DCall Podcast sáng 19/12/2022 – GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng trên 8% trong năm 2022

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

● GDP Việt Nam 2022 dự kiến tăng trưởng trên 8%, cao nhất trong vòng 11 năm
– Vào ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.
– Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4% , cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng 2022 tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5% … Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
– Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức với nền kinh tế. Cụ thể, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm , giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm.
– Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.
– Theo đó, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine; nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam được dự báo là đáng kể; thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn…
– Bất chấp khó khăn kể trên, chúng tôi nhận thấy động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 bao gồm: khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, giúp cho tăng trưởng GDP dự báo năm 2023 tăng 6,7% so với cùng kỳ, cao hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

● Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh khi lãi suất lên cao
– Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9, chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.
– Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng lên 0,4%, nhanh hơn so với những tháng trước khi các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động.
– Cụ thể, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 3 – 4%/năm tùy từng kỳ hạn. Phổ biến từ 9,5 – 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm. Lãi suất ở mức cao khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy vào kênh tiết kiệm.
– Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, giảm 15.811 tỷ đồng vào tháng 10, xuống còn 5,76 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do nhu cầu sử dụng vốn cuối năm của doanh nghiệp tăng cao nên thường rút ra nhiều hơn gửi vào.
– So với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng tăng 4,39%, tương đương tăng 480.780 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 2,15%.
– Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống khó khăn, các ngân hàng tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động đồng thời gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khó để giảm lãi suất cho vay. Tại Hội nghị do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 15/12, các ngân hàng đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm, từ đó có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5 – 2%/năm. Biện pháp này cũng sẽ giúp cho “cơn sốt” gửi tiền vào ngân hàng có thể hạ nhiệt dần trong thời gian tới, đảm bảo ổn định, an toàn thanh khoản hệ thống.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

● Lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đạt mức cao nhất trong 18 tháng
– Theo thống kê, lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong tháng 11 tăng 73,6% so với tháng trước đạt 42.800 tỷ đồng. Lợi suất trúng thầu các kỳ hạn 10 năm và 15 năm trong các phiên đấu thầu gần nhất đều tăng 80 điểm cơ bản so với tháng trước lên lần lượt 4,8% và 4,9%.
– Trong khi đó, giao dịch trên thị trường thứ cấp tiếp tục thu hẹp với giá trị giao dịch bình quân ngày của các giao dịch outright giảm gần 40% so với tháng 10/2022 xuống 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi suất Trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp gần như không đổi so với tháng trước. Tính đến cuối tháng 11, lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm đạt lần lượt 4,81% (-2 điểm cơ bản so với tháng trước) và 4,92% (-3 điểm cơ bản so với tháng trước).
– Kho bạc Nhà nước đã công bố kế hoạch phát hành 100.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ trong quý 4/2022. Như vậy, Kho bạc Nhà nước cần phát hành thêm 32.600 tỷ đồng trong tháng 12 (tương đương 76% lượng Trái phiếu Chính phủ phát hành trong tháng 11) để hoàn thành kế hoạch phát hành quý 4/2022. Các chuyên gia cho rằng kế hoạch này là khả thi.

● Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam
– Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 26/2022/QĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
– Theo đó, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
– Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
– Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính, chế độ báo cáo thống kê, kế toán, kiểm toán, công bố thông tin, và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
– VSDC kế thừa tất cả quyền lợi, trách nhiệm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
– Chúng tôi cho rằng việc nâng cấp Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thành tổng công ty sẽ gia tăng tính trách nhiệm của cơ quan này trong các hoạt động (1) tổ chức thực hiện và giám sát việc đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán, giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật, cũng như (2) sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, qua đó góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

● Giá dầu suy yếu trở lại do lo ngại suy thoái kinh tế
– Giá dầu phiên thứ Sáu cuối tuần ngày 16/12 (giờ Việt Nam) tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,65%, xuống mức 79,37 USD/thùng. Cùng thời điểm, dầu WTI của Mỹ giảm 2,36%, xuống mức 74,55 USD/thùng.
– Theo phân tích của chuyên gia trên sàn Oanda và CMC Markets, giá dầu thô bị sức ép khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng sau khi các ngân hàng trung ương đưa ra một đợt lãi suất mới.
– Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu đang được dấy lên nhiều lo ngại thì nguồn cung dầu thô lại khá tích cực. Tình trạng ùn tắc tàu chở dầu ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải quyết. Nga vẫn đang bán một lượng lớn dầu thô cho Ấn Độ giá dưới mức giá trần của EU, G7 đặt ra.
– Chúng tôi cho rằng đà phục hồi của giá dầu vẫn sẽ chịu sức ép trong giai đoạn tới trong điều kiện các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục duy trì kế hoạch thắt chặt tiền tệ trong năm 2023.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 19/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest