Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 26.05.2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Trở thành tỷ phú nhờ tích tiểu thành đại”

1. Tin vĩ mô thế giới

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã cho phép một kế hoạch cứu trợ các công ty được xem là có tầm quan trọng chiến lược, sau khi bộ trên cho biết có thể hỗ trợ các doanh nghiệp quan trọng như một “phương cách cuối cùng” sau khi mọi giải pháp khác không hiệu quả trong việc ứng phó với các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Kế hoạch mới cho phép tăng khả năng để Bộ Tài chính Anh có thể đưa ra các gói cứu trợ cho các công ty được đánh giá là “có thể trụ được” sau khi các công ty này đã sử dụng mọi giải pháp, bao gồm các cơ chế cho vay của chính phủ. Nhà nước cũng có thể mua cổ phần của các công ty quan trọng đang phải đối mặt với các khó khăn tài chính lớn.

Tờ Nikkei (Nhật Bản) ngày 25/5 đưa tin nước này đang xem xét một gói kích thích mới trị giá hơn 929 tỷ USD chủ yếu bao gồm các chương trình cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Gói kích thích thuộc ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa hiện tại bắt đầu vào tháng 4 vừa qua và được đưa ra sau kế hoạch chi tiêu kỷ lục trị giá 1.100 tỷ USD mà Nhật Bản triển khai hồi tháng trước nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Theo Nikkei, trong ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 100.000 tỷ yen (929,45 tỷ USD), 60.000 tỷ yen để mở rộng các chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp thông qua các thể chế tài chính tư nhân và liên kết với nhà nước.

Bên cạnh đó, 27.000 tỷ yen nữa sẽ được dành cho các chương trình cứu trợ tài chính khác, trong đó có 15.000 tỷ yen cho một chương trình mới nhằm “bơm” vốn cho các công ty đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, gói ngân sách lần này còn bao gồm tiền trợ cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trả tiền thuê và lương cho nhân viên khi ngừng hoạt động kinh doanh.

Trong bài phỏng vấn mới đây, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cảnh báo Trung Quốc có thể bị Mỹ trừng phạt liên quan kế hoạch áp luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính Hong Kong, đe dọa vị thế cửa ngõ tài chính của thành phố.Trong khi đó, phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính nói với phái đoàn Hong Kong dự họp quốc hội rằng Bắc Kinh sẽ “thực hiện bằng được” luật an ninh Hong Kong.

Trong hai tháng qua, hàng loạt ổ dịch Covid-19 xuất hiện tại các nhà máy chế biết thịt ở Mỹ, khiến nhiều nhà máy chế biến thịt buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, nông dân Mỹ phải giết bỏ và tiêu hủy hàng trăm ngàn con heo do không còn lò mổ nào ở gần họ tiếp nhận chúng. Các vấn đề của ngành công nghiệp thịt đang tạo cú huých mới cho các sản phẩm thịt thay thế làm bằng thực vật nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng. Công ty Impossible Foods, có trụ sở ở bang California, đang tuyển dụng thêm nhân viên, tăng lương và tăng ca. Impossible Foods chuyên sản xuất bánh hamburger nhân “thịt thực vật” có tên gọi Impossible Burger và các sản phẩm “thịt thực vật” khác.

Trong khi đó, Beyond Meat, đối thủ của Impossible Foods ghi nhận doanh số cao kỷ lục trong quí 1. Beyond Meat bán các sản phẩm “thịt thực vật” như Beyond Burger, Beyond Beef, Beyond Chicken, Beyond Sausage, có mùi vị kết cấu như thịt bò, thịt gà và thịt heo thật. Các sản phẩm “thịt thực vật” của Beyond Meat là sự kết hợp giữa protein đậu Hà Lan, dầu dừa và một số thành phần khác.

Các sản phẩm “thịt thực vật” đang nhận được  sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng Mỹ khi họ ngại ăn thịt heo, bò được sản xuất từ các nhà máy chế biến có công nhân bị nhiễm Covid-19.

2. Tin vĩ mô trong nước

Bộ Tài chính có Tờ trình số 93/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm nay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Lý giải về điều này, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tính đến cuối năm 2019; trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công như tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại tờ trình để báo cáo lần 2 về những dự án này tại đợt 3 phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tổ chức trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý tờ trình mới phải theo nguyên tắc đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng có nhà đầu tư tham gia nhưng khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, chủ trương đầu tư theo hình thức PPP để huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực cho ngân sách đầu tư công. Do vậy, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là chưa hợp lý.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 477,25 km/654 km (đạt 73%), dự kiến cơ bản hoàn thành trong quý II năm 2020; đối với một số đoạn do phải di dời công trình hạ tầng phức tạp, sẽ hoàn thành trong quý III năm 2020.

Bàn về những lợi thế của Việt Nam trong thu hút sự dịch chuyển chuỗi cung, các chuyên gia phân tích nêu quan điểm Việt Nam có lợi thế gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi, thể chế chính trị rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn. Việc Việt Nam tham gia nhiều FTA như EVFTA hay CPTPP cũng là điểm mạnh khi so sánh lợi thế đón “sóng” chuyển dịch.

Dữ liệu của Collier International so sánh tỷ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp ở các nước Đông Nam Á trong quý I cho biết, Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45-50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo báo cáo của Jetro năm 2019, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, yếu tố khống chế thành công Covid-19 cũng là điểm cộng. “Thứ nhất là sự an toàn, nhà đầu tư nhìn thấy không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài đều được hưởng dịch vụ chữa bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể. Thứ hai, họ nhìn thấy ‘cơ hội vàng’ nhờ kinh tế phát triển liên tục các năm qua”, ông Thắng nói tại tọa đàm mới đây do Saigon Times tổ chức.

Ở góc độ thách thức, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là cơ hội nhưng cũng cần tỉnh táo thấy rằng, nó chỉ không dành riêng cho Việt Nam.

Như Ấn Độ, cũng kề cận Trung Quốc và đang là ứng cử viên sáng giá để hút dòng chuyển dịch sản xuất. Ấn Độ thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, nhưng vẫn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Họ cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, cân nhắc đề xuất hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.

“Các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng, còn Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn, đây cũng là nguyên nhân Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội”, bà Phạm Chi Lan bình luận.

3. Thị trường tài sản

Vừa qua, Công ty TNHH Quản lý quỹ (SSIAM) được cấp giấy phép chào bán ra công chúng chứng chỉ quỹ ETF SSIAM VN30, dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu VN30 của Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), dự kiến thời gian IPO từ 1/6/2020 đến 25/6/2020. ETF SSIAM VN30 là quỹ nội thứ hai mô phỏng bộ chỉ số VN30 – chỉ số đại diện cho 73,4% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, gồm 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất sàn HoSE, của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

4. Câu chuyện đầu tư

Tại thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô, H.Đăk Tô, Kon Tum, có anh A Thi 36 tuổi nổi tiếng làm ăn giỏi, anh là chủ trang trại gồm 24ha trồng cây công nghiệp, nông nghiệp mang lại thu nhập trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Bí kíp làm giầu của anh tưởng chứng rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao đó chính là tích sản và tái đầu tư liên tục “Tích tiểu thành đại”.

Lấy vợ và bắt đầu lập nghiệp từ năm 21 tuổi với 2 ha đất trồng được cha mẹ cho. Những năm đầu anh A Thi trồng sắn, thu nhập hàng năm được bao nhiêu anh lại đem đi mua thêm đất để mở rộng đất trồng cây, sau đó là trồng thêm các cây trồng công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao như: Cao Su, Cà Phê và nuôi thêm cá vừa lấy nơi tích trữ nước tưới vừa có thêm thu nhập.

Tích lũy và tái mở rộng diện tích cây trồng liên tục, sau 15 năm anh A Thi đã có trong tay 24 ha đất bào gồm: 8 ha trồng Cà phê, 11 ha cây Cao su và 5.5 ha trồng sắn và 0.5 ha đào ao thả cá.

Từ một người nông dân thuần túy đến nay, anh A Thi đã trở thành một ông chủ sở hữu tới 24 ha đất và tạo công ăn việc làm cho mấy chục người dân địa phương. Nhờ việc liên tục tích sản đầu tư mở rộng không ngừng, gia đình anh A Thi là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của huyện H.Đăk To, Tỉnh Kon Tum. Tháng 10 năm 2019, anh A Thi vinh dự là đại diện cho nông dân tỉnh Kon Tum ra Hà Nội nhận bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Bài học từ anh A Thi:

  1. Hãy tập trung vào công việc bạn có thế mạnh và không ngừng tích lũy, học hỏi và nâng cao trình độ, rồi sẽ đến 1 ngày bạn trở thành một trong những người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình.
  2. Dù bạn là 1 anh nông dân hay là công nhân, nếu biết tiết kiệm và tích lũy để tận dụng lãi suất kép thì bạn cũng có thể trở lên giàu có theo thời gian. Ví dụ với lợi suất 12%/năm nếu bạn kiên trì tích lũy mỗi tháng 5 triệu thì sau 15 năm số tiền bạn có được là 2 tỷ 522.88 triệu đồng.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest