Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Philip Fisher: Người thầy của những tỷ phú đầu tư hiện đại”
1. Tình hình Việt Nam
Về dự báo tăng trưởng,
Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020, đạt 3,3%, do ảnh hưởng của các thách thức bên ngoài.
Ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, “Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu nhờ lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP đã tăng lên 300% và nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất tại châu Á, điều này cho thấy Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thế giới. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ, các quốc gia thuộc khu vực đồng euro và nhóm kinh tế G10 có khả năng đi vào suy thoái, nhu cầu thế giới suy giảm sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Với mức tăng trưởng thấp trong năm 2020 và nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng trở lại, tốc độ tăng trưởng, theo dự đoán của chúng tôi, sẽ hồi phục trong năm 2021, đạt 6,5%”.
Nghiên cứu cũng dự đoán dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm xuống dưới 10 tỷ USD trong năm nay và sẽ tiếp tục suy giảm nếu những lo ngại liên quan đến vi rút còn kéo dài trong nửa cuối năm. Các hoạt động xây dựng cũng sẽ chậm lại do yếu tố tâm lý thị trường và vốn FDI giảm. Tăng trưởng xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc đáng kể trước ảnh hưởng của nhu cầu thế giới trong khi đó tăng trưởng nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng tương tự với mức tăng dự kiến sẽ thấp hơn xuất khẩu, nhờ đó cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2020.
Còn theo báo cáo của ADB, cấu trúc cơ bản của nền kinh tế Việt Nam sẽ được giữ nguyên nếu dịch bệnh được kiểm soát trong nửa năm đầu 2020. Nếu kịch bản này đúng thì nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với tốc độ tăng trưởng mức 6,8% vào năm 2021 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong một thời gian dài.
Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam chia sẻ mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đang giảm dần và vẫn còn nhiều nguy cơ từ đại dịch Covid-19 có thể trở lại. Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là tầng lớp trung lưu mới nổi và số các doanh nghiệp nhỏ và kinh doanh hộ gia đình tăng lên.
Do đó, môi trường kinh doanh trong nước dự kiến sẽ được phục hồi nhanh chóng. Chi tiêu của Chính phủ được thực hiện như là một biện pháp đối phó do ảnh hưởng từ sự lây lan của dịch bệnh đã tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020 và có thể tiếp tục như vậy.
Liên quan đến số liệu việc làm ở Việt Nam
Tại buổi họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý 1 năm 2020 sáng 24/4, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2 – 1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm.
Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng với COVID-19 là gần 5 triệu người. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; thứ 2 là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động.
Trong tổng số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất 5 năm.
Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 vừa qua là 2,22%, tăng 0,07% so với quý 4/2019 và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
2. Thị trường chứng khoán
Về động thái của các nhà đầu tư lớn tuần qua
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn “miệt mài” bán ròng hàng trăm tỷ đồng trong mỗi phiên giao dịch tuần qua. Giá trị bán ròng tuần qua lên mức 1.700 tỷ đồng, cao nhất trong 4 tuần liên tiếp. Trên sàn HOSE, cổ phiếu HPG được mua ròng mạnh nhất với khối lượng 4,19 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 89,74 tỷ đồng. Trái lại, cổ phiếu VNM được bán ròng mạnh nhất xét về giá trị, đạt 291,23 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,95 triệu đơn vị.
Doanh thu công ty ngành nước tăng trưởng
Dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường và có tác động sâu rộng đến cả nền kinh tế. Dù vậy, một số ngành nghề vẫn có kết quả quả kinh doanh khả quan khi chưa chịu tác động quá lớn, trong đó có các ngành thiết yếu như nước sạch.
Nhiều công ty kinh doanh trong ngành nước đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2020 và hầu hết đều có sự tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, nhờ giá bán và sản lượng tăng cao hơn. Công ty Cấp nước Thủ Đức (HoSE: TDW) ghi nhận doanh thu quý I tăng 21% lên 243 tỷ đồng do sản lượng nước tiêu thụ tăng 9,82% (tổng sản lượng 23,67 triệu m3) và giá bán nước sạch tăng theo quy định mới của thành phố. Riêng doanh thu từ cấp nước đã chiếm gần 242 tỷ đồng.
3. Các loại tài sản
UBCK đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho ETF VFMVN Diamond vào ngày 22/4. Trước đó vào 27/2, Ủy ban Chứng khoán đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư cho ETF VFMVN Diamond. VFM đã tiến hành đợt phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO) cho quỹ ETF mới từ ngày 3/3 đến 26/3. Theo VFM, quy mô huy động là 102 tỷ đồng. Ngân hàng giám sát là Vietcombank – chi nhánh TP HCM, đồng thời là đơn vị cung cấp dịch vụ lưu ký.
Theo bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT, tính từ ngày 15/11/2019, VN Diamond Index có hiệu suất vượt trội so với VN-Index, chỉ giảm 2,7% trong khi VN-Index giảm 11%. Trong giai đoạn “thiên nga đen” Covid19, VN-Index giảm 6,4% tính đến ngày 27/02/2020, trong khi đó VN Diamond Index vẫn giữ được mức tăng nhẹ 1,7%.
VNDirect có góc nhìn tích cực về quỹ ETF mới và kỳ vọng chỉ số này có thể mang tới nhiều động lực phát triển cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, ETF VFMVN Diamond sẽ là công cụ hỗ trợ đầu tư vào các cổ phiếu đã hết “room” và tìm kiếm tăng trưởng với triển vọng vĩ mô tích cực của Việt Nam trong dài hạn.
4. Câu chuyện đầu tư
Philip Fisher được coi là một trong những nhà đầu tư có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Ông đã khai sinh ra học thuyết tăng trưởng trong đầu tư và chúng được phổ biến rộng rãi qua cuốn sách của ông với tiêu đề Common Stocks and Uncommon Profits (Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường).
Một trong những độc giả đã lĩnh hội phương pháp và thần tượng Fisher, nổi tiếng cũng như thành công nhất có thể kể đến là Warren Buffett. Buffett đã tìm gặp bằng được Fisher ngay sau khi đọc cuốn sách vì ông ấn tượng trước những gì mà cha đẻ học thuyết tăng trưởng đã chia sẻ.
Hay một nhà đầu tư khác, cũng đã tìm thấy đằng sau những ý tưởng của Fisher là cả một kho báu thật sự và thành công nhờ áp dụng chúng là Ken Fisher- con trai và cũng là một nhà tỷ phú tự thân có điểm xuất phát như Buffett.
Dưới đây sẽ là 3 tiêu chí quan trọng mà có lẽ cả Buffett và Ken Fisher đều áp dụng mỗi khi ra quyết định có hay không đầu tư của “người thầy chung” Philip Fisher.
Tiêu chí 1: Biên lợi nhuận của công ty như thế nào?
Đây là một chủ đề được giới tài chính coi như xương sống của các quyết định đầu tư bền vững. Trên quan điểm của nhà đầu tư, doanh thu chỉ có giá trị khi làm tăng lợi nhuận. Doanh thu tăng không có nghĩa là lợi nhuận sẽ tăng lên tương ứng. Bước đầu tiên để xác định lợi nhuận là nghiên cứu biên lợi nhuận của công ty, tức xác định lợi nhuận trên doanh thu.
Sẽ có sự khác biệt lớn giữa các công ty khác nhau ngay trong cùng một ngành và nên tiến hành bước nghiên cứu này không chỉ một năm mà là nhiều năm.
Trong thời kỳ thịnh vượng, hầu hết các công ty đều đạt được biên lợi nhuận rộng hơn, và chính các công ty từng có biên lợi nhuận thấp được đặc biệt chú ý hơn vì có tỷ lệ tăng cao.
Có thể lý giải điều này bằng một phép toàn đơn giản. Hãy tưởng tượng hai công ty có cùng quy mô mà trong thời kỳ hoạt động bình thường đều bán cùng một loại sản phẩm với giá 10 xu. Công ty A thu được lợi nhuận 4 xu/sản phẩm (chi phí mất 6 xu) và công ty B là 1 xu/sản phẩm (chi phí mất 9 xu). Bây giờ, giả sử chi phí và quy mô vẫn giữ nguyên nhưng hiện tại nhu cầu tăng thêm khiến giá tăng lên 12 xu.
Lúc này, công ty A sẽ tăng lợi nhuận từ 4 xu lên 6 xu, tương đương tăng 50% lợi nhuận, nhưng công ty B lại thu được lợi nhuận 3xu/sản phẩm, mức tăng thêm 300%.
Điều này dẫn đến thực tế là trong một năm kinh doanh thuận lợi, những công ty yếu thế thường gia tăng phần trăm thu nhập cao hơn những công ty mạnh trong cùng lĩnh vực. Dù vậy, cần phải tỉnh táo cân nhắc quyết định đầu tư vì những thu nhập kiếm được nhanh chóng theo kiểu như vậy dễ bị sụt giảm khi hoạt động kinh doanh đi xuống.
Vì lý do này, Fisher tin rằng không thể đạt được lợi nhuận cao nhất trong dài hạn khi đầu tư vào các công ty có biên lợi nhuận thấp. Lý do duy nhất để xem xét việc đầu tư dài hạn các công ty có biên lợi nhuận thấp là khi xuất hiện những dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự thay đổi mang tính cốt lõi sắp xảy ra trong công ty.
Như việc ban quản lý hoạt động hiệu quả hơn, cắt giảm tổng chi phí hoặc phát triển các sản phẩm mới. Song, một số công ty cũng sẽ chủ động giữ mức biên lợi nhuận ở mức thấp do phải tài trợ cho việc nghiên cứu, khuyến mãi hay tiến hành những hoạt động cần vốn khác vì mục đích tương lai vẫn sẽ là một khoản đầu tư cực kỳ hấp dẫn.
Tuy nhiên, trừ các trường hợp ngoại lệ này, Fisher cho rằng nhà đầu tư nên tránh xa những công ty đang có biên lợi nhuận thấp hoặc bằng không.
Tiêu chí 2: Liệu công ty có những sản phẩm và dịch vụ đủ tiềm năng thị trường đủ lớn để tăng doanh thu ít nhất trong vài năm tới không?
Không phải là không có cách nào để kiếm lợi nhuận một lần từ những công ty mà đường doanh thu không tăng, thậm chí là đi xuống. Kết quả hoạt động kinh doanh thu được từ việc kiểm soát tốt chi phí có thể tạo đủ sự tăng trường lợi nhuận thuần của công ty, góp phần làm tăng giá cổ phiếu.
Và cách tìm kiếm lợi nhuận như vậy trên thị trường chứng khoán được rất nhiều nhà đầu cơ hay những người săn cổ phiếu giá rẻ ưa chuộng. Tuy nhiên nó không đem lại mức lợi nhuận đủ để có thể hấp dẫn những người khao khát thu được lợi nhuận tối đa từ số tiền mà họ bỏ ra đầu tư.
Có một kiểu tình huống khác, tuy cũng không thể mang lại lợi nhuận tối đa nhưng đôi khi giúp nhà đầu tư kiếm được một khoản lớn hơn rất nhiều. Nó xuất hiện khi có một điều kiện thay đổi mở ra một giai đoạn tăng trưởng doanh thu mạnh cho công ty trong vài năm, nhưng sau đó sẽ ngừng.
Điển hình là ví dụ về những gì đã xảy ra với rất nhiều hãng sản xuất radio, khi tivi xuất hiện và phổ biến. Doanh thu trong ngành liên tục tăng cao trong vài năm. Tuy nhiên, đến năm 1957, có đến 90% các hộ gia đình sử dụng điện ở Mỹ là có tivi, do vậy đường doanh thu đã bão hòa và trở lại trạng thái ổn định.
Những người sớm đầu tư vào cổ phiếu ngành này trước khi đường doanh thu tăng trưởng vượt ngưỡng đã thu được một khoản lợi nhuận kếch xù. Sau đó khi đường doanh thu thăng bằng trở lại thì những cổ phiếu của ngành này không còn hấp dẫn như trước nữa.
Việc đánh giá chính xác đường doanh thu trong dài hạn là cực kỳ quan trọng đối với nhà đầu tư. Một sự đánh giá thiển cận, thiếu thận trọng có thể dẫn đến những kết quả sai lầm. Luôn có tính không ổn định trong chu kỳ kinh doanh, do đó nhà đầu tư không nên đánh giá sự tăng trưởng theo từng năm một, mà nên đánh giá theo chu kỳ vài năm một.
Ngoài ra, nếu công ty được quản lý tốt, ngành mà công ty tham gia chú trọng tới việc nghiên cứu phát triển và kết hợp công nghệ, thì những nhà đầu tư khôn ngoan nên ý thức rằng rất có khả năng ban quản lý có thể điều hành công việc để tạo ra trong tương lai đường doanh thu lý tưởng khi chọn một công ty thực sự đáng đầu tư.
Tiêu chí 3: Công ty có quyết tâm tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm mới, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?
Những công ty có triển vọng tăng trưởng trong một vài năm tiếp theo do nhu cầu mới về các dòng sản phẩm hiện tại, nhưng không có chính sách hay kế hoạnh để tiếp tục phát triển thường chỉ mang lại khoản lợi nhuận một lần.
Những công ty này không có khả năng cung cấp phương tiện để đạt được lợi nhuận bền vững trong vòng 10 hoặc 25 năm, mặc dù đây mới là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công. Muốn đạt được sự tăng trưởng đó, các công ty cần có nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật, nhằm cải tiến các sản phẩm cũ và phát triển các sản phẩm mới.
Nhà đầu tư thường thu được những lợi nhuận cao nhất từ những công ty coi trọng việc nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm triển khai những dòng sản phẩm mới có liên quan đến phạm vi hoạt động của công ty.
Điều này không có nghĩa là một công ty đáng đầu tư sẽ phải có nhiều bộ phận, trong đó một số sản xuất những dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt. Điều này có nghĩa đặt việc nghiên cứu ở vị trí trung tâm, giống như một cái cây vươn ra nhiều nhánh từ thân của nó, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu một công ty kinh doanh những dòng sản phẩm mới không liên quan đến hoạt động chính của công ty, mà nếu thành công thì cũng là trong những ngành hoàn toàn khác biệt với hoạt động kinh doanh hiện có.
(Nguồn: Tri thức trẻ)