Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “7 nguyên tắc kinh điển để tự do tài chính ”
1. Vĩ mô quốc tế
Theo Policy Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã quyết định di dời 27 công ty Mỹ từ Trung Quốc tới Indonesia, một phần trong sáng kiến rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc. Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan tiếp xúc với các tập đoàn công nghiệp Mỹ theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Australia đang gia tăng, bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham ngày 17/5 cảnh báo các can thiệp thương mại không thể đoán trước của Trung Quốc có thể buộc các nhà sản xuất Australia phải bán sản phẩm cho các thị trường khác và việc đa dạng hóa thị trường sẽ được khuyến khích khi có rủi ro về thương mại với Bắc Kinh.
Tuần qua, Trung Quốc đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng lúa mạch Australia lên hơn 80% với cáo buộc các công ty sản xuất lúa mạch của Australia bán phá giá, và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò đối với 4 công ty chế biến thịt của nước này.
Việt Nam đang nỗ lực, chủ động ứng phó và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ doanh nghiệp và ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ…
Trong bối cảnh này, Chính phủ kiên quyết ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
2. Thị trường chứng khoán
Sau 4 phiên mua ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài trở lại trạng thái bán ròng trong phiên đầu tuần 18/5 với giá trị hơn 110 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối này tập trung mua bán khá mạnh các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng như VPB, VCB, BID, CTG, SHB.
Dòng tiền mới tiếp tục chạy vào thị trường cổ phiếu
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến 30/4/2020, TTCK có gần 2,44 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 33.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Hơn 36.600 nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản chứng khoán trong tháng 4, cao nhất từ khi VN-Index lập đỉnh 1.200 điểm đến nay. Trước đó, trong tháng 3 có đến gần 32.000 tài khoản mở mới.
Nếu những con số thống kê này chưa đủ tạo sự tin tưởng, hãy nhìn ở một góc khác, trên công cụ Google Trending, mức độ quan tâm đến các từ khóa về chứng khoán, đầu tư đạt mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.
Không rõ là do thị trường giảm sâu tạo ra sự hấp dẫn nhà đầu tư, hay do buộc cách ly ở nhà có thời gian rảnh để tìm hiểu thêm kiến thức, hay do nguyên nhân nào khác dẫn đến thực tế trên, dù là nguyên nhân gì thì thực tế là trong đại dịch, mức độ quan tâm đến chứng khoán tăng đột biến.
Điều đáng nói hơn, đây không chỉ là xu hướng ở thị trường Việt Nam mà diễn ra ở nhiều TTCK khác. Ở thị trường Mỹ, những con số kỷ lục đều được ghi nhận như trong quý I/2020. Chẳng hạn, TD Ameritrade mở mới được 608.000 tài khoản, Charles Schwab mở mới được 609.000 tài khoản, E*Trade mở mới 363.000 tài khoản… Số lượng vị thế qua nền tảng Robinhood tăng đột biến và tháng 4, Công ty báo lãi gấp 3 lần tháng 3.
3. Thị trường hàng hóa và các loại tài sản
Phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng quốc tế bật tăng mạnh lên mức 1757.62 USD/ounce, tương đương 49,64 triệu đồng/lượng. Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết: Nguyên nhân được đánh giá từ những rủi ro trong thương mại toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã đẩy giá vàng lên cao trong phiên giao dịch đầu tuần. Các nhà đầu tư chọn kênh đầu tư an toàn, trong đó có vàng để đối phó với khủng hoảng kinh tế và nguy cơ các tài sản rủi ro và tiền tệ mất giá.
Ở trong nước, giá vàng SJC giao dịch tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn lên mức 48,9 mua vào và 49,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 680.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên 17/5.
Trước những “cơn sốt” của thế giới do COVID, Báo cáo thực hiện Nghị quyết chất vấn vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới Quốc hội cho hay, giá vàng “tự điều tiết tốt”, không tạo ra các cơn “sốt” như trước.
Theo NHNN, nhiều thời điểm giá thế giới biến động mạnh, khó lường vì COVID-19, giá trong nước điều chỉnh cùng nhịp nhưng tốc độ chậm hơn. “Thị trường không xuất hiện các cơn ‘sốt vàng’, giao dịch trầm lắng và NHNN không phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường”, đại diện NHNN nhận xét.
Thị trường năng lượng tiếp tục đà phục hồi sau khi cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/5 dự báo lực cầu giảm kỷ lục trong năm 2020 nhưng hạ con số giảm ước tính với lý do các lệnh phong tỏa được nới lỏng. Tồn kho dầu có thể giảm 5,5 triệu thùng/ngày trong nửa sau năm 2020.
Ở góc nhìn khác, OPEC ngày 13/5 dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm 9,07 triệu thùng/ngày, sâu hơn con số 6,85 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó. Quý II là thời điểm giảm mạnh nhất. Để ứng phó, Arab Saudi dự kiến tăng mức sản lượng cắt giảm trong tháng 6 lên 5 triệu thùng/ngày.
Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai Mỹ cảnh báo các sàn và nhà môi giới cần chuẩn bị cho biến động giá dầu, thậm chí là giá âm khi hợp đồng tương lai giao tháng 6 đáo hạn trong tuần tới.
4. Câu chuyện đầu tư
7 NGUYÊN TẮC KINH ĐIỂN ĐỂ TỰ DO TÀI CHÍNH
Ngày nay khi kinh tế ngày càng phát triển tạo điều kiện cho thu nhập và đời sống người dân ngày càng cao hơn, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều mặt trái của xã hội như tỷ lệ người già phải làm việc đến hết đời ngày càng cao hơn. Vì thế để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc khi về già, nhiều người đã lên cho mình kế hoạch “TỰ DO TÀI CHÍNH”. Vậy cần có những nguyên tắc và hành động như thế nào? Sau đây chúng tôi gửi đến quý vị “7 nguyên tắc kinh điển để tự do tài chính”:
- Nguyên tắc 1: Hãy tiết kiệm tối thiểu 10% và ngày càng tăng tỷ lệ tiết kiệm cao hơn từ thu nhập của mình.
- Nguyên tắc 2: Chi tiêu một cách hợp lý trên hai tiêu chí: 1. Mua những thứ mình cần chứ không phải thứ mình muốn; 2. Chi tiêu trong giới hạn hoặc thấp hơn so với vị trí mức thu nhập mình có (Ví dụ có lương trưởng phòng thì chi tiêu như một phó phòng).
- Nguyên tắc 3: Trích 1 phần lương mua bảo hiểm (khoảng 10%) sức khỏe và nhân thọ để phòng ngừa rủi ro bất thường, lưu ý chỉ nên mua phần bảo hiểm. Phần tích lũy thì ta nên đầu tư vào kênh khách có hiệu quả cao hơn.
- Nguyên tắc 4: Đầu tư tiền tiết kiệm vào các kênh đáp ứng các yêu cầu sau: 1. An toàn nhất có thể; 2. Sinh lời tốt nhất tương ứng với mức rủi ro chấp nhận được.
- Nguyên tắc 5: Sở hữu 1 ngôi nhà, tốt nhất là nhà đất nó sẽ giúp: 1. An cư lạc nghiệp; 2. Đồng thời đây cũng là tài sản của chúng ta dự phòng trong tương lai với giá trị có thể tăng theo thời gian.
- Nguyên tắc 6: Xây dựng một nguồn thu nhập thụ động bền vững dựa trên các kênh đầu tư có thể xét đến như: Tiết kiệm, trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản.
- Nguyên tắc 7: Tăng cường khả năng kiếm tiền hơn nữa khi còn trẻ. “Hãy làm việc hết mình vì đam mê để trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó, thu nhập cao ắt sẽ tự đến”.