Podcast ngaf 16.05.2022 – Chủ tịch ECB phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất trong tháng 7

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Lạm phát Mỹ tăng cao hơn dự báo, tiệm cận ngưỡng 40 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo 8,1% của giới chuyên gia. Đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt trên 8%. Như vậy, lạm phát ở Mỹ trong tháng Ba (8,5%) và tháng Tư năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981.

Lạm phát vẫn tăng cao dù giá năng lượng đã giảm 2,7% trong tháng qua. Giá xăng giảm 6,1%. Chỉ số thực phẩm của Cục thống kê lao động tăng 0,9% trong tháng. Trong 12 tháng gần nhất, giá năng lượng vẫn tăng tới 30,3%, giá thực phẩm tăng 9,4%. Giá nhà tăng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Chỉ số giá nhà, có tác động lớn tới công thức đo lường CPI, tăng 0,5%. Trong một năm qua, chỉ số này tăng 5,1%, nhanh nhất từ tháng 3/1991.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã phản ứng với vấn đề này với hai lần tăng lãi suất trong năm nay và cam kết nhiều hơn cho đến khi lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, với dữ liệu tháng 4, cho thấy mức báo động của lạm phát càng ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi cục dự trữ Liên bang Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để Mỹ không rơi vào đà suy thoái.

  • Chủ tịch ECB phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất trong tháng 7

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 11/5 đã phát đi tín hiệu rằng ECB có thể nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử vào tháng 7 tới, trong bối cảnh lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tăng mạnh.

Chủ tịch ECB cũng cho rằng, ECB nên kết thúc chương trình mua trái phiếu “vào đầu quý 3” và có thể nâng lãi suất “chỉ vài tuần” sau đó.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng kêu gọi ECB cần nhanh chóng hành động, bởi ngân hàng này đã chậm hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trong việc thực hiện các biện pháp để kiềm chế lạm phát.

Các số liệu thống kê cho thấy, lạm phát tại Eurozone trong tháng 4 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021 – mức cao nhất từ trước đến nay của khối này, và cũng cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% ECB đặt ra.

Đánh giá: Đây đang là thời điểm quan trọng của cuộc chiến chống lạm phát, đòi hỏi những hành động nhanh chóng và đúng đắn không chỉ từ ECB, mà còn cả các NHTW lớn khác. Nếu các NHTW không giải quyết tốt vấn đề này sẽ tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế thực và thị trường tài chính.

  • Trung Quốc: Xuất khẩu tăng chậm nhất 2 năm

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu của nước này chỉ ở mức 3,9% đạt 273,62 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 14,7% ghi nhận trong tháng 3 và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4 đạt 222,5 tỷ USD, ngang bằng so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 3, nhập khẩu giảm 0,1%.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh chủ yếu là do nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng lệnh phong tỏa, kiểm soát dịch bệnh Covid 19, trong đó có Thượng Hải.

Những số liệu kém tích cực trong lĩnh vực thương mại – vốn chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, đang làm gia tăng nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vấn đề thương mại tương đối nhạy cảm với những biện pháp phòng dịch mạnh tay theo chiến lược zero Covid, điều này phần nào dự báo công tác kiểm soát hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên khắt khe hơn.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

  • Các ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi cá nhân trong tháng 5 ở hầu hết các kỳ hạn

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tính đến đầu tháng 5 phổ biến ở mức 3,3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 4-6,25%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 4,9-7%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Trước đó, nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân từ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Cụ thể, các ngân hàng tăng 0,1-0,7 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn.

Tính đến ngày 9/5, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 7%/năm. Xếp ngay đó là BacABank với 6,7%/năm; VietABank, Vietbank và Kienlongbank cùng ở mức 6,5%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay – huy động được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm % trong quý II và 0,13-0,18 điểm % trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động. Trong điều kiện cơ bản, Ngân hàng nhà nước vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

3. KÊNH CỔ PHIẾU

  • Cổ phiếu tiêu điểm (GAS, DPM, BWE, MSH)
  • GAS – Công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2022:

GAS vừa công bố tình hình kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu ước đạt 37.460 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.696 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.544 tỷ đồng; hoàn thành vượt kế hoạch 41 – 87% và tăng so với cùng kỳ năm trước 7 – 61%.

Quý I/2022, GAS công bố mức doanh thu đạt 26.689 tỷ đồng (+52% yoy); lợi nhuận trước thuế 4.381 tỷ đồng (+66% yoy); lợi nhuận sau thuế 3.495 tỷ đồng (+67% yoy).

Kế hoạch 2022, doanh thu đạt 80 nghìn tỷ đồng (+1,3% yoy) và 7.039 tỷ đồng lợi nhuận ròng (-20,5% yoy) dựa trên giả định giá dầu Brent là 60 USD/thùng, theo chúng tôi là quá thận trọng. Tính từ đầu năm, giá dầu Brent bình quân ở mức 101 USD/thùng.

Cổ tức tiền mặt cho năm 2021 được thông qua với tỷ lệ 30% (tỷ suất cổ tức là 2,6%). Năm 2022, công ty đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt là 25%.

Khuyến nghị:

Giai đoạn 2022-2025, GAS tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư gồm: Kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn năm 2022; đường ống thu gom khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2B năm 2024; Mở rộng, nâng cấp Kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn năm 2023/2024; Kho cảng LNG Sơn Mỹ giai đoạn1; Đường ống Lô B-Ô Môn

GAS là cổ phiếu có thể đầu tư dài hạn nhờ 1) Tài chính mạnh (cuối 2021, số dư tiền tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn đạt 30,101 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản); 2) Trả cổ tức đều; 3) Tiềm năng trưởng trung dài hạn (dự báo đến năm 2024-2025, sản lượng cung cấp khí khô và LNG của công ty có thể đạt 11.6-13.0 tỷ m3 tăng 60-80% so với 2021)

GAS đang giao dịch tương ứng với P/Efw 2022 đạt 18x (LNST dự báo 11 nghìn tỷ đồng), phù hợp với vị thế một doanh nghiệp số 1 ngành khí Việt Nam

Phân tích kỹ thuật

GAS kết phiên ngày Thứ Sáu (13/5) tại 100, là mức giá thấp nhất tuần. Lực bán tháo diễn ra vào cuối tuần phần nào có thể giải thích từ nhóm nhà đầu tư tham gia “bắt đáy” nhóm Dầu khí vào phiên Thứ Hai và Thứ Ba. Dù bị bán tháo trong hai phiên cuối tuần, thanh khoản của GAS không cao (so với trung bình 20 phiên) do đó đây chưa phải điều đáng lo ngại đối với xu hướng của cổ phiếu này. Tuy nhiên GAS đã kết phiên Thứ Sáu nằm dưới MA200, nhà đầu tư nên chủ động quan sát, có thể tiếp tục nắm giữ nếu cổ phiếu nhanh chóng lấy lại MA200. Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 102.6 +/-, 107.7 +/-, 111.5 +/-

  • DPM – Đánh giá về việc áp thuế xuất khẩu 5% không ảnh hưởng đến hoạt động:

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón

Phản hồi về đề xuất trên, DPM cho biết theo quy định hiện tại

Nhóm 1: phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm thì có thuế xuất khẩu 0%.

Nhóm 2: phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu là 5%. Sản phẩm urea của DPM thuộc nhóm 2 và đã đóng thuế 5% mỗi khi xuất khẩu từ nhiều năm nay

Khuyến nghị:

Năm 2022, mặc dù DPM chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn giảm 16,7% so với năm trước nhưng ngay nửa đầu tháng 1, công ty đã trúng thầu xuất khẩu hơn 100.000 tấn.

Quý 1/2022, DPM ghi nhận doanh thu 5.829 tỷ đồng (+200% yoy). Biên lợi nhuận gộp tăng từ 21.9% lên 48,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng – gấp 12 lần so với số lãi 179 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2021. Như vậy, chỉ sau quý 1/2022, DPM thực hiện gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Phân tích kỹ thuật

DPM đã phá vỡ hỗ trợ mạnh quanh 55.0 +/- và chính thức rơi khỏi đường MA100 trung dài hạn. Điểm tích cực là hai phiên cuối tuần trong đà bán tháo của thị trường, thanh khoản của cổ phiếu tiếp tục cạn kiệt cho thấy lực bán không còn quá mạnh. Hiện tại cổ phiếu gần về tới vùng quá bán, có thể kỳ vọng một nhịp hồi kỹ thuật. Tuy nhiên các phiên hồi phục giá xanh là cơ hội để hạ tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục, chưa nên mở vị thế mua mới. Cần quan sát diễn biến của cổ phiếu khi về đến MA200. Các hỗ trợ mạnh gần nhất lần lượt: 47.8 +/-, 42.5 +/-

  • BWE – Công bố bản tin hoạt động 4 tháng đầu năm:

CTCP Nước – Môi trường Bình Dương công bố bản tin hoạt động 4 tháng đầu năm với sản lượng nước tiêu thụ đạt 58,11 triệu m3 (+4%yoy). Tỷ lệ thất thoát nước giảm nhẹ từ mức 5,07% xuống còn 5%.

Tổng doanh thu Biwase trong 4 tháng đầu năm ước đạt 1.197 tỷ đồng (+15% yoy) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 262 tỷ đồng (+4% yoy). Kết quả này giúp Biwase hoàn thành 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Biwase đã công bố nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ và CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ 2

BWE đặt kế hoạch tài chính khá thận trọng trong năm 2022. Cụ thể, ban lãnh đạo kỳ vọng kế hoạch doanh thu năm 2022E sẽ tăng +10% YoY, đạt 3,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch LNST năm 2022E chỉ tăng +1,8% YoY, tương ứng đạt 750 tỷ đồng.

Khuyến nghị:

Với kết quả kinh doanh tích cực trong 4 tháng đầu năm, BWE hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch mục tiêu đã đề ra năm 2022

BWE vẫn là công ty phân phối nước hiệu quả nhất có tỷ lệ thất thoát nước thấp nhất ngành, tỷ lệ này của BWE chỉ đạt 5,0% trong năm 2021, giảm so với mức 5,3% trong năm 2020.

Giá cổ phiếu giảm 27% từ đỉnh trong vòng 1 tháng qua do ảnh hưởng từ sự sụt giảm chung của thị trường. BWE hiện đang giao dịch tương ứng với P/Efw 2022 là 12.3x. BWE vẫn là doanh nghiệp có khả năng sinh lợi cao nhất trong ngành, với tỷ lệ ROE năm 2021 đạt 17,4%, so với trung vị ngành chỉ đạt 12,2%.

Phân tích kỹ thuật

BWE có phiên giao dịch ngày Thứ Sáu (13/5) tiêu cực theo toàn thị trường, tuy nhiên đã ngay lập tức có lực đỡ khi giá cổ phiếu chạm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 47.2 +/-. BWE đã đánh mất xu hướng tăng trong ngắn – trung hạn, hiện tại đường MA100 là tham chiếu quan trọng để theo dõi sức khỏe của cổ phiếu này. Kịch bản tích cực nhất là BWE sẽ tạo đáy 2 quanh cùng 47-48 +/- và hồi phục để tiếp diễn xu hướng tăng trong trung – dài hạn. Trong kịch bản đó, nhà đầu tư có thể tham gia mua mới hoặc mua bổ sung vị thế đối với BWE khi cổ phiếu vượt được kháng cự. Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 50.4 +/-, 52.0 +/-

  • MSH – Đại hội đồng cổ đông MSH 2022:

MSH công bố BCTC Q1/2022 với LNST đạt 81.9 tỷ đồng (-11.0% yoy) và doanh thu đạt 1,291.5 tỷ đồng (+36.7% yoy).

Doanh thu tăng mạnh do MSH đã đưa khu vực May Sông hồng Nghĩa Hưng (Công ty con) vào hoạt động. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp đạt 190.2 tỷ đồng (-12% yoy), theo đó biên lợi nhuận gộp giảm xuống 14.7%, thấp hơn so với mức 22.8% cùng kỳ. Giá nguyên vật liệu tăng mạnh cùng với giá cước vận tải cao là yếu tố chính ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kế hoạch kinh doanh 2022 khả thi — Năm 2022, May Sông hồng đặt kế hoạch lợi lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng (-8% yoy) và doanh thu 4,900 tỷ đồng (+3% yoy). BLĐ cho biết kế hoạch trên dựa trên quan điểm thận trọng, nếu rủi ro giảm bớt doanh thu năm 2022 có thể vượt khoảng 15% so với kế hoạch. Cổ tức dự kiến năm 2022 tỷ lệ 15% – 30%.

Khuyến nghị:

MSH chủ yếu sản xuất FOB cấp II (tự tìm nguồn cung ứng) nên bị ảnh hưởng nặng hơn so với các nhà sản xuất khác do việc thiếu nguyên liệu.

Tuy nhiên đây là yếu tố tiêu cực trong ngắn hạn và LNST từ năm 2023 trở đi có thể cải thiện do giá nguyên liệu đầu vào dự kiến sẽ hạ nhiệt khi chiến tranh Nga-Ukraine và dịch covid tại Trung Quốc hạ nhiệt.

MSH còn có triển vọng mở rộng công suất tạo dư địa tăng trưởng dài hạn (dự án nhà máy Nghĩa Phong có diện tích 8ha hiện đã đi vào sản xuất được 2 tháng với 1,800 công nhân và dự kiến tăng thêm 1,000 công nhân. Nhà máy mới Xuân Trường (MSH nắm giữ 51%) có diện tích 10ha dự kiến bắt đầu xây dựng trong đầu năm 2023 và có thể đi vào hoạt động từ Q4/2023 với 2,800 công nhân, nâng quy mô công ty lên 15,000 công nhân).

MSH đang giao dịch tại mức giá PEfw 2022 là 7.5 lần (LNST 2022 dự kiến 430 tỷ đồng). Giá cổ phiếu giảm sẽ là cơ hội tích lũy để nắm giữ lâu dài

Phân tích kỹ thuật

MSH tiếp tục diễn biến tiêu cực sau khi giá cổ phiếu phá vỡ vùng hỗ trợ mạnh quanh 74.0 +/- vào phiên 9/5 với thanh khoản lớn, cao hơn mức trung bình 20 phiên giao dịch. Hiện tại cổ phiếu đã về tới vùng quá bán, có thể kỳ vọng một nhịp hồi kỹ thuật. Tuy nhiên thanh khoản đột ngột cao vào hai phiên cuối tuần cho thấy lực bán vẫn chưa cạn. Các phiên hồi phục giá xanh là cơ hội để hạ tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục. Chưa nên mở vị thế mua mới. Các hỗ trợ mạnh gần nhất lần lượt: 61.5 +/-, 55.0 +/-

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

  • Vốn hóa thị trường tiền điện tử giảm 800 tỷ USD chỉ trong một tháng

Bitcoin, chiếm gần 40% giá trị tổng thể của thị trường tiền điện tử, đã chạm mức thấp nhất trong 10 tháng vào hôm 10/5 (còn dưới 30.000 USD/đơn vị), trước khi tăng trở lại lên 31.450 USD, chỉ 6 ngày sau khi chạm mức 40.000 USD. Giá bitcoin hiện tại thấp hơn 54% so với mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 10/11 là 69.000 USD.

Giá tài sản kỹ thuật số đã giảm, phản ánh sự lao dốc của chứng khoán do lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh mẽ trên toàn cầu để ngăn chặn lạm phát cao hàng thập kỷ. Terra LUNA, một mạng blockchain hướng tới DeFi đang phát triển rất tốt, tuy nhiên một sự cố khi phát hành stablecoin TerraUSD đã khiến mạng lưới sụp đổ.

Trong hai ngày 10/5 và 11/5, Terra LUNA đã chứng kiến mức sụt giảm giá trị chưa từng thấy trong thị trường crypto đối với một đồng coin lớn nằm trong top 10. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm giá trị của LUNA là do stablecoin TerraUSD đã đánh mất tỉ lệ neo 1:1 với đồng đô la Mỹ.

Vốn hoá thị trường tiền điện tử đã giảm mạnh trong hơn một tháng qua, phản ánh sự lao dốc của chứng khoán do lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh mẽ trên toàn cầu để ngăn chặn lạm phát. Ngoài ra còn các dấu hiệu về sự suy thoái của stablecoin, vốn là một loại tiền điện tử an toàn hơn, càng khiến các nhà đầu tư lo sợ. TerraUSD (UST), đồng tiền ổn định lớn thứ 4 trên thế giới, đã mất đến 98% giá trị tính đến 14/05.

  • Mặc chiến tranh, Rúp Nga là đồng tiền tăng mạnh nhất thế giới

Đồng Rúp Nga tiếp tục đà tăng giá trong phiên giao dịch ngày 11/5 khi thị trường chứng khoán Moscow mở cửa trở lại sau hai ngày nghỉ lễ.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá đồng Rúp tăng hơn 11% so với đồng USD trên thị trường Moscow. Theo đó, đây là tiền tệ tăng giá mạnh nhất trong số 31 tiền tệ lớn được theo dõi và vượt qua đồng Real của Brazil (tăng 9% so với USD từ đầu năm). Trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng Rúp thậm chí tăng mạnh hơn, khoảng 12%.

Diễn biến tăng giá của đồng nội tệ Nga diễn ra sau khi Moscow áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát vốn để bảo vệ đồng nội tệ sau khi hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Cùng với biện pháp kiểm soát vốn, Moscow cũng yêu cầu các khách hàng châu Âu mua khí đốt của nước này phải thanh toán bằng đồng Rúp. Ngoài ra, Moscow cũng đóng băng tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu các công ty Nga chuyển đổi ngoại tệ sang nội tệ.

Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng Rúp hiện tại khiến nhiều người bất ngờ. Nguyên nhân chính cho việc này là đồng Rúp vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu của thế giới đối với dầu thô và khí đốt Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ khó kéo dài trong tương lai khi các nước EU đang dần chủ động có những chính sạch hạn chế phụ thuộc vào dầu thô ở Nga. Hạn chế nguồn cung từ Nga sẽ tác động tích cực đến giá dầu trong dài hạn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest