Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Kinh tế nhiều nước châu Âu đồng loạt suy giảm trầm trọng
1. Vĩ mô Quốc tế
Kinh tế nhiều nước châu Âu đồng loạt suy giảm trầm trọng
Ngày 31/8, Cơ quan Thống kê Italia (ISTAT) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II giảm 12,8% và đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1995.Theo ISTAT, GDP giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm với ảnh hưởng tiêu cực từ tiêu dùng tư nhân, đầu tư và hàng tồn kho.
GDP của Đức sẽ giảm hơn 6% trong cả năm 2020. Theo biểu tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lạm phát năm 2020 của Đức sẽ giảm 0,1% so với năm 2019
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm kỷ lục – tới 40% trong quý 2 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới doanh thu của ngành du lịch.
Cổ phiếu công nghệ của Mỹ hiện có giá trị lớn hơn toàn bộ thị trường chứng khoán châu Âu
Theo Bank of America Global Research, sự thống trị của các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ trong những năm gần đây đã đẩy lĩnh vực này vượt qua một cột mốc quan trọng: giá trị vốn hóa của các cổ phiếu công nghệ ở Mỹ hiện đã lớn hơn cả toàn bộ TTCK châu Âu.
Công ty nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên vốn hóa thị trường của lĩnh vực công nghệ ở Mỹ, ở mức 9,1 nghìn tỷ USD, vượt quá vốn hóa thị trường châu Âu bao gồm cả Anh và Thụy Sĩ (ở mức 8,9 nghìn tỷ USD). Vào năm 2007, vốn hóa thị trường chứng khoán Châu Âu gấp bốn lần vốn hóa cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Năm tên tuổi công nghệ lớn nhất – Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Facebook – chiếm 17,5% tỷ trọng của S&P 500 vào tháng Giêng, và sự chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ trong đại dịch Covid – 19 đã đẩy con số đó lên trên 20%. Bản thân Apple đã có giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD.
Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tăng trưởng tháng thứ 6 liên tiếp
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 31/8 công bố số liệu cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của nước này giảm nhẹ xuống 51 điểm trong tháng 8 (PMI của tháng trước đó là 51,1 điểm).
Chỉ số PMI ở mức trên 50 biểu hiện sự tăng trưởng và dưới mức này biểu thị sự sụt giảm. Tháng 8 là tháng tăng trưởng thứ 6 liên tiếp đối với lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc.
Các chuyên gia đánh giá các chính sách cân bằng giữa việc kiểm soát dịch và phát triển kinh tế của Trung Quốc đã mang lại những kết quả đáng chú ý, đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi với triển vọng tích cực.
2. Vĩ mô trong nước
Bộ Xây dựng chuyển giao gần 6.000 tỷ đồng vốn Nhà nước sang SCIC
Chiều ngày 31/8/2020, Bộ Xây dựng và Tổng Công Ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 4 tổng công ty gồm: Sông Đà, Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC).
Đây được coi là lần bàn giao lớn nhất của Bộ Xây dựng cho SCIC với tổng số vốn lên đến gần 6.000 tỷ đồng, cũng như hàng chục nghìn lao động. Các doanh nghiệp được chuyển giao lần này đều là những doanh nghiệp có lịch sử và bề dày gắn bó với ngành xây dựng, cùng với nhiều giá trị quan trọng khác.
PMI tháng 8 đạt 45.7 điểm, sản lượng giảm tháng thứ 2 liên tiếp
Chỉ số PMI của Việt Nam giảm mạnh từ 47.6 điểm tháng 7 về 45.7 điểm trong tháng 8. Điều này cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất giảm lần thứ hai liên tiếp, sau khi tăng trở lại trong tháng 6. Mặc dù vậy, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh vẫn ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tháng tồi tệ nhất do ảnh hưởng của Covid-19 là tháng 4.
Dữ liệu PMI mới nhất của Việt Nam suy giảm nguyên nhân là vì việc hạn chế đi lại và cầu xuất khẩu suy yếu do áp dụng biện pháp giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19. Kéo theo đó, số lượng việc làm cũng giảm mạnh và người lao động đã quyết định nghỉ việc để tìm kiếm những công việc khác. Trong bối cảnh này, nhà sản xuất cũng quyết định cắt giảm việc mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng tồn kho.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục thâu tóm công ty chứng khoán Việt Nam
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, The Kwangju Bank, Ltd. sở hữu 100%. Đây là ngân hàng thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group. Nhà đầu tư Hàn Quốc này lập Chứng khoán JB sau khi thâu tóm Công ty Chứng khoán Morgan Stanley Gateway (MSGS).
Sau khi hoàn tất thương vụ, Kwangju Bank dự kiến tăng vốn MSGS từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực chứn khoán, JB Financial Group sẽ mở rộng thêm các các hoạt động môi giới bất động sản, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Tập đoàn Hàn Quốc cũng có kế hoạch bảo lãnh cho các công ty Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi cũng như các thương vụ M&A.
Sự ra đời của Công ty Chứng khoán JB Việt Nam tiếp tục đánh dấu làn sóng vốn Hàn Quốc đổ bộ vào thị trường chứng khoán Việt Nam với lợi thế về tiềm lực tài chính các công ty chứng khoán Hàn Quốc nhanh chóng đẩy mạnh tăng vốn, tăng tốc cho vay margin, mở rộng hoạt động… trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh với các công ty chứng khoán trong nước.
Vietcombank cho Vietnam Airlines vay hơn 8.000 tỷ đồng
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của Vietnam Airlines vừa được công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, các khoản vay ngắn hạn tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó riêng Vietcombank tăng thêm gần 2.500 tỷ đồng, BIDV tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng giải ngân cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Đối với các khoản vay dài hạn Vietnam Airlines duy trì ở mức hơn 9.016 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Vietcombank là nhà cho vay dài hạn chính của hãng hàng không quốc gia với quy mô hơn 4.847 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng các khoản vay dài hạn.
Tổng giá trị các khoản vay ngắn và dài hạn Vietcombank đang cung cấp cho Vietnam Airlines đến cuối tháng 6 là hơn 8.000 tỷ đồng chiếm khoảng 22% tổng dư nợ vay và thuê tài chính của Tổng công ty hàng không Việt Nam.
Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đang kiến nghị Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng xuất phát từ việc dòng tiền thâm hụt tính đến giữa tháng 7 là 16.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Vietnam Airlines tiết lộ Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã và đang xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính cho Tổng công ty để đảm bảo duy trì thanh khoản và hoạt động liên tục. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm việc cấp tín dụng không quá 4.000 tỷ đồng và cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra Vietnam Airlines đang đàm phán với một số đối tác để hoàn thành việc ký thỏa thuận bán cổ phần một công ty liên kết.
Tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam cách ly đều phải thu phí từ 1/9
Thông báo 313 của Văn phòng Chính phủ ban hành về Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 29/8 nêu rõ, Thủ tướng đồng ý mở rộng cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí, có giám sát. Các Bộ Tài chính và Y tế hướng dẫn để từ 1/9, thu phí tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả nơi cách ly.
Chi phí khám chữa bệnh cho những người mắc Covid-19 tiếp tục do ngân sách Nhà nước chi trả.
3. Các kênh đầu tư
Lãi suất trái phiếu chính phủ chịu áp lực tăng
Tính chung cả tháng 8, theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với 16 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành đã huy động được 22.850 tỷ đồng, giảm 61% so với tháng trước. Tỷ lệ trúng thầu thành công tháng 8 đạt 76,1%. So với tháng 7, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Chính phủ tháng 8 tăng tại các kỳ hạn 10 và 15 năm với mức tăng từ 0,06 – 0,1%/năm.
Trong tuần đầu tiên của tháng 9 này, dự kiến KBNN sẽ gọi thầu 5.500 tỷ đồng tại 4 kỳ hạn: 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm. Tỷ lệ trúng thầu trong 4 tuần gần đây đang có dấu hiệu giảm xuống. Diễn biến này có thể gây sức ép, khiến lãi suất trúng thầu trong thời gian tới tăng nhẹ trở lại, nhất là trong bối cảnh đầu tư công đang tăng tốc khá mạnh.