Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc
1. Tình hình Vĩ mô thế giới và các tin đáng chú ý
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc liên quan đến những quan chức thực thi luật an ninh Hong Kong.
Dự luật được thông qua ngày 1/7 bằng hình thức đồng thuận, phương pháp được sử dụng để thông qua những dự luật không bị xem là gây tranh cãi và không có thượng nghị sĩ nào phản đối.
Mỹ đã bắt đầu quy trình tước quy chế đặc biệt cho Hong Kong, dừng xuất khẩu quốc phòng và hạn chế thành phố tiếp cận với các sản phẩm công nghệ cao.
Căng thẳng leo thang, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mắc kẹt tại cảng Ấn Độ
Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng chồng chất tại cảng Ấn Độ vì vẫn chưa được thông quan, gây lo ngại căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các công ty của Ấn Độ mua rất nhiều nguyên liệu thô của Trung Quốc, từ các thành phần dược phẩm đến linh kiện điện thoại. Tuy nhiên, những kiện hàng này hiện vẫn đang bị đình trệ tại cảng và các công ty vẫn chưa thể khắc phục được điều này.
Ấn Độ nhập khẩu gần 70% thuốc và hoạt chất trung gian để sản xuất thuốc từ Trung Quốc. Họ mua 37% linh kiện điện tử, 45% thiết bị điện tử và 44% linh kiện điều hòa, tủ lạnh từ nước này. Năm ngoái, Ấn Độ nhập khẩu 69 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 18 tỷ USD sang đây.
Startup gia sư trực tuyến gọi vốn thành công 750 triệu đô la Mỹ
Startup (công ty khởi nghiệp) gia sư trực tuyến Zuoyebang ở Bắc Kinh, Trung Quốc vừa gọi vốn thành công 750 triệu đô la Mỹ giữa lúc cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch Covid-19 giúp các startup giáo dục trực tuyến trở thành các thỏi nam châm thu hút giới đầu tư.
Theo thông báo của Zuoyebang hôm 29-6, công ty này đã nhận được các cam kết rót vốn góp tổng cộng 750 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series E do hai nhà đầu tư Tiger Global Management (Mỹ) và FountainVest Partners (Hồng Kông) dẫn đầu.
Các nhà đầu tư khác tham gia trong đợt gọi vốn này gồm Qatar Investment Authority, Sequoia Capital China, Tiantu Capital, Xiang He Capital và Quỹ Tầm nhìn của SoftBank.
2. Tin vĩ mô trong nước
EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 20%
Ngày 2/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết: Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 so với khi chưa thực hiện Hiệp định.
Với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, mang lại lợi ích cho cả hai bên, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5-4%
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” diễn ra ngày 2/7, tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng có nhiều áp lực làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm nhưng CPI dự báo cả năm vẫn ở mức 3,5%-4%.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, cho rằng 6 tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có 2 nhân tố chính làm tăng CPI như giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch COVID-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiên liệu có xu hướng tăng, giá dịch vụ hàng không tăng, giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa tăng, rủi ro thiên tai…
Ngược lại, cũng có nhiều yếu tố tác động làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá điện cơ bản được giữ ổn định trong năm; giá thóc gạo nguồn cung cơ bản được đảm bảo không tăng với biên độ không lớn; giá thịt lợn đang được bổ sung nguồn cung; giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm trên thị trường cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào. Vì vậy, dự báo CPI sẽ ở mức 3,5-3,9% trong năm 2020.
3. Thị trường tài chính và các kênh đầu tư
6 tháng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 2,8%
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ ở mức 2,8%, chỉ bằng phân nữa so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực TP.HCM tín dụng chỉ tăng trưởng 2,5% thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong khi, những năm trước đây, tín dụng khu vực TP.HCM luôn tăng cao hơn toàn ngành.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 14%, nhưng Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tăng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cầu vốn của khách hàng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tín dụng cũng khó tăng cao.
Nhiều ngân hàng lớn giảm lãi suất
Agribank cho biết từ ngày 30/6, lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.
Trước Agirbank, Vietcombank cũng giảm mạnh lãi suất huy động VND, với mức giảm từ 0,4 – 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm từ 4,3% còn 3,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,5% xuống 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,9% xuống còn 4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,9% xuống 4,6%/năm.
Tại các kỳ hạn từ 12 – 36 tháng, lãi suất được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 6,1%/năm thay vì 6,6%/năm trước đó. Đáng chú ý, với khách hàng tổ chức, mức lãi suất cao nhất giảm hẳn xuống chỉ còn 5,5%/năm trên biểu niêm yết.