Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Bản đồ hướng dẫn đầu tư cho thế hệ 9x? ”
1. Tình hình thế giới
Thế giới hậu Covid: góc nhìn qua Vũ Hán
Kinh tế mất thời gian dài để hồi phục, người dân e dè khi ra khỏi nhà, làn sóng lây nhiễm thứ 2 là nỗi ám ảnh mới
Việc dỡ bỏ lệnh phong toả không có nghĩa là Vũ Hán sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây sẽ là một quá trình chậm chạp và đầy đau thương, khi cú sốc từ dịch bệnh vẫn kéo dài, cùng với đó là lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 2 khiến các doanh nghiệp chưa thể tăng tối đa công suất hoạt động.
Câu chuyện của Li Jing – một doanh nhân 33 tuổi ở Vũ Hán.
Hàng trăm căn hộ mà công ty kinh doanh homestay của Li giám sát đã bắt đầu đón khách vào hôm thứ Tư tuần trước, khi lệnh phong toả chính thức được dỡ bỏ. Giờ đây, những chuyến tàu , chuyến bay sẽ được khởi hành từ Vũ Hán, ô tô cũng được di chuyển trở lại trên đường cao tốc.
Giá thuê của các căn hộ Li kinh doanh đều lao dốc về mức 0 sau khi lệnh phong toả được áp dụng vào ngày 23/1, sau đó là cả tỉnh Hồ Bắc. Nỗ lực thu hút khách đặt phòng, các căn hộ của Li đều được dọn dẹp sạch sẽ và khử trùng trong 3 giờ đồng hồ sau mỗi lần khách rời đi, Li cũng dự định sẽ mở rộng thêm cách dịch vụ cho khách thuê nhà.
Tuy nhiên, dù Vũ Hán – một thành phố rất nổi tiếng với hoa anh đào và toà tháp Hoàng Hạc Lâu, đã mở cửa trở lại, thì Li vẫn biết rằng các căn hộ của anh vẫn không có khách trong nhiều tuần, có thể là vài tháng sắp tới. Anh chia sẻ: “Tôi hy vọng mọi người sẽ tin tưởng chúng tôi và quay trở lại Vũ Hán. Nhưng đây lại không phải là sự lựa chọn đầu tiên khi họ đi du lịch”.
Câu chuyện thứ hai: Nền kinh tế chịu thiệt hại đáng kể
Trong khi các nhà máy ở trung tâm sản xuất thép và ô tô của Trung Quốc được phép tái khởi động, thì quá trình quay trở lại của các công nhân lại diễn ra chậm chạp và chuỗi cung ứng bị xáo trộn. Các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại, nhưng phần lớn vẫn vắng lặng, hầu hết người dân vẫn lo ngại về việc ra ngoài, trừ khi có việc cần thiết. Thành phố đầu tiên chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể đang dần hồi phục, nhưng hoạt động của người dân hiện vẫn được kiểm soát gắt gao, khi giới chức đang cực kỳ thận trọng đối với nguy cơ làn sóng nhiễm bệnh thứ 2 bùng lên.
Chen Bo – giáo sư kinh tế học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, nhận định, mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ là đáng kể. Ông cho hay: “Đến tháng 2, thu nhập tài chính đã mất khoảng 1 tỷ USD và GDP có thể sẽ sụt giảm ít nhất 50%. Tác động về cả xã hội và tâm lý đối với hoạt động đầu tư, du lịch có thể sẽ kéo dài khá lâu ở thành phố này.”
Câu chuyện thứ ba: Lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai
Dù đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng mối lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh ngày càng tăng lên ở Vũ Hán. Sự lo lắng đó đã thúc đẩy chính quyền áp dụng một hệ thống “chấm điểm” sức khoẻ theo mã màu trên toàn quốc – 2 ứng dụng được vận hành bởi Alibaba và Tencent.
Hiện tại, Vũ Hán vẫn ghi nhận những ca nhiễm bệnh mới nhưng không có triệu chứng. Đây chính là những trường hợp có thể âm thầm lây bệnh trên diện rộng.
Nỗi lo ngại kéo dài đó là tin xấu đối với các doanh nghiệp. Tại trung tâm thương mại Wuhan International Plaza, Yu – một nhân viên bán hàng tại Calvin Klein, chia sẻ rằng kể từ khi mở cửa trở lại vào ngày 30/3, cửa hàng của anh chỉ có 2 đơn hàng. Trong khi đó, doanh thu của cửa hàng này mỗi tuần lên tới hơn 20.000 CNY (2.820 USD)/tuần.
Chúng tôi cho rằng cho dù dịch Covid có qua đi thì một số nếp sống cũ khó mà khôi phục lại trong thời gian ngắn, trong khi đó có một số xu hướng kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Và rõ ràng, mảng thương mại truyền thống, hay hoạt động du lịch sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục.
2. Tình hình Việt Nam
Theo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ VN thông tin những doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.
348 doanh nghiệp tại TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn… tham gia cuộc khảo sát từ ngày 17/3 đến 26/3. Thị trường kinh doanh chủ yếu của các DN là nội địa (chiếm 93%). Kết quả, 35% DN cho rằng sẽ cầm cự được 3 tháng nếu dịch bệnh kéo dài (tương đương hơn 210.000 đơn vị trong tổng số 766.000 doanh nghiệp hiện nay – PV), 38% DN cầm cự được 6 tháng, 13% DN cầm cự được 1 năm và 14% DN cầm cự được trên 1 năm.
Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch hầu như không có hoạt động, các đơn hàng đã đặt trước đều bị hoãn, hủy trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải thanh toán theo hợp đồng. Các DN vận tải không có khách hoặc có rất ít và bị hạn chế giao thương. Các DN sản xuất, xây dựng bị hạn chế không nhập nhẩu được nguyên vật liệu từ nước ngoài dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, mặt khác, hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất ra không xuất khẩu được, hoặc xuất đi rồi lại bị trả lại do đối tác hủy đơn hàng vì nằm trong vùng dịch bị cách ly.
3. Câu chuyện đầu tư
Thế hệ 9x mới ra trường và đặt những bước chân đầu tiên trên con đường sự nghiệp. Nếu không phải là ca sỹ, diễn viên điện ảnh, hay ngôi sao StartUp, khả năng cao là các bạn chưa có nhiều tài sản ở lứa tuổi đôi mươi này. Tin vui là các bạn cũng chưa có nhiều khoản nợ phải trả. Trong khi sinh viên Mỹ thường cõng trên lưng một khoản nợ lớn sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên Việt Nam vô cùng may mắn khi được bố mẹ chu cấp cho ăn học.
Trong khi chưa có nhiều tiền, thế hệ 9x có những tài sản rất đáng quý mà nhiều thế hệ khác thèm muốn. Đó là khả năng làm việc kiếm tiền trong khoảng 40 năm tới. Tài sản này được gọi là Human Capital. Vì còn trẻ nên thế hệ 9x cũng có nhiều thời gian cho Lãi Kép hoạt động. Ví dụ đều bắt đầu là 100 triệu đồng, đầu tư với lợi suất 20% sau 20 năm thì thu về khoảng 4 tỷ đồng nhưng sau 40 năm thì số tiền thu về là gần 150 tỷ đồng.
Tất nhiên, không phải 9x nào cũng có thời gian dài để đầu tư. Sau một vài năm đi làm thế hệ 9x thường sẽ phải bỏ tiền ra mua nhà, mua xe ô tô nên số vốn tích lũy để đầu tư sẽ không còn nữa. Thậm chí, đa phần còn phải gánh thêm một khoản nợ lớn khi mua nhà.
Túm lại thế hệ 9x nên đầu tư như thế nào?
1. Theo tôi thì việc đầu tiên là phải xây dựng được một khoản dự phòng(Safety Net). Khoản tiền này có giá trị bằng khoảng 3-6 tháng chi tiêu để dự phòng cho những tính huống không may. Số tiền này có thể gửi tiết kiệm ngắn hạn ngân hàng hoặc nghiên cứu đầu tư vào những quỹ tiền tệ(Money Market Fund). Lãi suất các quỹ này thường cao hơn ngân hàng và có thể rút tiền vào bất kỳ thời điểm nào mà không bị mất lãi. Một số quỹ tiêu biểu trên thị trường là quỹ DCash của VNDirect hoặc quỹ FlexiCash của TCBS.
2. Tái đầu tư vào bản thân: nâng cao ngoại ngữ, phát triển những kỹ năng mới hoặc học lên bằng cấp cao hơn để tăng Human Capital. Tỷ phú Charlie Munger thường khuyên những người trẻ là hãy rèn luyện để mỗi ngày, vào lúc đi ngủ bạn đều thông thái hơn lúc thức dậy. Bạn có thể đi chậm nhưng chắc chắn sẽ tiến lên. Rất nhiều bạn 9x sau một vài năm đi làm ở Việt Nam, thường nỗ lực học tập để xin học bổng đi học tiếp MBA tại các nước Anh, Mỹ, Úc, v.v.
3. Rèn luyện thói quen tiết kiệm. Vào giai đoạn này của cuộc đời, việc tiết kiệm quan trọng hơn đầu tư rất nhiều. Với số vốn ít ỏi, việc phân bổ tài sản vào đâu chưa quyết định nhiều tới bức tranh tài chính của thế hệ 9x. Trong khi đó, nếu tỷ lệ tiết kiệm tăng từ 10% lên 20% mỗi tháng thì tình hình tài chính khác biệt ngay lập tức. Tích lũy tư bản là điều quan trọng nhất trong giai đoạn này.
4. Sau khi đã tích lũy được một số vốn nhất định thì nên đầu tư vào đâu?
Một quy tắc vui là lấy 100 trừ đi số tuổi của bạn thì ra tỷ lệ phân bổ vào chứng khoán. Ví dụ bạn 25 tuổi thì 75% tài sản nên phân bổ vào chứng khoán, 25% còn lại phân bổ vào tài sản có thu nhập cố định như gửi tiết kiệm hoặc trái phiếu. Nghĩa là bạn càng trẻ thì tỷ lệ phân bổ tài sản vào kênh đầu tư chứng khoán càng nhiều.
Đó là lời khuyên thông thường mọi người thường đưa ra. Cá nhân tôi nghĩ những người trẻ nên bỏ vốn ra tự kinh doanh. Nên chọn kinh doanh những ngành đòi hỏi vốn đầu tư ít, vòng quay vốn nhanh. Tỷ suất sinh lời có thể tốt hơn đầu tư chứng khoán rất nhiều mà lại tích lũy được nhiều kiến thức kinh doanh thực tế hữu ích. Những kiến thức đó sẽ bổ trợ cho việc đầu tư chứng khoán sau này.