Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 04.05.2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Warren Buffett và lãi kép”

1. Tình hình thế giới

Tỷ lệ lao động thất nghiệp gia tăng chóng mặt

Trên thế giới, theo báo cáo tháng 4 của Liên hợp quốc (LHQ), dự đoán trong quý II năm 2020, sẽ có đến 195 triệu người trên khắp thế giới sẽ mất việc do COVID-19, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao chưa từng có trong lịch sử.

Có thể nói, COVID-19 đang đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng “chưa từng thấy” từ sau Thế chiến thứ II và tác động một cách sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu. Bằng cách này hay cách khác, nó đã tác động, ảnh hưởng đến khoảng 80% số người trong độ tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người lao động trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương.

Dữ liệu mới được ILO-Tổ chức lao động thế giới thu thập cho thấy phần lớn trong số 3,3 tỷ người được tuyển dụng trên toàn cầu năm 2019 có an ninh kinh tế không đủ, phúc lợi vật chất và bình đẳng về cơ hội. Hơn nữa, tiến bộ trong việc giảm thất nghiệp trên toàn cầu không được phản ánh trong các cải thiện về chất lượng công việc.

Ông Damian Grimshaw, Giám đốc nghiên cứu của ILO cho biết, không cứ có việc làm là sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt. Ví dụ, trên thế giới có tới 700 triệu người đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực hoặc vừa phải mặc dù có việc làm. Theo trích dẫn từ báo cáo của ILO, điều này thể hiện những kỹ năng nghề chuyên ngành được đào tạo có xu hướng nhanh lỗi thời hơn so với những kỹ năng đào tạo cơ sở. Báo cáo đặt ra vấn đề là các chương trình đào tạo nghề cần phải được điều chỉnh và cập nhật để có thể đáp ứng những yêu cầu liên tục thay đổi của nền kinh tế số.

Thời điểm này, xu hướng toàn cầu hóa đang chậm lại. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, địa chính trị sẽ là yếu tố then chốt tác động thúc đẩy một xu hướng khu vực hóa (quy mô thương mại khu vực sẽ lớn hơn so với thương mại toàn cầu) và công nghệ là một trong những nhân tố tác động tới làn sóng reshoring (quyết định đưa công đoạn sản xuất mà trước đây được di chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn về chính quốc). Có thể sẽ làm thay đổi xu hướng cho thị trường lao động thế giới trong thời gian tới.

Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ, chỉ số sản xuất chế tạo tháng 4 của Mỹ đạt 41,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009 do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm công suất để đối phó đại dịch Covid-19.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Mỹ cũng trượt sâu từ mức 48,5 trong tháng 3 về mức 36,1 – mức thấp nhất trong 11 năm qua, do các nhà sản xuất đóng cửa và hủy đơn hàng để ngăn dịch Covid-19 lan rộng.

Tim Fiore, chuyên gia giám sát thực hiện khảo sát chỉ số sản xuất chế tạo của Mỹ đánh giá, sẽ mất nhiều thời gian để người tiêu dùng Mỹ cảm thấy thoải mái khi ra ngoài mua sắm. Điều này đồng nghĩa sẽ mất nhiều thời gian để kích hoạt nhu cầu hàng hóa đầu vào của các nhà máy.

Các chuyên gia từ công ty nghiên cứu và tư vấn kinh tế Oxford Economics dự báo, phải đến năm 2021, hoạt động sản xuất chế tạo của Mỹ mới có thể hồi phục như trước đại dịch.

Chủ tịch Berkshire Hathaway, tỷ phú Warren Buffett, cho biết công ty đã bán toàn bộ cổ phần tại các hãng hàng không Mỹ gồm United, American, Southwest và Delta Airlines.

“Thế giới hàng không đã thay đổi. Tôi không biết nó đã thay đổi như thế nào nhưng hy vọng sẽ có sự điều chỉnh nhanh chóng và hợp lý. Tôi không biết liệu 3, 4 năm nữa, mọi người có bay nhiều như năm ngoái hay không, chúng ta đã có quá nhiều máy bay. Tôi nghĩ hàng không là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề vì lệnh đóng cửa vì những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”, tỷ phú nói trong đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2020.

2. Thị trường Việt Nam

Các nhà đầu tư tổ chức bán ròng trong tháng 4

Theo dữ liệu của FiinPro, tự doanh CTCK trong tháng 4 bán ròng lên đến hơn 1.915 tỷ đồng ở sàn HoSE, giá trị bán ròng đột biến ở cổ phiếu MSN với giá trị lên đến gần 704 tỷ đồng. GEX cũng bị bán ròng rất mạnh với hơn 213 tỷ đồng. Tiếp sau đó, DBC, PLX, FPT và HPG đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CCQ E1VFVN30 đứng đầu danh sách mua ròng nhưng giá trị không quá cao với hơn 95 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại vẫn bán ròng rất mạnh trong tháng 4 với giá trị 6.138 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị bán ròng lên đến 14.800 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục tập trung bán ròng mạnh ở các cổ phiếu vốn hoá lớn, trong đó VIC đứng đầu danh sách với giá trị lên đến 1.214 tỷ đồng, bỏ xa cổ phiếu đứng ngay sau là VNM với 606 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị rút ròng khá mạnh với sự góp mặt của 5 mã là VCB, VPB, HDB, STB và BID.

Kết quả kinh doanh Quý I/2020 của tập đoàn Vingroup

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, quý đầu tiên doanh nghiệp không còn ghi nhận doanh thu từ bán lẻ, nông nghiệp, sau khi chuyển giao hai mảng này cho Masan.

Theo báo cáo, 3 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn này giảm 29%, còn 15.470 tỷ đồng (giảm 6.400 tỷ đồng). Mức lợi nhuận sau thuế đạt 505 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước và mức thấp nhất mà doanh nghiệp ghi nhận trong 5 năm gần nhất.

Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến 160% (đạt trên 8.900 tỷ đồng) Vingroup mới không phải báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính. Đây chính là tiền lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con trong kỳ của Vingroup.

Kết quả, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu về 3.428 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp lên tới 2.670 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Điều này được lý giải là phần lớn lợi nhuận đến từ bất động sản và các hoạt động có chi phí thuế cao.

Vướng Luật đất đai…, dự án chậm phê duyệt

Trong chương trình xây dựng luật năm 2020, Chính phủ đề nghị rút 1 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Lý giải về vấn đề này, Chính phủ cho rằng nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là lần thứ 2 Luật Đất đai năm 2013 đã phải lùi lại chưa sửa đổi được.

Trên thực tế, hiện nay Luật Đất đai đã có xung đột rất lớn với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lâm nghiệp… Điều này dẫn đến hệ quả trực tiếp là năm 2019 vướng đến mức các dự án tại Hà Nội và Tp.HCM chậm được phê duyệt, chỉ bằng 20% của những năm trước.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chính sự bất cập, xung đột giữa Luật Đất đai và các luật khác nên đây là một trong những nguyên nhân chính giảm cung của thị trường bất động sản.

Trong quá trình rà soát, khảo sát các chồng chéo của văn bản pháp luật về kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mâu thuẫn, chồng chéo nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, tập trung tại các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, khoáng sản…

3. Hàng hóa tài sản

Nhu cầu tăng nên giá của nhiều loại trái cây và thực phẩm liên quan lên cao

Đại dịch Covid-19 thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của thế giới. Mọi người bắt đầu tìm đến những loại thực phẩm lành mạnh hơn, bổ dưỡng cho sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Xu hướng ăn uống này chính là nguyên nhân khiến thị trường nông sản tăng giá.

Đại dịch Covid-19 khiến mọi người luôn lo sợ về đồ ăn bên ngoài và điều này đã thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, theo ông Sylvain Charlebois, giám đốc phòng phân tích thực phẩm nông nghiệp tại Đại học Dalhousie.

Bơ là một trong những nông sản có giá tăng đột biến trong vài tuần qua. Một thùng bơ Hass từ Michoacan, bang trồng bơ lớn nhất ở Mexico, có giá khoảng 490 peso (20 USD) vào ngày 27/4, tăng 63% so với đầu tháng 3. Các kệ hàng nông sản khác ở siêu thị cũng nhanh chóng trống trơn. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu IRI, doanh số bán lẻ cam chanh tại Mỹ tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3.

“Nhìn chung, mọi người đang đánh giá quá cao về lợi ích sức khỏe của tất cả mặt hàng nông sản tươi”, ông Roland Fumasi, chuyên gia phân tích tại RaboResearch, nói.

Ví dụ, người tiêu dùng tăng mua cam chanh vì họ nghĩ hàm lượng vitamin C trong loại quả này có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Từng là một thức uống buổi sáng không còn được ưa chuộng vì lượng đường cao, nước cam giờ cũng được mua nhiều.

Trong khi đó, lệnh phong tỏa buộc các nhà hàng phải đóng cửa, trở thành “hòn đá” đè nặng lên một số mảng khác của nông nghiệp. Thịt xông khói và sữa là 2 trong nhiều thực phẩm bị người tiêu dùng bỏ lại trong mùa dịch Covid-19. Người nông dân Mỹ buộc phải tiêu hủy nguồn cung dưa thừa vì nhu cầu từ các nhà sản xuất bơ và phô mai sụt giảm.

4. Câu chuyện đầu tư

Einstein gọi lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới và nói rằng “những ai hiểu nó, sẽ kiếm được nó, còn những ai không, thì phải trả nó”. Bằng việc sử dụng những câu chuyện hài hước qua các bức thư, Buffett dạy các nhà đầu tư rằng sức mạnh của lãi kép là vô địch trong việc làm giàu bằng đầu tư. Việc áp dụng lãi kép xuyên suốt một chương trình đầu tư lâu dài sẽ luôn là chiến lược tốt nhất của bạn.

Về bản chất, một chương trình đầu tư đầu tiên và trước hết là một chương trình lãi kép. Nó là một quá trình liên tục tái đầu tư các khoản lợi nhuận sao cho mỗi khoản bổ sung sẽ tự sinh lời. Các khoản lời trên lợi nhuận này theo thời gian sẽ trở thành thành phần chiếm ưu thế ngày càng lớn trong tổng mức lợi nhuận của chương trình đầu tư. Hai yếu tố quyết định tới kết quả đầu tư cuối cùng là (1) lợi suất trung bình năm và (2) thời gian.

Sức mạnh của lãi kép bắt nguồn từ chính bản chất biến đổi của nó; thời gian càng lâu thì sức mạnh của nó càng lớn. Tuy nhiên, nó cần một khoảng thời gian đáng kể để đủ lớn và trở thành tác nhân chi phối rõ ràng trong chương trình đầu tư, nhưng rất nhiều người đánh giá thấp tầm quan trọng của nó. Nếu bạn sớm bám vào những ý tưởng này và cho nó thời gian để phát triển, bạn sẽ không cần thêm nhiều thứ khác để trở thành nhà đầu tư thành công. Thật không may, nhiều người vì quá thiển cận hay thiếu kiên nhẫn mà không thể tận dụng triệt để những gì chúng mang lại.

Chẳng hạn, một khoản đầu tư 100.000 đô la có mức sinh lợi 10% mỗi năm. Tổng lợi nhuận sẽ cao hơn khoảng 7% nếu các khoản lợi nhuận được tái đầu tư thay vì rút ngay sau thời gian 5 năm. Không ấn tượng lắm nhỉ. Tuy nhiên, sau 10 năm, khoản tiền mà có lợi nhuận được tái đầu tư (tạm gọi là Khoản dùng lãi kép) sẽ sinh lợi nhiều hơn 30% so với khoản tiền không được tái đầu tư. Khi đó, các kết quả “phấn khích” này sẽ tiếp tục tăng lên tới năm thứ 15. Bây giờ, Khoản dùng lãi kép đã lớn hơn gần 70% rồi. Lãi kép tăng theo hàm số mũ, nó sẽ hình thành đà tăng lên theo thời gian; sau 20 năm, lợi nhuận đã lên tới 125%. Chẳng có gì mạnh mẽ hơn nữa. Chi tiêu ngay khoản lợi nhuận của bạn sẽ khiến tổng lợi nhuận của bạn giảm nhiều; với tư cách là nhà đầu tư, chúng ta cho phép lợi nhuận của chúng ta tích lũy lên nhau và trở thành tác nhân chi phối tạo ra của cải của mình. Chúng ta làm việc đó một cách kiên nhẫn.

Tầm quan trọng của lãi kép thật khó để cường điệu. Nó giải thích tại sao Charlie Munger, người bạn của Buffett trong những năm tháng ở Công ty Hợp danh và hiện là phó chủ tịch của Công ty Berkshire, từng nói rằng Buffett coi việc cắt tóc mất 10 đô la giống như một khoản tiêu tốn thực sự tới 300.000 đô la. Hóa ra là ông ta có hơi bảo thủ một chút; nếu Buffett không chi 10 đô la để cắt tóc vào năm 1956, thay vào đó đầu tư vào Công ty Hợp danh, thì bây giờ khoản đó đã lên tới hơn 1 triệu đô la rồi (10 đô la được áp dụng lãi kép ở mức lãi suất 22% trong 58 năm). Nhìn vào lãi kép qua lăng kính của Buffett, không khó để hiểu tại sao ông ấy lại sống thanh đạm tới vậy. Việc cắt tóc của ông ấy thực sự quá đắt đỏ!

Tới giữa độ tuổi đôi mươi, Buffett đã tin rằng sức mạnh của lãi kép sẽ giúp ông giàu có. Trở về Omaha với khoảng 100.000 đô la trước khi bắt đầu các thỏa thuận góp vốn, ông tự coi mình về cơ bản là đã nghỉ hưu. Ông thấy rằng mình cần đọc nhiều hơn và có lẽ nên tham gia một số lớp học đại học. Ông tin vào sức mạnh của lãi kép tới mức ông bắt đầu lo lắng về những tác động tiêu cực có thể xảy đến khi gia đình ông trở nên giàu có; ông không muốn những đứa con hư hỏng và muốn một chiến lược để nuôi dạy chúng tốt. Có thể mối bận tậm về việc tránh để con mình hư hỏng là điều dễ hiểu, nhưng hãy nhớ rằng lúc đó Buffett mới chỉ tuổi đôi mươi và vẫn còn ngồi trên giường ngủ để tính toán mấy khoản đầu tư khiêm tốn của mình.

Điều trên dẫn tới một lời khuyên theo lẽ tự nhiên như thế này: Nếu bạn có thể chi tiêu ít hơn thu nhập của mình trong khi đạt được lợi nhuận tốt hơn mức trung bình dù chỉ một chút thôi thì bạn cũng sẽ khá ổn về mặt tài chính. Tuy nhiên, phải thật kiên nhẫn. Bạn không thể thúc ép lãi kép được; bạn phải để nó “ngấm” dần qua thời gian.

Hãy nghĩ tới trường hợp của Ronand Read, một nhân viên bơm xăng ở Vermout. Anh ấy đã kiếm được một khoản lợi nhuận ròng lên tới 8 triệu đô la bằng cách kiên trì đầu tư từng khoản nhỏ trong tiền lương của mình vào các cổ phiếu uy tín có trả cổ tức trong suốt cuộc đời mình.

Buffett vẫn ở căn nhà cũ trong hàng thập kỷ. Lối sống và đầu tư của ông rất thiết thực và đầy ý nghĩa. Sự kiên nhẫn và tính thanh đạm cho phép ông duy trì một khoản vốn đầu tư tối đa và hưởng lãi kép.Khoản này, cùng với lợi suất cao mà ông có thể tạo ra, đã cho phép ông đóng góp toàn bộ cổ phiếu tại Công ty Berkshire của mình cho Quỹ Gates, món quà từ thiện lớn nhất trong lịch sử thế giới. Không chỉ vậy, tôi nghĩ ông còn là một trong những người hạnh phúc nhất thế giới vì đã thực hiện được chính xác điều ông mong muốn từng giây phút trong cuộc đời của mình.

Lãi kép có hiệu ứng lớn nhất khi được đầu tư sớm nhất có thể! Một khi bạn đã hiểu, bạn nên lên kế hoạch đầu tư xuất phát điểm dù bao nhiêu cũng được, càng sớm càng tốt. Từ một khoản tiền nhỏ nhưng được đầu tư từ khi bạn còn trẻ thì khoản đầu tư kia sẽ giúp bạn nghỉ hưu sớm hơn nhiều so với một số tiền lớn nhưng lại đầu tư muộn.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest