DCall Podcast sáng 25/11/2022 – MWG: Doanh thu tháng 10/2022 giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Hoạt động kinh doanh ở Eurozone giảm chậm lại trong tháng 11

– Số liệu về chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) do S&P Global công bố cho thấy hoạt động kinh doanh ở Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) tiếp tục giảm sút trong tháng 11 nhưng với tốc độ chậm hơn.

– PMI tăng từ 47,3 trong tháng 10 lên 47,8 tháng 11, nhưng vẫn dưới 50, ngưỡng cho thấy sự suy giảm, tháng thứ năm liên tiếp.

– Nhà kinh tế trưởng của S&P – Chris Williamson cảnh báo hoạt động kinh doanh tháng 11 tiếp tục giảm càng gia tăng nguy cơ đẩy kinh tế Eurozone vào suy thoái. Cho đến nay, các dữ liệu quý 4 cho thấy GDP quý sẽ giảm khoảng 0,2%.

– Mặc dù các nguồn cung cho các doanh nghiệp cải thiện, hoạt động kinh doanh tại Đức vẫn giảm mạnh nhất ở Eurozone, với PMI ở mức 46,4. PMI của Pháp cao hơn, nhưng cũng ở mức dưới 50 lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Cán cân thương mại thâm hụt 1,15 tỷ USD trong kỳ 1 tháng 11/2022

– Theo số liệu thống kê sơ bộ được Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2022 (từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2022) đạt 28,4 tỷ USD, giảm 6,3% so với nửa cuối tháng 10/2022.

– Cụ thể, trong nửa đầu tháng 11/2022, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,63 tỷ USD, giảm 16,7% so với nửa cuối tháng 10/2022. Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu đạt 14,78 tỷ USD, tăng 5,8% so với nửa cuối tháng 10/2022.

– Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/11, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt 644,7 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021.

– Như vậy, trong kỳ, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,15 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 8,66 tỷ USD.

• Giao dịch M&A của Việt Nam đạt gần 6 tỷ USD trong 10 tháng 2022

– Thống kê từ KPMG cho thấy, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt mức 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350 giao dịch, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021. Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).

– Tương tự năm 2021, các giao dịch M&A trong năm 2022 tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: Tiêu dùng, Bất động sản, Công nghiệp. Đặc biệt, ngành năng lượng đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

– Sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hy vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục bởi thị trường Việt Nam được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để kích hoạt những cơ hội mới.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• MWG: Doanh thu tháng 10/2022 giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021

– CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) cho biết doanh thu thuần tháng 10/2022 đạt 10.900 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ 2021.

– Trong đó, chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đạt 8.300 tỷ, giảm 18% so với cùng kỳ tháng 10/2021. Chuỗi Bách Hóa Xanh , tháng 10 thu về 2.370 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt 1,37 tỷ đồng, Bách Hóa Xanh theo đó ghi nhận mức lợi nhuận trực tiếp (đã bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng dương vào tháng 10 và cao nhất kể từ đầu năm 2022.

– Lũy kế 10 tháng đầu năm, MWG đạt 113.700 tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 10, Công ty có 1.163 cửa hàng chuỗi Thế giới di động (bao gồm 93 Topzone), 2.269 cửa hàng chuỗi Điện máy xanh và 1.729 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày hôm qua, VNINDEX duy trì trạng thái giảm trong hầu hết thời gian phiên giao dịch. Cuối phiên chiều đã có lực mua gia tăng khiến chỉ số hồi phục về mốc điểm tham chiếu. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại 947,71 điểm, tăng nhẹ 1,71 điểm (+0,18%).

– Trên sàn HOSE, có 218 mã tăng, 214 mã giảm và 72 mã đứng giá. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ, đạt hơn 8.358 tỷ đồng.

– Những cổ phiếu tác động tích cực đến VNINDEX gồm VIC, VNM và HPG với mức tăng lần lượt là +1,24 điểm, +0,94 điểm và +0,8 điểm. Chiều giảm điểm có MSN (-1,39 điểm), GAS (-1,15 điểm) và MWG (-1 điểm).

– 5 trên 10 nhóm ngành ghi nhận mức tăng, trong đó tăng mạnh là Nguyên vật liệu (+2,89%), các nhóm ngành còn lại tăng dưới 1% gồm Tài chính, Công nghiệp, Bất động sản và Chăm sóc sức khỏe. Chiều giảm mạnh có Tiêu dùng (-3,97%), các nhóm ngành còn lại giảm dưới 0,8%.

– Khối ngoại nâng giá trị mua ròng lên hơn 290 tỷ đồng, cụ thể họ mua FUEVFVND (+81,8 tỷ đồng), VNM (+71,74 tỷ đồng) và BID (+27,86 tỷ đồng). Chiều bán ròng, khối này tập trung vào FUESSV50 (-25,89 tỷ đồng), GAS (-19,93 tỷ đồng) và KDH (-16,34 tỷ đồng).

– VNINDEX tiếp tục có lực mua hỗ trợ tại vùng 940 điểm, số lượng mã tăng và giảm không quá chênh lệch cho thấy tâm lý thị trường đang có dấu hiệu cân bằng trở lại và xác suất giảm sâu là thấp.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, có thể giải ngân tỷ trọng nhỏ với những cổ phiếu đã tạo nền giá ổn định và quan sát thị trường để chờ thêm cơ hội.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư định kỳ, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.

Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 25/11/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest