Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 02/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Tiếp tục xuất hiện một doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ hàng tỷ USD, ngành ngân hàng Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị “càn quét”
Theo một tài liệu chủ nợ được Financial Times theo dõi, gần 70 ngân hàng Trung Quốc và nước ngoài – cũng như các công ty tín thác, đã cho Huachen Automotive Group vay tổng cộng 33,5 tỷ CNY (5,1 tỷ USD) vào năm ngoái. Tiết lộ về tài liệu này được đưa ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ USD của đất nước này bị rung chuyển bởi những vụ vỡ nợ tại các công ty được chính phủ hậu thuẫn.
Một số chủ nợ cho biết, họ đang đánh giá lại mức độ tiếp xúc với Huachen, sau khi công ty này vỡ nợ 1 tỷ CNY trái phiếu hồi tháng 10. Tập đoàn này sở hữu các công ty con bao gồm đối tác của BMW trong liên doanh sản xuất tại Trung Quốc. Huachen là công ty có trụ sở tại thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc, do chính quyền tỉnh Liêu Ninh kiểm soát.
Những ngân hàng cung cấp khoản vay cho Huachen có Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – 2 trong số 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất tại quốc gia này. Khoản nợ của Huachen với 2 nhà băng này lần lượt là 2 tỷ CNY và 642 triệu CNY, đã tính đến các khoản vay của tập đoàn này cho đến tháng 9 năm ngoái, theo tài liệu từ chủ nợ. Trong khi đó, chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Huachen là Ngân hàng DBS của Singapore, với khoản vay 779 triệu CNY.
Financial Times nhận định, các vấn đề về nợ của Huachen và các công ty khác trong thời gian gần đây có thể gây ra những tác động lớn hơn đến dòng chảy tín dụng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Thương vụ sát nhập khổng lồ trong lĩnh vực dữ liệu tài chính
Công ty dữ liệu khổng lồ S&P Global đang gần đạt thỏa thuận mua lại IHS Markit, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters. Nếu hoàn tất, thương vụ này sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” trên thị trường dữ liệu và thông tin tài chính với mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Theo dự kiến, giá trị của thương vụ là 44 tỷ USD và S&P Global sẽ trả cho IHS Markit hoàn toàn bằng cổ phiếu. Với mức giá trên, đây sẽ là thương vụ lớn nhất của năm 2020, đồng thời là một dấu hiệu cho thấy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đang được đẩy mạnh trong bối cảnh những bước đột phá về vaccine ngừa Covid-19 giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
S&P Global vốn nổi tiếng về cung cấp đánh giá tín nhiệm nợ các quốc gia và doanh nghiệp, cũng như cung cấp dữ liệu về thị trường vốn và hàng hóa cơ bản trên toàn cầu. Công ty này trở thành một đơn vị độc lập vào năm 2011, khi hãng mẹ khi đó là McGraw-Hill tách S&P ra khỏi mảng giáo dục.
Về phần mình, IHS Markit ra đời vào năm 2016, khi IHS – công ty có hoạt động trải rộng trong các lĩnh vực từ dữ liệu về ngành ô tô và công nghệ cho tới xuất bản tạp chí Jane’s Defence Weekly – mua lại Markit Ltd với giá khoảng 6 tỷ USD.
Thương vụ S&P Global mua IHS Markit sẽ phải trải qua sự rà soát kỹ lưỡng của các cơ quan chống độc quyền, bởi thị trường thông tin tài chính đang ngày càng tập trung trong tay một số nhà cung cấp lớn.
Chủ sở hữu Topshop nộp đơn phá sản
Ngày 30/11, Arcadia – vốn sở hữu các thương hiệu như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkins – đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11. Hãng vẫn chưa sa thải nhân viên nào và các cửa hàng sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Thông tin Arcadia nộp đơn phá sản được đưa ra trong bối cảnh Anh vật lộn với khủng hoảng thất nghiệp và cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong hơn 300 năm.
Nhiều hãng bán lẻ thời trang lớn của nước này, như Marks & Spencer và Selfridges, đã thông báo cắt giảm mạnh việc làm do đại dịch. Đại dịch khiến các cửa hàng phải đóng cửa suốt nhiều tháng và đẩy nhanh làn sóng mua trực tuyến – một yếu tố đã gây tổn thương các cửa hàng thời trang cao cấp từ trước đó.
Trước đó trong năm nay, Arcadia đã cắt giảm 500 việc làm. Công ty này đã rơi vào tình thế khó khăn từ trước khi đại dịch xuất hiện. Tháng 6/2019, họ suýt nữa thì phá sản khi đàm phán được việc trả nợ và tái cấu trúc công ty. Hãng đã đóng 50 cửa hàng tại Anh và Ireland, cùng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop, Topman ở Mỹ.
2. Vĩ mô Việt Nam
Đường nhập khẩu giá rẻ khiến gần 30% nhà máy đường của Việt Nam phải đóng cửa
Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trước đây cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm bốn nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.
Hiệp hội này cho rằng, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, chủ yếu là loại đường bán phá giá xuất phát từ Thái Lan. Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.Về phía Việt Nam, sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường đã bắt đầu thực hiện cam kết theo ATIGA đối với ngành đường từ 1-1-2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Trước đó, Bộ Công thương đã khởi xướng tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hồi tháng 9-2020. Trước đó, bộ này cũng đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai vụ việc hiện đều trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam vẫn cho rằng, Chính phủ các nước ASEAN vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu giá rẻ trên thị trường quốc tế được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đề xuất nâng cấp 13.8km quốc lộ 9 với kinh phí hơn 19 triệu USD
Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị có chiều dài 13,8 km từ nguồn vốn dư vay WB trong khuôn khổ dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Giao thông, tổng mức đầu tư dự án là khoảng 19,05 triệu USD, trong đó, vốn ODA là 16,75 triệu USD, vốn đối ứng 2,3 triệu USD. Mức kinh phí vừa nêu chưa gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Quảng Trị cam kết thực hiện và sẽ thành một dự án riêng.
Hiện WB đã ghi nhận đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc sử dụng khoản vốn dư 17 triệu USD cho các đoạn tuyến khác để tăng cường kết nối, phát triển kinh tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam có tổng mức đầu tư là 301,7 triệu USD (trong đó vốn vay IDA của WB là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao & Thương mại Australia là 1,7 triệu USD và đối ứng của Chính phủ là 50 triệu USD). Sau khi rà soát quyết toán hợp đồng đã hoàn thành, đang thực hiện và dự kiến chi phí cho hạng mục đầu tư bổ sung đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vẫn còn dư vốn ODA (nguồn vốn IDA của WB) tính đến tháng 10/2020.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để đạt mục tiêu 35 tỷ USD doanh số mua bán trực tuyến
Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố thì nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2019, và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 (theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019).
Dẫn chứng Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam (B2C) tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20%-30%/năm, doanh thu TMĐT B2C của Việt Nam 2019 đạt 10,08 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225USD/người/năm (cao nhất trong khu vực).
Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và dành sự quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển CNTT truyền thông; thúc đẩy TMĐT, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Theo đó, đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600USD/người/năm; Doanh số TMĐT của mô hình TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.