Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “7 nguyên tắc trở thành tỷ phú của Warren Buffett ”
1. Tin vĩ mô về thông tin thị trường
Khi hàng nghìn chuyến bay phải hủy thì vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn và giá gửi hàng bằng đường hàng không tăng vọt khiến các hãng buộc phải nghĩ tới chuyển đổi tạm thời các khoang chở khách trống thành khoang chở hàng.
Một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ bắt đầu chuyển sang chở hàng kể từ tháng Ba. American Airlines chưa bao giờ thiếu khách đến mức chỉ chở hàng trong suốt hơn 30 năm hoạt động nhưng giờ cũng phải bay 140 chuyến chở hàng mỗi tuần.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức cũng nắm bắt cơ hội và chuyển đổi dòng máy bay chở khách Airbus A330 sang chở hàng. Hồi tháng Tư, hãng đã bay nhiều chuyến chở trang thiết bị y tế từ Trung Quốc tới Frankfurt (Đức).
Trong diễn biến mới nhất ngày 25/5, Chính phủ Đức đã thông qua một gói cứu trợ trị giá 9 tỷ euro (9,8 tỷ USD) cho hãng hàng không Lufthansa.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tuần trước giữa Bộ Kinh tế Đức và ban lãnh đạo hãng Lufthansa, Chính phủ Đức nắm số cổ phần không có quyền biểu quyết, đổi lại hãng sẽ nhận được 5,7 tỷ euro, cộng với một hạn mức tín dụng 3 tỷ euro và 300 triệu euro mua cổ phiếu. Với thỏa thuận này, chính phủ sẽ nắm 20% cổ phần và hai ghế trong ban giám đốc của Lufthansa.
Tuy nhiên, chính phủ không có quyền biểu quyết tại các cuộc họp cổ đông của Lufthansa trừ khi có thương vụ thâu tóm hãng hàng không này.
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 25/5 cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng gần gấp đôi gói hỗ trợ khẩn cấp từ mức 117,1 nghìn tỷ yen hiện nay lên 200 nghìn tỷ yên (khoảng 1,86 nghìn tỷ USD) nhằm giải quyết hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ông Abe nói: “Quy mô của gói hỗ trợ này sẽ là chưa có tiền lệ, tương đương với 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Tôi sẽ bảo vệ nền kinh tế Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng một thế kỷ thông qua những biện pháp ứng phó có quy mô lớn nhất thế giới.”
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 26/5 cho hay nước này đã hạ dự báo lần thứ ba về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 khi nền kinh tế trong nước đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này xuống còn từ -7% đến -4%, so với ước đoán trước đó là từ -4% đến -1%.
Giới phân tích dự đoán nền kinh tế phụ thuộc thương mại của Singapore có thể sụt giảm mạnh hơn trong quý 2/2020 do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa mà nước này áp dụng trong 2 tháng, khiến nhiều công sở, doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID-19.
Singapore đang đối mặt với sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này và giới chức nước này đã cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể tăng trong khi mức lương của người lao động sẽ giảm.
Các công ty dầu đá phiến ở Mỹ đang chịu áp lực nặng nề do nhu cầu giảm do đại dịch Covid-19. Đến hiện tại, trong năm nay đã có 17 công ty tiến hành thủ tục phá sản, Financial Times cho biết. Theo Financial Times, tổng số nợ mà 17 công ty trên đang gánh là khoảng 14 tỷ USD. Đến cuối năm 2020, số lượng công ty dầu đá phiến Mỹ phá sản có thể tăng lên 73. “Điểm mấu chốt là một làn sóng phá sản và tái cấu trúc đang ập đến”, Financial Times dẫn lời Regina Mayor, chuyên gia về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên tại KPMG chi nhánh ở Mỹ, nhận định.
2. Thị trường Việt Nam
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội sẽ xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Việc tăng vốn với Agribank bức thiết nhất trong số các ngân hàng quốc doanh khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II nằm sâu dưới chuẩn (thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
Như vậy nhiều khả năng ít nhất trong năm nay, 3 ngân hàng quốc doanh còn lại gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV sẽ phải “tự lo” chuyện tăng vốn mà không dựa vào hầu bao ngân sách.
Chia sẻ tại đại hội đông cổ đông thường niên tổ chức gần đây, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ đã nêu khá rõ lộ trình tăng vốn trước mắt của ngân hàng, đó là giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, năm 2018 và sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện tương tự trong năm 2019.
Đối với Vietcombank, sau thương vụ phát hành riêng lẻ thành công cho hai đối tác nước ngoài đầu năm 2019, thu về khoảng 6.000 tỷ đồng, ngân hàng này đang có kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng.
Theo tài liệu gửi đến các nhà đầu tư mới đây, Vietcombank đang có kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 – 2021. Cùng với đó, giữ lại khoảng 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018 – 2021.
Còn đối với BIDV, theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua hồi tháng 3 vừa qua, trong năm 2020-2021, BIDV sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 341,5 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 8,5% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019.
Đối tượng phát hành đối với hình thức chào bán cổ phần ra công chúng là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Còn đối với hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cho các nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của BIDV, tối đa không quá 100 nhà đầu tư.
3. Các kênh đầu tư
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, đến 15/5, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm trước, thấp hơn mức 1,42% tại cuối tháng 4, cho thấy đầu ra tín dụng vẫn hạn chế dù lãi suất cho vay đã giảm 0,5-2,5% so với trước khi có dịch Covid-19.
Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn cũng vừa được điều chỉnh giảm 30-50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 12, 13 tháng và giảm 10-20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, để cân đối với mức giảm của lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 3,9-4,25% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,9-7,5%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và 6,2-7,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
4. Câu chuyện đầu tư
7 nguyên tắc trở thành tỷ phú của Warren Buffett
Cho dù sở hữu gia tài trị giá hàng chục tỷ đô la, Warren Buffett vẫn được biết tới với lối sống giản dị, và chiến lược đầu tư của ông cũng chẳng hề phức tạp như nhiều người lầm tưởng.
Nhưng nếu mọi thứ trông thật đơn giản như vậy, bạn sẽ băn khoăn rằng tại sao lại không có nhiều người giàu như Buffett? Lý do là bởi cách tiếp cận của ông với công việc của mình dựa trên một nền tảng của sự kỷ luật và kiên nhẫn mà phần đông mọi người không sở hữu hoặc không chịu khó hình thành.
Đây là 7 nguyên tắc đã giúp Warren Buffett thành công.
1. Luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới
Buffett thường nói rằng kiến thức được tích lũy tương tự như lãi suất ngân hàng. Ông bắt đầu ngày mới bằng cách đọc báo, và đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau trong ngày.
Tiếp nhận thông tin không chỉ giúp bạn đầu tư tốt hơn mà còn góp phần vào thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Vì thế, hãy lắng nghe những điều người khác nói với bạn về những công nghệ mới hay những chiến lược mới.
2. Trông cậy vào cổ tức để tăng trưởng trong dài hạn
Warren Buffett cực kỳ ưa chuộng những công ty trả cổ tức đều đặn. Một ví dụ là tập đoàn Berkshire Hathaway do ông sở hữu nhận hàng trăm triệu đô la mỗi năm tiền cổ tức từ Coca-Cola.
Cổ tức thường đến từ những công ty đáng tin, thường xuyên đạt hoặc vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Những cổ phiếu này tuy có thể không nhanh chóng tạo ra tiền, nhưng bạn không cần dành ra quá nhiều thời gian để theo dõi chúng.
3. Không làm theo đám đông
Tư duy theo tâm lý đám đông là một cách chắc chắn để thu được những kết quả tầm thường. Hãy biết nghe theo những lời khuyên hợp lý, nhưng luôn tự xây dựng chiến lược dành riêng cho bản thân dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của bạn.
Tuy nhiên để làm được điều này không hề dễ dàng. “Để trở thành một nhà đầu tư thành công bạn phải tách biệt mình khỏi lòng tham và nỗi sợ của những người xung quanh, dù này gần như là bất khả thi” – Buffett từng khẳng định.
4. Không đầu tư tiền vay mượn
Khi đầu tư, luôn dùng tiền của bạn, đừng bao giờ đi vay. “Ở góc nhìn của tôi, vay tiền để đầu tư chứng khoán là một điều điên rồ. Chỉ có điên rồ mới mạo hiểm đánh đổi những thứ bạn có và cần cho những thứ bạn không cần.”
Nếu bạn vay tiền để đầu tư, chiến lược của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi nghĩa vụ trả khoản nợ đó. Trong khi các chiến lược đầu tư hiệu quả đòi hỏi lên kế hoạch lâu dài và nắm giữ sẽ khó có thể thực hiện nếu bạn có một khoản vay treo lơ lửng trên đầu.
5. Tư duy dài hạn
“Mua và nắm giữ” (buy and hold) là một chiến lược đầu tư đòi hỏi nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu cho dù cổ phiếu đó có diễn biến không tích cực trong ngắn hạn. Trong khi đó, chiến lược đầu tư của Warren Buffett có thể được gọi là “mua và nắm giữ và nắm giữ”.
Ông từng nói với các cổ đông của Berkshire Hathaway rằng: “Thời hạn nắm giữ ưa thích của chúng tôi là mãi mãi”. Buffett không bận tâm nếu giá một cổ phiếu đôi lúc có sụt giảm, mà thậm chí còn coi đó là một cơ hội để mua vào thêm với giá hấp dẫn.
6. Biết khi nào nên từ bỏ
Tuy thành công là vậy, nhưng Warren Buffett cũng từng đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm. Tuy nhiên, ông luôn biết khi nào nên từ bỏ những quyết định đó.
Ông học được bài học này từ khi còn trẻ thông qua những cuộc cá cược đua ngựa. Ông còn thử bù lại số lỗ bằng cách gia tăng số tiền cược nhưng kết cục là ông mất nhiều tiền hơn. Bạn cũng nên biết cách nhận biết một khoản đầu tư chắc chắn sẽ thất bại để có thể từ bỏ và hạn chế tối đa rủi ro.
7. Nhớ rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra
Trên tường văn phòng của mình, Warren Buffett treo nhiều bài báo với những tiêu đề tin tức về những đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán. Mục đích của chúng là nhắc nhở ông rằng trong đầu tư và trong cuộc sống, mọi chuyện đều có khả năng xảy ra.
Nếu bạn nhớ điều này, bạn sẽ cẩn trọng hơn trong cách tiếp cận của mình và đưa ra những quyết định chỉ khi đã tham khảo thông tin kỹ lưỡng.