Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Lịch sử đã học được gì từ những thảm hoạ suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra?
1. Tình hình thế giới
– Vào tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2,5 năm qua. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng 70.000 lên mức 281.000 trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, nhiều nơi đã giải thích việc sa thải liên quan đến Covid-19.
Thông thường, dấu hiệu thất nghiệp thường là chỉ báo xác nhận suy thoái kinh tế xảy ra. Và câu hỏi hiện nay là liệu suy thoái này có lan ra thành một cuộc khủng hoảng hay không?
– Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi hỗ trợ 2.000 tỷ đô la để phục hồi. Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia kêu gọi chính phủ liên bang tạo ra một quỹ bao gồm khoản vay 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ để giúp các nhà sản xuất cũng như doanh nghiệp nhỏ. Quỹ này sẽ giúp bảo vệ an ninh tài chính của gần 13 triệu công nhân trong ngành, nhóm cho biết trong một tuyên bố hôm 18/3.
2. Tình hình thị trường Việt Nam
Hỗ trợ nhà đầu tư dịch Covid-19, Bộ Tài chính giảm giá và miễn hoàn toàn một số dịch vụ chứng khoán kể từ ngày 19/3: Giảm giá 10% – 50% hàng loạt dịch vụ chứng khoán cơ sở, phái sinh.
Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020). Trường hợp tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết.
3. Tài sản đầu tư
NHNN giảm lãi suất đã hỗ trợ rất lớn về dòng tiền, nhất là thanh khoản trên thị trường cho các doanh nghiệp.
4. Câu chuyện đầu tư
Virus cúm chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới từ trước tới nay. Chúng ta đã có rất nhiều bài học nhưng không phải đã áp dụng thành công chúng vào thực tế.
Dịch bệnh đã châm ngòi cho rất nhiều cuộc suy thoái kinh tế. Dữ liệu từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) ở Hoa Kỳ và website World Atlas cho biết, đại dịch cúm ở Nga năm 1889-1890 là nguyên nhân của cuộc suy thoái xảy ra vào năm 1890 và 1891; Cúm ở Tây Ban Nha năm 1918 nổi lên ngay trước 2 đợt suy thoái liên tiếp vào năm 1918-1919 và 1920-1921; Cúm ở châu Á năm 1957-1958 cùng với thời kỳ suy thoái kinh hoàng của thế giới xảy ra trong cùng một giai đoạn; và dịch cúm ở Hồng Kông năm 1968-1969 dẫn đến suy thoái kinh tế giai đoạn 1969-1970.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể học được nhiều bài học từ các cuộc suy thoái kinh tế cũng như dịch bệnh trong quá khứ, từ đó chúng ta có thể áp dụng cho trận chiến chống Covid-19 đang diễn ra hiện nay.
Cúm lợn năm 2009, mặc dù không phải là bệnh truyền nhiễm và gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử, nhưng lại cho chúng ta rất nhiều điều để học hỏi. Chính quyền Obama tuyên bố căn bệnh này là một trường hợp khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng vào đầu tháng 4 năm đó. Nhưng cho đến khi ông tuyên bố đây là một trường hợp khẩn cấp quốc gia, thì mãi một vài tháng sau đó, công chúng mới thực sự điều chỉnh hành vi của mình.
Học được bài học từ sự bùng phát dịch cúm lợn, nhóm ứng phó với đại dịch của cựu tổng thống Mỹ Obama đã thiết lập 49 trạm chống dịch trên toàn thế giới ngay sau đó. Những trạm này được thiết kế để thiết lập hàng rào đối phó đối với các bệnh truyền nhiễm, theo dõi và quản lý sự lây lan của các mối nguy hiểm này rất lâu trước khi chúng “đặt chân” lên bờ biển Mỹ.
Tuy nhiên, khoản tài trợ cho 39 trong tổng số 49 các trạm này đã bị cắt từ năm 2018 do chính quyền Trump thực hiện cắt giảm 80% tài chính hỗ trợ phòng chống đại dịch toàn cầu. Đáng lẽ ra, các cơ sở đó không chỉ nên được giữ lại mà còn cần phải được tăng cường.
Bài học thứ hai đến từ một vị tổng thống khác. Trong một đợt dịch cúm lợn khác ở New Jersey, Tổng thống Gerald Ford chạy đua cung cấp giải pháp tiêm chủng cho mọi người dân Mỹ trong bối cảnh diễn ra cuộc tranh cử Mỹ năm 1976.
Ông hi vọng mọi công dân nước này đều sẽ được tiêm chủng ngừa cúm lợn. Tuy nhiên, nỗ lực này được nhiều nhà phê bình hàng đầu coi là “thảm hại” do số trường hợp tử vong do biến chứng vắc-xin còn nhiều hơn cả số người chết do bệnh cúm lợn.
Tổng thống Ford từ đó đã hiểu rằng gây áp lực đối với dược phẩm có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sự lựa chọn thông minh sẽ là cẩn thận lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, ngay cả khi họ không theo dõi lịch bầu cử hoặc quản lý danh mục đầu tư kinh tế của bạn.
Tất nhiên, việc thiết lập lại các cơ sở phát hiện và điều trị sớm ở nước ngoài và soạn thảo kế hoạch nghiên cứu và chống lại bệnh tật cần có thời gian và có thể không mang lại lợi ích ngắn hạn. Nhưng đó là những lời kêu gọi đúng đắn, điều mà công chúng đang tìm kiếm ở các nhà lãnh đạo của họ.