DCall Podcast sáng 21/12/2022 – UBCKNN sắp có hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Thu ngân sách đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, vượt gần 20% dự toán

– Bộ Tài chính cho biết, với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. Thu NSNN đến thời điểm 15/12/2022 đã cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua vào tháng 10/2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

– Trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt công tác thu, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng cường thu nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu thu đạt mức cao hơn. Lý do thu NSNN đạt cao là nhờ kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến GDP năm 2022 tăng khoảng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách. Trong tổ chức thực hiện, cơ quan Thuế, Hải quan đã tập trung triển khai các giải pháp, chính sách thu NSNN hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tháo gỡ 8 khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách.

– Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm: số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 76,33 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Tỷ giá lại tăng mạnh, lên gần 24.000 đồng/USD

– Sáng ngày 20/12, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.643 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD giao ngay tại Sở giao dịch NHNN giữ nguyên mức 23.450-24.780 đồng/USD.

– Đáng chú ý, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khá mạnh trong 3 phiên gần đây với mức tăng hơn 300 đồng. Cụ thể, tại Vietcombank, sau khi tăng 90 đồng phiên 16/12 và 100 đồng phiên 19/12, giá USD sáng nay (20/12) tiếp tục tăng thêm 130 đồng lên 23.640-23.950 đồng/USD. Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng đã tăng giá bán USD lên gần mốc 24.000 đồng. Chẳng hạn như BIDV tăng 145 đồng lên 23.685-23.965 đồng/USD. Techcombank tăng 110 đồng lên 23.665-23.970 đồng/USD. Thậm chí ACB tăng tới 200 đồng lên 23.500-24.100 đồng/USD (hình thức mua bán bằng tiền mặt).

– Tuần trước, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng cũng biến động mạnh, liên tục đảo chiều tăng/giảm với mức điều chỉnh hàng trăm đồng mỗi phiên. Trên thị trường tự do, giá USD cũng bật tăng mạnh trở lại, riêng trong sáng 20/12 tăng khoảng 80 đồng lên 24.080-24.180 đồng/USD.

– Tỷ giá trong nước tăng khá mạnh trong những phiên gần đây dù đồng USD tiếp tục giảm giá trên thị trường quốc tế. Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – trên thị trường quốc tế đã giảm xuống còn 104,53 điểm. Trong khi đó, các đồng tiền khác như EURo, Đô la Úc , Yen Nhật đều tăng giá.

– Ngày 15/12, NHNN niêm yết lại tỷ giá mua USD (là tỷ giá NHNN mua USD từ các NHTM), đây là một thông tin tích cực đối với thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Động thái này báo hiệu NHNN sẽ bắt đầu mua lại ngoại tệ từ các NHTM có trạng thái ngoại tệ dương. Đây là thông tin rất tốt cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời điểm này bởi nếu NHNN mua vào USD sẽ trực tiếp bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, giúp giảm bớt sự thiếu hụt thanh khoản cho hệ thống.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• UBCKNN sắp có hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

– Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN, đơn vị này đã chỉ đạo các Sở giao dịch chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán.

– Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh và trách nhiệm của các định chế trung gian thông qua việc tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty chứng chỉ quỹ theo đề án được Chính phủ phê duyệt.

– Theo các chuyên gia, thị trường thứ cấp còn rất sơ khai và việc chào bán ra công chúng hạn chế cũng là những thách thức của thị trường TPDN.

– Nếu như có thị trường thứ cấp tập trung và thanh khoản tốt thì việc nhà đầu tư đột ngột yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn sẽ được xử lý dễ dàng và bớt nghiêm trọng hơn. Do chưa có thị trường thứ cấp tập trung nên khi gặp tính huống này, các nhà phát hành của Việt Nam dễ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

– UBCKNN đánh giá, thị trường TPDN có nhiều khó khăn do sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư, một số doanh nghiệp sai phạm bị xử lý cũng như việc một số tin đồn thất thiệt về một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên của người dân

– Mới đây, UBND TP.HCM có tờ trình gửi Chính phủ về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017. Trong đó, có nội dung đáng chú ý là TP. HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên của người dân. Nội dung này nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, doanh nghiệp.

– Theo UBND TP.HCM, mục đích thí điểm chính sách về thuế bất động sản, làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời, tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

– Đồng tình với quan điểm đánh thuế bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, ở các nước khác, kể cả nước đang phát triển, mức thuế sàn đánh vào bất động sản khá cao, từ 1% – 1,5% áp trên giá thị trường. Còn tại Việt Nam, thuế bất động sản áp vào giá Nhà nước mà hiện nay giá Nhà nước thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Đối với người sở hữu nhiều bất động sản, các nước khác đánh thuế cao gấp 2 – 3 lần, nhất là với những thửa đất không sử dụng, bỏ hoang. Từ đó, việc sử dụng đất đai được hiệu quả, loại bỏ được việc đầu cơ, tích trữ. Còn ở Việt Nam, việc mua bất động sản khá khó vì giá cao, nhưng “nuôi” bất động sản lại rất dễ vì không phải nộp tiền gì, tạo nên nhiều nghịch lý trong thị trường bất động sản, không thuận lợi cho việc phát triển.

– Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này sẽ cần thêm cân nhắc chi tiết và hoàn thiện hệ thống pháp luật, do có thể gặp phải một số vướng mắc, tiêu biểu là (1) sẽ có tình trạng lách luật, tránh bị đánh thuế bằng cách nhờ người khác đứng tên bất động sản; (2) việc đánh thuế bất động sản thứ 2 với mục đích chống đầu cơ tại TP.HCM chưa phù hợp bởi nếu có ý định đầu cơ thì người dân hoàn toàn có thể mua bất động sản ở những địa phương vùng ven hoặc xa hơn có tiềm năng tăng giá. Nếu chỉ thu thuế tại TP.HCM thì các nhà đầu tư sẽ lại “đổ” dòng tiền về các tỉnh khác.

– Theo các chuyên gia, việc thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên ở TP.HCM cần được ưu tiên thực hiện ở quận nội thành như Quận 1, Quận 3. Ngoài ra cũng tính toán phương án phù hợp với những trường hợp người dân có một căn nhà ở tại TP.HCM, nhưng sở hữu một bất động sản khác ở địa phương khác.

• Xuất khẩu thép xây dựng tiếp tục giảm thêm 53% trong tháng 11– Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 11, tình hình sản xuất thép xây dựng vẫn tiếp tục sụt giảm so với các tháng trước và cùng kỳ 2021 do một các công ty thép cắt giảm sản xuất. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11 đạt 682.800 tấn, giảm 5% so với tháng trước và giảm 37% so với tháng 11/2021. Bán hàng thép xây dựng đạt 874.631 tấn, tăng 23% so với tháng trước và đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 97.462 tấn, giảm 52,5% so với tháng 11/2021.

– Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 11,2 triệu tấn, đi ngang so với cùng kỳ 2021. Bán hàng thép xây dựng đạt 11,2 triệu tấn, tăng 3%, trong đó xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2021.

– VSA cho biết giá nguyên liệu sản xuất thép giảm liên tục từ tháng 4 đến nay, nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm khi thị trường bất động sản chững lại, biến động tỷ giá đồng ngoại tệ là những yếu tố khiến các nhà máy thép gặp nhiều khó khăn.

– Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng tồn kho giá cao, kết quả kinh doanh giảm sút do cạnh tranh về giá bán và thị phần. Hiện nay một số doanh nghiệp đã tạm ngưng giảm giá bán, điều này khiến thị trường trở nên bình ổn hơn trước, thúc đẩy việc tiêu thụ và từng bước tái tạo tồn kho. Tuy vậy, các công ty thương mại, nhà phân phối vẫn hạn chế mua vào, giao dịch kém đi, chủ yếu nhắm đến việc thu hồi công nợ cuối năm.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 21/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest