Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các lệnh trừng phạt từ Châu Âu đã đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng đỉnh kể từ năm 2008. Trong khi đó, OPEC+ vẫn giữ nguyên chiến lược khai thác dầu, còn FED đề xuất tăng lãi suất ở mức 0,25% trong phiên họp tháng 3. Những khủng hoảng, biến động sâu sắc trong nền kinh tế thế giới đang là điều khiến nhiều người lo ngại. Và Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ. Vậy cần phải nhìn nhận các vấn đề này như thế nào? Cùng các chuyên gia của VNDIRECT đánh giá về sức ảnh hưởng trong La bàn thị trường tuần này.
Giá hàng hóa toàn cầu tăng lên đỉnh 14 năm
Chỉ số S&P GSCI, thước đo bao quát giá các nguyên vật liệu thô đã tăng 5,02% trong phiên 4/3 lên 3.921,5 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Lũy kế từ đầu năm 2022 chỉ số này đã tăng 34,57%. •
Giá dầu Brent ngày 4/3 gần vượt 118 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4/2012; giá dầu WTI gần đạt 116 USD/thùng, cao nhất kể từ 2008. Giá khí đốt tương lai trên sàn TTF Hà Lan đạt mức 192.550 EUR/MWH, tăng 10,8 lần trong vòng 1 năm.
Giá năng lượng tăng đã kéo theo hiệu ứng chi phí đẩy lên giá kim loại. Giá nhôm có lúc tăng 3,6% lên đỉnh mới 3.850 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London (LME). Giá đồng cũng cận kề đỉnh thời đại. Giá quặng sắt tương lai tại Singapore trên đà tăng 15% tuần này, tuần tăng mạnh nhất hơn 3 tháng, trong bối cảnh lực cầu từ Trung Quốc dự báo tăng. •
Giá lúa mỳ lên cao nhất từ năm 2008 vì lo ngại thiếu cung toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine làm mất khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của mặt hàng thiết yếu này. Giá lúa mỳ tương lai trên sàn Chicago tăng kịch biên độ 6,6% lên 12,09 USD/bushel.