DCall Podcast sáng 28/11/2022 – Dự kiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 đạt 11 tỷ USD

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế

– Hôm thứ Sáu (25/11), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản đối với hầu hết các ngân hàng. Việc điều chỉnh sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 và sẽ bơm 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế.

– Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một cách để giải phóng thanh khoản dài hạn giá rẻ cho các ngân hàng, cho phép các ngân hàng có thể gia hạn thêm các khoản vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, động thái này sẽ tiết kiệm 5,6 tỷ nhân dân tệ (784 triệu USD) chi phí tài trợ mỗi năm cho các tổ chức tài chính đủ điều kiện hưởng lợi từ việc cắt giảm.

– Được biết, đây là lần thứ hai trong năm nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Lao động dệt may, da giày bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên do thiếu đơn hàng

– Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.

– Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Việc cắt giảm này đi ngược xu thế mọi năm khi cùng kỳ các nhà máy thường gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng.

– Thực tế số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 năm nay đang thấp hơn 25 – 50% so với quý 2/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15 – 20% do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện đang ở mức cao. Theo dự báo của Bộ Công Thương, triển vọng đơn hàng quý 4/2022 và 6 tháng đầu 2023 sẽ không mấy khả quan.

• Dự kiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 đạt 11 tỷ USD

– Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

– Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của thuỷ sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu đạt 1,9 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Trung Quốc đại lục và Hong Kong ghi nhận 1,5 tỷ USD, tăng 74%; Nhật Bản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 33%.

– Dự kiến hết tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD, cá tra vượt 2 tỷ USD và có thể đạt 2,5 tỷ USD. Đặc biệt, cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD, đây là mục tiêu cách đây ba năm và năm nay mới có thể đạt được. Nhóm hải sản ước đạt 3,2 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• MWG: Chính thức thâm nhập thị trường Indonesia

– Theo báo cáo mới cập nhật, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đã chính thức khai trương cửa hàng điện máy đầu tiên tại Indonesia vào ngày 24/11, dưới thương hiệu Era Blue Elektronic.

– Đây là một liên doanh giữa MWG với đối tác địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone – công ty con của Tập đoàn Erajaya). Trong đó, MWG nắm giữ 45% cổ phần tại liên doanh này.

– Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, thị trường điện máy tại Indonesia còn sơ khai trong khi thị trường điện thoại đang ngang bằng với quy mô Việt Nam. Bên cạnh đó, luật đầu tư tại Indonesia đang rất cởi mở nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào.

– Era Blue được kỳ vọng có 5 cửa hàng tại Indonesia vào cuối năm 2022, đạt thị phần 20-40% trong 5 năm tới, và sau đó sẽ tiến hành IPO. Doanh thu kỳ vọng theo đó tiến đến 2-4 tỷ USD/năm, qua đó giúp tập đoàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch thứ Sáu ngày 25/11/2022, VNINDEX mở gap tăng gần 9 điểm đầu phiên sáng, đà tăng duy trì ổn định và gia tăng mạnh vào phiên chiều. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại 971,46 điểm, tăng 23,75 điểm (+2,51%).

– Trên sàn HOSE, có 380 mã tăng, 72 mã giảm và 62 mã đứng giá. Trong đó có 60 mã tăng trần. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ, đạt hơn 9.716 tỷ đồng.

– Những cổ phiếu tác động tích cực đến VNINDEX gồm VIC, BID và VHM với mức tăng lần lượt là +3,83 điểm, +2,54 điểm và +2,18 điểm. Chiều giảm điểm có NVL (-0,73 điểm), GAS (-0,48 điểm) và BVH (-0,33 điểm).

– Cả 10 nhóm ngành ghi nhận đà tăng, trong đó tăng mạnh là Nguyên vật liệu (+5,3%), Bất động sản (+3,57%) và Năng lượng (+3,46%). Các nhóm ngành còn lại tăng từ 0,5% – 2,9%.

– Khối ngoại nâng mạnh giá trị mua ròng lên hơn 961 tỷ đồng, cụ thể họ mua CTG (+128,55 tỷ đồng), VHM (+111,79 tỷ đồng) và HPG (+97,15 tỷ đồng). Chiều bán ròng, khối này tập trung vào VCB (-34,82 tỷ đồng), GAS (-17,84 tỷ đồng) và DIG (-12,66 tỷ đồng).

– VNINDEX diễn biến tích cực khi đà tăng lan tỏa trên mọi nhóm ngành, tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa sau nhiều phiên giao dịch giằng co.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, cơ cấu danh mục để giữ lại những cổ phiếu thu hút được dòng tiền, việc giải ngân mới cần thận trọng dần khi VNINDEX tiếp tục tăng hướng tới kháng cự 1000 – 1,040 điểm.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư định kỳ, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.

– Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 25/11/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest