Podcast ngày 09.06.2020 – Tiền khôn, tiền khéo ở tay người dùng

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Tiền khôn, tiền khéo ở tay người dùng”

1. Tin vĩ mô và thị trường quốc tế

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc thu hẹp trong tháng 5

Tổng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước sau khi bất ngờ tăng 3,5% trong tháng 4, theo số liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/6. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 16,7%, nối đà giảm trong tháng 4 và là mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 1/2016.

Hệ quả, Trung Quốc có thặng dư thương mại 62,93 tỷ USD trong tháng 5, cao nhất kể từ khi Reuters theo dõi số liệu xuất nhập khẩu Trung Quốc năm 1981, cao hơn đáng kể so với con số 45,34 tỷ USD trong tháng 4.

Các nhà quản lý quỹ cho rằng diễn biến giá tài sản không còn phản ánh đúng các yếu tố cơ bản vốn đang rất ảm đạm

Các quỹ đầu tư đang chuẩn bị cho một đợt giảm mới trên các thị trường chứng khoán vì ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng giá của các tài sản không phản ánh được các vấn đề kinh tế trong tương lai.

“Các thị trường đang được định giá bởi sự hoàn hảo. Sự ổn định trên thị trường chứng khoán không phản ánh được tình trạng mất việc làm cũng như nguy cơ mất khả năng thanh toán của khối doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu”, ông Danny Yong, đối tác sáng lập tại quỹ đầu tư Dymon Asia Capital, nói.

Stanley Druckenmiller, “đồ đệ” của tỷ phú George Soros (người đã rút lui khỏi giới quản lý quỹ vào 10 năm trước), mới đây cho biết sẽ xảy ra một làn sóng phá sản và sự phục hồi kinh tế theo hình chữ V chỉ là một ảo mộng.

Cũng trong một bức thư gần đây gửi cho nhà đầu tư, ông Paul Singer của Elliott Management, một quỹ quản lý khối tài sản 40 tỷ USD, nhận định tác động của cuộc suy thoái kinh tế hiện nay lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính năm 2008. “Chúng tôi dự đoán thị trường cổ phiếu toàn cầu cuối cùng sẽ giảm 50% hoặc hơn so với đỉnh được ghi nhận hồi tháng 2”.

Trong khi đó, Francesco Filia, giám đốc quỹ đầu tư Fasanara Capital, cho biết bản thân nhìn thấy các rủi ro từ xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược (deglobalization), yếu tố có thể khiến lạm phát lên cao hơn cũng như kích thích giới chính trị can thiệp nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ. Điều này có thể gây tổn hại tới lợi nhuận của các cổ động. Ông dự đoán một cuộc khủng hoảng thanh khoản giống năm 2008 xảy ra vì giới đầu tư cố gắng rút tiền khỏi các ETF.

2. Tình hình kinh tế và thị trường Việt Nam

Phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Hiệp định EVFTA sẽ sớm đi vào hiệu lực, trong khi Hiệp định EVIPA sẽ được triển khai sau khi được phê chuẩn bởi từng quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU).

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm mạnh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh, trong đó đặc biệt là mặt hàng cá tra có kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đạt 456 triệu USD, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… đều có sự giảm mạnh với mức hai con số.

Cho tới nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc, thị trường lớn nhất chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra đang phục hồi trở lại.

Dự báo, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19, chỉ mang tính nhất thời và các hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi sau khi dịch được kiểm soát.

Dự báo ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3 tới.

Ngân hàng Nhà nước muốn siết chặt các quy định về cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính

NHNN đang lấy ý kiến với dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD phi ngân hàng với nhiều thay đổi theo hướng bổ sung, “siết” chặt các quy định về cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các công ty tài chính tiến gần hơn chuẩn mực, thông lệ quốc tế trên cơ sở phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; tăng cường khả năng chịu đựng rủi ro của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trước những cú sốc của thị trường; yêu cầu tổ chức tín dụng phi ngân hàng cơ cấu lại danh mục đầu tư; điều chỉnh hệ số rủi ro đối với lĩnh vực rủi ro, NHNN sẽ sửa đổi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và hệ số rủi ro theo hướng điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

3. Các kênh đầu tư và thị trường hàng hóa

Thị trường cổ phiếu giao dịch sôi động nhất từ tháng 5/2019

Thị trường đã hồi phục khá mạnh trong tháng 4, 5 và tiếp tục bỏ qua những cảnh báo về rủi ro điều chỉnh, tiếp tục có thêm tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6 tích cực. Đà tăng tiếp tục duy trì ổn định và mạnh mẽ hơn trong phiên sáng nay (8/6) khi thị trường được tiếp thêm động lực sau thông tin Quốc hội chính thức thông qua EVFTA và EVIPA.

Thanh khoản toàn thị trường đạt 10.142 tỷ đồng, cao nhất từ tháng 5/2019, trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm 8.754 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt hơn 736 triệu cổ phiếu. Khối ngoại mua ròng trở lai 400 tỷ đồng trên HoSE và UPCoM, bán ròng 20 tỷ đồng trên HNX. Các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là VNM, HPG, VCB, BID, DXG

Mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu giảm, kể cả các kỳ hạn dài với sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn. Điều đó làm dấy lên kỳ vọng mặt bằng lãi vay sẽ giảm thêm

Nguyên nhân khiến các nhà băng giảm lãi suất huy động chủ yếu do thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, nhờ lượng tín phiếu mà NHNN phát hành hồi giữa tháng 2 dần đáo hạn. “Thanh khoản các ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ 100 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Lượng tín phiếu lưu hành tại cuối tháng 5 đã thu hẹp về mức 27 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn gần hết (25 nghìn tỷ đồng) trong tuần này”.

Thanh khoản dồi dào kéo lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ trong tuần cuối tháng 5 và hiện đang đứng ở mức rất thấp. Theo đó, hiện lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm chỉ dao động quanh mức 0,4%/năm, trong khi kỳ hạn 1 tuần là 0,6%/năm, 2 tuần chỉ là 0,78%/năm – thấp nhất kể từ đầu năm.

Hiện tín dụng vẫn đang tăng trưởng ì ạch và thấp hơn nhiều tốc độ tăng của huy động vốn cũng sẽ kéo cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay giảm. “Lãi suất là giá của đồng vốn và cũng tuân theo quy luật cung cầu. Hiện cung vốn đang dồi dào, trong khi cầu vốn yếu, lãi suất tất yếu sẽ giảm thêm”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

4. Câu chuyện đầu tư

Câu chuyện: Thế chấp chiếc Rolls-Royce để vay 500 đô

Một ông chủ đến ngân hàng trên phố Walls vay 500$ trong hai tuần. Ngân hàng cho vay nhất định phải có thế chấp và ông ta dùng chính chiếc xe Rolls-Royce đỗ trước cửa làm vật thế chấp. Nhân viên ngân hàng đưa xe vào kho và thực hiện các thủ tục cho vay.
Hai tuần sau, ông ta đến ngân hàng để tất toán khoản vay 500$, số tiền chi trả cho khoản vay là 15$. Nhân viên ngân hàng phát hiện trong tài khoản của ông ta có mấy trăm ngàn đô, người nhân viên này rất ngạc nhiên và hỏi vị khách hàng tại sao muốn vay tiền. Ông ta nói: “Phí gửi xe hai tuần 15$, ở phố Wall này không tìm đâu ra được”.

Bài học cuộc sống: Nghe đến đoạn đầu chắc hẳn nhiều thính giả thắc mắc là người đi Rolls Royce mà muốn vay 500$ quả thực là phi lí, nhưng khi nghe hết câu chuyện các bạn có đồng ý rằng ‘Tư duy của những người giàu có thường khác biệt đúng không?” Đôi khi tư duy khác biệt sẽ mang đến cho chúng ta những giải pháp khác biệt Bài học qua câu chuyện chúng tôi muốn gửi gắm đến các bạn đó là Không chỉ cần “động não” để nghĩ cách kiếm tiền, bạn còn phải lưu tâm trong việc sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.

Qua câu chuyện trên ta có thể thấy: Tiết kiệm không đơn giản chỉ ăn dè hà tiện mà đó là sử dụng đồng tiền một cách khôn khéo. Tiền bạc có thể tiêu một cách khôn ngoan sẽ sinh lời và làm việc tốt cho chính những người sử dụng nó. Tuy nhiên, không phải mấy ai cũng có thể tiêu tiền một cách khôn ngoan và có ý thức tiết kiệm. Vì có quá nhiều thứ khiến chúng ta bị chi phối, phải suy nghĩ, có quá nhiều sự cám dỗ từ các nhãn hàng khiến ta muốn chi tiền…

Khi nhắc đến tiết kiệm, các bạn có đồng ý với tôi rằng thông thường chúng ta sẽ tiết kiệm để thực hiện một mục tiêu tài chính như mua diện thoại, mua xem, mua nhà… nhưng ở bài viết này tôi xin chia sẻ một mục tiêu mà tất cả chúng ta nên hướng tới trước khi hiện thực hóa những ước mơ tài chính vật chất, đó là xây dựng sức khỏe tài chính. Vậy sức khoẻ tài chính là gì và tại sao chúng ta cần xây dựng sức khỏe tài chính? Đây là một thuật ngữ không quá xa lạ nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta còn chưa nắm hết ý nghĩa giá trị của nó, để hiểu khái niệm này rõ nét hơn tôi xin phép giải thích theo một cách gần gũi.

Sức khỏe tài chính ta cũng có thể ví như sức khỏe của một con người vậy, một đứa trẻ được coi là có sức khỏe là khi đứa trẻ đó có sức để kháng tốt để có thể chống lại sự tấn công của các vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh và tăng trưởng ổn định về mặt chiều cao, cân năng cũng như trí tuệ.  Sự cần thiết của sức khỏe đối với cuộc sống con người thì chắc rằng chúng ta đều biết, đó là một điều kiện cần để chúng ta có thể duy trì cuộc sống và làm mọi điều ta muốn. Có người đã ví sức khỏe như con số 1 và những thứ khác như gia đình, sự nghiệp, …là những con số không sau đó, nếu như chúng ta có rất nhiều con số không nhưng không có số một ở đầu thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. Trong tài chính cũng vậy khi chúng ta có sức khỏe tài chính là khi chúng ta có một khoản phòng vệ để có thể chống cự lại những rủi ro ập tới bất cứ lúc nào như thất nghiệp, thiên tai, dịch bệnh hay tử vong và một khoản tiền đầu tư tăng trưởng một cách ổn định và bền vững cho hưu trí an nhàn. Sức khỏe tài chính là điều kiện cần, tiên quyết để chúng ta có thể an tâm phát triển sự nghiệp, hạnh phúc gia đình. Dù có bất cứ sóng gió gì xảy ra trong công việc, kinh doanh hay trong đầu tư thì có Sức khỏe tài chính nghĩa là nền móng cuộc sống của chúng ta và những người thân yêu vẫn được duy trì đảm bảo. Cụ thể như đợt Covid vừa qua nếu như chúng ta có xây dựng một sự dự phòng chuẩn bị tốt thì việc thất nghiệp, việc thu nhập đi xuống, việc kinh doanh gặp khó khăn có lẽ sẽ trở nên đỡ đáng sợ, và có thể bình tâm hơn để vượt qua nghịch cảnh, tránh được sự khủng hoảng hay bế tắc trong cuộc sống. Sóng gió bão giông là thứ mà không ai trong chúng ta muốn gặp phải trong cuộc đời nhưng đôi khi nó lại đến vào những lúc ta không ngờ nhất. Hãy đi trước một bước để ta luôn có thể bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh.

Vậy cần xây dựng ngân quỹ bao nhiêu để có Sức khỏe tài chính? Bạn hãy đón nghe trong Podcast ngày mai nhé.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest