Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Lựa chọn phân bổ tài sản trong tâm bão COVID 19
1. Tình hình thế giới
GDP Mỹ có thể giảm 30% trong quý II – Morgan Stanley cho rằng Covid-19 sẽ tác động mạnh hơn lên kinh tế Mỹ so với dự báo trước đây, do việc phong tỏa ngày càng phổ biến. Chưa đầy một tuần sau khi dự báo GDP Mỹ giảm 4% trong quý II/2020, các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley đã điều chỉnh theo hướng đáng ngại hơn. GDP có thể giảm 30.1%, tỷ lệ thất nghiệp trung bình 12.8% và tiêu dùng giảm 31%. “Hoạt động kinh tế sẽ gần như đứng yên trong tháng 3”, báo cáo công bố hôm qua của Morgan Stanley cho biết, “Khi các biện pháp phong tỏa, giữ khoảng các ngày càng được thực hiện tại nhiều nơi và điều kiện tài chính thắt chặt, ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng trong ngắn hạn có thể lớn hơn rất nhiều”.
Đêm qua Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng thông báo làn sóng các sáng kiến thứ hai nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với các tác động của dịch bệnh, trong đó có chương trình mua trái phiếu không giới hạn để cắt giảm chi phí đi vay và thiết lập các chương trình để đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương.
Can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước đi chưa từng có tiền lệ đối với Fed, mặc dù NHTW của các nước khác trong những năm gần đây đã có những biện pháp tương tự để hỗ trợ thanh khoản cho các công ty.
Động thái này cũng nhấn mạnh quy mô và mức độ trầm trọng của những gián đoạn do dịch bệnh gây ra, do nhiều phần của nền kinh tế đột ngột bị đóng cửa nhằm kiểm soát dịch bệnh.
2. Tình hình Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Văn phòng Quốc hội triển khai họp trực tuyến với đại biểu Quốc hội chuyên trách, tính toán UBTVQH làm việc trực tuyến và dịch bệnh Covid-19 không chấm dứt vào cuối tháng 4 thì kỳ họp Quốc hội tháng 5 cũng phải tính toán.
Sáng nay 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ trình bày:
Mở đầu phần báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tính đến sáng 23/3/2020 số người nhiễm bệnh đã là 336.000 người, 14.600 người tử vong, 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.
Với những động thái quyết liệt của Chính phủ, chúng tôi cho rằng thời gian khoảng 2-3 tuần tới có thể quyết định chống dịch diễn ra thành công hay không
3. Tài sản đầu tư
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh
Lãnh đạo NHNN cho biết, với tiềm lực ngoại tệ sẵn, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.
Theo thông tin chúng tôi cập nhật được đến hết 31.12.2019 Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 79 tỷ USD, tương đương 4-5 tháng nhập khẩu, và khá vững chắc theo quan điểm của chúng tôi.
4. Câu chuyện đầu tư
Cập nhật tình hình hiện tại
Như chúng ta lo ngại, dịch bệnh COVID 19 đã bùng phát mạnh tại Mỹ và thảm họa thật sự đang xảy ra với Châu Âu. Không loại trừ việc có thêm bất ngờ về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới tại một số nước, ví dụ như Ấn Độ. Chỉ số giao thông trong tuần qua tại hầu hết các thành phố lớn đều giảm mạnh, trừ Tokyo, Singapore và London. Kể cả tại Trung Quốc, giao thông tại Vũ Hán vẫn gần như đứng yên.
Một số dự báo thời gian tới
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Mỹ. Ngày càng có nhiều nước tiến hành phong tỏa, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, và các thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh. Các chuyên gia đều dự đoán nền kinh tế Mỹ và EU sẽ suy thoái mạnh trong năm 2020.
Để đối phó với suy thoái, các ngân hàng Trung Ương liên tiếp hạ lãi suất và ra các gói QE: ECB đưa ra gói 750 tỷ EURO, còn Fed đưa ra gói 700 tỷ USD. Các chính phủ cũng đang đề xuất các gói kích thích tài khóa khổng lồ, Mỹ đang đề xuất gói 4 nghìn tỷ USD. Cần nhớ rằng tổng số tiền Mỹ đối phó với đại khủng hoảng 2008-2009 “chỉ là” 800 tỷ USD.
Lựa chọn phân bổ tài sản thế nào?
Chúng ta nhìn danh mục tài sản ở đây không chỉ là cổ phiếu, hay trái phiếu mà còn là tiền mặt, bất động sản, vàng, bảo hiểm, v.v. Sau khi đã có nhà ở, đã trả hết nợ, và duy trì tiền mặt dự phòng trên 6 tháng chi tiêu cùng bảo hiểm đầy đủ, chúng ta hoàn toàn có thể phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu, v.v.
Với những người cao tuổi thì tỷ lệ phân bổ danh mục đầu tư tài chính thường hướng đến sự an toàn và nên dành phần nhiều cho trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm. Với những người trẻ tuổi thì tỷ lệ phân bổ vào cổ phiếu nên chiếm tỷ lệ cao hơn. Danh mục cổ phiếu chúng ta có thể phân bổ vào 5 tới 10 mã có tình hình tài chính lành mạnh, nợ ít, tiền nhiều, ban lãnh đạo nắm giữ nhiều cổ phiếu, có dòng tiền kinh doanh tốt, và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua, về dài hạn cổ phiếu vẫn là một trong những kênh đầu tư mang lại tỷ suất sinh lời tốt. Nếu bạn chưa có cổ phiếu trong danh mục đầu tư thì đây là cơ hội tốt để khởi động con đường đầu tư tích sản cho tương lai.