Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 07.05.2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “David Dodd: Người thầy đốt đuốc thắp sáng con đường cho những nhà đầu tư giá trị”

1. Thông tin vĩ mô

Bộ Tài chính cũng dự định trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính kiến nghị nghiên cứu đề xuất việc lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 3 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1 – 2 ngày).

Cùng với đó, tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán; cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

*Liên quan đến hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán, theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 22/2019/TT-NHNN, “tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 4 giảm 13,3% so với tháng 3, tương đương giảm 10,5% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân loại giảm 9,3…

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: Bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; đường kính giảm 23,5%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 12%…

2. Thị trường Việt Nam

12,5 tỷ USD là tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kể từ đầu năm đến ngày 20/4/2020 theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây. Trong số này, có gần 2,5 tỷ USD là giá trị góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt, giảm 65,3% so với cùng kỳ 2019.

Tính đến cuối tháng 3/2020, danh mục đầu tư trên TTCK do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vào khoảng 28 tỷ USD, trong đó ước tính 9,5 tỷ USD do các nhà đầu tư mang tính ngắn hạn nắm giữ và 18,5 tỷ USD do các nhà đầu tư trung và dài hạn nắm giữ.

Dự báo từ cơ quan quản lý TTCK cũng cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên bình diện quốc tế thì khả năng một số nhà đầu tư trung và dài hạn cũng có thể rút vốn cả trên thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Mức rút vốn kể cả trong kịch bản xấu, có thể vẫn chưa gây sức ép lên dự trữ ngoại hối, nhưng nếu xảy ra tình huống nhà đầu tư bán dồn dập vào một thời điểm ngắn thì sức cầu trong nước sẽ khó hấp thụ, hệ lụy có thể làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Thị trường cổ phiếu giao dịch khởi sắc trong phiên chiều 6/5 với các chỉ số chính bứt phá mạnh và đóng cửa mức cao nhất ngày.

Sau 2 phiên liên tiếp hãm đà xả bán ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ bán ròng quy mô 2.500 tỷ đồng trong phiên 6/5. Trong đó, đột biến chính đến từ cổ phiếu lớn VHM bị bán ròng tới hơn 2.175 tỷ đồng.

Đề cập kết quả kinh doanh của 14 ngân hàng niêm yết. Cho vay khách hàng tăng 2,1% so với đầu năm và 12% so với cùng kỳ năm trước. So với mức tăng lũy kế cùng kỳ năm 2019, hoạt động cho vay chậm lại ở hầu hết ngân hàng.

Dù tổng thu nhập hoạt động tăng hơn 15%, lãi sau thuế chỉ cao hơn 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận giảm mạnh ở 2 ngân hàng quốc doanh lớn là Vietcombank và BIDV. Ngoài ra, VietinBank, MB, Sacombank và Kienlongbank cũng ghi nhận tăng trưởng âm.

Lãi sau thuế đã giảm mạnh so với mức tăng trưởng chung gần 11% của quý I/2019 do thu nhập lãi và dịch vụ giảm tốc, trong khi chi phí dự phòng tín dụng tăng ở hầu hết ngân hàng và chi phí hoạt động cũng tăng cao hơn so với tăng trưởng về thu nhập.

Các gói hỗ trợ của ngành ngân hàng với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gồm  giảm lãi suất cho vay, giãn, gia hạn thời hạn trả nợ. Nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay có thể khiến khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng bị hạn chế so với giai đoạn trước khi diễn ra dịch bệnh do (1) lãi suất huy động giảm chậm hơn lãi suất cho vay và (2) khả năng tăng tỷ trọng dư nợ của nhóm khách hàng có lãi suất cho vay cao bị hạn chế.

Các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản có thể sẽ chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh, ít nhất trong quý II hoặc 2 quý đầu năm 2020. Như vậy, sau năm 2017 – 2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.

Dù vậy, thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, VDSC cho rằng cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành/doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định.

3. Tài sản và kênh đầu tư

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán phái sinh có sự tăng trưởng mạnh so với tháng Ba, cụ thể khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 206.603 hợp đồng/phiên, tăng 18,86% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, khối lượng hợp đồng mở (OI) tăng mạnh 70,64% so với tháng Ba, đạt 32.588 hợp đồng trong phiên cuối tháng.

Đối với nhà đầu tư trong nước, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tăng từ 87,82% trong tháng Ba lên 88,23% vào tháng tư. Bên cạnh đó, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức chiếm 10,9% toàn thị trường và tỷ trọng giao dịch tự doanh là 0,87% và phần còn lại là của các tổ chức khác.

4. Câu chuyện đầu tư

David Dodd: Người thầy đốt đuốc thắp sáng con đường cho những nhà đầu tư giá trị

David Dodd đã cùng với người đồng nghiệp Benjamin Graham quyết định viết nên cuốn sách cẩm nang “gối đầu giường” của nhà đầu tư chứng khoán mọi thời đại – cuốn Security Analysis (Tựa đề Việt: Phân tích chứng khoán).

David LeFevre Dodd ( sinh ngày 23 tháng 8 năm 1895 – mất ngày 18 tháng 9 năm 1988) là một nhà giáo dục, nhà phân tích tài chính. Đồng thời ông cũng là tác giả chuyên viết sách kinh tế và là một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ông cũng chính là người đồng nghiệp thân thiết của Benjamin Graham tại Trường đại học kinh doanh Columbia.

Cả cuộc đời ông nếu như để kể lại đều gắn liền với sự nghiệp học hành không ngừng nghỉ. Năm 1925, ông là giảng viên kinh tế tại Đại học Columbia. Đồng thời, ông cũng nhận nhiệm vụ phụ trách chính các khóa học thạc sĩ kinh doanh và kinh tế tại trường này. Năm 1930, ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Columbia. 30 năm sau đó, ông tiếp tục hoàn thành đồ án và được trao danh hiệu Giáo sư danh dự cao quý.

Từ năm 1948 đến 1952, ông trở thành Phó khoa kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia. Năm 1961, ông nghỉ hưu với tư cách là Giáo sư danh dự cố vấn về tài chính cho trường Đại học Columbia. Sau này, ông được chính chủ tịch đại học Columbia trao tặng danh hiệu cao quý vì đã áp dụng thành công các lý thuyết tài chính và đạt được kết quả tuyệt vời trong đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh đó, Dodd cũng là thành viên của nhiều tổ chức hiệp hội kinh tế Mỹ như: hội đồng nghiên cứu khoa học, hiệp hội tài chính Mỹ và hiệp hội phân tích an ninh New York… Có thể nói, cuộc đời ông chính là một minh chứng rõ rệt nhất cho sự nghiệp học hỏi – trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ.

Sau này, ông đã cùng với người đồng nghiệp Benjamin Graham quyết định viết nên cuốn sách cẩm nang “gối đầu giường” của nhà đầu tư chứng khoán mọi thời đại – cuốn Security Analysis ( Tựa đề Việt: Phân tích chứng khoán).

79 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, cho đến tận bây giờ, những nhà đầu tư giá trị chân chính thời nay vẫn nặng lòng biết ơn họ. Có thể nói, Dodd và Graham chính là hai nhà tư tưởng cần mẫn và sâu sắc đến lạ thường, những người đã mang luồng ánh sáng chọi rọi đến cho thế giới tài chính – chứng khoán hoang sơ tăm tối ở thời điểm của họ. Kể từ đó, họ đã thắp sáng con đường cho những nhà đầu tư giá trị.

Thời gian dần trôi qua, thị trường tài chính cũng đã thay đổi theo nhiều cách không tưởng kể từ năm 1934, nhưng phương pháp đầu tư của Graham và Dodd vẫn còn nguyên tính ứng dụng tuyệt vời đến ngày nay.

Trong một bài báo phỏng vấn ông năm 1970, có một phóng viên khi ấy đã hỏi ông “Đầu tư chứng khoán có phải con đường duy nhất nhanh giàu được không?”. Dodd đã không đi khẳng định điều đó, ông chỉ khuyên nhủ mỗi người dù chọn con đường kiếm tiền nào đi chăng nữa cũng hãy dồn hết tâm sức và trí tuệ vào điều đúng đắn bản thân đã lựa chọn.

Đối với quan điểm của cá nhân ông, những người thành đạt từ đầu tư chứng khoán, họ không phải giàu lên từ một, hai lần mua bán, mà là nghề, cũng là niềm đam mê tâm huyết cũng như chính sự nghiệp của họ. Và các nhà đầu tư trên thị trường, dù mới hay lâu năm thì trước khi đến với sự nghiệp đầu tư, chúng ta hãy nghiêm túc dành thời gian và công sức nỗ lực cho việc tìm hiểu – định hướng kĩ càng và đừng bao giờ coi nhẹ chúng chỉ như “một trò đỏ đen”.

Một phần lý do thành công là ông đã xuất sắc những chọn được những cổ phiếu tốt, có suất sinh lợi cao hơn thị trường. Một lý do khác, quan trọng hơn, đó là ngài Dodd biết kiên trì ôm tiền mặt khi thị trường đi xuống chứ không vì sốt ruột mà lao vào mua. Chính chiến lược này đã giúp ông tránh được thua lỗ trong hai lần thị trường suy thoái.

Ông cũng ví von nhà đầu tư chứng khoán cũng phải giống như con báo: “Tuy con báo là loài vật chạy nhanh nhất thế giới và nhưng chỉ khi nào chắc chắn 100% có thể bắt được mồi, con báo mới tấn công. Nó có thể ẩn náu trong bụi rậm cả tuần liền chỉ để chờ một cơ hội thích hợp. Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng nên như vậy, chỉ khi nào cảm thấy thực sự chắc chắn mới nên giao dịch”. Ông luôn đầu tư và sống theo đúng phương châm “Kiên trì rồi điều gì cũng đạt được”.

Nhà đầu tư không những phải kiên nhẫn khi đang cầm tiền mà còn phải kiên nhẫn khi đang “ôm hàng” để tránh rơi mất hàng khi thị trường rung lắc.

Những nhà đầu tư mới vào thường thất bại vì thua lỗ lớn, còn dân chuyên nghiệp lại thất bại vì ham lợi nhỏ. Bản năng của con người khiến nhiều nhà đầu tư muốn tối đa hóa xác suất có lợi nhuận thay vì tối đa hóa lợi nhuận, tài khoản của mình chỉ có một màu xanh, muốn khoản đầu tư nào của mình có có lãi dù chỉ là chút đỉnh.

Chính tâm lý này khiến nhiều nhà đầu tư “ăn non”, bán mất hàng khi thị trường rung lắc để rồi sau đó phải nuối tiếc khi nhìn cổ phiếu mình vừa bán tiếp tục bay cao, bay xa. Nếu không giữ lấy những cổ phiếu tốt thì lấy gì để bù vào khoản lỗ của các cổ phiếu kém?

Trong giai đoạn thời kì đó, khi chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã hai lần mất gần 50% giá trị thế nhưng lần thiệt hại lớn nhất của ông chỉ mất chưa tới 12%. Tuy nhiên hiệu suất sinh lời của ông lại lên tới gần 30% đều đặn trong suốt chu kỳ kinh tế 30 năm đầu tư của ông. Qua những thăng trầm của thị trường, Dodd thừa nhận ông chính là người hết sức kiên nhẫn thì mới có thể đứng ngoài thị trường trong những khoảng thời gian dài như nhiều đợt suy thoái khủng hoảng tài chính toàn cầu trong quá khứ.

Để đạt được thành công đó, một trong những kinh nghiệm mà ông đưa ra được đúc kết đến hiện tại như sau:

1. Chọn mua cổ phiếu ở một mức biên an toàn (Margin of safety)

Thông thường chúng ta thường có xu hướng yêu thích việc mua hàng khi đang giảm giá. Hoàn toàn tương tự trong việc mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư thông thái luôn là người muốn mua được cổ phiếu ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị của nó, thường chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Mức chênh lệch thấp hơn đó chính là biên an toàn, tức là một khoảng cách an toàn để phòng ngừa rủi ro giá trị nội tại của cổ phiếu bị sụt giảm so với giá trị tại thời điểm nhà đầu tư mua vào.

2. Kiên nhẫn và cẩn trọng

Nhà đầu tư giá trị chỉ hành động khi cơ hội xuất hiện. Họ sẵn sàng bỏ qua hàng loạt cơ hội và không có thêm một khoản đầu tư nào trong suốt thời gian dài, mặc dù thị trường diễn biến rất tốt. Chính vì thế, những nhà đầu tư giá trị vĩ đại rất ít khi giải ngân, nhưng mỗi lần giải ngân thường là những khoản đầu tư có giá trị lớn.

3. Không nên quá tập trung vào cơ hội, trước tiên phải hạn chế tối đa mức rủi ro

Dodd cho rằng việc hạn chế tối đa rủi ro trong đầu tư chứng khoán quan trọng không kém việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong tương lai. Thông thường để hạn chế rủi ro trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần được trang bị kiến thức tốt về thị trường: Phân tích môi trường vĩ mô trong và ngoài nước, phân tích các công ty niêm yết (chú ý phân tích làm rõ các khía cạnh như lợi thế cạnh tranh, năng lực quản trị công ty, tình hình tài chính công ty, chu kỳ ngành…).

Đồng thời xác định đúng giá trị nội tại của cổ phiếu và hiểu rõ bản chất sự dao động giá trên thị trường chứng khoán, phân tích và lựa chọn thời điểm mua bán có lợi nhất. Cuối cùng là lựa chọn quan điểm đầu tư một cách nhất quán.

Theo Trí thức trẻ

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest