Podcast ngày 01.04.2022 – OPEC+ sẽ tăng thêm 32,000 thùng dầu thô mỗi ngày từ tháng Năm

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/04/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021
– Báo cáo cập nhật của chính phủ Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021, nhưng đà tăng trưởng này chậm lại đáng kể giữa bối cảnh số ca nhiễm mới dịch Covid-19 gia tăng đột biến vào đầu năm nay, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn và lạm phát leo dốc.
– Trong báo cáo điều chỉnh lần thứ ba của Bộ Thương mại Mỹ về tăng trưởng kinh tế quý IV/2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2021 đạt mức 6,9%, giảm nhẹ so với dữ liệu ước tính tháng 2 là 7%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ 2,3% trong quý III/2021, cao hơn 3,1% so với mức trước đại dịch. Các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng sẽ được điều chỉnh lên 7,1%, song việc sửa đổi chỉ số GDP quý này phản ánh sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu của Mỹ.
– Nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984, sau khi chính phủ Mỹ tung ra các gói cứu trợ gần 6.000 tỷ USD sau khi nền kinh tế Mỹ chứng kiến mức sụt giảm 3,4% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong 74 năm.
– Đại dịch Covid-19 gây áp lực cắt giảm chi tiêu cũng như làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy sản xuất và công ty dịch vụ tại Mỹ đầu năm nay. Mặc dù tình trạng lây nhiễm đang trong đà giảm, dẫn đến việc chính phủ Mỹ nới lỏng các biện pháp hạn chế, song lạm phát của Mỹ vẫn đang tăng mạnh, còn các chuỗi cung ứng vẫn trong tình trạng tắc nghẽn, khiến Fed đã phải hành động với đợt nâng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm qua.
– Mặc dù hiện tại đường cong lợi suất vẫn chưa đảo ngược, nhưng hiện tượng này hoàn toàn có thể sẽ diễn ra khi tác động của chiến tranh Nga – Ukraine và những hệ quả về kinh tế đối với triển vọng nền kinh tế toàn cầu. Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2019, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hạ xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm trong ngày 29/3, cho thấy giới đầu tư đang bi quan với triển vọng kinh tế Mỹ. Sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm hiện chỉ còn khoảng 0,2%, so với khoảng 1,5% thời điểm một năm trước.

• OPEC+ sẽ tăng thêm 32,000 thùng dầu thô mỗi ngày từ tháng Năm
– Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 31/3 quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô, bất chấp sức ép của phương Tây trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang làm rối loạn thị trường dầu mỏ.
– Theo đó, OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, cao hơn mục tiêu 400.000 thùng/ngày hiện nay.
– Trong giai đoạn từ tháng 12/2021-1/2022, các thành viên OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.
– Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch Covid-19.
– Việc OPEC+ tăng sản lượng dầu thô ra thị trường sẽ góp phần hạ nhiệt giá dầu sau khi vượt mốc 115 USD/thùng, qua đó giảm áp lực lạm phát năng lượng nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện tại.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Hàng hóa qua cảng biển đạt 77 triệu tấn trong 2 tháng, tăng 1%
– Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 2 tháng đầu năm, hệ thống cảng biển Việt Nam tiếp nhận 16.397 lượt tàu biển. Trong đó, lượt tàu ngoại thông qua đạt 7.993 lượt, giảm 8%. Lượt tàu nội thông qua đạt 8.404 lượt, giảm 10% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, số lượt tàu xuất nhập cảnh qua cảng đạt tăng 23% so với cùng kỳ năm trước với 1.120 lượt.
– Trong 2 tháng đầu năm, tổng số lượt phương tiện thủy nội địa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 50.500 lượt, giảm 4 % so với cùng kỳ 2021. Riêng lượt tàu thông qua bằng phương tiện tàu pha sông biển đạt 5.652 lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
– Mặc dù lượt phương tiện giảm nhưng khối lượng hàng qua cảng biển ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, khối lượng hàng hóa thông qua bằng tàu biển đạt gần 77 triệu tấn, tăng 1%. Khối lượng hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa và phương tiện phà sông biển lần lượt đạt 35,1 triệu tấn, tăng 6% và 10 triệu tấn, tăng 28%.
– Ngành cảng biển được dự báo sẽ có một năm tăng trưởng nhờ động lực lớn từ nguồn vốn FDI tiếp tục thu hút mạnh. Hơn nữa, nhờ sản xuất kinh doanh được cải thiện trong trạng thái bình thường mới, các hoạt động vận tải thủy cũng sẽ dần phục hồi.

• Tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến bay quốc tế đang tăng
– Theo các hãng hàng không trong nước, tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến bay quốc tế tăng dần kể từ ngày 15/3 khi du lịch Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
– Hiện các hãng đã ghi nhận lượng đặt vé khoảng 60 – 80% trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam tới tháng 9, với lượng hành khách chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
– Tới đây, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5, các hãng đã chủ động tăng lượng cung ứng chỗ trên các đường quốc tế và nội địa.
– Vietnam Airlines sẽ cung ứng tổng cộng gần 750.000 chỗ, tương ứng gần 4.000 chuyến bay trên các đường nội địa và quốc tế trong hai dịp này. Riêng các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay quốc tế thường lệ, mở rộng mạng bay với các đường bay mới như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – Delhi (Ấn Độ), các đường bay kết nối Singapore với Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ 15/4/2022.
– Về phía Vietjet Air, hãng đang tăng mạnh tần suất gần 40 đường bay quốc tế. Ngoài các đường bay quốc tế đã được khôi phục, Vietjet Air sẽ dần khai thác các đường bay quốc tế từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Quốc tới các điểm đến như Phuket (Thái Lan), Đài Nam, Cao Hùng (Đài Loan), Kuala Lumpur (Malaysia), New Delhi (Ấn Độ), Bali (Indonesia), Busan (Hàn Quốc), Osaka (Nhật Bản).
– Năm 2022, dịch bệnh đã dần được kiểm soát tốt hơn. Việc mở cửa cho các chuyến bay quốc tế là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hàng không trong nước có cơ hội phục hồi về doanh thu, vốn đã chịu nhiều tổn thất trong 2 năm vừa qua.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• DGC: Hóa chất Đức Giang dự kiến lãi 1.500 tỷ đồng trong quý I
– Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE:DGC) đặt mục tiêu năm 2022 với mức tổng doanh thu hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, vượt lần lượt 26% và 39% so với kết quả năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 30%.
– Năm 2021, DGC thu về 9.550 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 53% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 165% và vượt 128% kế hoạch đề ra. Sự tăng trưởng đến từ việc công ty duy trì nhà máy hoạt động hết công suất, đưa mỏ Apatit khai trương vào hoạt động làm giảm chi phí đầu vào, bên cạnh việc thị trường thế giới có nhiều biến động theo hướng có lợi cho các sản phẩm. Trong năm qua, công ty tập trung cho dự án Đức Giang – Nghi Sơn, tăng tổng mức đầu tư lên 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý III/2022.
– Đại diện công ty ước tính lợi nhuận quý I đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với quý IV/2021 (1.400 tỷ đồng) và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng). Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là doanh thu cả năm đạt 6.000 tỷ đồng do tiềm ẩn biến động về giá cả thị trường và giá nguyên vật liệu.
– Về tình hình triển khai dự án Đức Giang – Nghi Sơn, DGC dự kiến quý IV năm nay sẽ khởi công xây dựng. Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng chưa giải quyết xong do gặp trở ngại Covid-19 và bất đồng của dân cư về báo cáo đánh giá tác động môi trường.
– Về nguồn cung của nguyên vật liệu đầu vào, đại diện tập đoàn khẳng định sẽ mua mỏ đá vôi tại Thanh Hóa để phục vụ cho dự án và dự phòng cho các phiên đấu giá. Tuy nhiên, đối với muối ăn, Hóa chất Đức Giang vẫn sẽ dựa vào sản phẩm nhập khẩu vì muối ăn trong nước không đạt chất lượng cho việc sản xuất phân bón.

• VCS: Vicostone ước tính doanh thu quý I/2022 đạt 1.608,2 tỷ đồng, tăng 3,67% so với cùng kỳ
– Công ty cổ phần Vicostone (HNX: VCS) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý I/2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.608,2 tỷ đồng và 441,3 tỷ đồng, tương ứng ước tăng 3,67 % và 1,27% so với cùng kỳ năm 2021.
– Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022, Hội đồng quản trị Vicostone đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 8.364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.413 tỷ đồng.
– Kết quả quý I/2022 chưa phản ánh đúng thực chất tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân đến từ sự ách tắc trong khâu vận chuyển đường biển, lượng hàng xuất cảng từ Việt Nam cuối quý IV/2021 vẫn chưa đến được cảng ở Bắc Mỹ và Canada, ngay cả khi đến cảng cũng phải đợi xếp hàng khá lâu mới được bốc dỡ. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp Quý I/2022. Tuy nhiên, kết quả đạt được của quý I/2022 được xem là tích cực trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị và xung đột vũ trang Nga – Ukraine, lạm phát tại Mỹ cao nhất trong vòng 40 năm nay và nhiều yếu tố tiêu cực khác.
– Vicostone đang theo dõi chặt chẽ tình hình biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ để có những giải pháp kịp thời trong việc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tiết giảm chi phí để hạ giá thành trong bối cảnh giá đầu vào tất cả các yếu tố đã tăng rất mạnh, nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022 đã đề ra.

• MBB: MB Bank đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng 23%
– Theo báo cáo thường niên của MB, năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23%. Tổng tài sản tăng trưởng 15%, dư nợ tín dụng tăng 16% và điều chỉnh theo hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1,5%. Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 19,4%.
– Ban lãnh đạo MB cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 10%. Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý I sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.
– Năm 2021, ngân hàng MB báo lãi trước thuế tăng 55%, đạt hơn 16.527 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch được cổ đông giao.
– Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản tăng 23% so với đầu năm, lên mức hơn 607.140 tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 120% ở mức 38.051 tỷ đồng, trong khi tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác giảm 25%, xuống 35.983 tỷ đồng.
– Cho vay khách hàng tăng 22%, ở mức 363.554 tỷ đồng. Chất lượng nợ vay của MB gần như đi ngang, nợ xấu tăng 1% so với cuối năm 2020, với 3.268 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1,09% đầu năm xuống còn 0,9%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 268%.
– Tiền gửi khách hàng của MB tăng 24% so với đầu năm, lên mức 384.692 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động phát hành giấy tờ có giá tăng 31%, ghi nhận gần 66.887 tỷ đồng, chủ yếu tăng trái phiếu trên 5 năm và chứng chỉ tiền gửi trên 12 tháng.
– Với kế hoạch tăng trưởng năm 2022, MBB tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những định chế tài chính có tiềm năng sáng sủa. Việc ngân hàng đẩy mạnh công tác số hóa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay bán lẻ và cho doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn đến từ tiềm năng tăng trưởng thu nhập ngoài lãi nhờ nguồn thu đa dạng và công ty con của ngân hàng.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 31/3/2022, VN-Index mở cửa tích cực tăng nhẹ 5 điểm. Tuy nhiên, sự rung lắc xuất hiện khiến VN-Index gặp khó khăn tại ngưỡng 1.495 điểm. Phiên chiều, áp lực bán quay trở lại khiến VN-Index giảm điểm xuống dưới mức tham chiếu nhưng đã nhanh chóng hồi lại và cửa ở mức 1.492,15 điểm, tăng 1,64 điểm (+0,11%) so với phiên giao dịch ngày hôm qua nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là từ mức tăng ấn tượng của VNM.
– Thanh khoản thị trường sụt giảm còn 21.803,860 tỷ đồng cho thấy sự lo ngại của dòng tiền trước biến động giảm giá trong 2 phiên giao dịch trước đó. Độ rộng thị trường phe bán chiếm ưu thế với 261 mã giảm, tương đương 52,2% số mã trên sàn HoSE.
– Về mức độ ảnh hưởng, VNM, VRE và CTG là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 3,56 điểm, trong đó VNM chiếm nhiều nhất với mức tăng 2,499 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm hãm đà tăng của chỉ số gồm có: GAS (-0,877 điểm), MSN (-0,541 điểm), HPG (-0,455 điểm) và DIG (-0,318 điểm).
– Về nhóm ngành, 4/10 nhóm ngành ghi nhận sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày hôm nay, trong đó giảm mạnh nhất là 2 nhóm ngành Nguyên vật liệu và Năng lượng với mức giảm lần lượt là -1,32% và -1,19%. Nhóm ngành tích cực nhất và cũng là nhóm ngành nâng đỡ thị trường trong phiên hôm nay là Tiêu dùng thiết yếu với mức tăng 1,2%, cùng sự đóng góp lớn từ cổ phiếu VNM (+6,17%) khi đã đã cho tín hiệu hồi phục tích cực cùng thanh khoản lớn sau khoảng thời gian dài dò đáy.
– Trong khi đó, các cổ phiếu đầu cơ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm điểm. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu liên quan tới tập đoàn FLC vẫn dư bán sàn hàng trăm triệu cổ phiếu khi mất thanh khoản và trắng bên mua.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 31/03/2022 mua ròng 337,76 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với phiên ngày hôm qua. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu VNM (217,26 tỷ đồng), DGC (182,62 tỷ đồng), VRE (44,28 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là VHM (-156,02 tỷ đồng), MSN (-39 tỷ đồng), MWG (-31,06 tỷ đồng).
– Hiện tại, VN-Index vẫn sẽ chịu áp lực bán trong ngắn hạn do dòng tiền đang rút ra khỏi nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và chảy dần về nhóm cổ phiếu bluechip cũng như là nhóm có phiếu cơ bản tốt. Hơn nữa, nhà đầu tư nên ưu tiên yếu tố quản trị rủi ro và tránh mua đuổi khi thị trường đang xuất hiện những thông tin và tin đồn bất lợi liên quan đến vấn đề pháp lý của một số cá nhân có sức ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán.
– Thời điểm này cũng là lúc các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I, nhà đầu tư cũng nên cần cân nhắc kỹ trước khi mua – bán các mã cổ phiếu để có thể đưa ra quyết định hợp lý.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest