Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 14.05.2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “7 bài học về tiền bạc từ Benjamin Franklin”

1. Thông tin vĩ mô và chính sách điều hành của cơ quan quản lý

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 12/5 cho biết “rất có thể” tổ chức này sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu sâu hơn nữa, giữa lúc đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế ở mức nặng nề hơn dự kiến trước đây.

Trong một hội nghị trực tuyến, bà Georgieva cho hay dữ liệu của nhiều quốc gia còn tệ hơn cả những dự đoán vốn đã khá bi quan của IMF.

Bà Georgieva cho biết các số liệu ngày càng tồi tệ cũng có nghĩa các thị trường mới nổi cùng những nền kinh tế đang phát triển sẽ cần hơn 2.500 tỷ USD hỗ trợ tài chính bổ sung để giải quyết tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cho biết một tháng sau các cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), các thành viên IMF vẫn chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề Quyền rút vốn đặc biệt – một biện pháp từng được sử dụng hồi năm 2009 và có khả năng cung cấp hàng trăm tỷ USD thanh khoản mới cho tất cả các thành viên IMF.

Ở VN, Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, quyết định hạ đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Theo ông Phạm Thanh Hà, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái; trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không tăng giá xăng dầu một cách đột biến và không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020.

Khẩn trương thi công cao tốc Bắc Nam

Đoạn tuyến Cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên – Huế) là 1 trong 11 dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được khởi công ngày 16/9/2019, có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Những ngày trung tuần tháng 5, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao đại diện chủ đầu tư đang khẩn trương thi công cuốn chiếu, có mặt bằng đến đâu, tăng tốc đến đó, đảm bảo đúng tiến độ Chính phủ giao đoạn tuyến cao tốc này. Dự kiến, đoạn cao tốc hoàn thành vào năm 2021.

Đoạn Dầu Giây – Phan Thiết

Ngày 12/5, Bộ Giao thông Vận tải làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và nút giao thông ngã tư Dầu Giây. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có tổng chiều dài 99 km, là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc – Nam cửa ngõ phía Đông. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết phấn đấu đến cuối quý III/2020 sẽ khởi công xây dựng dự án.

2. Thị trường chứng khoán

Trên thị trường quốc tế, JPMorgan đã giảm tỷ trọng các cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng và tài chính trong các khu vực thị trường mới nổi với quan điểm thận trọng về triển vọng của ngành ngân hàng và tài chính sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển kinh doanh do đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi đang có quan điểm thận trọng đối với nhóm tài chính trong khu vực thị trường mới nổi, chúng tôi cho rằng triển vọng của các ngân hàng, lĩnh vực lớn nhất trong tài chính đều bị ảnh hưởng tiêu cực dù cho lãi suất bị cắt giảm như thế nào”, theo Pedro Martins Junior, chiến lược gia trưởng thị trường mới nổi tại JPMorgan.

Ông nói rằng, các ngân hàng có rất nhiều hạn chế trong việc mở rộng danh mục cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã cắt giảm lãi suất xuống mức rất thấp nên cơ hội cho các ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay và các sản phẩm khác cũng rất hẹp.

Thị trường VN ngày 13/5 rung lắc và quay đầu điều chỉnh nhẹ sau 6 phiên tăng liên tiếp. Bên cạnh dòng tiền nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch sôi động giúp thanh khoản thị trường tăng vọt. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 74,91 tỷ đồng, trong đó, cổ phiếu VNM tiếp tục được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất về giá trị, đạt 101,62 tỷ đồng.

Đầu tư công không phải cú huých mạnh cho ngành xi măng Việt Nam.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp tới các thị trường tiêu thụ của Việt Nam như làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Philippines và Bangladesh; làm chậm tiến độ các công trình trong nước và gây suy giảm về nhu cầu xây dựng nội địa.

Theo số liệu của Hiệp hội ximăng Việt Nam và Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong quý 1 năm 2020 ước tính giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng xuất khẩu giảm 15% và tiêu thụ trong nước giảm 11%. Tồn kho toàn ngành trong quý 1 năm 2020 tăng mạnh lên mức 4,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 30-45 ngày tiêu thụ.

Trong khi đó, trong 3 quý còn lại của năm 2020, sẽ có 4 nhà máy mới đi vào vận hành với công suất 8 triệu tấn/năm (tương đương với 9% tổng công suất ximăng của Việt Nam hiện tại). Trước tình hình kém khả quan của ngành ximăng trong năm 2020, lượng công suất tăng thêm đáng kể này có thể dẫn tới tình trạng dư thừa lớn về nguồn cung, đi kèm áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các doanh nghiệp (chủ yếu là cạnh tranh về giá) gây trở ngại tới khả năng hồi phục của các doanh nghiệp ximăng sau đại dịch.

VNDIRECT nhận định khoảng 40% tổng vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và việc xây dựng sẽ cần đến 3.800 tỷ đồng ximăng. VNDRECT ước tính nhu cầu ximăng trong năm 2020 từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam chỉ tương đương khoảng 2,6% tiêu thụ ximăng hiện tại.

VNDIRECT đánh giá tác động tích cực từ đầu tư công sẽ không phải là một cú hích quá lớn dành cho các doanh nghiệp ngành ximăng, đặc biệt trong bối cảnh 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Philippnies và Bangladesh (chiếm 25,9% tổng sản lượng xuất khẩu và 8,8% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2019) đã bắt đầu áp dụng các biện pháp thuế tự vệ từ nửa cuối năm 2019.

3. Thị trường hàng hóa

Nội các Saudi Arabia mới đây đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường dầu toàn cầu.

Saudi Arabia ngày 11/5 thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, tương đương 1% nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đưa tổng sản lượng khai thác của nước này xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày.

Trước đó, ngày 12/4, các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-6/2020 để ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường dầu mỏ thế giới.

4. Câu chuyện đầu tư

7 bài học về tiền bạc từ Benjamin Franklin

Những lời khuyên về tài chính của Benjamin Franklin từ thế kỉ 18 cho tới ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

1. Một xu tiết kiệm cũng như một xu làm ra

Đây là một trong những phát ngôn nổi tiếng nhất của nhà lập quốc, và cũng là một châm ngôn có sức sống bền bỉ với thời gian. Thông điệp được ông gửi gắm tương đối rõ ràng: tiết kiệm là nền tảng vững chắc nhất để có một cuộc sống ổn định về tài chính cũng như làm giàu cho bản thân và gia đình. Benjamin chính là minh chứng sống cho câu nói này – nhờ đức tính tiết kiệm mà ông đã có được một khoản tiền đủ để về hưu sớm và tận hưởng đời sống tương đối an nhàn lúc về già.

2. Hạn chế tiêu pha và không vung tay quá trán mỗi lần rút ví, bạn hoàn toàn có khả năng cắt giảm một nửa chi tiêu của mình

Lời khuyên này đi song hành với bài học số 1. Nếu như tiết kiệm là một quá trình hết sức quan trọng, thì mỗi người cũng cần học cách để tiết kiệm sao cho hiệu quả. Câu nói này được trích từ tác phẩm “Làm thế nào để bạn tiết kiệm được 100,000 Bảng” (Plan For Saving One Hundred Thousand Pounds). Cũng trong cuốn sách này, Benjamin đưa ra gợi ý: mỗi người hãy tách đôi ngân sách chi tiêu mỗi tháng của mình – một nửa dành cho những nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, thực phẩm; nửa còn lại dùng để chi cho những thú vui “xa xỉ” hơn một chút như du lịch, thời trang, v.v… Tiếp theo, bằng cách tái sử dụng đồ cũ, hay hạn chế dần các khoản chi dành cho vui chơi giải trí, bạn sẽ dần dần học được cách sử dụng đồng tiền của mình một cách hợp lý nhất.

3. “Rather Go To Bed Without Dinner Than To Rise In Debt” – Thà nhịn đói đi ngủ còn hơn phải thức dậy trong nợ nần

Đây là lời cảnh báo dành cho những người có thói quen tiêu xài hoang phí, “chỉ biết đến hôm nay mà không biết có ngày mai”, cũng là một bài học đặc biệt có giá trị trong thời buổi hiện nay, khi mà việc tiêu những đồng tiền không phải của mình, sống một cuộc sống xa hoa ngoài khả năng và thu nhập trở nên ngày một dễ dàng hơn với sự xuất hiện của thẻ tín dụng và một số sản phẩm tài chính khác. Những khoản nợ lớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bạn, bởi vậy hãy chấn chỉnh ngay lối sống và cân đối chi tiêu khi còn chưa muộn.

Chúng ta đều biết vay nợ là một trải nghiệm không mấy dễ chịu với bất kì ai. Benjamin đưa ra phép so sánh – một khi bạn đã lún quá sâu vào “vũng lầy” nợ nần, vô hình chung bạn đã tự trói chân mình, và cuộc sống của bạn từ đó sẽ chỉ xoay quanh câu hỏi “Làm thế nào để trả hết nợ?” Một cuộc sống như vậy hẳn sẽ có vô vàn áp lực và thực sự không dễ dàng để vượt qua.

4. “He That Is Of The Opinion Money Will Do Everything May Well Be Suspected Of Doing Everything For Money” – Nếu bạn cứ nghĩ rằng tiền là tất cả, một ngày nào đó bạn sẽ làm tất cả vì tiền

Benjamin Franklin khuyến cáo mọi người về ma lực của đồng tiền và những hậu quả khôn lường nếu bạn để nó chi phối bản thân mình. Có lẽ không ai là không muốn có một cuộc sống ổn định về mặt tài chính cũng như có mức thu nhập cao, đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu và cả những sở thích cá nhân. Hầu hết mọi người đều tin rằng tiền là câu trả lời cho tất cả – có nhiều tiền họ sẽ hạnh phúc hơn. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng hãy nhớ rằng lòng tham có thể làm mờ mắt con người. Có những người sẵn sàng dấn thân vào những phi vụ làm ăn mạo hiểm, và cũng không ít người rơi vào tình cảnh vay nợ hoặc phá sản. Tiền là công cụ đắc lực phục vụ cho cuộc sống của bạn, nhưng đừng bao giờ trở thành nô lệ cho đồng tiền.

5. “Buy What Thou Hast No Need Of, And Before Long Thou Shalt Sell Thy Necessaries” – Cứ mua sắm phung phí đi, chẳng mấy chốc mà bạn sẽ phải bán đi những món đồ thiết yếu!

Bởi chúng ta đang sống giữa thời đại của thương mại, của tiêu dùng, thật khó tránh khỏi cám dỗ chết người mang tên “mua sắm”. Chúng ta dù ít hay nhiều đều đã có lúc mua về những món đồ để rồi sau đó không bao giờ dùng đến. Nếu bạn đang có ý định dành dụm cho tương lai, trước khi mua bất cứ thứ gì, hãy cân nhắc thận trọng xem mình có thực sự cần nó hay không. Liệu có phải bạn muốn mua nó chỉ vì nó quá hấp dẫn, đang giảm giá, hoặc được quảng cáo một cách đầy thuyết phục?

6. “Never Keep Borrowed Money An Hour Beyond The Time You Promised” – Trả nợ sớm ngày nào tốt ngày ấy

Đây cũng là một bài học nữa giúp bạn tránh khỏi tình trạng nợ nần dai dẳng. Mỗi ngày bạn trì hoãn việc trả nợ là một ngày lãi suất lại lớn thêm lên, và cuối cùng người phải chịu thiệt thòi chính là bạn. Bên cạnh đó, nếu người cho vay là người thân trong gia đình hay bạn bè, việc trả nợ đúng hạn cũng cho thấy bạn là người lịch sự, biết giữ chữ tín và tôn trọng họ. Họ có thêm lý do để tiếp tục giúp đỡ bạn nếu như bạn gặp khó khăn về sau này.

7. “Gain May Be Temporary And Uncertain, But Ever While You Live, Expense Is Constant And Certain” – Thu nhập là tạm thời và có thể thay đổi, nhưng hãy nhớ rằng, chừng nào bạn còn sống, bạn còn phải chi tiêu.

Câu nói này đặc biệt thích hợp với tình trạng nền kinh tế hiện tại. Bạn có thể có một nền tảng tài chính vững chắc ngày hôm nay, nhưng không một ai có thể nói chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với bạn vào ngày mai. Bạn có thể bỗng dưng mất việc, hoặc ngược lại, trúng số độc đắc hàng triệu đô la. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi chăng nữa, bạn cũng nên nhớ rằng bạn luôn luôn có những nhu cầu phải chi dùng trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, cho dù tài sản hiện tại của bạn có đang ở mức nào, đừng quên tích trữ và đầu tư cho tương lai.

Tại VNDIRECT có sản phẩm tích sản hưu trí để quý nhà đầu tư tham khảo để đầu tư tích sản cho tương lai.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest