Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Hoạt động dịch vụ, xây dựng của Trung Quốc lập đỉnh 7 năm
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm nhẹ xuống 51,4 điểm trong tháng 10, từ mức 51,5 của tháng 9, theo dữ liệu mới công bố của Cục Thống kê Quốc gia nước này.
Tuy giảm tốc, PMI sản xuất vẫn trên mốc 50, tức duy trì trạng tháng mở rộng hoạt động, báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ của khu vực công nghiệp, được thúc đẩy bởi nhu cầu xuất khẩu cao và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Các chỉ số phụ cũng cho thấy sự khởi sắc của ngành sản xuất Trung Quốc như số đơn đặt hàng mới vẫn không thay đổi, duy trì ở mức tương đối cao là 52,8. Chỉ số các đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng lên 51 trong tháng 10, từ mức 50,8 của tháng trước. Trong khi đó, PMI phi sản xuất, bao gồm hoạt động dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng lên 56,2 điểm, từ mức 55,9 vào tháng 9 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2013.
Trung Quốc công bố GDP tăng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của thị trường nhưng vẫn đủ để đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển tích cực trong chín tháng đầu năm, bù đắp cho mức giảm mạnh 6,8% trong quý đầu tiên.
IATA kêu gọi trợ giúp ngành hàng không để tránh phá sản
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết các hãng hàng không trên thế giới không thể cắt giảm chi phí đầy đủ để kìm hãm tốc độ ‘đốt tiền’ chi tiêu nhanh chóng cho các hoạt động thường ngày. Dự báo tổng doanh thu của các hãng hàng không toàn cầu trong năm 2021 dự kiến thấp hơn 46% so với con số 838 tỉ đô la Mỹ thu được vào năm ngoái.
Con số này còn tồi tệ hơn mức dự báo trước đây của IATA cho rằng doanh thu của họ trong năm tới chỉ giảm 29% so với năm 2019. Do vậy, IATA hối thúc các chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không để giúp họ duy trì sức khỏe tài chính và tránh sa thải nhân viên hàng loạt.
Đà phục hồi nhu cầu đi lại hàng không đang bị cản trở bởi các cơn bùng phát Covid-19 tái trỗi dậy nhiều nơi trên thế giới và các biện pháp hạn chế đi lại của giới chức trách chẳng hạn đóng cửa biên giới và cách ly bắt buộc. IATA dự báo lượng hành khách đi lại hàng không trong năm 2020 sẽ giảm 66% so với năm 2019.
Tổ chức này cho rằng quí 4 năm nay sẽ là thời gian cực kỳ khó khăn đối với hãng bay và có rất ít dấu hiệu, cho thấy triển vọng kinh doanh của họ sẽ cải thiện đáng kể vào nửa đầu năm sau nếu các biên giới vẫn đóng cửa và biện pháp cách ly bắt buộc vẫn áp dụng cho các hàng khách nhập cảnh.
Thua lỗ chồng chất, Boeing sa thải thêm 7,000 nhân viên
Boeing cho biết hãng dự kiến sẽ giảm số nhân viên xuống còn 130.000 người vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc có thêm 7.000 nhân viên phải nghỉ việc. Hãng tin CNN cho biết, trước đợt sa thải này, Boeing đã có một loạt cuộc cắt giảm nhân sự khác với tổng cộng 19.000 nhân viên phải ra đi từ đầu năm.
Trong quý 3, Boeing lỗ 754 triệu USD, doanh thu giảm 5,8 tỷ USD, tương đương giảm 29%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, các hãng hàng không trì hoãn kế hoạch nhận giao hàng máy bay mới, thậm chí là hủy nhiều đơn hàng mua máy bay, do lượng khách đi lại bằng đường hàng không sụt giảm thê thảm. Boeing nhận phần lớn tiền bán máy bay khi thực hiện việc giao hàng.
Khoản lỗ quý 3 của Boeing đã giảm so với số lỗ 3,3 tỷ USD trong quý 2 và 1,7 tỷ USD trong quý 1. Tuy nhiên, có thể thấy rõ sức ép lớn mà Boeing phải hứng chịu từ cú sốc mà đại dịch gây ra cho các hãng hàng không. Trong quý, hãng này đã “đốt” 4,8 tỷ USD tiền mặt, nhiều gấp đôi tốc độ “đốt” tiền mặt trong quý 2.
Để chống chọi với cuộc khủng hoảng này, Boeing đã vay nợ thêm 37 tỷ USD. Bởi thế, dù tiêu tốn một lượng tiền mặt lớn, hãng này vẫn còn trong tay 10,6 tỷ USD tiền mặt vào thời điểm cuối quý 3, nhiều hơn 1,1 tỷ USD so với thời điểm đầu năm.
2. Vĩ mô Việt Nam
PMI tháng 10 đạt 51.8 điểm, số lượng việc làm lần đầu tăng trở lại sau COVID-19
IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của Việt Nam 51,8 trong tháng 10, giảm nhẹ từ mức 52,2 của tháng 9 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện mạnh mẽ trong hai tháng vừa qua.
Đầu quý 4, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục ghi nhận những phục hồi đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp tăng mạnh, đồng thời số lượng việc làm cũng tăng trở lại sau 8 tháng giảm liên tiếp.
Nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam tăng đáng kể nhờ những thành công trong việc kiểm soát sự bùng nổ của Covid-19. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp, từ đó sản lượng tăng theo ở mức độ tương ứng.
Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới không thay đổi do nhu cầu ở các thị trường vẫn đang phải đổi mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, điển hình là châu Âu, còn yếu kém. Trong tháng 10, yêu cầu sản xuất cao hơn đã khuyến khích các nhà sản xuất tuyển thêm nhân viên. Kể từ tháng 1, đây là lần đầu tiên số lượng việc làm tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa đáng kể do công suất vẫn có dấu hiệu dư thừa.
Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 321,529 tỷ đồng, tương ứng 68.3% kế hoạch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có chuyển biến tích cực. Ước giải ngân đến 31/10/2020 là 321.529,41 tỷ đồng đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng), trong khi đó cùng kỳ năm 2019 đạt 49,83% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại một số dự án lớn như Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cơ bản thực hiện đáp ứng tiến độ. Số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần dự án đường cao tốc Bắc – Nam đạt 77,85%; Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đến ngày 26/10/2020 đã giải ngân được 393 tỷ/932 tỷ đồng, số vốn còn lại dự kiến giải ngân hết trong tháng 11-12 năm 2020 cho giải phóng mặt bằng và tạm ứng xây lắp.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 464.269,82 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (478.020,733 tỷ đồng).
Bộ GTVT cấp giấy phép bay cho hãng hàng không Vietravel Airlines
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines được phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là đủ điều kiện và vừa được cấp giấy phép bay.
Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng, dự án vận tải hàng không lữ hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam thời gian hoạt động dự án 50 năm.
Vietravel Airlines sẽ xây dựng hãng hàng không có trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Về quy mô, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay.