Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/03/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ, hai “hầm trú ẩn” của giới đầu tư trong xung đột Nga – Ukraine
– Đồng USD đang tăng giá so với gần như mọi đồng tiền chủ chốt khác, khi những đòn trừng phạt mà phương Tây giáng xuống Nga đẩy cao nhu cầu của nhà đầu tư đối với đồng tiền dự trữ của thế giới. Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng giá mạnh.
– Được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, đồng USD đang được các nhà giao dịch gom mua ồ ạt. Nhu cầu được đẩy cao sau khi phương Tây vào cuối tuần vừa rồi loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Cổ phiếu đang bị bán trên khắp các thị trường từ Á sang Âu và Mỹ, các đồng tiền từ Euro tới Rand Nam Phi đều mất giá.
– Tại ngày 28/02, chỉ số Dollar Index dùng để đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng gần 0,8% so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, đạt gần 97,4 điểm. Trong 5 phiên trở lại đây, chỉ số này đã tăng 1,3%.
– Trái phiếu kho bạc Mỹ và nhiều loại trái phiếu chính phủ khác cũng được mua mạnh, đẩy lợi suất sụt giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,07 điểm phần trăm, còn 1,89%.
– Theo Credit Suisse, Nga có khoảng 300 tỷ USD ngoại tệ cất giữ ở nước ngoài, một số tiền đủ lớn để gây gián đoạn trên thị trường tiền tệ nếu bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt hoặc bị dịch chuyển đột ngột nhằm tránh trừng phạt. Việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ dẫn tới những khoản thanh toán trễ hạn và thấu chi lớn tương tự như đã xảy ra vào tháng 3/2020, gây liên tưởng đến việc Lehman Brothers không thể thanh toán vì các ngân hàng thanh toán không muốn thay mặt cho Lehman chuyển tiền năm 2008.
– Cũng theo Credit Suisse, mức dự trữ và các thoả thuận mua lại đảo ngược (reverse repo) hiện nay là không đủ để ứng phó với biến động trên thị trường tiền tệ, và các nhà chức trách sẽ cần phải hành động. Thay vì thu hẹp bảng cân đối kế toán như dự kiến, Fed có thể sẽ phải tiếp tục mua tài sản để bơm tiền vào thị trường.
• Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất từ 9.5% lên 20%, ngăn người nước ngoài bán tháo cổ phiếu
– Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất cơ bản tại Nga từ 9.5% lên 20%, đồng thời ban lệnh tạm thời cấm các môi giới bán cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại Nga từ ngày 28/02 nhằm ngăn cản đà giảm giá kỷ lục của đồng ruble. Cùng với động thái này, họ cũng cho biết sẽ giải phóng 733 tỷ ruble (8,78 tỷ USD) trong dự trữ của ngân hàng địa phương để tăng tính thanh khoản.
– Trong phiên giao dịch sáng 28/02, nội tệ Nga giảm xuống dưới mức 117,75 ruble đổi một USD, giảm 40% từ mức 83,75 thứ sáu tuần trước, theo dữ liệu của Bloomberg.
– Cú lao dốc diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu lực lượng vũ trang, trong đó có các đơn vị vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu và Canada đã đồng ý cắt một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi SWIFT, hệ thống kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
– Động thái của nhà chức trách Nga diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính đang chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh nhất lịch sử. Chỉ trong tuần trước, thị trường chứng khoán Nga đã mất hơn 45% giá trị vốn hóa sau khi tổng thống Putin ra quyết định công nhận độc lập cho lãnh thổ ly khai ở Ukraine và mở cuộc chiến dịch quân sự vào quốc gia láng giềng. Việc bắt buộc phải nâng lãi suất lên đến 20% sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn, nhưng là động thái bắt buộc phải làm trong bối cảnh đồng ruble đang sụp đổ và người dân đang có dấu hiệu rút tiền gửi đột biến.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước
– Tổng cục Thống kê vừa công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước. Đây là con số đã được dự báo trước, khi tháng Hai trùng với Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
– Thêm vào đó, thời điểm này, giá xăng dầu cũng đã tăng khá mạnh theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
– Đây là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021.
– Chỉ số giá các nhóm hàng tăng cao trong tháng Hai cũng đã khiến CPI bình quân tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng không cao nếu so với mức tăng CPI 2 tháng đầu năm của các năm từ 2018 trở lại đây, tuy nhiên, xu hướng tăng là khá rõ ràng trong khi hai tháng đầu năm ngoái, CPI bình quân thậm chí còn giảm 0,14%.
– Như vậy, mặc dù việc chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2022 là đã được dự báo trước, tuy nhiên điều này cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã tăng trở lại trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát cùng với xung đột chính trị ở một số quốc gia xảy ra.
– Tuy nhiên, điều cần đặc biệt lưu ý là tình hình thị trường xăng dầu trong nước tại thời điểm hiện tại đang diễn biến tiêu cực. Trong bối cảnh thị trường mất cân đối cung và cầu, việc phải nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao sẽ gây áp lực tăng CPI khi các nhà buôn bán xăng dầu thương mại sẽ chuyển một phần chi phí sang cho người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ CPI có thể tăng cao hơn dự báo.
• Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tăng 13%
– Theo Báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tháng 2/2022 có số ngày làm việc ít hơn tháng 1 nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 48.2 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 vẫn tăng 17.6%.
– Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108.52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10.2%; nhập khẩu tăng 15.9%.
– Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 22.95 tỷ USD, giảm 25.6% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53.79 tỷ USD, tăng 10.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14.29 tỷ USD, tăng 24.1%, chiếm 26.6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39.5 tỷ USD, tăng 5.9%, chiếm 73.4%.
– Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89.4%, giảm 0.8 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2.7%, tăng 0.7 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6.9%.
– Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25.28 tỷ USD, giảm 14.2% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54.73 tỷ USD, tăng 15.9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18.25 tỷ USD, tăng 16.9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36.48 tỷ USD, tăng 15.4%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18.3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20.8 tỷ USD. Xuất siêu sang EU ước đạt 5.5 tỷ USD, tăng 56.6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 13.4 tỷ USD, tăng 78.8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6.5 tỷ USD, tăng 24.4%
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• FMC – Doanh số tháng 1/2022 tăng 90% so với cùng kỳ đạt 28,9 triệu USD
– Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa thông báo kết quả kinh doanh tháng 1 lạc quan với sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.820 tấn, tăng 40% so cùng kỳ năm 2021; sản xuất nông sản đạt 164 tấn, tăng 15%. Theo đó, doanh số tiêu thụ 28,9 triệu USD (xấp xỉ 659 tỷ đồng), tăng 90% so cùng kỳ năm 2021.
– Doanh nghiệp lý giải doanh số tháng 1 tăng mạnh do có lô hàng xuất cận cuối năm 2021 chỉnh sang tiêu thụ năm 2022. Cùng với đó, Khang An (đơn vị thành viên) có doanh số cao hơn hẳn do tháng 1/2021 là tháng đầu tiên hoạt động nên doanh số còn thấp. Đây được xem là cột mốc doanh số mới trong quá trình phát triển của Sao Ta.
– Từ ngày 7/2, trại tôm Sao Ta tiến hành thả giống vụ chính năm 2022 và dự kiến hoàn tất trong 20 ngày.
– Trước đó vào cuối năm 2021, Sao Ta công bố kết quả kinh doanh quý IV tăng trưởng mạnh với doanh thu 1.444 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 65% đạt 105 tỷ đồng. Nguyên nhân nhờ thu hoạch tôm tự nuôi làm hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Nhờ đó, lũy kế cả năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 5.199 tỷ đồng, tăng 18%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 267 tỷ đồng, tăng 18% và lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động.
– Kỳ vọng trong năm 2022, Sao Ta sẽ duy trì được kết quả kinh doanh và đạt được kết quả đột phá hơn nhờ đóng góp của các đơn vị thành viên.
• BVH báo lãi ròng gần 2.000 tỷ đồng năm 2021, vượt 93% kế hoạch
– Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ so với cùng kỳ.
– Cụ thể, tính riêng quý 4 doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 10.044 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, Bảo Việt lỗ gộp gần 5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong khi quý 4/2020 lãi gộp hơn 472 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính và các loại chi phí giảm, BVH đạt ợi nhuận sau thuế 552 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
– Lũy kế cả năm 2021, tập đoàn Bảo Việt lãi trước thuế 2.367 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.989 tỷ đồng, tăng 20,5% so với số lãi 1.650 tỷ đồng đạt được năm 2020 và vượt đến 93% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm, EPS đạt 2.535 đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của công ty trong nhiều năm trở lại đây.
– Giải trình về kết quả kinh doanh năm 2021, tập đoàn Bảo Việt cho biết lợi nhuận cả năm tăng trưởng mạnh nhờ diễn biến sôi động và tích cực của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán trong cả năm 2021 so với các giai đoạn năm 2020.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– VN-Index nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng giằng co trong ngắn hạn. Chỉ số thị trường mở cửa trong sắc xanh nhẹ nhưng nhanh chóng lùi về vùng đỏ. VN-Index sau đó có thời điểm tiến lên test lại tham chiếu nhưng không thành công. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 7.15 điểm, xuống mức 1,491.74 điểm. Sang phiên chiều, VN-Index không có biến động nhiều và chỉ số kết phiên ngày với mức giảm 8.76 điểm, dừng chân ở mức 1,490.13 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, BID, VHM và CTG là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi lấy đi tổng cộng gần 5 điểm của chỉ số này. Ở thái cực bên kia, bộ đôi HPG và DPM giúp chỉ số gỡ gạc lại phần nào, với gần 2 điểm tăng.
– Về nhóm ngành, trong phiên giao dịch ngày 28/02/2022, các cổ phiếu dầu khí vốn hóa vừa và nhỏ như PVC, PXS tăng kịch trần, trong khi PVS tăng 3.25%, PVT tăng 2.5%, PVD tăng 2.05%, cho thấy việc giá dầu tiếp tục neo cao do ảnh hưởng căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài khiến nhóm ngành được nhà đầu tư quan tâm lớn. Tuy nhiên, các cổ phiếu dầu khí vốn hóa lớn như PLX, GAS lại gây thất vọng khi chưa thể bứt phá lên theo nhóm ngành.
– Ngoài nhóm dầu khí, nhóm cổ phiếu hóa chất – phân bón như DPM, DCM hay nhóm cổ phiếu thép như HSG, NKG, SMC cũng đóng cửa trần, nguyên nhân đến từ kỳ vọng của thị trường về việc EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga có thể tác động làm tăng giá phân bón và thép thế giới và thúc đẩy EU tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế từ nơi khác.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 28/2/2022 bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 797 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị gần 20 tỷ đồng.
– Có thể thấy, VN-Index tiếp tục quá trình giằng co với sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành. Trong khi một số nhóm hưởng lợi từ diễn biến căng thẳng tại châu Âu như dầu khí, thép và phân bón thì nhiều ngành khác lại có phiên giao dịch không mấy tích cực. Vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm vẫn là vùng quan trọng cần phải vượt qua để VN-Index có thể thoát khỏi xu hướng đi ngang.
– Nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại có thể mua tích lũy các cổ phiếu blue chips có tiềm năng tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022 – 2023 khi dòng tiền vẫn đang tích lũy ở nhóm này. Ngoài ra, nhà đầu tư lướt sóng nên sẵn sàng quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường vẫn còn những nhịp rung lắc ở các phiên sắp tới khi quá trình điều chỉnh vẫn chưa kết thúc.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0