Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 02/10/2020
1. Vĩ mô thế giới
WTO có thể cho phép EU ‘trả đòn’ Mỹ với lệnh trừng phạt trị giá khoảng 4 tỷ USD
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chuẩn bị thông qua các lệnh trừng phạt của EU đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD.
Động thái trên của WTO lặp lại quyết định hồi năm 2019 khi tổ chức này cho phép Mỹ trừng phạt 7,5 tỷ USD đối với các sản phẩm của EU do cáo buộc EU trợ cấp cho Airbus. Đây là số tiền lớn nhất được WTO cho phép trừng phạt từ trước đến nay bởi khoản viện trợ của EU dành cho Airbus bị coi là không phù hợp theo các quy định thương mại quốc tế.
Khi WTO “bật đèn xanh” cho Washington đánh thuế hàng hóa của EU vào năm ngoái, Mỹ đã áp đặt mức thuế 15% đối với máy bay nhập khẩu từ EU và 25% thuế đối với các sản phẩm như rượu vang, pho mát, cà phê và ô liu.
Quyết định trên của WTO dự kiến được công bố vào ngày 13/10 – vài tuần ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi mạnh
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên 51,5 điểm vào tháng 9, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ tư (30/9). Con số này cao hơn dự báo 51,2 điểm của các nhà kinh tế và 51 điểm của tháng 8.
Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức của Trung Quốc, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, đã tăng lên 55,9 vào tháng qua, mức cao nhất kể từ tháng 11/2013 và tốt hơn so với mức 55,2 của tháng 8/2020.
Trước đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc lần đầu tiên trong năm tăng trưởng dương vào tháng 8, với mức tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019.
Giới chức Trung Quốc hy vọng kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ thứ năm (1/10), sẽ giúp chi tiêu của người dân cả nước tăng cao hơn nữa, khi các địa phương triển khai những chiến dịch khuyến mại.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời
Sau khi các nghị sĩ đảng Dân chủ đạt được một thỏa thuận với Nhà Trắng và đảng Cộng hòa, ngày 30/9, Thượng viện thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa do cạn kiệt nguồn chi. Trước đó, dự luật này được Hạ viện thông qua vào đầu tháng 9.
Tổng thống sẽ phải ký thành luật trước 0h ngày 1/10 để tránh chính phủ đóng cửa một phần, do đây là thời điểm bắt đầu tài khóa 2021.
Trong dự luật ngân sách tạm thời này, phần lớn các cơ quan của chính phủ đều được nhận các khoản chi mới. Trong đó, Bộ Nông nghiệp sẽ được nhận 30 tỷ USD để hỗ trợ các bang nông nghiệp, 8 tỷ USD chi cho chương trình bữa trưa học đường hỗ trợ học sinh trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hoành hành. Dự luật cũng mở rộng ngân sách tài trợ cho các trung tâm y tế cộng đồng nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, cũng như giải quyết tình trạng bất bình đẳng y tế.
2. Vĩ mô Việt Nam
PMI tháng 9 đạt 52,2 điểm, tốt nhất từ đầu năm
IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 của Việt Nam tăng 6,5 điểm so với tháng trước và đạt 52,2 điểm, mức tốt nhất tính từ đầu năm. Nhìn chung số lượng đơn hàng mới, sản lượng và triển vọng kinh doanh đều tích cực hơn so với 8 tháng trước đó. Đơn hàng mới từ nước ngoài tăng mạnh nhất trong 9 tháng trở lại đây. Có được kết quả này là nhờ dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, giúp triển vọng kinh doanh ngành sản xuất được cải thiện.
Tập đoàn Anh muốn đầu tư dự án điện gió 12 tỷ USD ở Bình Thuận
Tập đoàn Anh Enterprize Energy muốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi trị giá 12 tỷ USD ở Bình Thuận.
Ông Ian Hatton chủ tịch Tập đoàn cho biết đang hợp tác chặt chẽ, tích cực với UBND tỉnh Bình Thuận và các đối tác Việt Nam để triển khai dự án. Vấn đề hiện nay là lưới truyền tải, do đó, ông Ian Hatton mong Chính phủ cấp phép cho Tập đoàn phát triển lưới truyền tải để giải toả công suất cho dự án này. Ước tính Tập đoàn sẽ đầu tư 12 tỷ USD vòng đời dự án, 50% số vốn đó là đầu tư vào kinh tế Việt Nam. Nếu Chính phủ khuyến khích phát triển dự án này thì các nhà sản xuất turbine điện gió của Tập đoàn sẽ đến Việt Nam đầu tư sản xuất thiết bị.
Ông Ian Hatton kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng bổ sung dự án điện gió này vào Quy hoạch điện VIII với dự kiến bắt đầu phát điện vào cuối 2025, đến 2028 phát điện toàn bộ dự án
Xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường EU bật tăng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,61 triệu tấn, trị giá đạt 2,25 tỷ USD, tăng 0,6% về lượng và 13,1% về trị giá; trong đó, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 489 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019
Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm 2020, châu Á vẫn là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, đạt 2,78 triệu tấn, chiếm 60,74% tổng lượng gạo xuất khẩu. Châu Phi là thị trường khu vực lớn thứ hai, đạt 0,87 triệu tấn, chiếm 19,06%. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu còn rất khiêm tốn, đạt 0,07 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 1,61%.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 219,9%, Pháp tăng 145,8%. Đây là sẽ là tiền đề tốt để tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU khi Hiệp định EVFTA đã bắt đầu có hiệu lực và triển khai thực thi.