Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “5 ngộ nhận khi đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng”
1. Kinh tế và thị trường tài chính quốc tế
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ngày 13/5, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã cảnh báo khả năng xuất hiện một làn sóng phá sản có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại lâu dài. Ông cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ tài chính là cần thiết, dù tốn kém. FED đang xúc tiến các biện pháp hỗ trợ kinh tế như cấp các khoản vay cho các công ty, bơm tiền vào hệ thống tài chính và nới lỏng quy định cho vay đối với các ngân hàng. Ông nêu rõ FED sẽ tiếp tục sử dụng tối đa các công cụ cho đến khi khủng hoảng qua đi và sự phục hồi kinh tế diễn biến tốt.
Các công ty Nhật Bản chưa có kế hoạch rời nhà máy khỏi Trung Quốc
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các công ty Nhật Bản cho biết họ tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để giữ thị trường cực kỳ quan trọng này. Họ đánh giá nếu như di dời dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác, chi phí sẽ rất tốn kém và hoạt động bị gián đoạn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
“Toyota không có kế hoạch thay đổi chiến lược tại Trung Quốc hay châu Á vì tình hình hiện nay. Ngành sản xuất ô tô sử dụng rất nhiều nhà cung cấp và vận hành chuỗi cung ứng rộng lớn nên không thể chuyển đổi ngay lập tức. Chúng tôi hiểu quan điểm của chính phủ, nhưng chúng tôi không có kế hoạch thay đổi sản xuất”, công ty có trụ sở tại tỉnh Aichi khẳng định ngày 13/5.
Trước đó, theo một phần gói thúc đẩy kinh tế trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ 220 tỷ yên cho các công ty muốn đưa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản và thêm 23,5 tỷ yên cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á.
Trang Times Now ngày 11/5 đưa tin gã khổng lồ công nghệ Apple có kế hoạch chuyển gần 20% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Hiện Apple đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD từ việc bán điện thoại tại thị trường Ấn Độ, chiếm khoảng 2-3% thị trường nhưng có chưa đến 0,5 tỷ USD giá trị được sản xuất tại nước này.
Trong khi đó, Apple là nhà đầu tư hàng đầu tại Trung Quốc với giá trị hàng hóa được sản xuất tại nước này trong năm 2018-2019 là 220 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trị giá 185 tỷ USD. Tập đoàn này sử dụng hơn 4,5 triệu lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, tại Trung Quốc.
Các quỹ đầu tư toàn cầu đổ thêm tiền vào Trung Quốc
“Chúng tôi phát hiện ra nhiều quỹ ngoại đang phân bổ lại tài sản trong tình trạng hỗn loạn hiện nay. Tìm đường đầu tư sang Trung Quốc là xu hướng đang gia tăng”, Todd Willits, chuyên gia cấp cao về dòng vốn tại EPFR, cho biết.
Khi chứng khoán Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 năm vào tháng 3, hơn 800 quỹ toàn cầu quản lý gần 2.000 tỷ USD đã phân bổ ¼ danh mục sang chứng khoán Trung Quốc.
Đối với các quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu thị trường mới nổi, phân bổ trung bình cho Trung Quốc là 34%. Trong khi đó, đối với các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á trừ Nhật Bản, phân bổ cho thị trường Trung Quốc là 38%.
Trung Quốc sắp phải đối mặt cuộc khủng hoảng thất nghiệp chưa từng có trong lịch sử
Mặc dù Trung Quốc đã phần nào kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng những tổn thương trong ngành dịch vụ cùng nhiều mảng kinh tế khác lại rất khó khôi phục. Số liệu chính thức của chính phủ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2 xuống chỉ còn 5,9% trong tháng 3/2020. Tuy nhiên số liệu này lại không tính đến phần lớn trong số 300 triệu lao động nhập cư từ các miền quê lên thành thị. Làn sóng mất việc hiện nay là vô cùng lớn và chưa thể có một thống kê chính xác do rất nhiều lao động mất việc làm nhưng chưa được ghi nhận, nhiều lao động bị cho nghỉ ở nhà không lương vô thời hạn nhưng không được tính là bị sa thải.
2. Thị trường trong nước
Công ty quản lý quỹ ETF lớn nhất Việt Nam với hơn 7.000 tỷ đồng – VietFund Management (VFM) vừa công bố bản tin nhận định thị trường tháng 5 với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo VFM, trong tháng 5, những sự kiện lớn tác động đến thị trường tài chính toàn cầu vẫn xoay quanh tình hình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh và các gói cứu trợ của Chính phủ. Việc nền kinh tế của các quốc gia lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc phục hồi chậm hơn kỳ vọng và dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới và tạo áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu Bluechips khiến thị trường hạ nhiệt sau giai đoạn phục hồi tích cực trong tháng 4.
Về diễn biến TTCK, VFM cho rằng xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể thu hẹp trong tháng 5 khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt và nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại sau giãn cách xã hội. VFM dự báo sau nhịp hồi phục mạnh tháng 4, thị trường sẽ phục hồi trong giai đoạn đầu tháng và hạ nhiệt trong 2 tuần cuối tháng.
WeFit chỉ là một cú nổ đầu tiên
Trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Khánh Trình – Chủ tịch HĐQT CTCP Clever Group, đơn vị vừa thâu tóm Orion Media – đã chia sẻ góc nhìn về những vấn đề nội tại của startup Việt. Ông cho rằng gần như chắc chắn năm 2020 sẽ bùng nổ sự phá sản của startup mà WeFit chỉ là một cú nổ đầu tiên. Tất cả vấn đề liên quan đến tài trợ vốn đều đang bị dừng. Chúng ta sẽ bị mất đi một lượng tiền rất lớn đổ vào nền kinh tế nói chung và đổ vào cho startup nói riêng. Thế nên, các startup sống dựa vào gọi vốn sẽ không thể sống được nữa.
Vấn đề lớn nhất của startup Việt Nam là quản trị học rất kém. Họ không đặt nặng, không quan tâm tới trọng số của Pháp chế, Tài chính – kế toán, và Quản trị doanh nghiệp. Họ quá quan tâm tới sản phẩm. Họ nghĩ sản phẩm ngon là đủ, mà thực ra sản phẩm chỉ chiếm một phần rất nhỏ cho sự thành công của một startup.
Báo cáo từ Vinatex cho biết ngành dệt may có thể mất 30% đơn đặt hàng trong tháng Tư và 50% đơn hàng trong tháng Năm. Ngoài ra, Vinatex cũng cảnh báo một vấn đề khác, đó là sau COVID-19 nguồn cung sẽ có sự phục hồi song bối cảnh nhu cầu thị trường giảm mạnh sẽ khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm tới 20%.
3. Thị trường tài sản
Thị trường địa ốc ổn định
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội: “Chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác. Nhờ các chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh hiện nhanh chóng và hiệu quả, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Bởi vậy, nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có những lợi thế tốt hơn nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới”.
Bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn châu Á – Thái Bình Dương tại JLL cho biết, nhiều nhà đầu tư mà JLL làm việc vẫn giữ sự bình tĩnh và lạc quan vào thị trường địa ốc Việt Nam. Các nhà đầu tư này cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương trong dài hạn.
4. Câu chuyện đầu tư
Warren Buffett từng chia sẻ: “Bạn sẽ có những khoản mua về tốt nhất khi mọi người đang đầy hoang mang”. Và châm ngôn kiếm tiền của vị tỷ phú này đã được minh chứng. Khi khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu, ông đầu tư mua rất nhiều cổ phiếu của những công ty ông yêu thích như Wells Fargo & Co., American Express Co,…Trong vòng 5 năm, giá trị của các khoản đầu tư này đã lên tới 10 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giống như Warren Buffett, rất nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng giai đoạn khủng hoảng, giá xuống thấp để bỏ tiền vào thị trường. Tuy nhiên, liệu kịch bản này có lặp lại với bạn? Đầu tư thời khủng hoảng cũng giống như một con dao hai lưỡi: nhiều cơ hội và cũng ẩn chứa đầy rủi ro. Nếu bạn không có một phương pháp đầu tư đúng đắn, bạn có thể thua lỗ nặng hơn so với thời kỳ tăng trưởng. Vậy 5 sai lầm nhà đầu tư thường gặp trong giai đoạn khủng khoảng.
1. Cho rằng khủng hoảng dễ kiếm tiền
Đa số những sai lầm gây mất tiền khi giao dịch thường đến từ sự “ngộ nhận” của nhà đầu tư. Nhiều người cho rằng, khủng hoảng chính là thời cơ tốt để mua vào cổ phiếu với giá hời. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Khi đầu tư trong khủng hoảng là bạn đang chấp nhận đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Giống như câu nói “bắt dao rơi”, nếu không có một phương pháp và nguyên tắc đầu tư đúng, bạn rất dễ thua lỗ.
Ngay cả khi bạn mua được ở giá tốt, bạn cũng chỉ có lãi khi thị trường hồi phục trở lại và tăng trưởng phải không nào? Vì vậy, lợi nhuận được sinh ra thực chất là nhờ tăng trưởng chứ không phải khủng hoảng. Hơn thế nữa, điều gì đảm bảo rằng cổ phiếu mà bạn mua vào sẽ tăng trưởng trở lại sau khủng hoảng? Điều này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu thật kỹ về tiềm năng của các cổ phiếu rớt giá, tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro và tâm lý đầu tư để không bị lung lay bởi những thông tin gây nhiễu loạn thị trường.
2. Chỉ cần làm ngược số đông là khôn ngoan
“Sợ hãi khi người ta tham lam, nhưng hãy trở nên tham lam khi kẻ khác sợ hãi”, đây là một tư duy sai lầm khá phổ biến. Điều này có lẽ bắt nguồn từ thực tế rằng chỉ có số ít nhà đầu tư có lời trên thị trường tài chính, nên mọi người cứ nghĩ rằng đi ngược số đông là sẽ thành công.
Bạn nghĩ sao khi có cả một đoàn xe đang xuống dốc, còn bạn thì một mình đi ngược chiều trên cùng con đường đấy với họ? Đây là một hành động rất nguy hiểm và dễ gặp tai nạn nghiêm trọng. Trên thực tế, những người chiến thắng không hề làm ngược với đám đông, họ vẫn đi theo đám đông. Một nhà đầu tư thành công và một nhà đầu tư thua lỗ, chỉ khác ở chỗ thời điểm họ lựa chọn chính xác hơn và chiến lược của họ đầy đủ, hoàn thiện hơn, quản trị vốn và tâm lý tốt hơn.
3. Giá xuống sâu là lúc tốt nhất để mua vào
Đây cũng là một suy nghĩ phổ biến trong “chiến lược giao dịch” của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm! Bởi trên thực tế, giá còn có thể xuống sâu hơn, sâu nữa, sâu mãi, đôi khi ngoài sức tưởng tượng của bạn. Trong ngành tài chính có câu nói: “Thị trường luôn đi được xa hơn sức chịu đựng của bạn”. Và nó đúng. Hãy nhớ, lúc tốt nhất để mua vào không phải là khi giá xuống, mà là lúc giá bắt đầu hồi phục.
4. Nếu chọn được thời điểm tốt sẽ thành công
Như đã nói, khủng hoảng chính là con dao hai lưỡi: đầy cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro. Nó hoàn toàn là cơ hội cho những ai biết nắm bắt thời điểm tốt cùng với một phương pháp đầu tư đúng đắn.
Tại sao bắt được thời điểm tốt thôi vẫn là chưa đủ? Thời điểm tốt, quả thực có giúp ích đôi chút, nhưng cũng chỉ như bạn đi săn vào một ngày đẹp trời. Nó không thể đảm bảo 100% cho thành công của bạn. Để săn được thú và trở về nguyên vẹn, bạn cần trang bị cho mình kỹ năng tấn công, phòng vệ, có chiến lược săn bắt, nếu không thì khi trời đổ mưa, bạn sẽ hoang mang, cuống cuồng thay đổi kế hoạch và đưa ra nhiều quyết định sai lầm. Lúc cần cắt, bạn không cắt mà để lỗ nặng hơn. Lúc được giá, bạn không bán mà đến khi giá quay đầu và chuyển sang lỗ, bạn mới vội vàng bán đi.
5. Mua và nắm giữ thì cần gì chặn lỗ
Hơn 90% những người đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng không đặt chặn lỗ. Một số lý do được đưa ra đó là:
– Tôi đầu tư dài hạn nên giá muốn xuống đến đâu cũng được.
– Tôi bỏ tiền vào đây và sẽ quên đi trong vài năm, kiểu gì chẳng lãi.
– Tôi mua ở đáy rồi nên nó không thể xuống thêm nữa.
– Đây là tiền nhàn rỗi mà, tôi chẳng có nhu cầu dùng đến nên chẳng cần phải chặn lỗ.
– …
Có thể bạn chưa biết, trong đợt khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 có rất nhiều người bắt đáy đã mất sạch tiền, và những cổ phiếu họ mua giờ đã thành giấy lộn theo đúng nghĩa đen, vì nó mãi mãi không bao giờ trở về mức giá cũ cả.
Thị trường sẽ phục hồi, nhưng có thể nó sẽ mất rất nhiều thời gian. Và kể cả khi phục hồi, nó sẽ là những cái tên mới, chứ không có nghĩa là những cổ phiếu bạn mua sẽ phục hồi. Một vài minh chứng cụ thể như thị trường Chứng khoán Việt Nam đến nay vẫn chưa thể phục hồi lại mức giá của đợt khủng hoảng 12 năm trước. Năm 2007, iPhone mới bắt đầu ra đời, Facebook đang khởi nghiệp, Tesla chưa hề bán được xe và Netflix đang cho thuê đĩa DVD. Nhưng sau 10 năm, nhiều công ty lớn đã chết để nhường chỗ cho những cái tên mới. Vì vậy, hãy thận trọng với số tiền của bạn.
Kết luận
Trên đây là 5 sai lầm mà nhà đầu tư thường phạm phải khi giao dịch trong thời kì nền kinh tế tụt dốc, dẫn đến nhiều tài khoản mất trắng chỉ sau một đêm. Có thể thấy, điều này thường xuất phát từ những tư duy sai lầm hay ngộ nhận của nhà đầu tư về thị trường. Để không bị mất tiền, thậm chí tận dụng được cơ hội trong khủng hoảng, bạn cần trang bị cho mình một chiến lược đầu tư đúng đắn, đồng thời tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro và tâm lý đầu tư.