DCall Podcast sáng 22/11/2022 – GEX: Tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Dự trữ và thương mại song phương của Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt

– Theo dữ liệu mới công bố của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), dự trữ của Nga đang tiếp tục tăng khi hoạt động thương mại của nước này phục hồi sau cú sốc về gói trừng phạt khổng lồ mà phương Tây áp đặt kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm nay.

– Cụ thể, dự trữ quốc tế của Nga đã tăng lên hơn 552 tỷ USD, tăng 1,9% (10,5 tỷ USD) trong tuần tính đến ngày 11/11. Con số trên bao gồm khoảng 300 tỷ USD bị đóng băng tại các ngân hàng trung ương phương Tây khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.

– Xuất khẩu của Nga cũng đang phục hồi. Theo Eurostat (Cơ quan thống kê EU), thương mại Nga – EU trong năm 2022 có thể đạt 293,8 tỷ euro – tăng so với mức của năm 2021.

– Thương mại của Nga với Trung Quốc đạt mức cao mới mọi thời đại. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng lên 153,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đạt 94,34 tỷ USD. Trung Quốc đã thay thế các nước châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

• Châu Âu gấp rút lấp đầy kho dầu diesel  trước lệnh cấm vận Nga

– Theo các gói trừng phạt được EU công bố trước đây, lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2023. Lệnh cấm này theo sau lệnh cấm vận dầu thô của Nga sắp có hiệu lực vào 5/12 tới.

– Châu Âu hiện có rất ít lựa chọn thay thế ngay lập tức dầu của Nga. Do đó, mới đây những nước trong khu vực này đang cố gắng lấp đầy các kho chứa dầu của mình trước thời điểm lệnh cấm vận có hiệu lực. Theo thông tin từ Pamela Munger – chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty phân tích năng lượng Vortexa, cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 1/11 đến ngày 12/11, lượng dầu diesel của Nga được vận chuyển đến khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) tăng lên 215.000 thùng/ngày, tăng 126% so với tháng 10.

– Theo dữ liệu từ Refinitiv, dầu diesel từ Nga đã chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu bằng đường bộ của châu Âu từ đầu tháng 11 đến nay. Trong tháng 10, con số này là 39%.

– Mặc dù châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga, nhưng Nga vẫn đang là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất cho lục địa này.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Giá xăng dầu đồng loạt giảm trong ngày 21/11/2022

– Từ 15h chiều ngày 21/11, Liên bộ Công thương – Tài chính điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ.

– Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 40 đồng/lít, về ngưỡng 22.670 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 80 đồng/lít, về 23.780 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 180 đồng/lít, giá bán là 24.800 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá mới là 24.640 đồng, giảm 100 đồng; dầu mazut tăng 20 đồng, có giá mới là 14.780 đồng/kg.

– Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công thương – Tài chính trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 là 250 đồng/lít, RON 95 là 200 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít và ngừng chi Quỹ bình ổn giá.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• GEX: Tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

– CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) vừa công bố quyết định của Tổng giám đốc về việc mua lại trước hạn 500 tỷ đồng trái phiếu thuộc 2 lô trái phiếu phát hành năm 2020, 2021.

– Cụ thể, Gelex sẽ mua lại 77,7 tỷ đồng trái phiếu còn lại của mã trái phiếu TP.GEX.2020.01. Đây là lô trái phiếu có tổng mệnh giá 300 tỷ đồng, đáo hạn ngày 13/5/2023, lãi suất cố định 9,5%/năm. Thời gian tổ chức mua lại dự kiến bắt đầu từ 9/12/2022 cho đến khi hết dư nợ trái phiếu.

– Gelex cũng công bố mua lại 200 tỷ đồng trong tổng số 1.000 tỷ đồng mã trái phiếu GEXH2124002. Lô trái phiếu này đáo hạn ngày 23/12/2024, lãi suất cố định 8,5%/năm. Thời gian dự kiến mua lại là 23/12/2022.

– Từ tháng 5/2022 đến nay, Tập đoàn Gelex liên tục mua lại trái phiếu trước hạn. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, công ty đã trả hơn 4.800 tỷ đồng nợ vay trái phiếu. Tính đến cuối kỳ, dư nợ trái phiếu của Tập đoàn còn 2.454 tỷ đồng, giảm 58% so với con số đầu năm.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày hôm qua, VNINDEX tuy mở gap tăng nhẹ đầu phiên sáng nhưng do áp lực bán gia tăng khiến chỉ số quay đầu giảm điểm. Kết phiên, chỉ số đóng cửa tại 960,65 điểm, giảm 8,68 điểm (-0,9%).

– Trên sàn HOSE, có 259 mã tăng, 177 mã giảm và 75 mã đứng giá. Trong đó có 52 mã tăng trần. Thanh khoản sụt giảm chỉ đạt hơn 8.784 tỷ đồng.

– Những cổ phiếu tác động tiêu cực đến VNINDEX gồm VCB, VIC, GAS với mức đóng góp giảm lần lượt là -1,78 điểm, -1,53 điểm và -1,44 điểm. Chiều tăng điểm hỗ trợ chỉ số có GVR (+0,85 điểm), SAB (+0,54 điểm) và VNM (+0,47 điểm).

– 4 trên 10 nhóm ngành ghi nhận giảm điểm gồm Bất động sản và Công nghệ thông tin (-2,13%), Tiêu dùng (-1,58%), Tài chính (-1,11%). Tăng mạnh nhất có Năng lượng (+1,96%) và Công nghiệp (+1,15%), các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 0,3%.

– Khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 36,73 tỷ đồng. Cụ thể họ mua FUEVFVND (+62,68 tỷ đồng), VPB (+54,35 tỷ đồng) và HPG (+52,1 tỷ đồng). Chiều bán ròng khối này tập trung vào DGC (-150,97 tỷ đồng), DXG (-50,37 tỷ đồng) và STB (-34,44 tỷ đồng).

– VNINDEX điều chỉnh giảm khi chạm tới vùng kháng cự 960-980 điểm, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền đầu cơ trong khi hai nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa đang có dấu hiệu chững lại.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, quan sát nhịp điều chỉnh của thị trường, chờ cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi lực mua có dấu hiệu suy yếu.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest