Căng thẳng Nga – Ukraina dồn dập leo thang đang tác động mạnh đến thị trường tài chính. Trong tuần vừa qua, chúng ta chứng kiến giá vàng, dầu tăng vọt, chứng khoán rơi thê thảm sau quyết định của Nga. Cuộc căng thẳng giữa Nga và Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những khủng hoảng, biến động sâu sắc trong nền kinh tế thế giới đang là điều khiến nhiều người lo ngại. Và Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ. Vậy cần phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng này như thế nào? Cùng các chuyên gia của VNDIRECT đánh giá về sức ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này trong La bàn thị trường tuần này.
Nguy cơ gián đoạn toàn cầu trước khủng hoảng Nga – Ukraine
Căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang với diễn biến ngày 24/2 Tổng thống Nga Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực miền Đông của Ukraine. Động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính, các chỉ số lớn như Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm và chỉ số MOEX của thị trường chứng khoán Nga có lúc giảm tới 45%, đây là mức thấp nhất của MOEX kể từ tháng 9/2015.
Hiện nay Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba trên thế giới. Châu Âu là nơi tiêu thụ gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga. Về cơ bản, Nga là một trạm xăng lớn của toàn cầu, nếu trạm xăng này đóng cửa, những bên phụ thuộc có thể bị tê liệt.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu, với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, từ đó đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đồng thời điều này sẽ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao hơn nữa, dẫn đến lo ngại gia tăng về diễn biến lạm phát, từ đó là cơ sở cho các ngân hàng trung ương bắt buộc phải nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 – 2023 càng ngày càng trở nên thành hiện thực.