DCall Podcast sáng 29/12/2022 – Dự báo CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1 – 3,2%

Mục lục

https://soundcloud.com/vndirect-dcall/du-bao-cpi-binh-quan-nam-2022-uoc-tang-31-32

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Dự báo CPI bình quân năm 2022 của Việt Nam ước tăng 3,1 – 3,2%

– Sáng 28/12, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ họp tổng kết công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 và định hướng năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp. Theo dự báo, CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1 – 3,2%.

– Trong điều hành năm 2022, một trong những thành công đó là sự phục hồi của kinh tế thế giới sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa tăng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Giá cả một số mặt hàng chiến lược, nguyên nhân vật liệu biến động tăng cao vào nửa đầu năm, tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới đã tác động mạnh đến giá cả trong nước.

– Năm 2023, Quốc hội “quyết” CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý, khi điều kiện cho phép; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi).

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Giới phân tích kỳ vọng mặt bằng lãi suất sớm hạ nhiệt

– Hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh kinh doanh dịp cuối năm, nhiều ngân hàng đã công bố chương trình giảm lãi suất cho vay. Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5% – 3%/năm.

– Cụ thể, gần nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam công bố Chương trình ưu đãi giảm lãi suất với hạn mức giải ngân lên đến 2.000 tỷ đồng. Theo đó, từ tháng 12/2022, mức lãi suất ưu đãi sẽ được giảm từ 2,5% đến 3%/năm so với lãi suất thông thường đối với khoản vay trung và dài hạn. Trước đó, VIB cũng áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5% cho khách hàng trong thời gian từ 10/10/2022-30/06/2023 cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ vay kinh doanh tại VIB. Hay tại MB, ngân hàng này cũng có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5 – 1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu.

– Theo giới chuyên môn, với việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cùng hành động điều phối nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ sớm hạ nhiệt. Cụ thể, với triển vọng kinh tế kém lạc quan cho năm 2023, các cơ quan quản lý có thể cân nhắc hỗ trợ thị trường tiền tệ nhằm kích thích phát triển nền kinh tế. Dự kiến, lãi suất lãi suất có thể bắt đầu giảm từ quý 2/2023. Theo đó, lạm phát cũng có xu hướng cao trong những tháng đầu năm 2023 nhưng giảm dần từ quý 2/2023.

– Trên thực tế, mục tiêu tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn được Ngân hàng Nhà nước thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt thông qua việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ liên tục nhắc nhở các ngân hàng phải tìm các biện pháp đưa lãi suất xuống thấp trong thời gian vừa qua.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thị trường chứng khoán: VNINDEX tiếp đà hồi phục

– Kết phiên giao dịch ngày 28/12/2022, VNINDEX đóng cửa tại 1,015.66 điểm, tăng 11.09 điểm so với phiên giao dịch trước đó. Thanh khoản tăng nhẹ đạt hơn 10,325 tỷ đồng, có 259 mã tăng, 146 mã giảm và 71 mã tham chiếu.

– Hầu hết các nhóm ngành đều tăng, mạnh nhất có thể kể đến như: Năng lượng (2.65%), Tiêu dùng thiết yếu (1.4%), Bất động sản (1.27%),… có 2 ngành giảm nhẹ trong phiên hôm nay như Chăm sóc sức khoẻ (-0.92%), Tiêu dùng (-0.36%),…

– Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 328 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung các mã như: STB, SAB. DGC,…

– Các cổ phiếu có tác động mạnh tới VNINDEX chủ yếu là nhóm cổ phiếu ngân hàng: BID (2.39 điểm), VCB (1.06 điểm), SAB (0.8 điểm), CTG (0.66 điểm), … Ngược lại, ở chiều giảm điểm với một số cái tên nổi trội như MWG (-0.29 điểm), TCB (-0.13)…

– VNINDEX có một phiên giao dịch nổ lực để lấy lại điểm số đã mất vào phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn đang đứng ngoài thị trường trong giai đoạn sát kỳ nghỉ lễ. Vì vậy, tiếp tục quan sát là hành động phù hợp vào lúc này và chờ đợi 1 tín hiệu xác nhận tạo đáy ngắn hạn. Với tầm nhìn tích cực về thị trường trong dài hạn, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể sẵn sàng cho các cơ hội mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với mức định giá hợp lý trong các nhịp thị trường điều chỉnh quanh vùng giá 960-980 điểm.

• VCCI – Góp ý lựa chọn một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu buộc phải xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó mới áp dụng đại trà từ năm 2024

– Mới đây, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những nội dung góp ý đáng chú ý.

– Cụ thể, VCCI cho rằng cần cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà. Diện doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước thì nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh.

– Giải thích nguyên nhân đề xuất trên, VCCI cho rằng xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hoá thị trường, tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng “con gà quả trứng” – khi chưa có cầu thì rất khó có cung, và khi chưa có cung thì rất khó quy định bắt buộc. Nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ ngày 01/01/2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay. Do đó, việc giãn thời hạn thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc là cần thiết.

– Hiện tại, cơ quan soạn thảo Nghị định cũng đã đề ra giải pháp sẽ tăng cường tuyên truyền về ích lợi của việc xếp hạng tín nhiệm và cấp phép bổ sung các đơn vị làm dịch vụ. Theo đó, nếu như góp ý này được thông qua, kỳ vọng trong năm 2023 sẽ có một lượng khách hàng mồi cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành. Đây là góp ý tương đối phù hợp, trong bối cảnh thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn tương đối sơ khai tại Việt Nam như hiện nay. Đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị phát hành trái phiếu có thêm thời gian chuẩn hóa các yêu cầu để được xếp hạng đồng loạt từ năm 2024.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Lĩnh vực bất động sản thu hút 4,45 tỷ USD vốn FDI

– Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ.

– Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là ngành dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD.

– Phân theo khu vực, TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

– Ngành bất động sản Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với nguồn vốn ngoại. Những khó khắn trước mắt về thanh khoản có thể khiến thị trường bất động sản kém khả quan, nhưng nhìn vào những tín hiệu tích cực của nguồn vốn ngoại và những chính sách của nhà nước đang ngày một rõ ràng và chặt chẽ hơn, có thể thấy bất động sản Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 29/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest