vậy, cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu sang thị trường này sẽ không nhiều. Vì vậy nên chăng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hiệp định này để thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo. Bởi, Vương quốc Anh là quốc gia mạnh về máy móc, thiết bị ôtô… và từ đó tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp trong nước dần tham gia chuỗi cung ứng sản xuất, giống như các Tập đoàn, công ty như SamSung, Honda và nhiều tập đoàn lớn khác đã làm.
Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế, hàng hóa Việt Nam vào được thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng, cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, môi trường, vệ sinh và giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phải nỗ lực áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý và nắm bắt kịp thời nhữngg thay đổi về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thủ tục hải quan khi sản xuất và xuất khẩu sang thị trường này.
3. Các kênh đầu tư
Thị trường chứng khoán 2021: Lạc quan, còn dư địa tăng trưởng
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Tính tới ngày 30/11/2020, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E bình quân 12 tháng (TTM P/E) đạt 16,3 lần, cao hơn mức P/E 15,0 lần vào đầu năm 2020. P/E bình quân 12 tháng hiện tại đã nhỉnh hơn so với P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần. So sánh trong khu vực, P/E bình quân 12 tháng của Việt Nam thấp hơn so với các thị trường lân cận. Tuy nhiên TTCK Việt Nam hiện vẫn đang thuộc nhóm thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã lên nhóm thị trường mới nổi.
VNDIRECT ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong hạng mục đánh giá của VNDIRECT là 36% so với cùng kỳ. Đối với các cổ phiếu không nằm trong phạm vi của VNDIRECT, chúng tôi sử dụng và đồng thuận dự báo lợi nhuận của Bloomberg. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 nhờ các yếu tố sau: (1) TTM P/E của VN-Index sẽ duy trì ổn định ở mức P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần; (2) Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1,8% trong năm 2021.
Tiềm năng tăng giá bao gồm: (1) TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021, (2) TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021 và (3) vắc-xin COVID-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và (2) lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.
Thị trường vàng sẽ diễn biến ra sao trong năm 2021
Gói kích thích kinh tế gần 900 tỷ USD của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm tính thanh khoản hiện có của đồng bạc xanh trong hệ thống, qua đó làm suy yếu đồng tiền này. Một đồng USD yếu được cho là sẽ đẩy giá vàng lên, như những xu hướng trước đây chứng minh. Ngoài ra, những gói kích thích quy mô lớn trên toàn cầu cùng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ đồng USD sang vàng như một “hàng rào” chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ, qua đó cũng làm tăng thêm giá trị của kim loại quý này.
Nhưng giới phân tích cũng lưu ý, nếu vắcxin ngừa COVID-19 thực sự hiệu quả và thế giới có thể đánh bại đại dịch vào mùa Hè năm 2021, đà tăng của vàng nhiều khả năng sẽ bị hạn chế. Trong một báo cáo mới đây, Công ty tư vấn Capital Economics đã nhận định nếu hoạt động kinh tế toàn cầu có thể phục hồi nhanh chóng nhờ vắcxin, các quỹ ETF vàng có thể chứng kiến các đợt bán tháo. Tuy nhiên, Capital Econimics vẫn cho rằng vàng có thể duy trì mức giá cao trong năm tới. Theo lập luận của công ty tư vấn, lợi suất thực tế thấp của trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng và bù đắp phần lớn sự suy yếu do xu hướng chuyển sang các kênh rủi ro của nhà đầu tư. Do đó, Capital Economics dự báo giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến cuối năm 2021.
Trong dự báo giá vàng mới nhất, các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs vẫn giữ nguyên triển vọng tăng giá của vàng cho năm tới, đặt mục tiêu giá kim loại quý này ở mức 2.300 USD/ounce.Goldman Sachs nhận định chu kỳ tăng giá của vàng vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục trong năm tới, khi kỳ vọng lạm phát tăng cao hơn, đồng USD suy yếu và nhu cầu bán lẻ ở thị trường mới nổi tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng trong ngắn hạn, thị trường vàng có thể khó xác định một xu hướng rõ ràng nào, dù theo hướng tăng cao hay xuống thấp hơn. Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cũng dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce vào cuối năm 2021, đánh dấu mức đỉnh cho chu kỳ tăng giá của vàng. Còn trong báo cáo mới nhất về thị trường vàng, ngân hàng HSBC dự báo giá kim loại quý này sẽ trung bình quanh mức 1.965 USD/ounce vào năm 2021. Ngân hàng này đánh giá vàng có thể nhận được nhiều hỗ trợ vào nửa đầu năm tới, rồi hạn chế dần trong nửa sau.